Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

668. NHÂN SỰ ĐỀ CỨU LAN TỰ

Chùa Thiên Hưng, Bình Định
NHÂN SỰ ĐỀ CỨU LAN TỰ

玄光禪師

Huyền Quang thiền sư

Đây có thể xem là bài thơ tự vịnh. Nhà thơ thiền sư tự nhìn lại mình  khi được Đệ nhị Tổ sư dòng thiền Trúc Lâm là Pháp Loa truyền thừa vào năm 1330. Sư Huyền Quang trở thành vị Tổ thứ ba của dòng thiền Việt Nam này. Nhìn lại mình, sư thấy tự thẹn vì đức mỏng, nhận lãnh trách nhiệm nặng nề của thiền phái e khó làm tròn phận sự. Không khéo như sư Hàn, sư Thập ngày xưa đã khiến ông quan Lư Khâu Dận vừa bái lạy xong phải chạy trốn. Chi bằng theo bạn về núi, ngày tháng nhàn tâm giữa điệp trùng núi non.

Phải chăng đức khiêm cung của một bậc đạt nhân, bậc đại giác là đây.

Nguyên tác:

因事題究蘭寺
德薄常慚繼祖燈, 

空教寒拾起冤憎。
爭如逐伴歸山去,
疊嶂重山萬萬層。
Phiên âm:

NHÂN SỰ ĐỀ CỨU LAN TỰ

Đức bạc thường tàm kế tổ đăng,ư                                                             

Không giao Hàn, Thập khởi oan tăng.(*)

Tranh như trục bạn quy sơn khứ,

Điệp chướng trùng san vạn vạn tằng.            

Dịch nghĩa:

NHÂN CÓ VIỆC ĐỀ Ở CHÙA CỨU LAN

Thường thẹn mình đức mỏng mà được nối ngọn đèn Tổ, 

Luống để cho Hàn Sơn và Thập Đắc phải sinh niềm oán giận.

Chi bằng theo bạn về núi, 

Sống giữa muôn vạn tầng núi non trùng điệp.

Dịch thơ:

NHÂN CÓ VIỆC ĐỀ Ở CHÙA CỨU LAN

Đức mỏng thẹn lòng nối Tổ thiền,

Khiến cho Hàn Thập oán than phiền.

Chi bằng theo bạn về trên núi,

Trùng điệp núi non sống tựa tiên.

       (Hoàng Dục)

Đà Nẵng, 1-2021

_________________

Chú thích:

(*) Hàn tức Hàn Sơn, Thập tức Thập Đắc, hai vị sư ở thời Trinh Quán nhà Đường. Theo “Truyện cao tăng” thì sư Phong Can ở chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai đi vân du gặp Lư Khâu Dận đi nhậm chức ở Thai Châu, hỏi ở Thai Châu có vị sư nào đạo đức cao siêu không? Sư Phong Can trả lời: “có Hàn Sơn Văn Thù và Thập Đắc Phổ Hiền, hình dáng như người nghèo lại như có chứng phong cuồng, hai vị này ở chùa giữ việc bếp nước”. Khi Lưu Khâu Dận đến châu lỵ, vào chùa thấy hai vị sư này, liền sụp xuống lạy. Hai vị nói: “Phong Can rõ thật lắm mồm”, rồi cùng nhau chạy trốn, Lư Khâu Dận tìm kiếm di vật, thấy được lời kệ của Thập Đắc và hai tập thơ của Hàn Sơn tử. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét