Bảy giờ sáng
14 tháng 10. Trời xám bạc pha màu vàng hoe. Màu thời tiết có triệu chứng không
bình thường, khiến ai cũng lo không biết diễn biến cơn bão Nari như thế nào.
Nhìn quanh nhìn quất trong sân từ đường họ tộc, những con cháu nội ngoại ở Đà Nẵng,
đếm tới đếm lui chưa hết năm ngón tay. Chỉ còn con cháu nội ngoại ở làng, từ
Đông Hà và Huế về. Kệ, chẳng sao, đúng giờ rồi lên đường thôi. Đã xong một phần
hôm qua, nay phải hoàn tất phần mộ còn lại, thế mới gọi là chu tất chứ!
Đoàn người kẻ cuốc người cào, kẻ rựa người
trang,… từ xóm Đình lên đường Cấy rồi rẽ trái hướng đến khu vực độn có mộ của
nhánh. Khu vực này mộ không nhiều, nhưng cây cối rậm rạp, cỏ dại cũng nhiều.
Nghe đâu đã thuê người dọn cỏ lá trước mới quang sạch như thế này. Mọi người bắt
tay vào chạp. Nhìn các ngôi mộ đang được vun lên, trang láng, bỗng nhớ tối hôm
qua.
Như thường lệ, tối mồng 9 âm lịch
(13-10-2013), sau khi làm một nồi cháo cúng tổ tiên, con cháu nội họp nhánh. Mấy
năm gần đây, nhánh mua thịt heo (tránh mua heo vì dễ nhiều mỡ, dễ dư thừa thịt
thà, đâm ra lãng phí không cần thiết) nên chẳng có cháo lòng. Kể cũng mất đi
cái khoái khẩu, nhưng bù vào lại có cháo vịt. Cháo vịt có hương vị riêng, nhất
là nêm ruốc khiến nước, gạo, thịt thơm ngọt rất ư là đậm đà. Ăn xong là họp, một
cuộc họp thân tộc nên rất trật tự, rất nhẹ nhàng và tình cảm. Nội dung cũng chẳng
gì nhiều, vẫn bàn quanh việc nhánh, nhất là vấn đề giữ vững truyền thống đoàn kết
yêu thương đã được gìn giữ và phát huy từ xưa đến nay.
Từ phẩm chất đoàn kết tình nghĩa của
nhánh, có ý kiến đưa ra : Năm tới, trước ngày chạp, nhánh thuê người dọn dẹp mồ
mả có cây cỏ um tùm, cỏ dại kín đất, việc này tốn khoản 15 công. Việc làm quang
đãng, sạch sẽ các ngôi mộ cần làm hoàn toàn không thay thế cho việc chạp mả của
con cháu. Ý kiến đưa ra đã được bàn thảo rất kĩ lưỡng, kín kẽ. Tựu trung có các
ý sau:
Thứ nhất, tiền quỹ của nhánh cũng rất dồi
dào, theo thủ bộ, nếu không thứ nhất thì cũng nhì so với các nhánh khác trong
làng. Tiền thuê như thế có thể kham được.
Thứ hai, xưa nay nhánh đều chu toàn việc
mồ mả tổ tiên. Từ việc dựng bia tất cả các ngôi mộ của nhánh đến dọn dẹp, chạp
mả hằng năm, nhánh không để sót, không qua loa đại khái đối với một ngôi mộ
nào. Công lao này đều thuộc về các chú ở làng. Còn các các chú ở xa có khi
không về được, nếu có về cũng không quán xuyến nổi. Yêu thương, đoàn kết của
nhánh là ở đấy.
Thứ ba, tuy vậy nếu cứ để các chú ở làng
lo mãi cũng quá vất vả. Các chú vốn vất vả vì gánh nặng gia đình, sao phải cán
đáng việc chung mãi được. Hơn nữa, dù ở Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế,
Đông Hà hay ở làng thì tất cả con cháu nội đều như nhau. Dù con cháu nội mỗi
người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng về đạo hiếu thì không khác, ai cũng phải
có trách nhiệm, bổn phận đối với dòng tộc, đối với mồ mả, đối với truyền thống
cao đẹp mà tổ tiên đã vun đắp, gìn giữ. Bình đẳng là một trong tiền đề của sự
đoàn kết.
Thứ tư, dẫu biết rằng các chú ở làng sẽ
không tính toán gì, vẫn lo tròn việc mổ mả, nhưng là con người ai cũng có lúc
này lúc khác. Các chú lo việc nhánh vất vả, khi vui chẳng nói gì, khi mệt đâm
ra bực nhọc, than thở đôi khi lỡ lời khiến mâu thuẫn nổ ra cũng phiền hà. Than
thở đó là việc bình thường. Than thở mà vẫn gánh việc cho các chú ở xa, cho các
chi mọn mảy, đó là một đạo lí, đó là tình thâm gia tộc. Nhưng nếu than thở thay
vì cảm thông, chia sẻ; lại sinh ra hiểu nhầm, gây mất đoàn kết thì không nên.
Vì vậy, nhánh phải thấu hiểu và chia sẻ với các chú ở nhà về điều này.
Thứ năm, thuê người dọn dẹp nhưng cũng phải
nhờ các chú ở nhà từ việc thuê đến chỉ dẫn mồ mả cho người ta làm. Các chú cũng
mất nhiều công sức. Các chú sẽ không lấy tiền những ngày công đó, trước hết
nhánh cám ơn, sau nữa nhánh sẽ không để
các chú thiệt thòi.
Thứ sáu, qua nhưng phân tích trên, qua sư
đồng tình của tất cả các chú, từ lần chạp mộ năm tới, nhánh tiến hành thuê người
dọn dẹp như đã nêu trên. Cũng xin nhấn mạnh, việc dọn dẹp này hoàn toàn không
thay thế việc chạp mả của chúng ta.
Nhớ
lại cuộc họp mà lòng hân hoan. Không chỉ hân hoan mà còn tự hào nữa. Nhánh mình
là một trong hai nhánh của họ Hoàng Ngọc làng Kế Môn, từ xưa đến nay không chia
thành các nhánh nhỏ. Trong khi đó, các nhánh khác đều chia nhỏ ra. Tình thâm
dòng tộc biểu hiện trước hết là ở sự đoàn kết mà cơ sở của đoàn kết là thấu hiểu,
sẻ chia. Chẳng biết các chú trong nhánh có vui như mình không mà tiếng nói cười
vang vang khi chạp mộ. Và chỉ đến 9 giờ, việc dẫy mả đã xong.
Hoàng Dục
14-10-2013
_______
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét