Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

450. HAI VỊ HOÀNG ĐẾ

 Đọc "Hành trình về phương Đông" của Dr. Blaise T. Spalding, Nguyên Phong dịch, Nxb Phương Đông ấn hành, Sài Gòn, 2010; thấm thía hai mẩu chuyển về hai vị hoàng đế, một của Hi Lạp, một của vương quốc Rapoor, Ấn Độ. Hai mẩu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa sâu xa, lớn lao, cho nên không thể nào khác hơn là ghi lên đây : 


1. Đại đế Alexander Hi Lạp.
Alexander là học trò của nhà hiền triết Aristotle. Ông ta là một người văn võ toàn tài. Khi lên ngôi hoàng đế, ông tâm sự với thầy : “Con sẽ chiến thắng Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì”. Aristotle hỏi : “Rồi sao nữa?”. Alexander suy nghĩ : “Sau đó, con có thể ngủ một cách bình an”. Aristotle mỉm cười : “Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có hơn không?”. Alexander đã không ngủ bình an đêm nay như lời khuyên của thầy. Để xây dựng nền hòa bình thịnh vượng cho Hi Lạp, vị hoàng đế đó đã càn quét, tiêu diệt  tất cả các nước láng giềng. Ông ta dẹp tan Ai Cập, quét sách Ba Tư, mở rộng bờ cõi đến tận Ấn Độ Dương. Vị hoàng đế bách chiến bách thắng đó chinh phục tất cả nhưng rồi bị chính các bậc hiền giả Ấn Độ chinh phục để khi về nước ông ta trở nên một triết gia khiêm tốn.
Ấy là khi dẹp tan đạo quân Ấn Độ, Alexander kiêu căng lớn tiếng với những tướng chỉ huy quân Ấn : “Thua trận như vậy, các người đã chịu phục ta chưa?”. Một chỉ huy thua trận dõng dạc : “Nhà người chỉ là một kẻ vũ phu, tàn ác làm sao ta phục cho được. Người có thể thắng bằng quân sự, nhưng cai trị thế nào nổi dân ta?”. Alexander nổi giận : “Ta đã cai trị toàn thế giới, có nước nào không phục tài ta, nơi nào làm phản ta giết trọn cả nước. Người không thấy các cường quốc như Ai Cập, Ba Tư còn xin thần phục huống chi Ấn Độ yếu đuối”. Tướng chỉ huy quân Ấn bật cười : “Chinh phục bằng sức mạnh quân sự thì dễ, chứ chinh phục bằng nhân tâm còn khó gấp trăm ngàn lần. Một kẻ vũ phu như ngươi, làm sao có thể cai trị được Ấn Độ”. Câu nói bất ngờ khiến Đại đế Alexander giật mình.
2. Hoàng đế vương quốc Rapoor.
Ashmah là một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ nằm sát chân núi, nơi đây có một ngôi đền bằng đá trắng đã hơn 4.000 năm, gọi là Ngôi đền im lặng. Đền xây cất để kỉ niệm về sự tỉnh ngộ của hoàng đế vương quốc Rapoor. Tục truyền, hoàng đế Rapoor đem quân đi chinh phục các nước láng giềng, đã gặp một vị đạo sĩ ở làng Ashmah. Đạo sĩ khuyên vua nên bỏ ý định chinh phục bằng sức mạnh, nên lấy nhân nghĩa ứng xử với người. Nhà vua nghe theo, ra lệnh bãi binh, khuyến khích dân chúng sống theo đạo hạnh. Từ đó, vương quốc Rapoor được hưởng một nền thái bình, thịnh trị lâu dài.
Ngôi đền im lặng chỉ là một căn phòng lớn trống không, không tranh, tượng nhưng trang nghiêm. Ở đây không thờ tự gì cả, thế nhưng ai bước vào đền yên tĩnh này cũng cảm giác lắng lòng lại, ai cũng sống trong tâm trạng bình an. Vào đền không ai được nói một lời nào, chỉ để lắng nghe tất cả, lắng nghe chính lòng mình. Bởi minh triết phát sinh từ im lặng.
3. Hai câu chuyện gợi nhiều suy nghĩ về ứng xử của các vị hoàng đế, về chiến tranh, về minh triết. Chuyện xưa nhưng không hề cũ với thời gian.
Hoàng Dục
19-7-2013
________________

2 nhận xét:

  1. " Chuyện xưa nhưng không hề cũ với thời gian."
    Xưa...là xưa của nay thôi ,
    Nay ...thì rồi cũng đến hồi thành xưa .
    Xưa nay ? nói mấy cho vừa ,
    Kẻ ưa danh vọng người ưa bạc tiền .
    Ước gì đắc đạo thành tiên ,
    Hoạ may mới hết luỵ phiền bạn ơi !

    Trả lờiXóa
  2. Lặng im là đạo trên đời,
    Lụy phiền đâu đến với người trống không

    Trả lờiXóa