Đã nhiều Chủ nhật chưa ghé bờ hồ
Thạc Gián đàn đúm cùng bằng hữu. Sáng nay, ngày cuối tuần, quyết định lên đấy.
Và cũng quyết định đi bằng đôi chân của chính mình để được loanh quanh, để được
“ngó” một tí cái xóm Bàu Hạc, cái xóm từng qua lại nhưng xem ra chưa biết chút
gì.
Sau một hồi rẽ phải rẽ trái, quẹo xuống
rồi đi ngang, cũng đến được bờ hồ. Định ghé CT trước nhưng thư quán đóng cửa nên tấp vào quán
thường ngồi. Bằng hữu hôm nay không đông đủ. Chẳng sao. Bên li cà phê vẫn
chuyện trò vui vẻ.
Đang bàn chuyện thời sự, một anh bạn đột
ngột chuyển sang văn chương. Anh bảo, nói đến chuyện CCRĐ, mình nhớ Tô Hoài với
tác phẩm Ba người khác. Nhà văn như thế
là sống chân thật và viết chân thật. Anh bạn khác bảo, nhà văn chân thật, chỉ
riêng cái thằng Huỳnh Cự, nhân vật thật ngoài đời đi vào tác phẩm ấy, cũng như
bao người thật khác nhan nhản trong cái xã hội này thì đang sống giả. Nói đến Tô Hoài, nhớ câu
chuyện của Nguyễn Quang Lập trên Quê Choa:
Bác Tô Hoài đã về trời.
Bọ Lập kể, một lần ngồi ở hồ Thuyền
Quang, Hà Nội nói chuyện nghề và chuyện đời với Tô Hoài. Khi nói đến chuyện
người ta bảo ông khôn, ông láu, Tô Hoài ngồi
cười lặng lẽ rồi thở hắt, nói ừ thì khôn, ừ thì láu. Suốt đời mình chỉ loay
hoay kiếm lấy chữ nhàn, khôn khôn láu láu để kiếm lấy chữ nhàn chứ mình có kiếm
cái khỉ gì nữa đâu. Bọ Lập tin nhà văn Tô Hoài nói thật và bình luận:
Chữ nhàn khó kiếm lắm, xứ này lại càng khó. Xứ này muốn kiếm được chữ nhàn phải sống hèn và chịu nhục, có được chữ nhàn cao sang khác gì đơm đó ngọn tre. Tô Hoài không sống hèn cũng chẳng chịu nhục vẫn kiếm được chữ nhàn, ấy là chữ nhàn cao sang ai ai cũng thèm khát. Ông quả là người trời (1).
Nghe
xong câu chuyện, ai cũng cảm phục nhân cách của Tô Hoài. Mình cũng không khác,
nhưng nghĩ, nên hiểu chữ nhàn mà Tô Hoài kiếm tìm có nghĩa là gì? Hẳn không thể
là cái nhàn của Gã chuột bạch. Càng
không thể là của bác Xiến Tóc cầu nhàn qua câu thơ:
…Chi bằng
đến thẳng
giậu cúc thơm
Ngồi khểnh
vỗ đàn
gảy một khúc (2)
Làm sao một nhà văn có thể sống
yên phận trong chữ nhàn khi để cho nhân vật Dế Mèn của ông luôn trăn trở. Đó là
thời gian Dế Mèn bị lão chim Trả giam cầm trong hang kín. Dế Mèn đã hát những
bài hát ai oán thân phận, những bài hát tâm sự, những bài hát mang hi vọng xa:
Ai làm chi nên nổi
Có dại mới nên khôn
Nước nước với non non
Năm canh hồn ngơ ngác (3)
Phải
chăng Tô Hoài “kiếm lấy chữ nhàn” là mong cầu đừng ai quấy rầy để ông yên lòng
sáng tạo, để trang viết đậm tính nhân văn, nhân bản. Và để có những tác phẩm
giàu giá trị thẩm mĩ, làm sao ông có thể nhàn tâm?
Nhà văn, nhàn sao được khi viết là đau
đáu trở trăn!
Hoàng Dục
20-7-2014
_________________
(1) Bác Tô Hoài đã về trời, Blog Quê Choa, 7-7-2014.
(2) Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí, NXB Kim Đồng, Hà
Nội, 2014, tr.104
(3) Sdd, tr.112.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét