Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

551. NGHĨ RỜI TỪ MỘT BÀI VIẾT



     Những ngày giữa tháng 7, người ta nhắc nhiều đến Hiệp định Geneve với những cái nhìn khác nhau. Những cái nhìn trái chiều trước cùng một sự kiện lịch sử đã làm nẩy nở trong tôi bao nghĩ suy, những nghĩ suy rời rạc, lăn tăn. Nghĩ và suy rốt cục chẳng đi đến đâu, nhưng không mất đi, chỉ lặn nấp đâu đó, bắt trí tưởng tôi không được sống bình yên.


      Hôm nay, đọc Di chúc Bắc Kỳ tự do của nhạc sĩ Tuấn Khanh trên blog của ông, mới thấy một góc nhìn khác về Hiệp định Geneve, góc nhìn về những con người Bắc kỳ di cư vào Nam năm 1954, những con người biểu trưng cho khát vọng tự do mãnh liệt. Họ sống tự do, để lại di chúc tự do cho mọi người, cho những ai chưa hề có ý niệm về tự do đích thực.
      Di chúc Bắc Kỳ tự do là một bài viết hay, triển khai ý tưởng mới, tràn đầy cảm xúc. Bài viết bắt đầu từ điểm nhìn không mấy thiện cảm về người Bắc Kỳ của người miền Nam, sau đó chuyển dịch dần về sự hiểu thấu để rồi yêu thương và cảm phục. Người Bắc Kỳ di cư không thuộc giai cấp nào cả. Họ là đồng bào mình. Họ sinh cư ở một vùng miền gánh chịu nhiều cái khổ, nhưng họ là những con người biết nắm lấy quyền tối thượng mà thượng đế trao cho con người, đó là quyền được chọn lựa. Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, họ đại diện cho những người “Bắc kỳ” mạnh mẽ, vượt qua số phận và hoàn cảnh của mình để không bị đè bẹp, không hèn hạ hoặc chết, như F. Nietzsche đã viết “những gì không giết được chúng ta, sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn” (That which does not kill us makes us stronger).
    Những người Bắc di cư ấy đã góp phần không nhỏ trong việc tiếp biến văn hóa Việt Nam. Họ đã tiếp thêm sức sống của văn hóa Việt. Họ làm cho chân dung văn hóa Việt ở miền Nam vừa nối mạch với truyền thống vừa mang màu sắc hiện đại. Văn hóa Việt không khuôn mình rồi biến hình trong không gian chính trị hẹp mà mở ra đến cái vô cùng của tự do, cái gốc rễ thẳm sâu của con người. Chính cái chất Bắc Kỳ đã cho nhạc sĩ Tuấn Khanh một sự cảm nhận và phát hiện sâu sắc:
    60 năm của những người Bắc di cư vào Nam, cho tôi và thế hệ của mình được nhìn rõ họ hơn, nhắc tôi phải nói về một bản di chúc lớn, một bản di chúc vĩ đại mà hơn một triệu người từ bến tàu Hà Nội, Hải Phòng… mang đến cho cả đất nước. Bản di chúc cũng được lưu giữ trong mắt, trong lời nói của từng người Việt tha hương khắp thế giới: bản di chúc về tự do.
     Và:
     Tôi cũng nhận ra rằng bản di chúc tự do đó, không phải những người Bắc Kỳ chia cho nhau, mà còn chia lại cho tôi, cho bạn, cho cả dân tộc này. Từng người chúng ta đã được nhận. Chọn lựa mình hôm nay khốn nạn hay tử tế, là do mình đã không chịu nhìn thấy di sản của cha ông gửi lại, qua bản di chúc không thành văn này.
  Bài viết không chỉ xúc cảm mà còn gợi trong tôi hình ảnh những bạn học Bắc Kỳ di cư của tôi. Đó là một NHV, một HHT,… họ là những người góp phần viết Di chúc Bắc Kỳ tự do.
    NHV học cùng lớp với tôi ở Trung học Phan Châu Trinh. Hai chúng tôi gắn bó với nhau không chỉ trong trong sân trường mà còn ở trên đường về sau những buổi tan trường. Con đường rợp bóng lá Quang Trung, con đường Trần Cao Vân với những hồi còi tàu hỏa ngân dài, đã ghi dấu bước chân của chúng tôi. Những con đường ấy hẳn cũng đã nghe những lời chuyện trò của chúng tôi về học hành và chiến tranh.
     Bây giờ, V đang sống ở Pháp. Một lần qua blog, cũng đã lâu, bạn tâm tình với tôi qua bài thơ “Gởi người bạn cũ’. Tôi xúc động họa lại bài “Gởi người bạn xưa”(*). Và mới đây, bạn cũng gởi lời thăm hỏi: nghĩ viết thăm cậu từ lâu nhưng ngại cho cậu thôi... chắc cậu hiểu... Vài dòng thân thăm cậu và vợ con cùng những bạn bè.
     HHT học Trung học Kỹ Thuật, ban toán. Thượng rất tử tế, học giỏi, nhất là môn kĩ nghệ họa. T đã cho tôi đọc ké tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, của Ngọa Long Sinh,… và thưởng thức hương vị Bắc Kỳ qua bánh chưng với thịt đông. Năm 1972, T bị động viên. Bẳng đi một thời gian dài, năm 2000, chúng tôi mới nối lại liên lạc qua E-mail. Nhưng cũng chẳng nói được gì nhiều, chỉ là những lời thăm hỏi động viên. Có lẽ cũng như V, từ Hoa Kỳ, T ngại cho tôi, ngại cho tự do của tôi bị tổn thương.
     Rồi tôi nghĩ về những trò chơi chính trị đã và đang diễn ra trên thế giới này. Trò chơi chính trị “được bày ra bằng xác người, và nó đáng khinh miệt” như lời Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmerman trong bài diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc về vụ máy bay MH-17. Bao giờ thì người ta không còn chơi trò chính trị bằng xác người. Có ai nghĩ về hậu quả về trò chơi chính trị trước mắt và lâu dài không.
    Đất nước tôi bị chia cắt bởi Hiệp định Geneve và sau đó là cuộc chiến tương tàn. Chiến tranh đã qua. Chiếc cầu Hiền Lương trên dòng sông Bến Hải vẫn còn sơn hai màu, một nửa xanh một nửa vàng. Nghe nói trước 1975, trên chiếc cầu này đã diễn ra cuộc chiến tranh màu rất gay gắt. Phía bờ Nam sơn màu khác, bờ Bắc tức khắc sơn cùng màu. Cứ như thế mà sơn đi sơn lại, chẳng ai chịu nhường ai. Chiến tranh màu ấy, phải chăng đó là trò chơi chính trị.
     Hiệp định Geneve ghi dấu bằng cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải, con sông mà Nguyễn Tuân gọi là sông tuyến. Chiếc cầu là chứng tích nỗi đau chia cắt đất nước một thời đã qua, nhưng xót xa hơn là sự chia cắt vô hình trong tâm hồn người Việt hôm nay.  Phải chăng vì thế mà người ta cứ kêu gọi, cứ bàn về hòa giải.
     Thế là, tôi tự hỏi như một kẻ vô hồn, thiểu năng: Sao phải hòa giải khi đất nước đã thống nhất!
      Hoàng Dục
      27-7-2-14
____________
(*) Hai bài thơ: 
Gởi người bạn cũ
             Thân gửi Hoàng Dục
Bạn nghĩ đến mình trời viễn phương
Giờ này còn dọc trên tuyến đường
Paris viễn phố đôi khi nhớ…
Dấu yêu góc trời xa Mái Trường…
Chân dung bạn còn sâu ký ức
Vết dậy thì mụn thuở yêu thương
Mộng tinh núi lửa đêm "hoàng dục"
"Bắn" tận tinh cầu bao dương đương ! 
                   Nguyễn Hữu Viện
      Xúc động, tôi đã họa vần:
 Gửi người bạn xưa
             Thân tặng Nguyễn Hữu Viện
 Mình tưởng như bạn ở cố hương
lang thang tìm lại những con đường
Đà Nẵng xưa chân ta in dấu
những gốc xà cừ giữa sân trường
giữ dáng bạn cao kều hơn sếu
kính cận dày, ôi, vẫn dễ thương
cháy lên trong mắt ngày "hữu viện"
"viết" những trang đầy trời một phương! 
                  Hoàng Dục


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét