Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

667. DIÊN HỰU TỰ

Chùa Thiên Hưng, Bình Định
DIÊN HỰU TỰ

玄光禪師
Huyền Quang thiền sư

Bài thơ cảm tác trước vẻ đẹp và sự uy nghiêm của chùa Diên Hựu vào một đêm trăng yên tĩnh và lạnh gia. Đọc thoáng qua, cảm giác đây chỉ là một bài thơ tức cảnh, thuộc thể hứng. Trước không gian nhuốm màu thiền, nhà thơ thoảng nghe tiếng chuông chùa đang tàn. Bầu trời lung linh màu đỏ của là phong trong màu trăng gờn gợn như sóng. Nhìn xuống đáy hồ, hình ảnh những con rồng, cón cú,…đang bay hay uốn lượn trên nóc chùa in bóng xuống mặt hồ tưởng như chúng đang ngủ giữa tấm gương vuông lạnh giá. Hai ngọn tháp như hai bàn tay ngọc đứng song song trong đêm lạnh và thanh vắng.

Cảnh khiến tâm hồn nhà thanh thoát, màn che niềm tục được gỡ bỏ. Tầm mắt mở rộng, hồn trí cũng theo đó mà thênh thanh nên chẳng lo toan vướng bận điều gì cả. Trong hồn trí của nhà thơ những điều thị phi phải trái ở đời đều như nhau. Ngay cả cung ma hay nước Phật, tất cả đều cũng chẳng có gì khác.

Phải cũng ở ta, trái cũng do ta. Cõi ta bà cũng ở ta, cõi Niết cũng do ta. Tất cả bởi tâm sinh. Cái lý của Phật đạo là vậy. Cái nhìn thấu suốt của bậc đốn ngộ là như thế chăng?

Nguyên tác:

延祐寺
上方秋夜一鐘闌, 
月色如波楓樹丹。
鴟吻倒眠方鏡冷, 
塔光雙峙玉尖寒。 
萬緣不擾城遮俗, 
半點無憂眼放寬。
參透是非平等相,
魔宮佛國好生觀。
Phiên âm:

DIÊN HỰU TỰ (*)

Thượng phương thu dạ nhất chung lan,

Nguyệt sắc như ba phong thụ đan.

Si vẫn đảo miên phương kính lãnh,(**)

Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.

Vạn duyên bất nhiễu thành già tục,

Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan. 

Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,

Ma cung Phật quốc hảo sinh quan. 

(Thơ văn Lý Trần, T.II, NXB Khoa học xã hội, 1988)

Dịch nghĩa

CHÙA DIÊN HỰU

Đêm thu, trên chùa một tiếng chuông đã tàn, 

Ánh trăng như sóng cây phong lá đỏ.

Bóng “xi vẫn” nằm ngủ ngược dưới mặt hồ như tấm gương vuông lạnh giá, 

Hai ngọn tháp đứng song song như ngón tay ngọc rét buốt. 

Muôn vàn nhân duyên không vương vấn là bức thành che niềm tục, 

Không lo lắng chút gì nên tầm mắt mở rộng. 

Hiểu thấu ý nghĩa của thuyết phải trái đều như nhau, 

Thì xem cung ma có khác gì nước Phật! 

Dịch thơ:

CHÙA DIÊN HỰU

Đêm thu chùa vẳng tiếng chuông tàn,

Lá đỏ rừng phong ngời sóng trăng.

Si ngủ mặt hồ gương lạnh giá,

Tháp như tay ngọc đứng song song.

Nhân duyên không vướng màn che tục,

Trí huệ rộng thênh tâm rỗng rang.

Phải trái tỏ tường bình đẳng hết,

Cung ma nước Phật thảy thiên đàng.

                            Hoàng Dục dịch

Đà Nẵng, 1-2021

___________

Chú thích:

(*) Chùa Diên Hựu: Theo một số văn bản, chùa được chú thích như sau: tức chùa Một Cột, được vua Lý Thái Tông cho dựng năm Kỷ Dậu (1049), nay vẫn còn ở Hà Nội sau nhiều lần trùng tu. Thực ra, chùa Diên Hựu (延祐寺) là một quần thể kiến trúc Phật giáo trong đó có chùa Một Cột, tên chữ là Liên Hoa Đài (蓮花臺). Quần thể chùa Diên Hựu đã bị hư hỏng nay chỉ còn lại Liên Hoa đài. Diên Hựu có nghĩa là phúc lành dài lâu. Cha ông ta gởi gắm ước mơ về một đất nước thanh bình, nhân dân an lạc đời đời khi đặt tên chùa.

(**) Còn gọi là “Xi vĩ”, là hình những con chim, cú, hoặc rồng được khắc hoặc đắp nổi trên nóc các đình, chùa. Trên nóc cùa Một Cột ngày nay có hình rồng..

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét