Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

481. MỞ VÀ ĐÓNG

   Theo PetroTimes, ngày 15 tháng 10 năm 2013, trong bài Tính giáo dục ở đâu?, Sở GD-ĐT TP Hải Phòng đã  đưa Ngọc Trinh và “Bà Tưng” vào câu 1, nghị luận xã hội, 3 điểm, đề thi chọn học sinh giỏi văn lớp 12, ngày 8 tháng 10 năm 2013, gây nên nhiều tranh cãi về sự phản cảm mà đề thi này mang lại.
       Nguyên văn như sau:

       Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền! Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

       Đề không được sự đồng tình của dư luận xã hội. Gs Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), tán đồng cách ra đề mở nhưng không chấp nhận việc đưa hai nhân vật “tiếng tăm lẫy lừng” vào đề thi. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, đồng thời là Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho rằng đề thi không tạo được cái mới. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa Báo chí và truyền thông trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì đòi hỏi đề phải có tính định hướng phê phán. Các mạng xã hội, nhiều người đã cho rằng Hải Phòng dường như lại đang cố gắng “showbiz hóa” giáo dục.
     Sự không đồng tình của dư luận xã hội về đề thi, có lẽ cũng không cần bàn nữa. Điều đáng bàn là thái độ nhận thức của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Sở khẳng định đề không chệch ra ngoài tình thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Đề này là “đề mở, bám sát thời sự, định hướng lối sống cho học sinh”. Thêm nữa là nhận thức của người ra đề, cô giáo N.T.M.L “đã so sánh đề thi “lệch chuẩn” của mình với tấm gương dũng cảm hy sinh cứu người của em Nguyễn Văn Nam trong đề thi tốt nghiệp THPT, và khẳng định đây đều là cách ra đề “mở””.
      Qua ý kiến của lãnh đạo và người ra đề nêu trên, ta có cảm giác họ rất mơ mơ màng màng về giáo dục, về tính sư phạm, về kiểu đề mở. Nói cho to tát hơn một chút là họ không hiểu tí tẹo nào về đạo đức khoa học, về kĩ năng nghề nghiệp. Họ làm việc với tinh thần thụ động, bắt chước vụng về, thấy người ta làm xiếc đi dây cũng giăng dây làm xiếc. Họ tưởng là tôn trọng học sinh, chủ thể học tập, nhưng kì thực họ đề cao chính mình hơn. Họ tưởng họ mở ra một không gian mênh mông cho các em bay nhảy, nhưng thực chất là họ đóng lối đi lớn đẹp đẽ, dẫn đến thế giới muôn màu, bắt học sinh đối diện với bức tranh một màu, màu thâm tối.
       Khi còn đứng lớp, kẻ viết bài này thường cà rỡn trước câu hỏi của học sinh, thế nào là đề mở? Đề mở ư? Là đề không đóng, nhưng đóng. Nói cà rỡn nhưng không cà rỡn chút nào.
      - Mở là không đóng tức là không định hướng về thao tác nghị luận, về thái độ, lập trường khi giải quyết luận đề, không đóng khung trong một đề tài nào, một topic nào. Mở không đóng là phát huy tư duy độc lập, tư duy khoa học, tư duy sáng tạo của học sinh, qua đó hình thành ở các em phẩm chất văn hóa người, đạo đức khoa học, kĩ năng sống.
      - Nhưng mở mà đóng có nghĩa là: không mở toang hoang, mở phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, phù hợp với chuẩn mực khoa học sư phạm, đạo lí của dân tộc, đạo lí làm người. Thực tế chỉ rõ, một đề hay là một đề có đáp án hay. Ra đề không khó, khó là ở phải có đáp án phù hợp với đề, với tâm lí, kiến thức, kĩ năng của học sinh. Đề mở là đề có nhiều đáp án, nhưng liệu có vô cùng đáp án không? Số lượng đáp án phải phù hợp với đề, theo những chuẩn mực giáo dục, chuẩn mực làm văn, đó là mở mà đóng.
        - Tóm lại, đề mở ra đúng thì nó mở, ra không đúng thì nó đóng. Hay xét đến cùng, đề mở nào cũng có phần đóng. Đóng - mở, mở - đóng là như vậy.
         Nhớ lâu lắm rồi, trong kì thi Tú tài I năm 1970, người viết bài này từng đối diện với đề bài: Tiếng cười trong thơ Tú Xương. Không biết đó có phải là đề mở không? Rồi có một lần, học sinh giỏi tâm sự: Thầy ơi cái đề mở này ghê chưa: Đứng trước biển. Chúng em chẳng biết làm thế nào? Có phải đề này là đề không biên giới không? Rồi bây giờ là đề thi chọn HSG môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT Hải Phòng. Liệu có bao nhiêu đáp án. Đấy là chưa nói đến tính mơ hồ của “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”. Tiến bộ xã hội phải hiểu theo nghĩa nào? Khi hiểu theo nghĩa nào thì nghĩa đó là tiên đề để rút ra hệ quả “ước mơ đại gia” đúng hay sai. Quả là bao la chi xứ! Đấy là chưa nói đến chữ “và” vô duyên trong cụm từ kia.  Đấy là không bàn đến từ "thẳng thắn" trong ngữ này: "
Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn..."
       A,… bàn về sự đóng - mở của đề văn, nhưng hình như bài này có vẻ đóng, đóng niềm vui về giáo dục, về văn chương. Như thế là không hay rồi. Phải có niềm tin mở, nhưng không mở đến vô hạn, vô cùng. Nếu không sẽ rơi vào ảo tưởng hay tự huyễn hoặc mình. Thế cũng chẳng hay đâu!

Hoàng Dục
21-10-2013
____

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét