Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

477. ÔI NGƯỜI! NGƯỜI ÔI!

       Để tưởng nhớ anh Nguyễn Đức Hùng

      “Truyện của Người” là một truyện ngắn trong tập truyện cùng tên xuất bản năm 1997 của nhà văn Đà Linh. Đây là một truyện ngắn thể hiện sự tìm tòi, làm mới thể loại, mang dấu ấn thi pháp biểu hiện hiện đại của nhà văn đất Quảng này.
     Truyện của Người” kể về nhân vật Người ra Hà Nội tìm một người bạn tên Mão để nhận số hàng tương đương với 2 000 đô la mà người em trai ở Đức gửi về cho anh lập gia đình. Người đến nhà Mão, nhà đã đổi chủ, hỏi bà lão hàng xóm mới biết Mão đã chết gần năm, Mùi, vợ anh ta dọn đi không biết ở đâu. Người tìm đến cơ quan của Mão và xí nghiệp của Mùi, hỏi thông tin về họ, biết thêm chút ít  nhưng chẳng biết gì hơn về tăm tích của Mùi. Người bèn đăng báo tìm Mùi và về nhà ở Đà Nẵng chờ đợi. Một đêm khuya, Mùi đã tìm đến và trơ trẽn ôm ấp Người mặc cho anh ta phản đối. Người hỏi đến 2 000 đô la được trả lời, Mão đã mang xuống mồ. Đêm đó, Người thiếp đi trong giấc mơ đám cưới linh đình của mình dưới cõi âm.
      Cốt truyện đơn giản, không gian nghệ thuật không nhiều mặt, thời gian chẳng nhiều chiều. Trong đó thời gian xẩy ra câu chuyện bao gồm một ngày ở Hà Nội và một đêm khuya lạnh tại Đà Nẵng. Thời gian kể chuyện là từ khi Người đến nhà Mão cho đến khi Người chìm vào giấc mơ đám cưới dưới mồ.  Dẫu chỉ như thế, nhưng truyện có sức hấp dẫn riêng đối với những ai muốn thay đổi giác quan thẩm thức văn chương.
      Đến với truyện, thoạt tiên người đọc rơi vào cảm giác nghèn nghẹn bởi cái khô queo của hình thức kể chuyện. Hiệu ứng tâm lí đó gây ra bởi hình hài mới của tác phẩm, bề ngang co lại bề dài dãn ra. Truyện là những mẩu đối thoại của nhân vật Người với các nhân vật khác như Dậu, Mùi, ông Giám đốc,… Người kể chuyện ít kể, ít miêu tả, chỉ ghi chép lại những mẩu đối thoại giữa Người và những nhân vật có liên quan về Mão hay Mùi. Những mẩu đối thoại không dài hơi, rất cộc, nghe khô khốc và lạnh lẽo. Thử lẫy ra đoạn đối thoại giữa nhân vật Người và bà lão hàng xóm của anh Mão:
      - Ai đấy!
      - Cháu.
      - Cậu hỏi gì?
      - Cháu hỏi nhà anh Mão.
      - Mão nào?
      - Dạ! ở số 10.
      - À! Chết rồi, cô vợ đi nơi khác.
      - Chết rồi!
      - Ừ, gần năm. Lần sau cậu phải gõ cửa
.
      Những câu hỏi đáp không hề chệch ra khỏi phương châm hội thoại, lời tiếp lời, ý hợp ý. Bên ngoài mạch đối thoại rất kết dính, nhưng bên trong lại có rất nhiều vết nứt, lõm do sự thiếu vắng tình người. Lời thoại chỉ là nội dung thông tin, không có nội dung tình cảm. Lúc đầu giọng  của bà lão căng lên, về sau có dịu đi, nhưng vẫn thiếu sự cảm thông khi đóng lại bằng giọng mệnh lệnh : “Lần sau cậu phải gõ cửa”. Giọng căng trở lại bằng một mệnh lệnh cứng nhắc, máy móc dạy đời không cần thiết khi “nhà gần đó mở”, “một bà già đi ra”. Mẩu đối thoại đã phản ánh mối quan hệ xã hội thiếu thân thiện được che đậy bởi lớp vải bọc lạnh lùng mang màu văn hóa. Có lẽ điều đó cũng chẳng làm ai ngạc nhiên. Làm sao có được tình cảm giữa những người xa lạ, nhất là trong môi trường xã hội hiện đại, xã hội mang tính hành chánh, lấy vật chất làm thước đo mọi giá trị đời sống.
     Ở một mẩu đối thoại khác, hình như có sự vi phạm phương châm hội thoại một cách cố ý:
     - Mão nghe nói đã chết.
     - Lại thế nữa, không có người chết nào làm việc ở đây cả. Thật vớ vẩn!

     Lời đáp dài, nhưng giọng điệu giễu cợt, khinh khi. Lời nói biểu hiện người chủ của nó không muốn mở lòng giao tiếp, nói gì đến chuyện đồng cảm sẻ chia trước nỗi đau mất bạn và mất trắng tương lai của nhân vật Người.
    Một mẩu khác có vẻ thấu hiểu, nhưng xem ra cũng băng giá:
    - Xin hỏi thêm anh Mão chết vì lý do gì?
    - À, ốm đau thì chết.
    - Nhưng mới gần 40.
    - Ừ thì còn trẻ, cơ quan có vòng hoa, cử người đi đám, chỉ thiếu thuê người khóc. Vào hòm là xong, giờ thì còn ai nhớ. Tôi làm tổ chức mới nhớ chút ít
.
    Cũng có những thán từ “ừ”, “à” như trong lời nói của bà lão đã nêu trên, nhưng chẳng có gì là rưng rưng. Những “ừ”, “à” ấy chỉ là cách thức ỡm ờ đưa đẩy, thể hiện sự hững hờ, sự ráo hoảnh của một tấm lòng khi nói về cái chết của một đồng nghiệp, một con người. Câu văn dài nhưng bị cắt ra thành những ngữ đoạn ngắn tạo giọng nhát gừng, qua đó thể hiện sự qua loa mang tính hình thức của việc phúng điếu. Câu văn đã phản ánh một sự thật bên trong, sự tàn nhẫn ngự trị trong tâm hồn con người, đó là con người phi nhân đang hiện hữu nhan nhản trong cuộc đời. 
    Từ cấu trúc đối đáp, người đọc tìm thấy vẻ hiện đại của truyện qua  là tính hàm súc. Để có được phẩm chất này, người viết phải biết nén nhiều tầng nghĩa theo một lớp lang hợp lí trong cái hình thức khơi gợi là chủ yếu. Người kể chuyện phải tạo ra khoảng cách trần thuật lớn, giấu mình thật kín trong truyện, cốt tôn câu chuyện lên đúng như nó diễn ra. Do truyện tái hiện có vẻ khách quan một góc nhỏ hiện thực qua lời lẽ, giọng điệu hỏi đáp của các nhân vật nên bộc lộ trọn vẹn mặt khuất tâm hồn của nhân vật. Ở “Truyện của Người”, Đà Linh đã rất kiệm lời  kể và tả. Nhà văn ưu tiên dành bút pháp miêu ta cho nhân vật Người, nhưng cũng rất dè xẻn. Lần theo chiều dọc của truyện, ta gặp những hình dung từ miêu tả thái độ, tâm trạng của nhân vật Người như : hẫng, lành lạnh, lắp bắp, mỉm cười, tự tin, phập phồng rồi lại cụt hứng, vẻ mặt bi quan, thất thểu, ngập ngừng, hẩm hiu,…vừa thể hiện tâm trạng của nhân vật vừa khắc họa tính cách Người, một tính cách mang dấu ấn tự nhiên, hoàn toàn xa lạ với các nhân vật khác trong truyện, nhưng con người đã bị máy móc hóa, xã hội hóa.
      Hiểu như thế mới thấy tại sao thế giới nhân vật trong truyện được nhà văn đặt tên vừa quen vừa lạ, không cùng một mặt phẳng ý nghĩa, không cân bằng về số lượng. Nhân vật tên Người chỉ là một cá thể đơn lẻ, các nhân vật khác đều cùng hội cùng thuyền. Cái tên Người rất quen nhưng lạ. Phải chăng Người ẩn dụ cho cái chất người, tính người, tình người, là con người nói chung, con người uyên nguyên đi ra từ tạo hóa. Còn các nhân vật với tên Mão, Mùi, Sửu, Dậu; những nhân vật không tên chỉ có chức danh như Giám đốc, Phó Giám đốc, ông Báo hay đặc điểm riêng như Đồng chí đeo kính mang tính đồng dạng. Phải chăng nhà văn muốn tạo ra các kiểu nhân vật: nhân vật lịch phương Đông, nhân vật chức danh, nhân vật hình thức. Mà đã là kiểu nhân vật như thế, hẳn đều có đặc điểm chung là trung hòa về tình cảm, cảm xúc. Đặc biệt, với Mùi, Mão, Sửu, Dậu,… thể hiện cái nhìn vật hóa của nhà văn đối với loại người này. Phải chăng qua đó, Đà Linh muốn khẳng định, ở các nhân vật này phần con thắng thế, phần người đang teo tóp lại hoặc biến dạng dần. Ở các nhân vật này, con người nói chung đang băng hoại trước sự công phá của con người cơ hội, con người hình thức, con người vật chất. Phải chăng chính vì vậy họ hành xử với nhân vật Người một cách ghẻ lạnh, quan liêu, thiếu sự thấu hiểu, sẻ chia; thậm chí không có dấu hiệu ứng xử theo chuẩn văn hóa người.
      Đến đây, có thể nói rằng “Truyện của Người”, từ những chỉ dấu hình thức, nhà văn đã đặt ra vấn đề vừa có tính thời sự vừa có ý nghĩa đạo lí sống của con người hiện đại. Vì vậy, trong bài “Thế giới truyện ngắn của Đà Linh” đăng trên Tạp chí Sông Hương, số 200, tháng 10-2005, Hồ Thế Hà đã viết:
      “Mảng truyện viết về thói tiêu cực, thờ ơ vô trách nhiệm và sự lạnh nhạt với đồng loại của một số người hiện nay được Đà Linh đặt và giải quyết tốt. Ở đó, ta bắt gặp cảnh trái tai, gai mắt, sự nghịch lý đáng thương và đáng ghét. Và trong ta hiện lên những câu hỏi cần có lời giải đáp, là tại sao trong xã hội hiện đại, văn minh mà cái ác và cái vô đạo đức cứ ngang nhiên tồn tại, con người không trừ diệt chúng tận gốc. Người gõ Kẻng, Chứng cứ cụ thể, Truyện của Người, Vĩnh biệt cây Vông Đồng... chính là lời cảnh báo đối với đời sống xã hội đang xuống cấp và có khả năng băng hoại, tha hóa, đặc biệt, ở những người có chức, có quyền, coi thường nhân tính”.
      Cách hiểu của Hồ Thế Hà về chủ đề tư tưởng truyện ngắn của Đà Linh như trên cũng chẳng có gì đáng bàn. Người đọc chỉ băn khoăn : truyện như vậy chỉ có một lớp chủ đề; nên chăng lấy thời sự, hiện thực đang diễn ra mà khám phá hay lấy triết văn để hiểu tác phẩm, lấy văn bản mà hiểu văn bản tự sự này.
      Thực ra, hiểu trong chừng mực nào đó, văn chương thời sự là loại văn chương phơ phất theo chiều gió. “Truyện của Người” có tính thời sự nhưng đó chỉ là lớp váng bề mặt. Tác giả dùng lớp thời sự như là một màn đậy, một vách ngăn thách thức người đọc vượt qua để đi đến cùng thông điệp mà nhà văn gửi gắm ở phần đáy tác phẩm. Nếu chịu khó bóc tách tấm màn che ấy sẽ thấy trầm tích triết lí nhân sinh mà bất cứ nhà văn nào, cầm bút vì con người, đều khao khát giải đáp. Truyện như vậy là có cả một hệ chủ đề mà chủ đề chính vẫn là vấn đề nhức nhối về thân phận con người.
       Điều đó có thể lí giải qua cách đặt tên nhân vật, miêu tả tâm lí nhân vật như đã phân tích ở trên. Riêng về hình tượng nhân vật Người là kiểu con người cô đơn, không tìm thấy hạnh phúc đời mình. Người cô đơn giữa không gian Hà Nội, giữa những con người không nhân tính, cô đơn trong căn nhà của mình ở Đà Nẵng, cô đơn ngay cả khi được Mùi ôm ấp trong một đêm khuya lạnh lẽo. Con người sinh ra là một cá thể cô đơn nên cần giao cảm, nói theo Chế Lan Viên : “Phá cô đơn ta hòa hợp với người”. Nhân vật người không chệch ra ngoài quy luật Người ấy, nhưng càng giao cảm càng cô đơn. Người cô đơn trước sự vô tình, vô cảm, nói theo Hồ Thế Hà là trước những con người “coi thường nhân tính”. 
      Con người cô đơn nhưng luôn khát khao giao cảm, đó là cái đẹp của con người. Con người cô đơn nhưng luôn đặt chân trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, đó là phẩm chất nhân văn của con người. Nhân vật Người trong truyện ngắn của Đà Linh cũng thế. Mục đích Người ra Hà Nội tìm Mão khổ sở, rồi về nhà chờ đợi là gì. Phải chăng đó là tìm kiếm và tạo dựng hạnh phúc. Điều đó biểu hiện qua chỉ tiết Người không nói ra khi gặp Giám đốc cơ quan Mão, tìm Mão để nhận món hàng tương đương 2 000 đô la do thằng em ở Đức gởi về cho anh cưới vợ, nhưng lại dám thẳng thừng hỏi Mùi trong đêm cô ta tìm đến nhà Người.
 
      Thật lạ, 2 000 đô la trong khoảng khắc không nên dấu lại dấu, trong không khí không nên nói ra lại nói ra. Ai lại hỏi người đàn bà tiền khi vừa ôm ấp xong. Niềm vui xác thịt không đủ sức làm Người quên hạnh phúc đích thực của đời người. Với lại, Người hỏi vì 2 000 đô la Mão giữ là hi vọng cuối cùng để xây dựng hạnh phúc gia đình, khẳng định sự hoàn thiện một con người khi thằng em “bên  Đức, nay thất nghiệp. Người thấy số hẩm hiu. Vào một đêm khuya, khi hy vọng sắp tắt”. Và khi Mùi lạnh lùng: “Xuống mồ mà đòi!”, ta hiểu tại sao nhà văn kết thúc truyện bằng giấc mơ hạnh phúc “thiếp đi với đám cưới của mình, một đám cưới linh đình dưới mồ”. Con người đi tìm hạnh phúc, hạnh phúc cuối cùng chỉ là ảo ảnh! Đó là thân phận con người!
      Hiểu như thế mới thấy cái lí, tại sao nhà văn cấu trúc tác phẩm bằng hình thức đối đáp. Phải chăng sống là đặt câu hỏi và mong cầu sự trả lời, trong đó sự trả lời của chính mình là quan trọng nhất. Sống là một cuộc hành trình tìm kiếm sự hoàn thiện, tìm kiếm hạnh phúc, tạo thành chuỗi hiệu ứng liên tục giữa hai nhân tố tương tác hỏi và tìm cách trả lời câu hỏi. 
      “Truyện của Người” của nhà văn Đà Linh không phải ai cũng thích vì dám thay thực đơn cho giác quan thưởng thức văn chương. Và truyện chưa hẳn đã tạo được tiếng vang lớn, điều này cũng dễ hiểu bởi tìm tòi đổi mới không dễ dàng chút nào, hơn nữa khen chê hôm nay chỉ là nhất thời, khen chê với độ lùi thời gian lớn hơn 50 năm sau trở đi mới là vĩnh cửu.  Dẫu biết thế, “Truyện của Người” trong tổng thể văn chương hiện thời vẫn là một truyện ngắn có giá trị, rất đáng trân trọng.

Hoàng Dục
12-10-2013
________________

PHỤ LỤC
TRUYỆN CỦA NGƯỜI

- Xin lỗi! Cho hỏi vợ chồng anh Mão có nhà không?
- Ở đây không có ai là Mão cả.
- Nhà này số 10!
- Vâng!
Người bị hẫng, nhìn xung quanh, không thấy gì thay đổi. Định ra cổng, thấy nhà gần đó mở. Người mạnh dạn tiến đến. Lúc sau, một bà già đi ra.
- Ai đấy!
- Cháu.
- Cậu hỏi gì?
- Cháu hỏi nhà anh Mão.
- Mão nào?
- Dạ! ở số 10.
- À! Chết rồi, cô vợ đi nơi khác.
- Chết rồi!
- Ừ, gần năm. Lần sau cậu phải gõ cửa.
Cánh cửa đóng sập lại trước mặt Người. Người thấy lành lạnh. "Chết rồi", tại sao? Vợ con nó đi đâu? Tiếng guốc xa dần, định thần lại, Người rảo bước đến cơ quan Mão.
- Anh gặp ai? Tiếng nói từ phòng thường trực vọng ra.
- Tôi xin được gặp... Người lắp bắp.
- Gặp ai? Giấy tờ đâu anh?
- Mão... Anh Mão.
- Mão nào?
- Mão làm việc ở tầng 2, phòng kế hoạch.
- Không có ai ở tầng 2, đường lên đó đã đóng đinh, ở đây không có phòng kế hoạch.
Người nhớ lại, mạnh dạn nói:
- Mão nghe nói đã chết.
- Lại thế nữa, không có người chết nào làm việc ở đây cả. Thật vớ vẩn!
Người tiếp tục đi, lục trí nhớ, chợt mỉm cười, tự tin, đến xí nghiệp của Mùi (vợ Mão).
- Cho tôi gặp đồng chí giám đốc.
- Hôm nay giám đốc đi họp.
- Còn đồng chí phó giám đốc.
- Mời anh vào, phòng đầu, tầng 3.
Người vừa đi lên cầu thang vừa nhẩm, đến tầng 3 thở phào. Phòng phó giám đốc có khách, một lúc khách ra, Người bạo dạn bước vào.
- Chào anh!
- Chào đồng chí!
Phó giám đốc nhìn Người một chặp, băn khoăn, nên đưa tay cho Người nắm không. Người lên tiếng:
- Xin lỗi anh, tôi từ xa đến, muốn gặp chị Mùi.
- Chị Mùi nào? Phó giám đốc uể oải.
- Chị Mùi vợ anh Mão làm kế... (chuông điện thoại).
- Đây! Sửu đây! Được cứ cho đánh 4 bản, gửi cả liên hiệp, à Mùi này, ông xã em tên gì nhỉ?
- Ô, thủ trưởng quan liêu quá! Bình... Bình bịch ấy mà, anh hỏi có việc không?
- À không.
Người hết phập phồng rồi lại cụt hứng, vẻ mặt bi quan.
- Không biết cơ quan ta có mấy Mùi?
- Được, giúp cậu lần nữa.
Cầm điện thoại, quay số, ông Sửu tỏ vẻ khó chịu.
- Dậu đấy hả, cơ qua ta có mấy Mùi?
- Thưa anh, chị có chị Mùi ở văn phòng.
- Chắc không?
- Sao lại không ạ, sổ lương em thuộc lòng, hay mang lên để anh kiểm tra.
- À thôi.
Người đề nghị.
- Anh hỏi giúp luôn có đúng chị Mùi mà chồng chết gần năm nay.
- Tôi có việc bận, muốn kỹ hơn, mời cậu xuống tầng 2, gặp tổ chức.
Người đi xuống tầng 2, dáng thất thểu.
- Cho tôi hỏi, đây có phải là phòng tổ chức xí nghiệp?
- Đây là cơ quan Viện, đi đến cuối dãy, tòa nhà này gồm 4 cơ quan.
Đến phòng cuối, Người gõ cửa.
- Ai đó?
- Tôi!
- Tôi là ai?
- Tôi là Người.
- Ha... ha! Người cần gì?
- Tôi là bạn của chị Mùi.
- À, mời vào.
- Xin phép được hỏi anh.
- Được cứ hỏi!
- Chị Mùi văn phòng có phải là vợ anh Mão chết cách đây gần năm không ạ?
- Ồ, không phải! Còn cô Mùi cậu nhắc, thì sau khi cậu Mão chết, cô ta làm ít tháng rồi xin nghỉ, tôi đã ký cho cô ta nghỉ, nhận tiền một lần. Khó khăn quá, nuôi con không nổi, lại làm ca. Nghe đâu cô ta vào miền Nam, cuộc sống bình thường. Úi dào! Nhiều bà nhà chồng chết đi coi là xong, như thoát nợ. Đấy, vụ tai nạn máy bay, có bà được hàng chục ngàn đô la, không biết mếu hay cười! À này, lúc nãy cậu trêu tôi hay cậu là Người thật?
- Dạ! tôi là Người.
- !!!
- Anh có biết địa chỉ?
- Cái đấy thì chịu.
- Xin hỏi thêm anh Mão chết vì lý do gì?
- À, ốm đau thì chết.
- Nhưng mới gần 40.
- Ừ thì còn trẻ, cơ quan có vòng hoa, cử người đi đám, chỉ thiếu thuê người khóc. Vào hòm là xong, giờ thì còn ai nhớ. Tôi làm tổ chức mới nhớ chút ít.
- Không biết anh ấy chết ở bệnh viện hay ở nhà?
- Ở bệnh viện... à không, ở nhà! Tôi nhớ là ở nhà. Nhưng ở đâu chả là chết rồi, bây giờ chắc chỉ còn nắm xương.
- Muốn biết địa chỉ chị Mùi thì hỏi ai anh nhỉ?
- Ở đây chắc không ai biết hơn tôi. Cả năm nay, cơ quan giảm 70%.
Người không kìm chế nổi nữa, nói to:
- Khi sống biết bao nơi quản lý anh Mão, vậy mà muốn biết tại sao chết mà khó quá.
Ông Dậu cười thông cảm.
- Người ta chỉ quản lý người sống, chứ ai quản lý người chết. Hàng tỉ, hàng tỉ thành đất. Đến Chủ tịch cũng chỉ đôi dòng cáo phó "đau tim đột xuất", chứ ai đi tìm hiểu kỹ làm gì. Hay cậu hỏi lãnh đạo cơ quan cậu Mão.
Người lại đi đến cơ quan Mão, chuẩn bị tư thế, xem lại giấy tờ. Qua thường trực, Người đi vào phòng Giám đốc, chào hỏi và nêu lý do.
- Anh với Mão quan hệ thế nào?
- Là bạn bè... Người ngập ngừng (định nói Mão còn giữ số hàng tương đương 2000 đô la mà cậu em từ Đức gửi về qua Mão, có lá thư cậu em mang theo, để Người có tiền lập gia đình).
- Xin được hỏi, anh Mão chết thế nào?
- Trúng phong, trên bụng vợ.
- !!?
- Anh nên đến chỗ chị Mùi, chắc chị ta biết rõ hơn.
- Chị Mùi đã nghỉ, không ai biết gì cả.
- Chúng tôi cũng chịu. Nhưng thế này, anh có thể đăng báo.
Đang bế tắc, Người cho đây là một ý kiến sáng suốt.
Người hồi hộp trên đường đi tới tòa soạn.
- Cho tôi gặp lãnh đạo toà soạn.
- Anh có việc gì, để tôi điện thoại?
- Tôi muốn đăng một tin nhỏ tìm người nhà.
- Mời anh đi thẳng vào Ban bạn đọc, gặp đồng chí đeo kính.
Tại phòng bạn đọc, Người thấy vững vàng.
- Tôi muốn nhắn tìm người quen cũ.
- Được, anh cho biết nội dung, cần ngắn gọn.
- Thế này anh Báo ạ: "Muốn tìm chị Mùi, vợ anh Mão (anh Mão đã mất gần một năm), hiện tôi ở độc thân tại số nhà 19 Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Đà Nẵng. Chi phí đi lại, ăn ở tôi chịu hết. Kí tên: Người".
Về Đà Nẵng, Người chờ hồi âm. Trong thời gian này, có lần Người mơ đến đám cưới của mình, khi tỉnh dậy buồn rười rượi. Lại nhận được tin em trai lấy vợ bên Đức, nay thất nghiệp. Người thấy số hẩm hiu. Vào một đêm khuya, khi hy vọng sắp tắt, có tiếng gọi cửa.
- Có Người ở nhà không?
- Có tôi đây!
- Mùi đây!
Người bật dậy như lò xo, bật công tắc, mở cửa.
- Mời chị, chị là chị Mùi?
- Đúng tôi.
- Chị đã đọc lời nhắn tin trên báo?
- Có đọc.
Đêm đó, Mùi bò xuống sàn nhà ngủ với Người, mặc Người phản đối, Mùi cứ quặp chặt, tỏa hơi ấm lên khắp thân thể Người giữa đêm đông lạnh giá. Mùi cất tiếng nói thật trữ tình:
- Thật không uổng tôi phải "băng ngàn vượt suối" để tới đây. Thấy Người cô đơn mà thương. Lúc này đây, chỉ có chúng ta mới là có thật, mọi thứ trên đời đều là phù phiếm.
- Còn 2.000 đô la anh Mão cầm của tôi? Người thắc mắc.
- Xuống mồ mà đòi!
Người sởn gai ốc khắp mình, thiếp đi với đám cưới của mình, một đám cưới linh đình dưới mồ.

ĐÀ LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét