Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

431. THẢM ÁN VĂN CHƯƠNG - NGUYỄN VĂN THÀNH

     Trò chuyện về bi kịch con người cùng đồng nghiệp trong trung tâm, một anh bạn nhắc đến võ tướng Nguyễn Văn Thành, khiến trong tôi bao nhiêu kỉ niệm ùa về.
     Vào năm thứ ba đại học, tôi được phân công giảng tập ở trường Trung học Kiểu Mẫu Huế do thầy Hoàng Sơn Phụng hướng dẫn và trường Nữ Trung học Thành Nội Huế do cô Nguyễn Thị Thu hướng dẫn. Ở Trung học Thành Nội, tôi soạn giảng bài “Trách lỗi ngày hẹn, trách lỗi nơi hẹn” trích Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Còn ở Kiểu Mẫu thì phải “gồng mình” dạy một tác phẩm Văn tế Tướng sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành (1757 - 1817) (1). Văn tế Tướng sĩ trận vong viết năm 1802, trong dịp ông làm chủ tế truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến dai dẳng giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Tác phẩm là một tuyệt tác văn chương trong văn học trung đại Việt Nam. 
      Phải nói rằng, tôi bị bài văn tế hớp hồn. Cái thể văn biền ngẫu không viết theo lối tán tụng mang tính công thức, nhưng dồi dào nhạc tính, nó cứ khoan nhặt, bổng trầm trong tâm trí tôi. Khi soạn giảng, đọc đi đọc lại nhiều lần tác phẩm, rồi nhắm mắt, câu chữ của bài văn y như rằng lại lũ lượt hiện ra trong cảm xúc :
      Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương; mặt chinh phụ khôn vẽ nét gian nan, lập lòe lửa trời, soi chừng cổ độ.
      Ôi! Cùng lòng trung nghĩa, khác số đoản tu, nửa cuộc công danh, chia phần kim cổ .
      Đoái là tiếc xương đồng da sắt, thanh bảo kiếm đã trăm rèn mới có, nợ áo cơm phải trả đến hình hài; những là khen dạ đá gan vàng, bóng bạch câu  xem nửa phút như không, ơn dầy đội cũng cam trong phế phủ .
      Phận dù không gác khói đài mây; danh đã dậy ngàn cây nội cỏ.
     Bài văn tế đưa tôi vào không khí thiêng linh u trầm của cõi minh mạc. Tôi như chìm đắm trong cảm hứng thương cảm chân thành của một Võ tướng suốt chặng đường dài chia sẻ ngọt bùi cùng tướng sĩ trên trận mạc để dựng nên triều Nguyễn. Không cùng tướng sĩ vào sinh ra tử sẽ không có tình cảm chân thành và sẽ không có lời văn thống thiết như thế.
      Càng say với cái hay, cái đẹp của tác phẩm tôi càng chùng chình khi soạn giảng. Cảm cái hay của một tuyệt tác đã khó, đem cái hay đấy để cùng học sinh rung động càng khó. Tôi trăn trở nên đã bao lần vẫn để trang giấy trắng bâng khuâng.
      Càng khó soạn giảng hơn nữa, khi tôi đọc tiểu sử của Nguyễn Văn Thành. Thuở nhỏ ông cùng cha theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, được phong làm Cai đội, sau giữ chức Khâm sai, Tiên quân Chưởng cơ. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được liệt vào hạng đệ nhất công thần. Một đệ nhất công thần, nhưng rồi phải chết oan khiên vì một bài thơ của con trai mình.
        Văn đạo Ái châu đa tuấn kiệt,
        Hữu hoài trắc tịch dục cầu ti.
        Vô âm cứu báo Kinh Sơn phác,
        Thiên tướng phương tri Kí Bắc kì.
        U cốc hữu lương thiên lí viễn,
        Cao cương minh phượng cửu thiên tri.
        Thư hồi nhược đắc sơn trung tế,
        Tác ngã kinh luân chuyển hóa ki.
    Dịch thơ :
        Ái châu nghe nói lắm người hay,
        Ao ước cầu hiền đã bấy nay.
        Ngọc phách Kinh Sơn tài sẵn đó,
        Ngựa kì Kí Bắc biết lâu thay !
        Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,
        Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.
        Sơn tế phen này dù gặp gỡ,
        Giúp nhau thay đổi hội cơ này.

          Bài thơ trên do Cử nhân Nguyễn Văn Thuyên, con trai của Trung quân Nguyễn Văn Thành viết khi xướng họa với bạn hữu. Bài thơ vô tình đã trở thành một bằng chứng để cho bọn  nịnh thần gièm pha, xúc xiểm. Năm 1817, ông bị Gia Long bắt uống thuốc độc chết vì cho rằng ông  có ý làm phản.
      Bây giờ viết lại những kỉ niệm trên, lòng tôi vẫn không khỏi bồi hồi. Văn chương có sức mạnh của nó. Nhưng mỗi người sẽ khai thác sức mạnh của văn chương vào những mục đích khác nhau. Ở trong cái nhìn của những người biết trân trọng chữ nghĩa, cái đẹp của nghệ thuật, tài năng và tấm lòng người sáng tạo ra nó, thì nó là một giấy thông hành để nhà thơ, nhà văn đi vào bất tử của sáng tạo. Nhưng ở trong con mắt cú vọ, bới bèo ra bọ của kẻ chẳng có một từ tâm, kẻ có quyền bính, kẻ chỉ biết bảo vệ cho quyền lợi của chính mình, thì văn chương là một án tù, án tử cho người sinh thành hay ngươi có liên quan. Xem ra, đối với người này văn chương là hạnh phúc, với kẻ kia là bất hạnh. Văn chương thăng hoa của người này, nhưng là hệ lụy, đem lại bi kịch cho người khác.
     Và bây giờ, nhất là khi biết Nguyễn Văn Thành là một Tổng tài Quốc sử quán. Ông cùng với Vũ Trinh, Trần Hựu đã soạn bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long). Bộ luật có 2 phần, gồm 22 quyển, 398 điều, ban hành năm 1812, khắc in vào năm 1815. Trong sớ tấu dâng Gia Long, Nguyễn Văn Thành viết về mục đích ra đời của luật : “Trừng phạt để về sau không còn trừng phạt nữa, đặt ra tội hình để về sau không còn dùng đến tội hình nữa”. Một con người có cái nhìn thấu suốt nhân ái, nhân tình như vậy sao lại chết thảm thương. Một người vì con người mà làm luật chứ không vì nhà nước, vì bộ máy công quyền mà làm luật, vậy mà phải chết không theo một điển luật nào. 
     Ôi, “Văn chương vô mệnh lụy phần dư” (Nguyễn Du - Độc Tiểu Thanh kí).
     Hoàng Dục
     10-5-2013
     ______________
      (1) Theo Nguyễn Lộc, giáo sư văn học Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội, bài văn tế này do Phan Huy Lượng và Phan Huy Ích soạn giúp cho Nguyễn Văn Thành. Thuyết này không đáng tin vì Phan Huy Lượng và Phan Huy Ích đều là công thần Tây Sơn. Riêng Phan Huy Lượng có Tụng Tây Hồ phú nổi tiếng hết lời ca ngời sự nghiệp Tây sơn, thì không thể chỉ một tháng sau lại có thể hoàn toàn hướng về triều Nguyễn. Văn hay không ở câu chữ mà ở tấm lòng, Phan Huy Lượng liệu có mau chóng “quên” tư tưởng trung quân, quên triều cũ dễ dàng như vậy sao! Nên nhớ rằng Nguyễn Văn Thành là người văn hay chữ tốt, từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán, liệu có cần nhờ Phan Huy Lượng chấp bút không ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét