Hoa dâm bụt |
Một buổi chiều rỗi rãnh. Lật giở những trang thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi. Bỗng thơ hiện hình đồng vọng. Tình nương theo thơ bâng khuâng. Hồn trí cùng câu chữ đi về lãng đãng. Nhất là khi chạm vào bài thơ Mộc cận (*) xinh xắn, lòng như được gội mát nước hoa lan.
Ánh nước hoa in một đóa hồng,
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng.
Chiều mai nở, chiều hôm rụng,
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.
Xưa nay, nghĩ về thơ Nguyễn Trãi, ta nghĩ về tư tưởng nhân nghĩa, yên dân; nghĩ về những tư tưởng đạo trời hòa hợp với đạo người. Đấy là những vần thơ ngậm đầy cái đẹp của triết lí nhân sinh, của tư tưởng: Còn có một lòng âu việc nước,/ Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung (Thuật hứng, 23). Thế nhưng, đến với Hoa mộc môn, ta lại có một cái nhìn khác. Những bài thơ trong mục này đều thể hiện niềm rung cảm trước cái đẹp cây và hoa, cái đẹp của tạo vật thiên nhiên của nhà thơ, trong đó tiêu biểu có cái đẹp của hoa dâm bụt hay hoa râm bụt, một loài hoa dân dã.
Bài thơ mở ra bằng cảm xúc trước cái đẹp của bông bụt in trong gương nước mặt ao, chiếc ao quen thuộc ở chốn quê Bắc bộ.
Ánh nước hoa in một đóa hồng,
Vẩn nhơ chẳng bén bụt là lòng.
Hai câu khai và thừa này hình như chệch ra khỏi tư duy thơ, cách lập ý thường thấy qua những bài thơ viết về hoa của Ức Trai. Ở Hoa mẫu đơn, câu khai mang ý nghĩa bình luận: Một thân hòa tốt lại sang. Trong Hoa sen, nhà thơ đánh giá hoa không một vết nhơ, luôn thanh tân hương nhụy: Lầm nhơ chẳng bén, tốt hòa thanh. Hay Hoa cúc thì Nào hoa chẳng bén khí dầm hâm. Các loài hoa khác, gặp tiết trời ấm áp đều nở hoa, riêng cúc thì không. Cúc nở hoa chỉ vì nội lực bản thân, mang ý nghĩa tự thân. Qua các câu khai trên, có thể nói rằng cách lập ý này mang màu sắc lí trí, nặng suy tư, nhẹ về cảm xúc.
Thế mà, với cây dâm bụt, nhà thơ mở đầu bằng một câu thơ thấm đậm chất trữ tình. Điểm nhìn trữ tình trong thơ thực mà ảo, tưởng tĩnh tại nhưng vận động lung linh. Câu thơ sáng lên màu hồng của hoa dâm bụt. Vẻ đẹp vẻ sáng của hoa thơ tỏa ra từ hình ảnh ánh nước. Mặt nước như một tấm gương soi ánh sáng làm đẹp cho hoa. Trong câu thơ, những hình ảnh được sắp xếp theo một trật tự hợp lí nên giàu sức biểu tả biểu cảm. Cái mà nhà thơ thấy trước không phải là hoa mà là ánh nước. Từ diện mà nhìn thấy điểm, đó là một đóa hồng, nên tạo được ấn tượng sâu bền. Câu thơ như một bức tranh tĩnh vật có chiều sâu hút lấy cảm xúc của người xem. Trên khung nền sáng bạc của nước, nhà thơ đã dệt chìm mà nổi một đóa hồng dâm bụt tươi xinh. Chính đóa hồng ấy, kết tinh cảm xúc của người xem tranh và của chính nhà thơ.
Câu thơ gợi nhớ Thủy trung nguyệt (trăng trong nước) cũng của Ức Trai. Nếu hoa dâm bụt in trong ánh nước thì trăng cũng chiếu dưới nước. Hai hình ảnh, hai sự vật hiện tượng thiên nhiên có sự đồng dạng về cấu trúc. Nhưng câu thơ Nguyệt trong đáy nước, nguyệt trên không tỉnh táo quá, thiếu chất say, còn câu thơ Ánh nước hoa in một đóa hồng thì bồng bềnh xúc cảm, một xúc cảm về sự hài hòa giữa tạo vật thiên nhiên trong trời đất. Hài hòa, cân đối là cái đẹp trong quan niệm mĩ học phương Đông.
Đọc tiếp câu thừa, ta cảm thêm cái lạ khác. Nếu câu khai tả cái đẹp bên ngoài thì câu thừa gợi cái đẹp bên trong của hoa. Vẩn nhơ không bén, bụt là lòng nghĩa là hoa không có một vết nhơ nào, tấm lòng hoa từ bi như tâm Phật. Trong Nguyễn Trãi toàn tập, câu thơ này ghi là: Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng. So với bản Bùi Văn Nguyên đã dẫn ở trên, câu thơ này hợp lí hơn. Chữ vết và chữ làm, khiến ý thơ rõ hơn. Vẻ đẹp tâm hồn của hoa sáng láng hơn, tinh thần hoa thanh cao, thánh thiện hơn.
Như thế, hai cầu đầu của bài thơ là cảm xúc cái đẹp toàn bích của hoa dâm bụt. hoa không cao sang, không có ý nghĩa biểu tượng cho bậc chính nhân quân tử như Tùng-cúc-trúc-mai. Hoa mọc bên ao hồ nơi quê kiễng, nhưng mang vẻ đẹp tự tại, giản dị, hiền hòa.
Đến hai câu sau, tứ thơ rẽ sang hướng khác, từ cảm xúc về hoa đến suy tư về triết học Phật giáo:
Chiều mai nở, chiều hôm rụng,
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.
Dâm bụt còn có tên chữ là phù dung, là loài hoa sớm nở tối tàn. Hoa phù dung cũng đã đi vào thơ ca với nhiều hình sắc khác nhau. Hoa khi thì mang màu thời gian chờ đợi Phù dung lại nở bên song bơ sờ (Chinh phụ ngâm-Đặng Trần Côn), khi thì như môi má hồng duyên của phụ nữ Phù dung như diện, liễu như mi (Trường hận ca-Bạch Cư Dị). Phù dung trong câu chuyển của bài thơ này gợi tả sự nở tàn chóng vánh của nó. Vòng đời hoa dâm bụt chỉ ngắn ngủi trong tám giờ. Chữ “chiều” nghĩa là buổi, ý câu thơ là buổi mai hoa nở, buổi chiều tàn. Câu thơ diễn tả cảnh “sống hụt một đời hoa” (chữ Hoàng Phủ Ngọc Tường) của hoa dâm bụt. Số phận của hoa hữu hạn nhưng là một hữu hạn đầy bi thảm.
Hiểu như thế để thấy, câu thơ đọng chứa giọt nước mắt khóc hoa của nhà thơ. Chỉ có điều giọt nước mắt ấy không mang tính chất sinh học mà mang cung điệu tâm hồn, một tâm hồn đớn đau trước số phận ngắn ngủi của cái đẹp. Câu thơ gợi cái đẹp giàu sức sống, nhưng gặp phải “phận mỏng cánh chuồn”. Đây là điểm nhìn khác biệt giữa Nguyễn Trãi và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong Hoa bên trời, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng phù dung “không phải một loài thực vật, mà là một thiếu nữ”. Còn với Nguyễn Trãi, phù dung là cái đẹp mang ý nghĩa rộng lớn, bao hàm cả triết học lẫn mĩ học. Nguyễn Trãi không đơn giản nói về số phận của cái đẹp, nhà thơ bàn về hình tướng của nó. Điều đó thể hiện rõ qua sự vận động của mạch thơ, từ câu khai, thừa để câu chuyển rồi chốt lại ở câu kết:
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.
Một câu kết lạ. Câu thơ nặng về ý nghĩa mà nhẹ về giọng điệu. Giọng thanh thản đến lạ. Ý thơ như bay thong dong trong đời rộng rãi. Tìm trong những bài thơ Bảo kính cảnh giới, Thuật hứng, Mạn thuật, Trần tình, Ngôn chí… của Nguyễn Trãi không thể gặp tứ thơ này. Những câu kết trong các phần thơ trên lúc nào cũng đau đáu tư tưởng “trí quân trạch dân” hay tư tưởng nhàn tản của nhà thơ. Lúc nào cũng Nợ quân thân chưa báo được,/ Hài hoa còn bện dặm thanh vân (Ngôn chí, 10) hay Dù bụt, dù tiên ai kẻ hỏi,/ Ông này đã có thú ông này (Mạn thuật, 6).
Thế mà, câu thơ này lại bàn về lẽ sắc không trong triết học Phật giáo. Cuộc đời vô thường. Cái đẹp là cái vĩnh hằng vậy mà không nằm ngoài lẽ vô thường. Cái đẹp vẫn bị câu thúc trong thân phận sớm nở, chiều tàn. Cái lẽ sắc không đến như vậy thật là tuyệt diệu. Đâu rồi hình ảnh của một đại túc Nho. Câu thơ chỉ còn hình ảnh của một thiền sĩ. Phải chăng câu thơ thể hiện vẻ đẹp tư tưởng của một nhà văn hóa lớn hay thể hiện sự trải nghiệm sâu sắc của một kẻ sĩ trong cuộc dâu bể chính trị đương thời.
Mộc cận là bài thơ có một vị trí riêng trong thơ Quốc âm Nguyễn Trãi nói chung và Hoa mộc môn nói riêng. Đây là một thi phẩm vừa lạ vừa quen. Bài thơ quen vì vẫn nằm trong mạch xúc cảm về tạo vật ở hương thôn như một giậu mồng tơi, một ao rau muống… Nhưng lại rất lạ bởi cái nhìn trữ tình thấm thía sắc thiền. Bài thơ là thiền thi. Cái độc đáo của thơ hay phải chăng là ở đây.
Hoàng Dục
20-12-2013
____________
_______________
(*) Thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi, Bùi Văn Nguyên, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2003, tr. 164. Trong Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 471, bài thơ này có tên Cây mộc cận. Thực ra, mộc là cây, cận là dâm hay râm bụt. Như vậy, tiêu đề Mộc cận có vẻ hợp lí hơn.
Gần Tết Dương lịch rồi sao chưa thấy bạn ra mắt tác phẩm hả bạn ? Bộ định làm quà đầu năm hay sao ? Hi hi ...
Trả lờiXóaChắc phải vậy thôi. Đợi mình đi Đà Lạt về đã. Có muộn nhưng quà đầu năm Tây cũng có cái thú vị đó! Cám ơn bạn đã thăm hỏi.
Xóa