Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

432. NGƯỜI THẦY XƯA

     Đây không phải là một bài viết bàn luận về người thầy, mà chỉ ghi lại hai giai thoại thú vị về  người thầy ngày xưa. Qua đó, ta cảm nhận được sự cao cả của người thầy.
     1) Thầy Nguyễn Văn Diêu, còn gọi là Tú Nhơn Ân, vì thầy chỉ đỗ Tú tài và là người làng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Mặc dù không có bằng cấp cao, nhưng thầy  được nhân dân mến mộ bởi vẻ đẹp mô phạm, kiến thức uyên bác, tấm long vì học trò của thầy. Thầy không chỉ dạy học mà còn là một tác giả kịch bản tuồng hát bội nổi tiếng. Thầy đã đào tạo được những học trò thành danh như Đào Tấn, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ… ghi tên tuổi vào lịch sử, vào văn hóa dân tộc. Riêng với Đào Tấn, lòng đam mê hát bội, tài năng soạn tuồng của thầy đã ảnh hưởng rất lớn đối với ông. Ông trở thành nhà soạn tuồng lớn cũng nhờ thầy học của mình.
      Ông với thầy Nguyễn Văn Diêu có một giai thoại thú vị. Tương truyền thầy Nguyễn Văn Diêu viết bản tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”, khi công diễn được đông đảo khán giả nhiệt liệt tán thưởng, nhưng đoạn kết có phần gượng ép. Khi thầy Nguyễn Văn Diêu qua đời, Đào Tấn đem một con heo quay đến lễ thầy học của mình, ông xin phép thầy sửa lại đoạn kết. Đoạn kết của Đào Tấn là : ông cho cửa ải mở, Địch Thanh sang Tây Liêu giết giặc. Vở tuồng từ đấy càng nổi tiếng hơn.
      2) Thầy Dương Chung Tú, người của đầu thế kỉ XVIII, quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thầy đỗ đạt nhưng không ra làm quan, lui về quê mở trường dạy học lấy hiệu là Lựu Trai Tiên sinh. Tiếng tăm thầy nổi khắp vùng, học trò khắp nơi kéo về xin học rất đông. Một đêm khuya khoắt, tối đất tối trời, một bọn trộm ngẫu nhiên đột nhập vào nhà của thầy. Chúng không tìm thấy một thứ gì trong nhà, bèn lần mò ra chuồng trâu, dắt con trâu đi. Khi ra đến quãng đồng vắng xa nhà xa cửa, chúng đốt lửa nhận ra con trâu ăn trộm là của thầy Dương Chung Tú. Chúng bèn lặng lẽ dắt trầu trở vào làng, đến trước cổng nhà thầy, chúng buộc trâu lại, rồi vừa chạy vừa la : “Thầy ơi,... chúng tôi lỡ dắt trâu của thầy, thầy tha lỗi cho, thầy cho người ra dắt trâu vào chuồng... thầy ơi!”.
      Chuyện chỉ là giai thoại, nhưng xẩy ra trong cái thời mà đạo lí chưa băng hoại, chúng ta làm sao có thể hoài nghi !
      Hoàng Dục
      10-5-2013
__________________    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét