Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

547. NGƯƠI LỚN KHÔN THẬT



Học trò đến chơi. Sau những nụ cười, những lời thăm hỏi, là rôm rả chuyện trò. Bắt đầu từ chuyện mình và chuyện người, chuyện xưa và chuyện nay, chuyện đã xẩy ra và sẽ xẩy ra; nhưng luôn quay về với chuyện văn chương. Chả là, thầy và trò đều “mê văn nên mới khổ” như nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao tâm sự.

        Bao giờ cũng thế và bây giờ cũng thế.
      Đại loại chuyện giải Nobel văn học 2013, tại sao nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, một ứng cử viên sáng giá không đạt giải; nữ văn sĩ Alice Munro, người đầu tiên đem lại cho Canada giải văn học danh giá này, lãnh giải lúc đã 82 tuổi bằng thể loại truyện ngắn. Có ai đọc tác phẩm Munro chưa? Chưa! Rồi nhà văn Tô Hoài vừa qua đời ở tuổi 94. Tô Hoài ư? Đọc nhiều. Chỉ thích những Dế mèn phiêu lưu kí, O chuột, Nhà nghèo, xóm giếng ngày xưa, Chiều chiều, cát bụi chân ai.
      Sau khi đã chán chê chuyện nhà văn và tác phẩm, lại xoay quanh đề thi môn văn trong các kì thi vừa qua. Đề thi Tốt nghiệp THPT, câu 1 đọc hiểu có tính thời sự lắm lắm. Nó cũng như các khẩu hiệu nhan nhản trên các đường phố: “Đảo là nhà, biển là quê hương”, “Biển đảo là máu thịt của chúng ta”, “Mỗi người hãy là một công dân biển”,… Công dân biển, mông lung chi xứ quá nhỉ? Thì chuyện biển đảo mà lị. Kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”?  À không, “bán bò mới lo làm chuồng”! Cười tít mắt.
      Các đề thi đại học nữa, thầy để mắt tới chưa? Có, bởi vừa là chuyện văn chương vừa là chuyện nghề mà. Nhưng sao? Cái câu 2, đề khối C đó thầy (*). Học sinh bây giờ sướng thật, được tin tưởng giao chuyện quốc gia đại sự, chuyện bang giao quốc tế cho mà bàn bạc, dù chỉ qua một bài thi. Chả bù tụi em ngày xưa.  Đọc báo nghe các thầy cô khen hay, có tờ báo chạy tít đề văn mở có thể “phê” Bộ nữa. Nghe mà sướng. Cho nên, nếu được trở lại phòng thi như trước đây, em sẽ viết sướng như chưa bao giờ được sướng đấy:
      Câu nói của Nam Cao bàn về đạo lí cơ bản, cái gốc rế làm nên con người chân chính, đó là tình thương. Và tình thương sẽ nguyên tắc sống, nguyên tắc trong quan hệ giữa người với người.
      Cho nên, con người mạnh là con người có lòng nhân, có nhân cách, biết lấy tình thương để rèn luyện và ứng xử với người với đời.
      Quốc gia mạnh là quốc gia không dựa giẫm vào ai về nhiều phương diện như kinh tế, chính trị,… dù ai đó đưa vai cho mình dựa giẫm. Quốc gia mạnh là quốc gia trên dưới một lòng. Để có sự đồng lòng đó ai cũng phải thực bụng, thực tâm thương nhau, vì nhau, cùng nhau đẩy lùi cải xấu cái ác, cái giả, cái hình thức đang lộng hành trong xã hội. Quốc gia mạnh là quốc gia có tiềm lực, có sự phát triển mọi mặt để tự bước đi bằng đôi chân khỏe mạnh của mình. Quốc gia mạnh là quốc gia quan hệ sòng phẳng, bình đẳng, đúng với triết lí và đạo lí: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng (**) và Người ta sinh ra tự do bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi (**). Quốc gia mạnh có một thể chế tôn trọng nhân quyền và dân quyền… Quốc gia mạnh…
       Thôi thôi… bạn cứ quốc gia mạnh mãi. Mình thì… xin lỗi… cứ thích nêu phản đề: Tại sao kẻ mạnh lại có thể đứng được trên vai kẻ khác? Phải chăng vì “kẻ khác” ấy yếu, quốc gia ấy yếu. Con người yếu là con người dốt nát, bạc nhược, không nhân cách. Quốc gia yếu là quốc gia mà nạn tham nhũng thành quốc nạn, trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn, người ta chạy theo lợi ích nhóm (hiểu theo nghĩa rộng của cụm từ này) chứ không vì lợi ích nhân dân và dân tộc… Hay như ông Tố Hữu dẫn một câu chí lí của Ma-rát trong bài thơ Hãy đứng dậy: Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống.
      Các bạn nói hay nhưng nói nhiều quá. Mình chẳng tin đề mở thì muốn viết gì cũng được. Một quan chức Bộ đã khẳng định, mở có mức độ. Mở ở đây theo kiểu dân chủ tập trung ấy mà. Các cậu tưởng thật thì khổ thân. Cứ đọc đề thi đại học môn Địa lí, khối C năm nay là biết. Đề có một câu hỏi như sau: Vì sao tình trạng thiếu việc làm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt? Trình bày các hướng giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta. Người lớn né từ “thất nghiệp”, dùng từ “thiếu việc làm”. Người lớn không nói thật, đẩy việc nói thật sang cho những bạn trẻ vừa mới rời ghế nhà trường phổ thông. Ngay cả cái câu văn mà các bạn bàn cũng thế. Người lớn nói chứ không làm mà nói thì cũng chung chung hoặc ám chỉ xa xôi. Chẳng hạn, đáp án câu 2 này nêu yêu cầu: Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp quốc tế. Không hiểu cái chuẩn mực đạo đức xã hội là gì. Liệu các bạn học sinh có hiểu luật pháp quốc tế không? Đúng là người lớn khôn thật! Người lớn khó hiểu thật!
       Mải chuyện nên quên thời gian đã quá ngọ rồi. Trò vội vàng kiếu, thầy vội vàng tiễn. Tiễn học trò ra cửa, thầy cười: thầy xin phép ghi lại buổi nói chuyện hôm nay thành bài văn mẫu… để dạy luyện thi đại học nghe. Học sinh đều cười:
       - Thầy... cũng khôn thật! 
       Hoàng Dục
       17-7-2014
      ________ 

___________

(*) Câu II (3.0 điểm): 
       Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai của kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. 
                 (Đời thừa-Nam Cao, Ngữ văn 11 Nâng cao,
          Tập một, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2013, tr.203-204).
       Ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia (bài viết khoảng 600 từ)?
(**) Tuyên ngôn Độc lập- Mĩ, 1776).
(***) Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền- Pháp 1791.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét