3. Buổi sáng Bảo Ninh
Chủ Nhật. Đã hơn năm giờ sáng. Nếu ở nhà thì sẽ sang Mỹ Khê “đùa chơi” với sóng. Nhưng đây lại là Đồng Hới, nên theo chân các chị trong đoàn “ngao du ngày tháng” tìm đến với bãi biển Bảo Ninh như là để “bảo toàn” năng lượng biển.
Trong cái rạng dần của bình minh, mặc cho các chị nhanh chân, mình cứ nhẩn nha. Biển dẫu có gọi mời cũng thong thả bước. Mình muốn thẩn thơ một chút với vườn hoa ven sông. Cái vườn hoa này, những lần trước đến đây mình chưa hề chộ, nay cũng đâu đã ngắm nhìn. Trận mưa đêm qua đã khóa chân mình lại, chỉ được nhìn nó sau màn mưa. Cái vườn hoa nằm sát bên sông Nhật Lệ như là chứng tích sự thay da đổi thịt của thành phố một thời oằn mình hứng chịu bom đạn chiến tranh này, sau cơn mưa khuôn mặt tươi tỉnh, sậm màu hơn. Hoa lá như đang chào ngày mới bằng màu sắc tinh khôi, nhiều tầng vừa tạo độ rộng, chiều cao vừa tạo độ sâu cho không gian. Không gian vì thế mà yên tĩnh và mát mẻ khiến lòng người thanh thản. Kể ra bàn tay con người cũng kì diệu thật. Nơi mảnh bom chen lấn nhau trong từng centimet vuông đất đã mọc lên những cây hoa, đem lá đem bông làm đẹp cho thành phố. Trong không gian ấy, thưa thớt một vài người đi bộ thể dục cũng lặng lẽ sải chân. Con đường bê tông chẳng vang lên một tiếng động nào. Chẳng bù với Đà Nẵng, người đi bộ ken dày ở bờ tây sông Hàn. Nơi này, chị em phụ nữ đang tập thể dục theo tiếng nhạc Tây xập xình; nơi kia những phụ nữ cao tuổi đang tự nguyện múa quạt với điệu nhạc “Tự Nguyện” : “Nếu là chim… Nếu là người…”, nơi nọ một nhóm đàn ông ngồi chuyện phiếm… Người xuôi kẻ ngược giống thoi đưa khiến bầu khí buổi sáng như ấm lên vì được hâm bởi hơi người. Còn ở đây cứ như giữa đồng mà hới nhau… đồng thì mênh mông, người thì ít ỏi, rải rác quá nên chẳng ai nghe… hới hời…
Nói vui vậy thôi, mỗi thành phố có một nhịp sống đặc trưng của nó. Đồng Hới là Đồng Hới, Đà Nẵng là Đà Nẵng. Nghĩ cũng lạ, sao người ta cứ “bắt” thành phố này phải như thành phố kia về kiến trúc, về lối sống, về văn hóa mà quên đi cái văn hóa vùng miền, cái tính cách con người được bắc nổi bởi địa văn hóa. Đi qua nhiều thành phố, nhìn cứ thấy chúng như những cặp sinh đôi, sinh ba… Cũng nhà cao tầng mái bằng, mái chóp đỏ, cũng bờ sông xây xi măng, bên bờ sông có những bồn hoa, con đường bê tông và ghế đá… đó là loại kiến trúc sao chép thiếu linh hồn.
Có tiếng gọi của các chị ở phía trước. Phải nhanh chân thôi. Chị Phụng quê gốc ở đây bảo từ nhà nghỉ sang biển khoảng cây số. Vậy mà đi cũng đã bết chân. Nhưng chẳng sao. Mình đã thấy trên sông cạnh cầu Nhật Lệ một dàn lưới vó đang căng ra để hứng nắng sớm. Đây là một nét cổ truyền chấm phá vào tổng thể hiện đại của thành phố. Lòng mình như nhẹ nhàng hơn. Cái lưới vó soi mình trên dòng nước sớm mai như gợi sự thanh bình, gợi nét đẹp của cuộc sống sông nước bao đời của người dân Đồng Hới. Không biết, đây có phải là sự cố ý tạo điểm nhấn khác biệt cho thành phố hay không. Dù thế nào thì tạo vật, cảnh quan ấy cũng để lại trong lòng người cái bâng khuâng hoài cổ để thêm yêu cái đẹp xưa.
Bãi biển Bảo Ninh đây rồi. Ngước nhìn quang cảnh chung quanh, biển cũng thưa thớt người. Đây vài người ngồi mơ màng nhìn trời nước bao la. Đó vài cô gái trẻ đang chụp ảnh kỉ niệm. Lẻ tẻ vài người đang ngâm mình trong nước biển. Riêng các chị trong đoàn thì đang đứng ở triền dốc của bãi biển nói cười. Mình đề nghị chụp vài tấm ảnh kỉ niệm trước khi các chị xuống giỡn sóng. Một tấm quay lưng về đại dương. Đẹp lắm. Có lẽ làm một tấm có hàng dương liễu mới thấy cái đẹp tự nhiên của biển Bảo Ninh chăng. Hay đấy. Rồi, đẹp ghê… Chụp ảnh xong, các chị xuống tắm còn mình làm một vòng bãi biển. Bãi biển ở đây cũng đã có bàn tay của công nghệ du lịch chạm tới, nhưng vẫn giữ được vẻ tự nhiên của nó. Chỉ tiếc một điều, ở bãi biển từ trục đường Trần Hưng Đạo, băng qua cầu Nhật Lệ chạy thẳng vào, không biết người ta xây đài gì trông rất lạ. Mình nghĩ hoài mà chẳng thấy một ý nghĩa biểu tượng gì. Có lẽ do óc tưởng tượng của mình không còn “bay” được nữa và khiếu thẩm mĩ của mình cũng đã hư mòn cũ kĩ lắm rồi! Vì vậy, mình kết luận một cách vội vàng: giữa thiên tạo và nhân tạo không hợp thành bản tổng phổ hài hòa, cứ lệch pha thế nào ấy.
Đã hơn sáu giờ rồi. Mình rảo bước về phố. Phải tranh thủ chụp tháp chuông nhà thờ Tam Tòa còn trụ lại sau chiến tranh. Chả là khi đi trời lờ mờ, mình thấy mà không thể quan sát được. Dừng chân ngắm nghía và chụp một vài kiểu ảnh tháp chuông từ phía sau và phía trước bằng ánh sáng sậm màu. Lòng mình như có chút nao nao. Nhất là khi đọc bảng: “QUY ĐỊNH BẢO VỀ DI TÍCH CHỨNG TÍCH TỘI ÁC CHIẾN TRANH THÁP CHUÔNG NHÀ THỜ TAM TÒA, THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI”, trong lòng dậy lên bao câu hỏi về câu chữ ấy. Mình đã thấy ở đâu đó bia tội ác của đế quốc Mĩ, nhưng sao nơi này ghi là “tội ác chiến tranh”. Đất nước đã gần 40 năm thống nhất, những vết thương chiến tranh đã thực sự lành miệng! Lòng nhân hậu Việt Nam đã thực sự thay thế hoàn toàn những gì là thiên kiến, định kiến, không nhân ái!
Những câu hỏi đã theo mình về nhà. Một buổi sáng chủ nhật gần đây nhâm nhi cà phê cùng bằng hữu, đem băn khoăn về chữ nghĩa trong bảng quy định trên ra trang trải. Một anh bạn bảo, nhà thờ Tam Tòa, hèn chi Đà Nẵng mình cũng có nhà thờ Tam Tòa. Dân mình đáng nể thật, họ “gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Nguyễn Khoa Điềm). Một anh khác hờ hững, chỉ là sự trả treo chữ nghĩa thôi. Nghe anh bạn nói, mình nghĩ sao không thể hiểu như ý nghĩa câu Kiều trong diễn văn của Tổng thống Mĩ Bill Clinton khi sang thăm Việt Nam năm 2000:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
Nghĩ thế nhưng lòng mình không hết băn khoăn trước những đầy với của lịch sử. Tự nhiên, mình nhớ lại tâm trạng mình lúc đứng trước di tích chứng tích tội ác chiến tranh tháp chuông nhà thơ Tam Tòa, Đồng Hới. Khoảnh khắc ấy, những câu thơ trong bài “Đá ơi” của Nguyễn Duy hiện về giăng mắc trong tâm trí mình, Đó là những câu thơ, khi nhà thơ mặc niệm trước Angkor đổ nát mà thương cho kiếp người để đau đớn thốt lên:
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...
Hoàng Dục
8-8-2013
____________
8-8-2013
____________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét