Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

647. XUÂN VÃN

Chùa Thiên Hưng, Bình Định
XUÂN VÃN

Trần Nhân Tông

Bài thơ “Chiều xuân” cũng là một bài thơ thấm đậm hương vị thiền của một bậc minh triết, đã ngộ đạo. Cấu trúc thơ đối lập. Hai câu đầu vẽ ra hình ảnh nhà thơ thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ nên không hiểu đạo là gì? Không rõ lẽ sắc không, không phân biệt được tâm và hình tướng nên xuân về là thấy lòng rộn lên theo hương sắc của các loài hoa nở. Có nghĩa là còn chạy theo thanh sắc, chưa hiểu lẽ sinh diệt luân hồi. Hai câu sau khi đã có sự trải nghiệm về đạo mới thấy rõ khuôn mặt thực của chúa xuân. Xuân chỉ cho đời thấy mặt sinh, mặt tươi tốt. Con người vì thế rơi vào mê ngộ, chỉ thấy hình tướng mà không rõ bản thể của vũ trụ và của chính mình. Kết thúc bài thơ, con người ngộ đạo ngồi trên nệm cỏ ngắm hoa rụng với tâm không bám víu vào đâu, với lòng an trú trong thực tại. Đó chính là tánh không vậy.

Nguyên tác:

  




Phiên âm:

Xuân vãn

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.

Như kim khám phá đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

               (Thơ văn Lý Trần tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988)

Dịch nghĩa:

Chiều xuân

Thuở nhỏ chưa hiểu rõ “sắc” với “không”,

Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa.

Ngày nay đã khám phá được bộ mặt của chúa xuân,

Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cánh hoa rụng

Dịch thơ:

Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,

Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.

Chúa xuân nay đã thành quen mặt,

Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng.

Bản dịch của Lê Mạnh Thát:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không,

Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

Chúa xuân nay bị ta khám phá,

Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

Bản dịch của Hoàng Dục:

Chiều xuân

Còn trẻ nào đâu hiểu sắc không,

Xuân về hoa nở xuyến xao lòng.

Chúa xuân nay đã nhìn ra mặt.

Nệm cỏ ngồi xem rụng cánh hồng.

Đà Nẵng, 01-2021

_______________ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét