Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

524. MỠ VÀ NẠC



       Vẫn buổi sáng Chủ nhật bên bờ hồ Thạc Gián. Vẫn những ông giáo không còn ngồi sau trang giáo án đang mở mà trước li cà phê lắm màu. Vẫn những chuyện đủ đề tài nhưng bao giờ cũng quay về với giáo dục. Đúng là dù có “bỏ trường mà đi” thì tâm tư vẫn mãi đi về trên nẻo đường “ngày xưa Hoàng thị”. Chuyện giáo dục nổi cộm nhất, nổ như vang hơn bỏng ngô, làm sóng sánh những li cà phê là chuyện đổi mới thi cử của Bộ Giáo-Đào.


      Thi cử và đổi mới thi cử từ phổ thông đến đại học được Bộ cho là quan trọng nhất. Miễn bàn tầm quan trọng của nó ra sao, một anh bạn bảo, chỉ bàn cái đề án thi cử thôi. Xưa nay mình thấy, anh bạn ấy tiếp, cái gì của ta được đưa ra đều xem là quan trọng cả. Vậy bàn quan trọng hay không mà làm gì. Chỉ tổ dư hơi! Mình thấy cái ông Bộ như gà mắc tóc, cứ loay hoay. Bỏ thi TN THPT hay thi? Thi bốn môn hay nhiều môn? Môn ngoại ngữ tự chon hay bắt buộc?

      Một anh bạn khác chen ngang, ông khéo lo. Tui thì tui tin mọi chuyện sẽ đâu vào đó cả. Ông nên nhớ, ông Trưởng Bộ đã dũng cảm chỉ ra căn bệnh trầm kha của ngành. Đó là bệnh bằng giả, trí trức rởm. Ông ta quyết tâm triệt các cơ sở sản xuất bằng giả hay bằng thực mà học giả và các ngài xài bằng giả “chui” vào các cơ quan công quyền rồi. Nói chi đến chuyện thi cử. Rồi cũng sẽ tắp lự tốt thôi. Sau cơn mưa trời lại sáng thôi ông ơi!

      Nói như anh không khéo người ta gán cho cái tên, nếu không “vô cảm” cũng là “cả tin”. Anh bạn mở màn câu chuyện nhếch môi. Rồi anh tiếp, đúng là ở xứ ta cái gì cũng nửa nạc nửa mỡ. Tại sao không bỏ quách kì thi tốt nghiệp THPT đi cho đỡ tốn kinh phí, tốn năng lực trí tuệ của thầy và trò, của phụ huynh và lãnh đạo,… Đã thi, lại chỉ bốn môn, toán và văn là hai môn bắt buộc, còn hai môn khác tự chọn. Sao không bắt buộc cả bốn? Sao lại năm mươi, năm mươi. Nửa trói nửa mở, mở trói, trói mở rối rắm đến vậy! Cứ làm khó cho mình.

      Đồng ý, đồng ý, cái ông Bộ làm khó cho mình như bạn nói, anh ngồi cạnh người vừa nói lên tiếng. Theo tui, đã phổ thông thì cho ra phổ thông. Học môn nào thi môn nấy. Đã thi sáu môn nay rút lại còn bốn. Sao gọi là trung học phổ thông? Từ cái tên gọi đến thi tốt nghiệp đã bất nhất rồi, còn bàn gì nữa. Nói xong anh bạn thở dài thườn thượt.

      Theo tui bỏ thi tốt nghiệp phổ thông, chỉ thi đại học thôi, còn thi thế nào, tuyển thế nào hay kết hợp thi và tuyển là do trường đại học đó chịu trách nhiệm. Một anh bạn từ đầu đến giờ chỉ lắng nghe nay góp ý. Anh còn bảo, thi là để lấy bằng cấp, bằng cấp khẳng định giá trị thực người chủ sở hữu nó. Nói cho mau, thi là cách lượng giá để chọn người tài, đủ kiến thức và kĩ năng theo tiêu chí nhất định. Bằng Tốt nghiệp THPT hiện nay xem ra cũng chỉ là cơ sở để đi vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học; chứ bản thân nó có là cơm cháo gì đâu.

      Hay, hay, các anh, anh nào cũng có lí cả, một anh khác góp chuyện. Tui cũng nghĩ, thi tốt nghiệp THPT nó nửa nạc nửa mỡ làm sao ấy. Sao cứ xem văn, toán là quan trọng còn các môn khác thì không? Sao học sinh Việt mà tự chọn môn lịch sử nước mình mà thi hay không? Một học sinh Việt mà mù mờ sử Việt thì còn thể thống gì! Lại thêm, điểm đỗ là điểm trung bình cọng giữa điểm thi với điểm trung bình học tập năm  lớp 12?. Đánh giá quá trình ư? Chả trách Giáo sư Văn Như Cương nói chắc cú: kì này tốt nghiệp 99,99%.

      Mải chuyện, không ai biết mặt trời đã gần ở đỉnh đầu. Khi nhớ ra đã 11 giờ hơn.

      Chia tay mà còn dùng dằng. Câu chuyện thi cử vẫn dư ba. Dư ba thì dư ba, chuyện cũng chỉ trà dư tửu hậu. Chẳng nghiên cứu khoa học gì, ai cũng nói lên chủ kiến của mình, từ sự quan tâm đến ngành giáo dục.

      Xem ra bàn như thế cũng nửa nạc nửa mỡ, dây dưa lắm thay!

      Hoàng Dục

      5-3-2014

      _____________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét