Đi Đà Lạt về, tự dưng thấy trí não nằm thườn thượt ra. Cả ngày cứ uể oải chẳng nghĩ suy gì. Đọc sách, đọc báo, viết lách có cảm giác những cảnh quan xứ sương mờ, sương mơ lấn lướt, choáng cả tâm trí.
Hôm nay, ngồi viết lại nhưng không biết bắt nhịp bằng vấn đề gì. Ngòi bút cứ thậm thà thậm thụt đến tức cười. Nghĩ quẫn lại tự trách, biết vậy hôm Tết Tây, 1-1-2014, khai bút cho xong dù đang ở phố núi. Đầu xuôi thì đuôi lọt, có thế mà quên! Tại sao hôm đó lại vớ vẩn thế không biết? Ướm bút lên trang giấy là cảm hứng nhão ra, nguội ngắt. Có lẽ sợ người ta gán cho bài viết mình mang thông điệp đầu năm chăng? Bài nào chẳng chứa đựng thông điệp. Vấn đề là thông điệp gì, cũ hay mới, chỉ mang tính hình thức hay có chiều sâu tư tưởng, mang tính cá nhân hay tính cộng đồng, có giá trị nhất thời hay lâu dài… Lo hão hoài! Hãy viết đi. Thôi thì viết, viết về chuyện quản lí facebook của học sinh vậy.
Mấy ngày này nghe bàn tán về việc phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng tập huấn cho ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm các trường trên địa bàn phương pháp quản lí học sinh trên mạng xã hội facebook, bắt đầu thực hiện vào học kì 2. Thực hư thế nào chưa rõ. Nhưng nếu là chuyện thật thì cũng không mấy vui gì.
Trước đây, có lần viết về vấn đề thị phạm của thầy giáo. Thị phạm vốn là tâm lí, đúng hơn tư tưởng giáo dục của các vị muốn làm thầy thiên hạ, của thầy cô giáo. Thị phạm nên mới quy phạm, do đó nẩy sinh tư tưởng và hành động bao cấp, dài tay tạo ra cách giáo dục luống cày. Sản phẩm giáo dục theo đó là những bản sao không trọn vẹn của người làm giáo dục. Bây giờ nghĩ lại thấy câu chuyện thị phạm, quy phạm ngày càng trầm trọng hơn qua vấn đề quản lí mạng xã hội của học sinh.
Người lớn luôn nghĩ mình đúng nên phải làm thế này, thế kia giúp học sinh mình tốt hơn. Đó cũng là điều tốt, nhưng tại sao không để các em tự hoàn thiện. Người lớn cần có niềm tin vào các em, chính niềm tin sẽ tạo ra phương thức giáo dục tốt nhất.
Hơn nữa, bây giờ là thời đoạn nào rồi mà còn đòi quản lí facebook. Tại sao không cho các em một góc tự do, một thời khắc tự do để tự do về tinh thần. Sao thầy cô lại kết bạn trên face với các em để quản lí. Làm thế khác nào đi ngược lại từ “bạn” không? Làm thế khác nào đặt một vọng gác trong tâm hồn các em? Làm như thế là sự thất bại của giáo dục.
Tất nhiên, người lớn có nhiều lí do lo lắng nên đưa ra biện pháp quản lí trang mạng xã hội của học sinh. Nhưng nghĩ cho cùng, chẳng có lí do nào trúng với việc tôn trọng quyền con người cả. Nền giáo dục tốt nhất chính là nền giáo dục tôn trọng và phát huy năng lực nhân tính của học sinh. Nền giáo dục tốt nhất là giúp học sinh biết hoài nghi khoa học chứ không phải hoài nghi con người!.
Hoàng Dục
8-1-2014
______
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét