Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

529. NHỮNG TẤM PANO SỈ NHỤC



Ở Hồng Kông
     Định không viết bài về những tấm Pano không vui này, nhưng không thể. Chúng nó như những bản mặt cơng cơng cười nhạo những người làm chủ thứ ngôn ngữ ghi trên mặt chúng. Chúng nó như những cái gai nhọn và sắc đâm vào đạo lí, văn hóa của người Việt. Đúng hơn, với những ai còn biết tự trọng và có tình tự dân tộc. Cũng có thể chỉ những người nhạy cảm mới cúi mặt khổ đau trước những tấm pano này. Còn những ai vô cảm thì không.

     Có người cho rằng, nếu chỉ nhìn vào những tấm pano ấy mà khái quát tất cả người Việt đều xấu. Hoặc những thói tật trên chỉ là hiện tượng riêng lẻ chứ chưa phải là bản chất của dân ta. Đánh giá như thế là thiếu công tâm, không khách quan. Có thể chia sẻ với ý kiến có tính chất bao biện này ở góc nhìn nào đó. Còn nhìn toàn cục thì không.
Ở Thái Lan
      Dẫu thế nào thì vẫn cộm lên từ những tấm bảng này cái xấu của người Việt. Dân ta có câu: “Con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là tâm lí cộng đồng trách nhiệm, đó nỗi đau thấm đẫm tinh thần dân tộc. Đó là lòng tự trọng, dám chấp nhận “sự thật mất lòng”. Hơn nữa, cái thành ngữ “đem chuông đi đánh xứ người” trong trường hợp này rất sát hợp. Trong nhà, ta có thể đóng cửa khuyên bảo nhau, còn ra xứ người thì không thể. Ở xứ họ, mỗi cá nhân đều có tính đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc, nên phải tự răn mình đừng làm điều gì ảnh hưởng đến văn hóa xứ sở. Cho nên, nếu người ta có yêu cầu người Việt như nội dung của những tấm pano kia cũng chẳng thể trách cứ họ được.
     Mặt khác, những việc làm của người Việt ghi trên những tấm pano ở xứ người ấy chắc không chỉ xẩy ra một vài lần mà rất rất nhiều lần với nhiều cá thể hay tập thể khác nhau. Nếu không như vậy, chẳng ai trưng ra những tấm pano thiếu thiện ý như thế. Những tấm pano ấy xuất hiện trong tình thế chẳng đặng mà thôi.
Ở Hàn Quốc
      Một vấn đề nữa cần xem xét một chút, đó là người Việt nào đặt chân lên đất người mà tự sỉ nhục mình như thế. Những người Mĩ, người Canada, người Pháp, người Anh, người Đức,… gốc Việt chăng? Có lẽ nào! Vậy thì người Việt gốc Việt chăng? Cũng có thể. Cứ nhìn thời hiện tại của xã hội ta ở những khía cạnh giáo dục, tâm lí tiểu nông, tư tưởng sùng vật chất, đạo lí gãy đổ… thì sẽ không hoài nghi nữa. Cần thêm bằng chứng ư. Hãy đọc và lắng nghe sẽ kiểm chứng được điều đã nêu.
     Viết đến đây, bỗng nhớ đến “Người Việt cao quý” của Vũ Hạnh, và rồi bâng quơ: Đó là sự thật hay chỉ là tự hào không đâu!
     Hoàng Dục
     25-3-2014
     __________    

1 nhận xét:

  1. Còn gì nữa đâu !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!! "Người Việt Cao Quí" (A. Pazzi) ngày xưa.

    Trả lờiXóa