Đọc THANH NIÊN thấy bài báo này, cảm thấy xót cho mô hình, câu chữ,... đúng hơn là ý tưởng của các quan giáo dục. Nhớ lại ngày xưa, hình như năm 2003 thì phải, khi xây trường chuyên ở địa điểm bây giờ, các quan Đà Nẵng cũng có ý định "dán mác" trường chất lượng cao. Lúc ấy nghe rầu thúi ruột, nay nghe lại cụm từ này, nghĩ mà đoạn trường.
Làm đúng chức phận
10/10/2013 03:00
Có thể những người nghĩ ra mô hình “chất lượng cao” trong trường công - thu mức học phí thật cao, đáp ứng nhu cầu cho những người điều kiện kinh tế khá giả - ít nhiều cũng có tâm huyết với giáo dục. Bởi họ vẫn nghĩ và cố tìm cách để có những ngôi trường thật tốt về cơ sở vật chất, giáo dục toàn diện cho học sinh theo mô hình của các nước tiên tiến. Thế nhưng, họ đã sai khi chọn cách làm có thể nói là không “danh chính ngôn thuận”.
Hệ thống trường công lập là của nhà nước. Mà chức phận của giáo dục nhà nước là dành, để và hướng đến mọi người. Với các nước tiên tiến, giáo dục phổ thông là miễn phí. Trong khi đó vì nước ta còn nghèo nên người dân đành phải chia sẻ với nhà nước bằng việc đóng biết bao các khoản phí cho con đến trường công. Vậy cái người dân nhận lại là gì? Trường lớp thiếu thốn, chất lượng giáo viên không đảm bảo, chương trình giảng dạy có vấn đề… cùng với sự thương mại hóa trong giáo dục ngày càng không có điểm dừng. Nếu căn cứ vào các văn bản pháp lý hiện hành thì có thể nói chính quyền các địa phương đều vi phạm quy định về việc đảm bảo môi trường học tập tối thiểu cho học sinh.Điều lệ quy định sĩ số bậc mầm non tối đa 35 học sinh/lớp nhưng đảm bảo không một trường mầm non công lập nào có được sĩ số này. Các lớp từ tiểu học đến THPT đều chung tình cảnh ép sĩ số. Biết bao nhiêu địa phương còn phòng học tạm, thiếu hệ thống nhà vệ sinh, chiếu sáng… Lẽ ra, trước tình cảnh này, nhiệm vụ trước mắt của ngành giáo dục các địa phương là phải làm sao đảm bảo một môi trường học tập đàng hoàng ở mức tối thiểu chứ không phải cố lấy những cơ sở công đạt chuẩn xây dựng cái gọi là “chất lượng cao” chỉ dành cho một số người và võ đoán cho rằng sẽ “tạo sự lan tỏa trong hệ thống, có ảnh hưởng tích cực về chất lượng giáo dục cho những trường công đại trà” như lời một đại diện của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Hơn nữa, “chất lượng cao” theo những tiêu chí mà Hà Nội và TP.HCM đang thực hiện hoàn toàn có thể giao cho các trường tư đảm nhận. Hệ thống trường này khó cạnh tranh với trường công ở “thị phần” học phí thấp thì họ phải chọn hướng đi chất lượng cao để thu hút học sinh như kiểu các nước tiên tiến vẫn làm. Những gì trường tư có thể làm được sao nhà nước lại phải vướng bận làm gì để rồi giẫm chân lên nhau? Vừa gây khó cho hoạt động các trường tư vừa đẩy sự bất công trong xã hội lên cao.
Để mô hình trường công “chất lượng cao” tồn tại chính là thừa nhận sự thất bại của giáo dục đại trà, bất lực của hệ thống giáo dục nhà nước, quản lý yếu kém và không tạo một cơ chế bình đẳng cho các loại hình giáo dục như chủ trương của nhà nước.
Tạo một môi trường giáo dục tử tế, đàng hoàng cho tất cả mọi người; giúp mọi học sinh đều có cơ hội bình đẳng được vào học ngôi trường mình yêu thích… là nhiệm vụ của hệ thống giáo dục nhà nước. Người dân chỉ cần nhà nước làm đúng chức phận như vậy là quý lắm rồi.
Thùy Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét