Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

503. TRONG MẮT HỌC TRÒ 40


     GẶP LẠI THẦY 
                                                                  (Tiếp theo)
Với các em 12/5, 12/10 trong Kỉ niệm 20 năm ra trường
      Giờ học Văn đầu tiên của năm cuối cấp THPT lớp 12 niên khóa 1990 thật là một ấn tượng khó quên. Thường thì buổi học đầu tiên này chỉ giới thiệu chương trình học. Giáo viên dạy văn thường cho học sinh biết các tiết học Văn trong 1 tuần thì tiết nào học phân môn Giảng văn, tiết nào học Tập làm văn và tiết nào học Ngữ pháp. Nhưng với người thầy mới, cách giới thiệu môn học hoàn toàn khác những lối mòn của 12 năm chúng tôi đi học.
     Thầy giáo mới của chúng tôi cho biết năm nay chương trình học môn Văn có thay đổi. Chúng ta không học trong sách giáo khoa mà học theo hướng dẫn của Sở Giáo dục là học trong “Phần phụ lục”. Phần phụ lục là gì, chúng tôi chưa biết nhưng sách giáo khoa mới cho môn Văn thì thời điểm đầu năm học chưa có nên thầy tôi phải dạy “chay”. Các bạn của tôi, chẳng ai quan tâm, phần phụ lục văn học và sách giáo khoa khác nhau hay không. Nhưng riêng tôi thì thấy tiếc tiếc...
      Số là năm học lớp 11/1, tôi là học sinh giỏi duy nhất của trường THPT Hoàng Hoa Thám nên được thưởng nguyên 1 bộ sách giáo khoa lớp 12. Thời đó, để đạt được kết quả này rất khó : học sinh phải có 7/10 môn điểm Trung bình trên 8,0 và chỉ có 3/10 môn điểm trung bình trên 7,0, trong 3 môn trên 7,0 này chỉ có được phép là 1 môn hoặc Toán, Văn, hoặc Ngoại ngữ mà thôi. Nói thiệt là tôi không có giỏi giang gì mà chỉ chăm học và biết... tính toán một chút. Trong 3 môn trên 7.0, nhất định chỉ có môn Văn là phải vào diện điểm trung bình trên 7.0. Còn tất cả các môn khác trên 8.0 là chuyện không khó gì với tôi. Hồi đó môn Văn mỗi năm làm 8 bài viết (kể cả hai bài thi học kì) thường thì tối đa tôi chỉ được điểm 7. Tôi là lớp phó học tập nên chuyện chăm học là đương nhiên. Bây giờ tôi thấy một lớp bình thường có đến hàng chục học sinh giỏi, có thể các em bây giờ học giỏi thật và cũng một phần cách tính điểm trung bình cào bằng chứ không như hồi xưa thời của chúng tôi.
      Thầy nói không học SGK cũ làm tôi tiếc cuốn mấy cuốn sách giáo khoa về Văn và Tập làm văn mà tôi nhận thưởng hồi cuối năm 11.
      Trở lại giở học Văn đầu tiên của chúng tôi với thầy Hoàng Dục. Thầy gây thiện cảm với chúng tôi bằng chất giọng trầm đều. Nhưng quan trọng là từng thông điệp đầu tiên thầy muốn nhắn gởi cho lũ chúng tôi. Mỗi một lời nhắn nhủ thì thầy đọc vài câu thơ minh họa. Chúa ơi! toàn là những vần thơ đầu tiên trong cuộc đời chúng tôi nghe, thế là ai nấy lục đục bút vở và yêu cầu thầy đọc chậm chậm lại để chúng tôi ghi vào vở. Nhiều học sinh còn í ới “Thầy ơi chầm chậm lại em ghi chưa xong thầy ơi”.
      Phải nói là cả lớp chúng tôi đã bị thầy chinh phục ngay trong giờ học đầu tiên này. Cô bạn kế tôi nhận xét anh chàng kế bên. “Tụi bây nhìn thằng Quy (Hồ Tấn Quy) nổi da gà hết rồi kìa”. Cả cái xóm bàn đầu tụi tôi cười lén lút nhưng nói thật là ai cũng say mê đến độ “nổi da gà”. Hồi đó trường Hoàng Hoa Thám chấm dứt ca học buổi sáng lúc 11giờ 30. Nhưng 11 giờ 15 là còi của xưởng 387 nó hú lên là chúng tôi biết còn 15 phút nữa hết giờ. Còi hú đã lâu, trống kết thúc buổi học cũng đã điểm nhưng chúng tôi vẫn ngồi yên không nhúc nhích nghe thầy giảng bài. Thầy nhìn đồng hồ rồi nhắc chúng tôi buổi học kết thúc hơn gần 10 phút rồi.
      Ngay từ giờ học Văn đầu tiên thầy đã chinh phục được đám học trò thích học các môn tự nhiên và ghét môn Văn như chúng tôi.
      Tôi xin thầy cho tôi viết thêm một kỳ nữa về những kỷ niệm trong một năm học với thầy. Nhưng tôi xin ngắt ở đây để nói về dư luận của chúng tôi về thầy Hoàng Dục. Khi biết tôi có được số di động của thầy, các bạn của tôi ai cũng í ới “Cho tui xin số của thầy Dục đi”. Có người thì tha thiết : “Nghe nói sau khóa của tụi mình thì thầy đi đâu mất tiêu rồi”. Thế mới hay đâu cần cách xa nửa vòng trái đất mới thấy xa xôi. Ngay trong cùng một thành phố quê nhà, cách một con sông, mà các bạn của tôi cũng không biết tin gì về thầy. Phần tôi, thông tin tôi có được là thầy Hoàng Dục đã về trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bên Đà Nẵng rồi. Sau này vào Khoa Luật của Đại học Tổng hợp Tp HCM (tiền thân của Đại học Luật bây giờ), tôi có một người bạn  cùng khóa LH-92 là Phan Phước Thái Nguyên. Thái Nguyên học 12/5, lớp chuyên Văn-Anh, khóa 1989 cùng trường Hoàng Hoa Thám với tôi, do thầy Dục làm chủ nhiệm và giảng dạy. Chúng tôi cũng nhiều lần nói chuyện với nhau về người thầy dạy Văn của chúng tôi. Thái Nguyên bây giờ là luật sư chuyên về di trú và visa đi USA ở Đà Nẵng.
      Tôi biết chắc là thầy Hoàng Dục có rất nhiều học trò thành công trên con đường theo nghiệp Văn chương hay là thầy giáo, cô giáo dạy Văn, phóng viên cho các báo đài trong và ngoài nước. Tôi cũng chỉ là một sản phẩm của thầy nhưng tôi còn cố gắng hơn nữa mới bằng các bạn của tôi. Tôi thấy mình may mắn học Văn với thầy năm cuối cấp và cũng may mắn là chỉ là một năm duy nhất học chương trình thí điểm trong Phần phụ lục (thực ra chỉ là cách nói “phụ” nhưng là phần chính nhất học nhiều nhất). Tôi học Nha Khoa, Luật Khoa ở Sài Gòn (Hiện giờ tôi vẫn còn tên trong danh sách của Đoàn luật sư thành phố Saigon). Tôi cũng đến USA học Thần học nhưng quả thật cảm hứng yêu thích Văn chương mà thầy Dục truyền cho tôi vẫn còn cháy mãi trong tim tôi. Tôi theo nghiệp làm báo, có viết văn chút chút, là thành viên của Hội nhà văn Na Uy, tôi luôn nhớ ơn về người thầy của mình. Nói thật cho đến ngày nay tôi đã tham gia  nhiều khóa học về viết Văn của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Viện Hàn Lâm Na Uy với những ông thầy uyên bác hay tham dự rất rất nhiều hội thảo về văn chương khắp 5 Châu nhưng nói thật cái cảm hứng nó không bằng thời học trò học Văn với thầy Hoàng Dục. Thầy Dục không phải là người thầy đầu tiên dạy Văn của tôi nhưng thầy chính là người đầu tiên truyền cảm hứng yêu mến văn chương cho tôi.
      Tôi nhiều lần trăn trở: “Liệu mình còn có cơ hội gặp lại thầy Hoàng Dục nữa hay không?”. Tôi ám ảnh câu thơ của một nhà thơ khiếm thị . “Nợ bạn bè lần vẫy tay cuối phố/ Nợ thầy cô dấu câu không đúng chỗ”. Và tôi đã gặp may. Tôi đã gặp lại người thầy dạy Văn mình yêu quý. Tôi được trò chuyện với thầy, được nói các cảm xúc thật của mình, được đăng bài trên blog của thầy. Hi vọng một ngày gần đây, tôi sẽ cùng bạn bè mình làm một bữa tiệc nho nhỏ Tạ Ơn Thầy. Trong buổi hội ngộ ấy, lớp 12/1 năm xưa sẽ có đầy đủ các thầy cô khác. Trong thời buổi internet này thì ước mơ đơn sơ này có khả năng thành hiện thực.
      Những bài viết văn của chúng tôi đã nộp thầy chấm điểm xong. Nhưng bài viết về cuộc đời chúng tôi vẫn còn tiếp diễn. Chúng tôi mong muốn gặp thầy để hỏi thầy : “Chúng em chấm câu đúng chỗ chưa thầy ?”. Dù biết rằng mỗi người một số phận riêng, có lối đi riêng, ước mơ và hoài bão cũng khác nhau. Học Văn đâu chỉ thành ông này bà nọ mà học để làm NGƯỜI. Để biết đặt những dấu câu cho đúng vị trí của cuộc đời mình.
      Tương lai chúng tôi có thể khác nhau nhưng chúng tôi ít nhất cũng đã có một quá khứ giống nhau: Chúng tôi đã từng là học trò của thầy Hoàng Dục.

(Còn tiếp một kỳ)
Huỳnh Bá Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét