Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

457. NGƯỢC BẮC MIỀN TRUNG

     4. Bên bờ suối Nước Moọc. 

     Đến suối Nước Moọc, đoàn chúng tôi chia làm hai. Một nhóm ở lại, một nhóm lên động Thiên Đường. Mình thuộc nhóm thứ hai gồm chị Phượng, chị Nhi, chị Huê và bà xã, những người chỉ nghe mà chưa thấy nên háo hức “thiên đường trần thế” trong Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẽ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình này. Chúng tôi ra xe, chị Thu Hương bảo : “Ai đi “thiên đường” lên xe, nhớ tầm hơn 12 giờ về suối Nước Moọc ăn cơm”.
     Thực ra, trong nhóm chúng tôi có bốn người chưa biết kì quan thiên nhiên được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá từ năm 2005 và công bố năm 2010; người đã biết là bà xã mình, do đó tình nguyện làm hướng dẫn viên. Chừng hơn nửa giờ xe, nhóm đã tới bãi đậu xe dưới chân núi. Bãi xe chật nêm. Chủ nhật có khác. Nhóm mua vé lên xe vào chân động. Lái xe điện là một cô gái trẻ, ăn mặc giản dị và duyên dáng. Ngồi bên cô mình tăn măn về hang động. Từ chuyện lịch sử hang động, đến đường vào núi, đường lên động, cấu trúc tự nhiên và nhân tạo của hang…, được cô gái giới thiệu gọn, cụ thể và sáng rõ bằng giọng Quảng Bình bùi tai. Vừa nghe cô gái nói, mình vừa nhìn cảnh quan. Con đường vào chân núi bằng bê tông hẹp, lượn lờ dưới các tán cây, dưới các dây leo lòa xòa buông xuống. Bóng nắng chỉ lấp lóa đây đó trên cao. Chỉ khi nào xe quanh sát bờ suối, giữa khoảng hở của cây cối, mới thấy nắng khoe mình, nắng xôn xao trên cao, nắng lấp loáng trên mặt suối, nắng chấp chới phía cánh rừng xa,… khoe mình sáng lóa. Còn ở phần lớn đường vào, nắng chỉ là đốm nắng lung linh trên những tán lá khiến không gian thêm phần huyền ảo. Đi trên con đường này, khiến ta có cảm giác lạc giữa non tiên. 


     Lạ chưa. Sao lại có hai con đường, có lẽ một đường vào một đường ra, mình lanh chanh nghĩ. Hỏi cô lái xe, được trả lời, đường xe và đường đi bộ, đường đi bộ bên trái xe chúng ta đó. Vội nhìn có ai đi bộ không. Đi bộ hẳn có cái thú của nó. Xa một chút, phía trước mặt hình như có những người Tây ba lô trên vai đang thả bước. Khuôn mặt họ bị che khuất bởi những tán lá và những dây leo nên chẳng rõ già trẻ thế nào, chỉ thấy dáng dấp họ rất trẻ. Họ vừa đi vừa ngắm cảnh vừa trò chuyện. Đúng là Tây, khỏe thật, một chị ngồi sau lên tiếng. Mình cười, không khỏe sao gọi là Tây. Cái gì của Tây, thuộc Tây đều to khỏe cả. Cả nhóm cười xòa.


     Xe đến chân núi, cả nhóm quyết định lên động bằng lối dốc quanh co, dành lối có 524 bậc cấp cho chuyến đi xuống. Ở lối đi này, người lên xuống khá nhộn nhịp, chưa biểu hiện dấu hiệu của “đoàn quân mỏi”. Thi thoảng có chiếc honda thồ lên xuống dốc mà kinh. Nhìn cảnh kẻ lên người xuống, mình tự nhủ sao mà đông đúc thế này, không khéo núi nghiêng lệch một phía mất. Lên lưng chưng núi chân rã rời. Có ai đó động viên, cố lên còn hai phần ba đường nữa,… rồi nửa đường nữa. Mình phải nghỉ mấy lần mới lên đến nhà chờ. Ngồi thở. Các chị xuống hang động, còn mình xuống một đỗi ngắm, chụp mấy cái ảnh rồi lên ngồi ở nhà chờ như để chờ. 


      Ngồi ở đây mới thấy người nêm người chật ních. Hết đoàn này đến đoàn kia lên núi, vào hang, lên hang, xuống núi luân phiên đến chóng mặt. Lại thêm loa phóng thanh cứ lặp lại câu, xung quanh nhà chờ chúng tôi bố trí nhiều thùng rác, xin quý khách bỏ rác vào thùng. Tưởng oải và nản, nhưng vớ được cái thú là được nghe những lời bình luận sau khi xuống hang lên của khách tham quan. Có người vừa ló ra khỏi hang, ngữa mặt lên trời thở : ôi thiên đường. Có người mặt xanh mét: thấy thiên đường rồi. Có người cười thỏa mãn: đúng là thiên đường. Một người đàn ông với comple máy ánh Canon, buông lời không bằng lòng: địt mẹ… thế mà cũng là thiên đường, toàn nhũ đá chán ngắt… Ngồi và nghe, nhiều nhiều lời bình luận kiểu như thế, mình thầm phân loại, có những câu nói đùa và cũng có những câu nói thật. Nói đùa vì được xem một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt vời giữa chốn trần ai, nhưng khá nhọc sức. Nói thật vì có nhiều người “tấp tễnh người đi tớ cũng đi”. Họ có tiền, có thời gian nhưng không biết dùng vào việc gì, để làm gì nên tìm đến với động Thiên Đường theo cảm tính hoặc theo sự rủ rê của ai đó. Họ chẳng có một chút đam mê cái đẹp nào, mà chỉ có sự hiếu kì. Họ đi bằng sự trống rỗng của văn hóa thưởng lãm, trống rỗng óc tưởng tượng. Họ ngoạn cảnh với tâm lí thực dụng chứ không bằng tâm lí nghệ thuật. Nghĩ cho cùng, mười ngón tay có ngón ngắn ngón dài, con người, mỗi người mỗi tính, mỗi nết, biết làm sao được.


      Hơn mười một giờ rưỡi, các chị thăm động xong. Cả nhóm xuống núi theo con đường bậc cấp, rồi nhanh chóng ra xe quay về suối Nước Moọc. Lúc này cái cảm giác đói vùng lên, hoành hành đẩy mọi người vào cơn bải hoải tứ chi, cồn cào bụng dạ. May sao, khi đi, chị Nhi đã nhanh tay lấy một ít cơm vắt và mấy lọn chả. Một lát cơm, một miếng chả, cái bụng mới chịu nằm yên. 


      Cũng đã gần một giờ, cả nhóm về suối Nước Moọc. Mưa đã tạnh. Sân bãi đã có nhiều xe đỗ hơn. Một mùi thơm ngậy béo thoảng đâu đây. Hóa ra, ở bên bờ suối, trong một căn lều nhỏ vĩ nướng gà đang quanh quất mấy làn khói mỏng. Mùi thịt gà nướng thật hấp dẫn. Giá như rộng rãi thời gian, và anh hướng dẫn chưa đến, hẳn không thể “lơ mồi”. Hóa ra, anh hướng dẫn đợi sẵn để đưa chúng tôi đến nơi sinh hoạt của nhóm ở lại. Buổi sáng trời lất phất mưa. Lũ từ Lào đổ về. Đường đi ướt và trơn. Nếu không có anh hướng dẫn, làm sao luồn rừng vượt qua chiếc cầu tre lắc lẻo dầm trong nước suối gần năm phân. Kể cũng vất vã và hơi run, nhưng cũng qua. Giá cứ “đường đời bằng phẳng” thì chuyến vui chơi cũng bằng phẳng, chả ấn tượng gì, như thế làm sao gọi là đi, gọi là vui chơi!


       Đến nơi, các chị Thu Hương, Trần Hương, Bích, Châu, Phụng đang ngồi tên tảng đá lớn ven suối dưới một tán cây. Phía trước mặt có một cây cầu gỗ nhỏ bắc ngang suối. Các chị đang ăn cơm vì phải chờ lâu. Hai nhóm hợp nhất, mọi người ồ lên vui vẻ, nhóm mình nhanh chân sà vào ngồi ăn cơm. Nhưng lát cơm vắt chấm muối mè hay ăn với tôm, thịt nạc kho rim. Món quen thuộc nhưng đã lâu mới được ăn lại. Cám ơn chị Phụng đã chu đáo với đoàn, cho đoàn một bữa ăn vừa giản dị vừa sang trọng. Điều thú vị nhất là vừa ăn vừa ngắm suối, chỉ tiếc là thiếu cây đàn và những giọng ca. Nhớ ngày xưa, đi Phật tử, học đại học, nhưng sinh hoạt thế này tuần nào chả có. Từ sau khi đi dạy học từ Đắc Lắc về Đà Nẵng, chẳng có dịp nào như thế này. Những bận rộn “cơm áo tẹp nhẹp”, những đòi hỏi giải giếc cứ quay mình ra bã. Bây giờ nghỉ hưu mới được sống lại với không khí ngày xưa. Kể như thế cũng vui lắm rồi. Và một điều đáng tiếc nữa là trời mưa lũ không được nhởn nhơ trong làn nước suối trong xanh. Một số chị nhìn dòng nước chảy xiết bọt trắng xóa của một nhánh suối đang nhập vào suối chính, và nhìn dòng nước đỏ ngầu khi qua quãng lặng mà chép miệng tiếc rẽ. Chị Hương hình như hiểu ra, cứ thanh minh, nước suối ở đây xanh ngọc bích đẹp lắm… bây giờ nó thế vì mưa lũ ở thượng nguồn… Nào có ai trách móc gì đâu. Đúng là… Tại sao cứ cho suối Nước Moọc chỉ đẹp khi trời nắng ráo, khi nước xanh biêng biếc. Sao nó không thể đẹp khi mưa lũ về. Mỗi mùa đem đến cho suối một hình sắc, một tiếng nói riêng. Người ngắm cảnh hẳn cũng không muốn ngắm một phía, một chiều cảnh đẹp mà nhìn từ nhiều chiều để cảm nhận trọn vẹn vẻ toàn mĩ của nó. 


     Ăn xong, cả đoàn ngồi trò chuyện, rồi chụp ảnh lưu niệm. Một buổi sáng thiên đường ở Thiên Đường, một buổi trưa ngả sang chiều cũng rất thiên đường bên bờ suối Nước Moọc. Đúng ba giờ chiều, cả đoàn băng rừng theo đường mòn cũ ra xe. Tạm biệt suối Nước Moọc, xe bon về hướng Khe Sanh…
      Hoàng Dục
     10-8-2013
     _________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét