Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

506. CHUYỆN DẠY HỌC, MỘT ĐỜI CÓP NHẶT

      56. Giờ trả bài làm văn ở một lớp 10. Sau khi thầy phát bài xong, học sinh A cầm bài của mình hộc tốc chạy lên:
      - Thưa thầy, bài văn em dài hai đôi giấy, sao điểm thấp hơn bài bạn N. Bài bạn ấy chỉ hơn một đôi.
        Thầy nhìn A, giọng rất dịu:    
               - Tôi có chấm độ dài ngắn của bài làm đâu. Sao em không đọc bài của bạn N. Bạn ấy xứng đáng với điểm số ấy.
        A đực ra một lúc, lí nhí xin lỗi rồi về chỗ.

        57. Thầy trả bài viết số 2. Một bất ngờ, T được điểm cao như D. Chả là xưa nay T chỉ trung bình về môn này, còn D giỏi có tiếng. Trong khi các em khác vẫn chưa hết ngạc nhiên, D có vẻ không bằng lòng, lên thưa với thầy: “Sao có hiện tượng lạ ấy. Rõ ràng bài T kém hơn bài của em mà!”
         - “Sao em không thấy bài này của T hơn hẳn những bài trước đó của bạn ấy. Sự nỗ lực, dấu hiệu của sự tiến bộ đáng được trân trọng lắm chứ em!”. Thầy mỉm cười độ lượng.

        58. Sau khi phát cho học sinh bài viết số 5, thầy yêu cầu các em đọc lại, có băn khoăn gì thì trao đổi. Nhiều em đưa tay. Em thì khiếu nại, cho rằng mình bị trừ 2 điểm như bạn A là oan uổng. Bạn A tẩy xóa nhiều trong bài làm còn em ấy chỉ ghi tên và chữ lót trong ô họ và tên thôi mà. Em thì thắc mắc, câu này em viết dài mà đúng sao thầy yêu cầu tách câu?... Các ý kiến đều được thầy giải thích cặn kẽ, đúng lí hợp tình. Ai cũng vui vẻ.
        Thế nhưng, V vẫn ấm ức vì điểm không cao. Em cho rằng đề yêu cầu rộng quá, chỉ làm trong 90 phút là không hợp lí. Thầy thong thả bước xuống bục giảng, đến bên V:
        - “Ngày xưa thầy cũng từng nghĩ như em vậy. Em biết thầy giáo của thầy ngày ấy nói gì không. Thầy giáo nói, không có đề dài, đề khó, đề rộng, đề hẹp; chỉ có… ta có làm chủ được kiến thức, thời gian hay không. Tùy thời lượng mà ứng xử đối với đề bài, đó là một học sinh thực sự có kĩ năng”. 
        Thầy quay về bàn của mình và bảo: “Thầy mong V và các em hiểu điều đó”.
      
        59. Chuông đã reo. Thầy xếp sách vở bước ra khỏi lớp. Một học trò bước theo, giãi bày: “Thầy ơi, sao trong bài làm phân tích “Đây mùa thu tới” của em, thầy lại gạch câu “Văn học lãng mạn là viên thuốc độc bọc đường”. Em viết như một bài phê bình văn học, em đã đọc mà!”.
        Thầy dừng lại, nhìn vào mắt học trò của mình : “Thầy gạch vì, thứ nhất nó là một ý lạc lõng trong bài làm, thứ hai nó là một luận điểm không được chứng minh. Không nên viết điều gì mình chỉ tin mà không hiểu, không chứng minh được, em ạ!”.

        60. P là bạn tôi, dạy địa ở trường T. Anh kể cho tôi nghe  một câu chuyện thú vị.
        Anh đang dạo bước trên đường phố, bỗng một người đàn ông trung niên tấp xe lại và hỏi anh:
        - “Trông anh quen quen! Hình như anh học trường trung học T thì phải, cùng lớp với tôi.”
        - “Tôi cũng thấy anh quen quen, chắc cùng lớp, lớp mà thầy P dạy địa ấy mà.” Anh nhận người đàn ông là học trò thời anh ra trường được vài năm, nhưng cũng vui vẻ nói.
        Người đàn ông vội bắt tay anh: “Đúng rồi. Ghé chào anh một tiếng. Tôi có việc gấp… Bữa nào hội trường ta gặp nhau nghe”.
        Người đàn ông rồ máy, anh quay về nhà. Anh đem chuyện  này kể với vợ anh. Chị ấy bảo: “Cái anh này. Nó là học trò, sao không mắng một trận. Học trò kiểu gì mà lạ thế!”. Anh xuề xòa: “Sao lại mắng. Phải vui chứ! Vui vì… sau bao năm, anh vẫn còn trẻ như cậu ấy mà!”.
       
        (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét