Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

504. TRONG MẮT HỌC TRÒ 40

     GẶP LẠI THẦY

Các cô giáo cũ về dự kỉ niệm 50 THPT Hoàng Hoa Thám
     (Phần cuối)

      Một năm học Văn với thầy Hoàng Dục thật nhiều kỷ niệm. Năm đó, lần đầu tiên sau năm 1975, học sinh được học về Thạch Lam với “Hai đứa trẻ”, Nguyễn Tuân với “Chữ người tử tù”, Nguyễn Bính với “Tương tư”, Xuân Diệu với “Đây mùa thu tới”, “Thơ duyên”, Hàn Mặc Tử với “Đây thôn Vĩ Dạ”, Vũ Trọng Phụng với “Số Đỏ”, Nam Cao với “Đôi mắt”, Quang Dũng với “Tây Tiến”, Vũ Cao với “Núi đôi”, Nguyễn Mỹ với “Cuộc chia ly màu đỏ”, Xuân Quỳnh với “Sóng”... Dù là ít ỏi nhưng thầy Hoàng Dục đã tận dụng thời gian để nói thêm về những tác giả, những tác phẩm mà chúng tôi không được học trong chương trình. Chẳng hạn, thầy vẫn nói về cảm giác ngày khai trường của một tác giả nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Học về Thế Lữ với “Nhớ rừng” thì thầy cố gắng giới thiệu thêm về hoạt động của ông cùng với Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo...
      Sau bao năm bị gò bó các thầy cô được dịp trỗ tài với “giáo án mở”. Và như vậy thế hệ của chúng tôi say mê với những áng văn chương lừng danh. Sau này cải cách giáo dục thì cũng không hay bằng cái thời điểm thí điểm của năm 1990. Bây giờ thử làm một cuộc điều tra, điều gì đọng lại trong tất cả các học sinh THPT năm 1990, chắc là ai cũng nhớ chuyện học văn với những bài học rất hay. Sẽ chẳng ai nhớ về những tích phân hay hình học không gian của toán hay là hóa hữu cơ, hóa vô cơ, rồi dòng điện xoay chiều của vật lý là gì. Tôi học Y khoa, nghiên cứu trong các viện khoa học mà còn chẳng nhớ gì thì làm sao các bạn tôi nhớ nổi.
     Vậy mới hay môn Văn thường bị xem nhẹ trong nhà trường là môn thực tế nhất, gắn liền với cuộc sống nhiều nhất. Thử xem, chúng ta bắt đầu ngày mới bằng các tin tức trên báo chí, cách giao tiếp xã hội trong các mối quan hệ, các giao dịch hành chính, các cuộc thảo luận... đều liên quan đến kiến thức văn học. Những ai coi thường việc học văn chương thì cần suy nghĩ lại. Hơn nữa học Văn sẽ giúp cho chúng ta hoàn thiện nhân cách, biết sống tốt hơn dù có ai theo nghiệp bác sĩ, kĩ sư thì học văn vẫn có lợi. Tôi có nhiều người bạn là giáo sư, bác sĩ, là tiến sĩ khoa học không gian nhưng họ viết văn rất hay. Phải nói chỉ 1 năm học Văn với thầy Hoàng Dục nhưng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của tôi từ ngày đó cho đến bây giờ và sẽ còn tiếp diễn nữa. Nhiều đêm tôi vẫn còn nằm mơ đang ngồi trong lớp 12 của trường THPT Hoàng Hoa Thám học Văn, dù rằng trong giấc mơ lý trí vẫn mơ hồ : “Ủa mình đã tốt nghiệp cấp 3 và đại học xong rồi mà vẫn… ?”.
       So với các bạn trong lớp, tôi có không gian tiếp xúc với thầy Hoàng Dục nhiều nhất. Sau mỗi giờ học, tôi đem sổ đầu bài lên cho thầy ký và chấm điểm giờ học đó. Đây là điểm dùng để xếp loại thi đua mỗi tuần trong toàn khối. Trong giờ học tôi phát biểu nhiều hơn, bài viết văn nào của tôi cũng được thầy đọc cho cả lớp nghe. Tôi chưa bao giờ đi quá điểm 7 trong bài Tập làm văn của thầy nhưng bài thi tốt nghiệp tôi được 7,5 điểm dù tôi viết thua xa các bài viết trong lớp. Điều đó chứng tỏ thầy tôi rất nghiêm khắc trong việc đánh giá học trò. Chắc chắn tiêu chuẩn của thầy Hoàng Dục cao hơn nhiều trong tiêu chuẩn của thi tốt nghiệp.
       Tôi còn nhớ trong một lần kiểm tra bài đầu giờ. Thầy hỏi nhận xét về nhân vật Thị Nở trong “Chí Phèo” của Nam Cao. Tôi vòng vo đủ điều nhưng chưa đúng đáp án của thầy là Thị Nở” dở hơi và ngớ ngẩn”. Thầy cho tôi 6 điểm. Tôi tức muốn chết luôn vì với những người nhắm tiêu chuẩn học sinh giỏi như tôi bắt buộc các môn trên 8,0 thì 6 điểm chính là thảm họa kéo điểm trung bình xuống. Lớp 12 rồi nên tính toán ghê lắm chứ không có hồn nhiên vô tư như các lớp dưới, như tuổi học trò đâu. Hồi đó mà bỏ qua một bên chuyện chạy theo thành tích thì cuộc đời tôi có lẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng cảm ơn thầy với bài học thất bại này đã giúp tôi nhiều trong hơn trong những năm đi làm dự án xây nhà tình thương và hỗ trợ y tế cho các xã ở đồng bằng Bắc Bộ bằng một chương trình nhân đạo của Hoa Kỳ. Trong Nam thì không biết chứ người miền Bắc thì hay dùng cụm từ “dở hơi và vớ vẩn”. Khi sai lầm gì bị người ta mắng yêu : “Có dở hơi không ấy?” hay “Thật là vớ vẩn” thì tôi lại nhớ đến chuyện Thị Nở ngày xưa. Ngày nay tôi có thể bắt chước người Bắc nói y hệt họ những “thành ngữ” này  bằng giọng của các vùng miền mà tôi sinh sống trong hơn 2 năm đi làm dự án.
      Học với thầy Dục rất say mê  Nhưng dù muốn dù không chúng tôi cũng phải thi tốt nghiệp. Mặc cho các lớp khác đang ôn luyện thi, thầy tôi vẫn mãi miết với những áng văn chương. Một lớp phó học tập như tôi thì bồn chồn lo lắng. Nhưng từ từ thầy cũng ôn luyện cho chúng tôi đúng chương trình. Thầy còn hướng dẫn hầu hết các bài tập làm văn trong cuốn ôn luyện thi tốt nghiệp của Sở giáo dục. Khi còn 1 tuần nữa thi tốt nghiệp thì thầy của tôi cũng vừa xong chương trình. Nhờ vậy mà chúng tôi có kiến thức “tươi” khi thi môn Văn đầu tiên. Vì cùng một “lò” ra nên chúng tôi có các phần đặt vấn đề (mở bài) cho bài viết hơi hơi giống nhau. Tôi thì sợ các bạn giống nhau quá sẽ bị hủy kết quả thi của cả phòng thi nên luôn nhắc nhở các bạn là cố gắng viết khác khác một chút và sáng tạo thêm chứ giống nhau thì sẽ “chết chùm”. Hồi đó học thật thi thật, chấm điểm thi thật và rất nghiêm khắc chứ không như bây giờ. Các năm trước tỷ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh QN- ĐN chưa đến 50 % buộc Bộ giáo dục phải hạ điểm tốt nghiệp xuống còn 18 điểm cho 4 môn thi . Nhưng khóa của chúng tôi trường THPT Hoàng Hoa Thám thì đậu 100%, toàn tỉnh tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, đặc biệt môn Văn thì lớp tôi, trường tôi, toàn thành phố Đà Nẵng, toàn tỉnh QN- ĐN trên trung bình rất cao. Nhờ vậy mà Bộ giáo dục mới mạnh dạn cải cách phần Văn học cho các thế hệ đàn em sau này.
      Tôi ấn tượng thầy Hoàng Dục một chuyện khác nữa. Thầy dạy quá hay, các bạn tôi nhờ tôi hỏi thăm thầy có dạy thêm môn Văn luyện thi tốt nghiệp hay đại học không thì thầy từ chối và nói học thầy trên lớp là đủ rồi. Không như các thầy cô dạy các môn học tự nhiên luôn “thông báo” cho các học sinh biết giờ giấc họ dạy thêm ở nhà để chúng tôi theo học. Bắt đầu thời mở cửa, nhiều gia đình học sinh bắt đầu khá giả lên. Đám học trò nhà quê ra tỉnh như chúng tôi thì đa phần con nhà có của ăn của để. Lớp 12/1 đa số con cán bộ và dân quê ra tỉnh nên gần như cả lớp tham gia vào cơn lốc học thêm dạy thêm. Học trong trường chưa đủ qua bên Đà Nẵng học nữa. Vậy mà thầy Dục không chịu dạy thêm, chúng tôi hơi hụt hẫng nhưng qua phong ba cuộc đời chúng tôi thấy thầy quyết định như vậy là tốt nhất.
      Năm lớp 12 thường có “Màn” viết lưu bút. Cô Quỳnh Hoa dạy Hóa có viết cho chúng tôi câu này : “Chuyện hôm nay sẽ thành chuyện kể/  Những buổi chiều về đưa nắng sang sông”. Đúng ! Những kỷ niệm của 23 năm về trước bây giờ là kỷ niệm đẹp mãi trong ký ức của lớp 12/1 năm 1990. Giờ đây những kỷ niệm đẹp đó quay về với tôi ở phương Bắc xa xôi. Tuyết rơi từng lớp từng lớp ngoài kia với cái lạnh - 10 độ C. Trong căn phòng ấm áp của Viện Văn học Na Uy, tôi gõ những dòng chữ này để nhớ đến thầy nhớ bạn năm xưa. Tình thầy trò và tình bằng hữu thì không có không gian hay thời gian nào xóa nhòa. Tôi chợt thèm trở lại những ngày xưa thân ái. Liệu rồi đêm nay trong giấc mơ của tôi có mơ về những giờ học Văn với thầy Dục? Nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ trường, nhớ mùa thu học đường, những kỷ niệm yêu đương còn vương vấn trong từng câu thơ của thầy dạy chúng tôi : Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang.

Thương về lớp 12/1 Hoàng Hoa Thám khóa 1990.

Huỳnh Bá Hải
Vương Quốc Na Uy 04.12.2013
__________________

5 nhận xét:

  1. Bài viết chân thật , đầy đủ . Có một vài ý giống với suy nghĩ của mình về môn Văn . Mình đã nói về điều này trong một vài bài ở blog yahoo trước đây ...Có thể vì bạn , học trò bạn và mình đều có đam mê văn chương nên dễ có những suy nghĩ tương đồng . Hy vọng rằng :được sống trong một môi trường lành mạnh , người học trò của bạn sẽ tiến xa hơn trên con đường đã chọn để làm rạng danh người Việt .

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn đã có nhận xét. Học trò mình chắc vui lắm, bởi co người đồng cảm.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã đọc cả 3 bài viết của Huỳnh Bá Hải. Những cảm xúc tự đáy lòng đã tuôn trào theo từng con chữ! Cảm ơn thầy Hoàng Dục đã thắp sáng ước mơ và hoài bão của các học trò được được thầy chỉ dạy!
      Nếu thầy là người làng Kế Môn chắc thầy có biết trang web http://langkemon.com.vn/
      Chúc thầy và gia đình vui khỏe!

      Xóa
    2. Cám ơn bạn đã ghé thăm blog của tôi. Bài viết của Hải với tôi là một kỉ niệm đẹp, mọt tấm lòng trong vạn tấm lòng mà tôi luờn nâng niu.
      Đúng, tôi là người làng Kế Môn. Trang Langkemon.com.vn là của Hội đồng hương Kế Môn tại Sài Gòn. Tôi cũng có bài đăng trên trang ấy.
      Mong vẫn liên lạc với bạn.
      Chúc bạn và gia đình vui, khỏe và hạnh phúc.
      HD

      Xóa