Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

526. THÊM VỊ NGẬM NGÙI


Núi Phú Sĩ
      Có chút việc nên sang trường trung học Hoàng Hoa Thám. Gặp anh bạn cũ, không ngờ anh vừa mới ở Nhật về. Bắt tay chào hỏi, chúc mừng anh vừa trải nghiệm được “một sàng khôn” ở xứ sở con của Thái Dương Thần Nữ.
     Thế là ngồi tâm tình. Mình hỏi anh có ghé các trường học của xứ Phù Tang không? Có, cũng kha khá, anh trả lời. Mình đùa, vậy hẳn vốn liếng hiểu biết về chuyện học của người ta chắc cũng kha khá nhỉ? Anh bạn cười, biết để chơi thôi, đưa vào trường học của mình khó lắm. Càng đi nhiều càng vui, càng vui lắm càng ngậm ngùi dài.
      Nghe anh bạn nói, mình cũng chẳng ngạc nhiên gì. Xưa nay đã nghe nhiều về giáo dục ở Nhật rồi, nhưng mình cũng thèm nghe thêm. Mình bảo anh kể một chuyện để được chia sẻ nỗi ngậm ngùi cùng anh. Anh khề khà… thì chia sẻ nhé. Chẳng hạn mình được dự một bữa ăn cùng học sinh lớp chín của một trường của nọ. Các em tự làm đâu vào đó. Từ chuyện chuẩn bị bữa ăn đến thu dọn sau khi ăn xong. Tất cả gọn gàng, sạch sẽ không chê vào đâu được. Anh thử hình dung xem, ăn xong các em uống sữa. Uống xong, bốn em gấp nhỏ hộp của mình lại, nhét vào hộp của em thứ năm. Kiểu bốn trong một ấy mà. Năm khay chồng lên nhau thành một khay. Một em bưng khay để vào vị trí qui định. Các em khác dọn dẹp bàn ghế, vệ sinh v.v…  Các em rời phòng vào học lại, phòng ăn sạch như mới.
      Chà, nghe anh kể mà phục cái tính kỉ luật, tính tự giác của học sinh xứ họ ghê! Bỗng nhớ lại những phim của điện ảnh xứ mặt trời mọc mà VTV Đà Nẵng chiếu những ngày gần đây. Nào là “Con gái của ba”, “Mẹ tôi”, “Câu chuyện Marumo”. Điện ảnh họ sao mà nghệ thuật đến thế. Những tác phẩm nghệ thuật thứ bảy ấy vừa thể hiện nét đẹp văn hóa của người Nhật vừa có chiều sâu triết lí nhân bản vừa giàu giá trị nghệ thuật. Đem những tác phẩm điện ảnh Việt trong thời gian gần đây đặt bên cạnh những phim vừa kể, thấy cứ như ngọc với bùn đất. Điện ảnh Việt thời kinh tế thị trường định hướng này xem tính nghệ thuật là thứ xa xỉ hay sao ấy!
       Lại lạc đề mất rồi! Nghe anh bạn kể mà nhớ lại xen hai chị em sinh đôi trong phim “Câu chuyện Marumo” viết bài thuyết trình về nghề của Marumo. Cô chị tên là Kaoru, cậu em là Tomoki. Cả hai được anh Tagaki Maruno, một người bạn của người cha vừa mới mất của các  em, nuôi dưỡng. Hai em học lớp một. Trong tiết học thầy giáo yêu cầu các em về điều tra nghề của bố mẹ viết thành bài rồi thuyết trình. Hai em về “phỏng vấn” cha nuôi. Anh Tagaki trả lời, anh làm công việc chăm sóc khách hàng ở công ti thiết bị văn phòng phẩm, nhưng chúng không hiểu. Chúng quyết định âm thầm đến văn phòng của anh để “nghiên cứu” và viết. Một buổi tối, chúng đem bài thuyết trình (đã trình bày ở lớp) đọc cho anh Tagaki nghe. Tomoki viết về nghề “xin lỗi” của anh. Chả là khi đến văn phòng anh Tagaki, Tomoki thấy anh đang rối rít xin lỗi khách hàng qua điện thoại. Em cho rằng anh có lỗi và người ta la mắng anh nên phải xin lỗi. Qua sự việc đó, em quyết định sẽ cùng anh xin lỗi người ta. Còn Kaoru thì viết về nghề “nấu ăn” của Marumo. Cơm chú nấu có màu vàng, thức ăn có vị mặn nhưng ăn rất ngon. Em thương chú Tagaki nhiều, sẽ cùng chú nấu ăn…   
       Không cần bàn giọng điệu hồn nhiên, ngộ nghĩnh trong bài viết của các em. Chỉ bàn đến cách làm việc độc lập, năng động, có tư duy và có tình nghĩa của các  em để thấy giáo dục xứ người sâu sắc, có tính nhân bản và khoa học thế nào. Còn ở ta ôi thôi…
      Chao ôi, đúng là thấy người mà ngẫm đến ta để càng ngậm ngùi.
      Lại nhớ đến bài viết “Một nước Nhật quá xa xôi” của Vương Trí Nhàn. Nhà phê bình văn học này đi du lịch bụi ở Nhật và cảm nhận: “Tôi thấy xã hội Nhật là một cái gì quá đồng đều và quá hoàn chỉnh, do đó là quá xa xôi, người mình không biết bao giờ mới có thể có một xã hội hợp lý như của họ”. Rồi tác giả so sánh: “Tình thế đó của nước Nhật toát ra không phải từ không khí sinh hoạt của đường phố mà nó thấm vào trong cách sống cách nghĩ của từng con người, cũng như lối sống rời rã, cái năng động hỗn loạn, và tâm lý bèo dạt mây trôi đã thấm vào trong cách tổ chức xã hội của người Việt”.
     Ở phần kết Vương Trí Nhàn so sánh về văn học hiện đại Việt và Nhật: “Mấy năm gần đây, nhờ sự trợ giúp của phía đối tác nước ngoài, các trường đại học ở ta thường mở ra các cuộc hội thảo văn học so sánh, trong đó nhiều báo cáo của giảng viên Việt trình bày như là có một bước tiến song song giữa văn học Nhật Bản hiện đại và văn học VN thế kỷ XX, rồi bước tương đồng giữa văn học Nhật đương đại và văn học Việt Nam hôm nay. Trên một số phương diện khác của đời sống cũng vậy. Một cái gì giống như ảo tưởng đang chi phối cái nhìn người Việt khi chúng ta làm cái việc đối sánh giữa mình với người, và các đồng nghiệp Nhật  vì lịch sự cũng không tiện bác bỏ. Thường những lúc nghe vậy, trong tôi có cái cảm giác xót xa như khi thấy người ta xoa đầu mình coi mình là một lũ trẻ con. Trong những ngày du lịch bụi ngắn ngủi này, cái cảm giác xót xa ấy lại trỗi dậy để mà càng cảm thấy nó một cách thấm thía hơn”.
     Nghe anh bạn ở Hoàng Hoa Thám kể, đọc Vương Trí Nhàn viết, thấy tủi cho giáo dục Việt Nam. Và thấy đau hơn khi nghe anh bạn kết luận: Nhìn giáo dục biết quốc gia đó thế nào.
     Hoàng Dục.
     15-3-2014
     __________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét