Bình mình trên sông Hàn, Đà Nẵng |
Xưa nay, người ta cứ khẳng định nghề này cao quý, nghề kia là cao quý nhất. Từ lâu, những mĩ từ, cái giọng điệu ngợi ca nghe có vẻ tử tế đó làm ta chán ngán. Bây giờ, qua trải nghiệm mới thấy cái quan niệm nghề cao quý, nghề vinh quang, bằng cấp xếp loại thứ bậc văn hóa của con người quả là không mấy thuyết phục.
Đã từng nghe, một ông thầy giáo ở Đại học Sư phạm Huế, lấy văn chương để đi mò của bắt ốc ở chốn phòng the của nữ sinh viên. Ông ta không mò một chốn mà bắt nhiều nơi nhiều chốn đến nỗi người tình của cô sinh viên ông ta nhảy bổ vào lớp học nện cho một trận nên thân. Dù thế, ông ta cũng chẳng sứt sẹo gì cứ đàng hoàng lên lớp, xem ra còn giơ cao cái bằng cấp, cái bảng nghề sư phạm của mình nữa. Cũng đã nghe và đọc báo thấy ống bác sĩ lợi dụng nghề nghiệp, sự cả tin của người bệnh quan hệ tình dục với họ. Lại nghe có ông tiến sĩ xem bằng cấp như là một thương hiệu để làm giàu. Ông ta chọn đối tượng nghiên cứu sinh có tiền, có quyền để hướng dẫn làm luận án tiến sĩ… một cách tự nhiên. Còn nghe và nghe nhiều nhiều nữa…
Từ những vị nghề cao quý, bằng cấp ngất nghễu trên, bỗng trở nên hoài nghi mối quan hệ giữa người và nghề, giữa người và bằng cấp. Để rồi nghĩ, từ quét rác đến tổng thống đều là nghề, nghề do xã hội thừa nhận và cho nó những quyền hạn, lương tiền phù hợp để sống như một con người, đúng nghĩa là con người; để có trách nhiệm với con người hơn. Đã là nghề thì phải có đạo đức nghề nghiệp mà đạo đức nghề nghiệp là do đạo lí con người nói chung quy định, chi phối. Bằng cấp dù thấp hay cao vẫn phải thể hiện đạo đức khoa học của chủ nhân tấm bằng đó và cũng chịu sự chi phối bởi đạo lí làm người.
Đạo lí làm nên đạo đức nghề, đạo đức bằng. Đó là: đã làm người thì phải nhân cách, phải lương thiện, phải đổi xử tử tế với đồng loại trên cở sở con người với tất cả mọi giá trị, mọi quyền lợi như nhau. Phải chẳng đó là đạo lí mà người xưa đã nói: “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Muốn vậy, cái gốc sâu bền vẫn là “tu thân”, phải lấy nhân-nghĩa-lễ-trí-tín hay nhân-trí-dũng làm đầu. Ở đây cần hiểu, nhân là thương người; nghĩa là ứng xử tử tế với người; lễ là tôn trọng con người; trí là hiểu biết con người; tín là tin vào con người. Nhân và trí trong nhân-trí-dũng cũng tương tự như thế, chỉ khác ở chỗ đặt trong quan hệ trực tiếp với chữ dũng. Dũng là bản lãnh, can đảm trong khi thực hiện chữ nhân và chữ trí. Nhân và trí hiểu hai chiều thuận nghịch, có nhân có trí và không nhân không trí; nhân-trí với người và nhân-trí với bản thân.
Nhưng dù hiểu thế nào thì nhân vẫn là lí tưởng, mục đích sống cao cả của con người. Không phải ngẫu nhiên trong chữ Hán, cấu trúc chữ nhân gồm bộ nhân đứng và bộ nhị. Hán Việt từ điển của Thiều Chửu giải thích chữ nhân như sau: 1) Nhân là cái đạo lí làm người, phải thế mới gọi là người; yêu người không lợi riêng mình gọi là nhân. 2) Nhân là cái nhân trong hạt quả.
Những nguyên tắc đạo lí này chỉ có trong xã hội tôn trọng, đề cao con người. Một xã hội chuộng bề mặt, thích mặt nạ, trọng kim tiền sẽ không có chỗ dung thân cho đạo lí làm người ấy. Với xã hội như vậy, sự phân biệt nghề này cao quý hơn nghề kia, bằng cấp này giá trị hơn bằng cấp nọ là chuyện bình thường. Trong khi đó, với một xã hội người, vấn đề cốt tủy đặt ra với con người là anh thế nào, có là người không ?
Tóm lại, xã hội tốt đẹp, con người tốt đẹp phải lấy hạt nhân người làm trọng. Nhân là tiền đề còn mọi thứ khác chỉ là hệ quả, hệ luận. Và phải chăng hạt nhân người chính là hạt nhân của một xã hội nhân quyền và dân quyền.
Hoàng Dục
26-10-2013
_________
Cũng như bạn hai tuần nay mình hơi bận , một phần vì lo sửa soạn trang hoàng nhà cửa để đón nàng Nari , một phần khác vì đọc mấy tin trên báo . Ngoài sự việc bạn vừa kể còn có những vụ như : học sinh lớp 9 thuê người giết bạn , vụ ông cụ 73 tuổi giết con dâu , ông cụ 70 tuổi tạt a xít vợ rồi tự thiêu ...( vụ này cả 2 vợ chồng đều có bằng cấp rất cao , kỹ sư và tiến sĩ ...) Những vụ án này mình không quan tâm đến tình tiết và sự kiện lắm vì mình không muốn bị ám ảnh như bạn , nhưng rốt lại mình vẫn bị ám ảnh vì một suy tư khác ...Điều gì đã xảy ra khiến một cháu bé " nữ sinh " lớp 9 có một lối hành xử lạnh lùng , tàn độc như thế ..và điều gì đã khiến những ông cụ ở độ tuổi " thất thập cổ lai hy " ...độ tuổi mà đáng lẽ họ phải có những cách hành xử chuẩn mực hơn trước nghịch cảnh ? Buồn thật bạn nhỉ ...Mà thôi ...Bài trước mình cũng đồng ý với bạn nhưng không còm ...Định hỏi bạn về dự định của bạn , đã tiến hành được gì chưa ? Thân mến .
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã đồng cảm. Hôm trước ở làng vào, sau cơn thịnh nộ, nàng NARI đi ngang quầy xem thế nào, thấy bà xã bạn đang phục vụ khách, nhìn quanh chỉ thấy cây đổ nhưng biết tránh Thư quán, chỗ ta thường ngồi, biết là bạn và gia đình ổn nên không hỏi thăm.
XóaCòn về dự định của mình, mọi việc đang suôn sẻ, chỉ đợi giấy phép nữa là cho ra lò. Mình cũng rất mong, nhưng thủ tục biết làm sao. Cũng may bằng hữu hỗ trợ nhiều nên rất thuận lợi.
Thân.
Mai là chủ nhật rồi!