Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

428. CHIẾC MŨ MẸ MUA

     Tôi đỗ vào trường tiểu học Phong Hương, mẹ tôi thưởng cho một chiếc mũ mới. Đó là chiếc mũ cối nhựa màu vàng cam mới cáu mua từ Huế về. Tôi thầm cảm ơn mẹ, và rồi ba chân bốn cẳng đi gặp mấy thằng bạn nhà quê, nhanh nhẩu khoe. Thằng nào cũng trầm trồ. Đứa sờ bảo láng ghê. Đứa đội nói êm quá, mát quá. Đứa chưa sờ chưa đội được mặt buồn hiu…
      Còn tôi, tôi sướng run lên. Với chiếc mũ trên đầu, tôi ngẩng mặt lên, chân nghênh ngang xuôi ngược xóm trên xóm dưới. Tôi cảm giác mọi con mắt đổ dồn vào chiếc mũ mới của tôi. Thế nhưng, như một gàu nước lạnh dội vào ngọn lửa hạnh phúc của tôi, vô phúc tôi gặp nhưng thằng lớp trên khó chịu hay trêu chọc những thằng bé như tôi. Chúng nó bu quanh, khiến tôi ngộp thở. Một thằng lùi lại ngắm tôi hay chiếc mũ cũng chẳng biết, rồi thả giọng khinh thị :  Mũ gì mà như mấy ông xịt muỗi đội. Chả là lúc ấy, ở quê tôi, các chú bên y tế trên tỉnh hay quận gì đó về phun thuốc diệt muỗi. Các chú cũng đội mũ màu vàng y hệt chỉ khác kiểu thôi. Thằng gõ gõ lên vỏ mũ, trề môi : Đồ mũ nhựa mà ăn thua chi. Mũ vải trắng mới sang. Mũ ni chỉ vài ba đồng bạc là cùng! Thèm vô!... Thằng khác đẩy lưng tôi một cái, cười phá lên : Mi đội vô như… cái nấm biết đi…   
     Tôi tiu nghỉu về nhà, tay mân mê cái mũ, mắt xa xăm. Cũng may, tôi chẳng gặp đứa bặm trợn, trời đánh nào nữa, nếu không tôi sẽ “biến hình” thành anh phu xe, ông thợ điện, chú công nhân… không biết chừng. Thây kệ… Ngày mai đi học, chiếc mũ cối vàng sẽ đi cùng tôi. Ai bảo gì thì bảo, chiếc mũ là món quà của mẹ. Mẹ tôi muốn tôi tinh tươm khi đến trường. Chiếc mũ là một kỉ niệm về tháng ngày tôi đi học. Nó thay thế chiếc mũ lát rộng vành te tua của tôi. Nó là một dấu tích của sự hiện đại mà tôi đang được hưởng. Tôi đến trường không thể thiếu chiếc mũ, bởi tôi chỉ là một thằng bé. Người lớn, họ có thể đầu trần đi cùng trời cuối đất, còn tôi làm sao không cần một chiếc mũ. Mải vẩn vơ, tôi nằm ôm chiếc mũ ngủ khoèo lúc nào chẳng biết.
      Buổi sáng, đường làng đến trường vẫn mờ trong sương. Cỏ hai bên đường long lanh ướt nước. Tôi thong thả đếm bước. Lòng tội rộn ràng niềm vui. Tôi sẽ gặp mấy đứa bạn cùng học vỡ lòng ở lớp thầy Ngật, nhất là được gặp con Duyên, con bé ngồi cùng bàn với tôi. Con Duyên ở xóm cùng của ngụ nhất Đông. Còn tôi ở nhất Tây. Dù kẻ đầu làng người cuối làng, nhưng hễ rãnh là tôi chạy ù xuống với nó. Hai đứa tha thẩn, loanh quanh chơi ô làng, chơi nhảy dây… Không hiểu sao, cứ mỗi lần gặp Duyên là lòng tôi mở hội. Có lẽ tại nó hay nhường nhịn, hay chia sẻ với tôi hay vì một lí do nào khác. Tôi không giải thích nổi. Chỉ có điều, sáng nay tôi phải khoe với Duyên cái mũ mới của tôi. Tôi không muốn khoe ngày hôm qua, tôi muốn dành cho Duyên sự bất ngờ.
     Đến lớp, tôi vội cất chiếc mũ ở góc lớp, định bụng ra chơi sẽ làm Duyên ngạc nhiên. Ngồi học mà tôi cứ nghĩ vẩn vơ. Giữa sân trường náo nhiệt trong giờ chơi, Duyên kéo tôi về một góc sân, chỉ có hai đứa. Duyên nói nhỏ vào tai tôi : Mũ rất đẹp, trông mi oai phong lắm! Và cười thật tươi. Tôi nóng bừng cả mặt. Chiếc mũ làm tôi sang trọng hơn, oai hơn. Tôi không còn là một thằng bé đen nhẻm, loắt choắt nữa rồi. Tôi đã lột xác mặc dầu cũng với chiếc áo sơ mi, chiếc quần sóoc cũ hôm qua. Ôi, chiếc mũ… mới thần kì làm sao…
     Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi. Tôi vội vàng đến bên Duyên, bí mật kéo về góc lớp. Đội chiếc mũ lên đầu, tôi hỏi Duyên thấy thế nào. Duyên lùi lại một chút : Mũ gì mà vàng như nghệ. Mặt mũi xanh lét như tàu lá chuối non. Thấy ớn! Nói xong Duyên bỏ đi. Tôi cảm giác trời sập, toàn thân rúng động. Đôi chân tôi nặng như đeo đá. Tôi muốn về chỗ ngồi, nhưng không nhấc chân nổi. Cơn chấn động tinh thần dịu dần, nhưng từ khoảng khắc này, những tiết học còn lại trở nên nhạt nhẽo với tôi. Trong tôi, chiếc mũ cối vàng sao mà xấu xí đến thế, đáng ghét đến thế!
      Buổi trưa tôi chẳng màng đến chuyện về nhà. Mà về thì cũng chỉ một mình. Như những ngày thường, mẹ tôi đang ở chợ, tối mịt mới về. Ban ngày tôi luôn một mình trong căn nhà tranh, giữa khu vườn lớn. Mà về làm gì, về ôm chiếc mũ mà buồn ư ? Cũng may, mấy đứa bạn rủ ở lại chơi đá bóng. Tôi vui vẻ nhập bọn. Tôi được giao trách nhiệm giữ khung thành và chiếc mũ của tôi thành một cột của cầu môn. Tôi nhìn chiếc mũ nằm úp sấp, dính sát đất mà lòng không gợn lên một chút tình cảm nào. Nó cũng giống như đôi dép, cục gạch làm cột khung thành thế thôi.
      Trận bóng giữa trưa nắng nóng thật sôi nổi. Thằng nào cũng nhễ nhại mồ hôi, nhưng không hề có cảm giác mệt mỏi. Đứng trong cầu môn, nhìn chúng nó tranh cướp, dẫn quả bóng lá chuối cuốn tròn, bọc ni lông về phía sân nhà mà tôi hồi hộp. Tôi phải trổ tài cho chúng nó phục lăn. Tôi nghĩ đến chuyện bay người bắt bóng, có lấm lem một chút, nhưng ôm bóng đứng lên đầy mạnh mẽ, tự tin trong tràng vỗ tay tán thưởng của chúng nó mà khoái chí. Ôi, thằng Hoàng của đội bạn đã dẫn bóng xuống gần cầu môn của tôi rồi. Phải tập trung vào, tôi tự nhủ, và nhún nhún đôi chân, mắt chăm chăm vào chân thằng Hoàng, tay đón đợi. Thằng Hoàng co chân sút, tôi bay người… Trời ơi, bóng bay như chớp. Một tiếng bùm vang lên, tôi ngã xoài xuống đất. Tôi nghe tiếng reo hò : không vào, không vào… 
     Tôi hoàn hồn đứng dậy. Sao thế, tại sao chúng nó lại sững người ra nhìn. Tôi theo hướng nhìn của đám bạn. Một vật vàng đang từ trên cao rơi xuống. Chiếc mũ của tôi. Trời ơi, thằng Hoàng đá trúng vào cột dọc, chiếc mũ cối của tôi. Hèn chi mà có tiếng bùm lớn. Không suy nghĩ gì, tôi vội chạy về phía chiếc mũ rơi. Chiếc mũ đã nứt toác ra như ruộng nẻ vào tháng năm.
      Tôi ngồi xuống cạnh chiếc mũ. Trên má tôi, những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài.
      Hoàng Dục
      5 - 5 - 2013
  ______________

4 nhận xét:

  1. Bài viết hay và xúc động quá, bạn là người con hiếu thảo

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn nhiều. Ai cũng cố gắng sống đúng đạo lí thôi.

      Xóa
  2. Năm 62 mình đỗ vào Đệ thất trường Ngô Đình Khôi cũng được Ba Mẹ mua cho một cái mũ cối nhưa y như rứa ! Và theo năm tháng ,nó ở cùng mình như là hiện thân của Ba Mẹ,của Gia đình và của một thời ...hòang kim ,nay nó vẫn như một bảo vật ! ( mình sẽ nhờ post hình cho bạn xem !)

    Trả lờiXóa