Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

527. CHUYỆN KHÓ HÌNH DUNG



Cô giáo Tòng Thị Minh với học sinh
     Trong đời, nhiều sự việc tưởng khó xẩy ra lại xẩy ra, nhiều chuyện tưởng là chuyện của “những người thích đùa”, nhưng chẳng đùa tí nào cả. Đó là cảm giác của mình khi đọc báo Tuổi Trẻ, ngày 17-3-2014, với bài: “Chui vào túi nilong để… qua suối” của Lê Đức Dục và Đà Trang và bài: “Cô giáo chui túi nilong qua suối: Giám đốc Sở GD-ĐT nói gì” đăng trên Soha.vn.

      Chỉ lướt qua nhan đề, cứ tưởng đây là chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh”, chuyện tiếu lâm giữa thời hiện tại của thế kỉ XXI. Nào ngờ đó là một câu chuyện vượt suối lũ của người dân trong cuộc mưu sinh, của phụ huynh đưa con đến trường và của những thầy cô giáo. Đọc bài báo mà thót tim vừa đau lòng vừa cảm phục trân trọng những thầy cô giáo vùng cao.
      Các thầy cô giáo ở bản Sam Lam, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, vào mùa mưa lũ, muốn đến trường phải nhọc nhằn vượt qua con đường lầy lội, trơn trượt dài 18 cây số từ trung tâm huyện đến bản. Đáng sợ nhất là vượt suối, các thầy cô phải ngồi trong túi ni lông, để các thanh niên biết bơi túm miệng túi đưa họ qua suối. Một chuyến vượt suối lành ít dữ nhiều, đánh đu với cái chết. Đây là một trò chơi mạo hiểm hay là vượt lên nỗi chết để đem con chữ đến với các em học sinh vùng sâu vùng xa. Đấy là lòng yêu nghề, vì học sinh thân yêu hay vì thói quen như lời cô giáo Minh: “Ôi chuyện bình thường mà, chúng em chỉ có cách đó qua suối thôi chứ chả cây cầu nào chịu được lũ rừng cả”.
      Câu chuyện vượt suối ngoài sức tưởng tượng, chỉ có ở nước ta vào đầu thế kỉ XXI nêu trên không phải là một hiện tượng cá biệt mà là một sự việc điển hình. Theo ông Lê Văn Quý, GĐ Sở GD - ĐT Điện Biên, chuyện các thầy cô giáo chui túi nilông qua suối là điển hình. Ông nói:
     “Các thầy cô giáo muốn đến trường buộc phải làm thế thôi. Trường hợp này là điển hình, không phải là phổ biến nhưng cũng không phải là hiếm. Bởi thực tế, trên địa bàn tỉnh còn nhiều vùng gặp khó khăn như vậy”.
     Nghe ông Quý trả lời phỏng vấn, mình không khỏi suy nghĩ. Sao lại “muốn đến trường buộc phải làm thế thôi”? Một đất nước tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống trọng tình, sao lại “treo” những chiếc cầu treo ở đâu đó để dân “sáng tạo” lối qua sông độc nhất vô nhị trên hành tinh này như thế? Sao người ta cứ mải xây nhà to, sắm dàn siêu xe, xây chùa lớn, nhà thờ tộc hoành tráng… nhưng lại để con người đem sinh mạng của mình ra mà cá cược với lối tư duy duy ý chí thế này?
     Ôi, cái túi nilong đựng một cuộc đời, một sự sống!
     Hoảng Dục
     18-3-2014
     ________________

2 nhận xét: