Một góc chốn quê |
Tiết thao giảng kết thúc. Giờ góp ý, một cô giáo cùng tổ chuyên môn hỏi, không hiểu sao thầy T cứ vất vả với hình ảnh giọt mồ hôi? Điềm nhiên, T trả lời, vì tôi quý giọt mồ hôi!
Mọi người trong tổ văn cười ồ.
52. Năm 1987, thao giảng bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu, thầy T từ cấu trúc như hình ảnh một cô gái thắt đáy lưng ong mà bung ra, tìm hiểu cái đẹp của bài thơ. Thầy hỏi, có lúc gợi ý, học sinh trả lời. Thầy chỉ ghi bảng phụ những ý học sinh trả lời, những chi tiết cần giảng. Sau đó, thầy đúc rút từng phần và ghi bảng chính các ý chính về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Theo thầy T, tiết học như thế là ổn, diễn ra trong bầu khí sôi nổi, có chất văn.
Thế nhưng, trong phần góp ý, vẫn có ý kiến, thầy không tuân thủ 5 bước lên lớp, ghi bảng quá gọn…
Nghe góp ý, thầy T nói sẽ tiếp thu, những trong đầu thầy lại vang lên cái điệu cợt cười: “Dạy văn như máy ai ơi/ Đi đúng 5 bước đi đời giờ văn”.
53. Cũng tiết thao giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Trong phần góp ý, có một cô giáo băn khoăn: “Tôi cho, thầy T hỏi một số câu hỏi quá khó đối với học sinh, dù đây là lớp chuyên văn. Những câu hỏi như vậy chỉ tổ mất thời gian. Bằng chứng học sinh không trả lời được, thầy phải giảng.
Một cô khác lên tiếng: “Tôi thì khác. Tôi nghĩ những câu hỏi gọi là khó ấy là những câu hỏi tình huống vừa tạo khoảng lặng vừa định hướng tâm lí cảm thụ cho học sinh vừa tạo cơ hội cho thầy phân tích, bình văn. Một giờ học văn, cũng cần những khoảng lặng vô ngôn và cũng rất cần lời bình văn của thầy. Dạy văn, dù anh lựa chọn phương pháp nào để truyền thụ, thì thao tác bình, diễn giảng của thầy luôn có ý nghĩa quan trọng”.
Thầy T im lặng, chỉ nhìn cô giáo vừa phát biểu mỉm cười!
54. Nghe nói cô B “chảnh” về chuyên môn lắm. Cả trường T ai cũng né cả, đúng hơn là lắc đầu. Cũng nghe nói, các giáo viên văn của các trường cấp ba trong thành phố đều chép miệng khi nghe nói về cô giáo ấy. Thầy T cũng được nghe nhiều về cô B nhưng “văn kì thanh bất kiến kì hình”, bây giờ mới “thực chứng”. Chả là, thầy được Sở Giáo dục và Đào Tạo cử về dự giờ thanh tra cô B.
Tiết học hôm ấy, cô dạy “Thơ duyên” của Xuân Diệu. Cô giảng thật hùng hổ. Bóng cô choáng cả bài thơ, thậm chí cả lớp học. Cô có phát vấn, nhưng chỉ những câu trả lời, thơ duyên là bài thơ tình yêu mới được cô chấp nhận. Về sau lớp học trầm xuống. Giờ dạy của cô bị “cháy” giáo án.
Trong phần góp ý, thầy T nêu lại những lớp ý nghĩa khác của bài thơ mà học sinh phát biểu và hỏi cô, sao không chấp nhận những ý nghĩa đó. Cô T cho rằng những cách hiểu đó khó chấp nhận với lí do “văn chương tự cổ vô bằng cớ”. Nghe cô B nói, thầy T chưng hửng. Thầy chỉ buông một câu lửng lơ:
- Vậy ư? Xem ra cách hiểu của cô về bài thơ ấy cũng “vô bằng cớ” lắm! Sao cô lại chọn dạy một môn vô bổ như vậy nhỉ?
55. Vào tiết học, cô giáo kiểm tra bài cũ phân môn Tiếng Việt. Cô gọi 2 học sinh, yêu cầu giải 2 bài tập trong sách giáo khoa lên bảng. Cô lại gọi một học sinh khác đọc bài. Sau đó gọi thêm một học sinh nữa. Học sinh ở dưới lớp, em thì nhìn bảng, em thì lắng nghe bạn mình trả bài, em lại giở sách tham khảo, em nói chuyện riêng,… Những thầy cô dự giờ căng tai căng mắt cũng không thể nào theo dõi hết được.
Tiết dạy kết thúc, một cô giáo nói nhỏ với thầy T: Có lẽ cô giáo chạy điểm, muốn nhanh chóng đủ cột điểm, chứ… làm sao có kiểu kiểm tra bài cũ không sư phạm như thế!
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét