Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

356. TƯỞNG NIỆM 100 NĂM HÀN MẠC TỬ - ĐẶNG TIẾN

       Bài này do một anh bạn gửi tặng.

       Tưởng niệm 100 năm Hàn Mạc Tử

        Đặng Tiến

      Ngày 22-9-1912, thi sĩ Hàn Mạc Tử chào đời tại thị xã Đồng Hới, Quảng Bình, tính đến hôm nay vừa chẵn 100 năm. Hôm qua, 21-9-2012, tại Quy Nhơn đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm sinh của ông. Nhân dịp này, từ nước Pháp, nhà phê bình quen biết Đặng Tiến gửi cho BVN một chùm 3 bài về Hàn Mạc Tử, nói rõ
nguyên ủy việc ông tìm ra bản thảo tập thơ Gái quê gần với nguyên tác nhất mà chúng ta sắp xuất bản nay mai, đồng thời cũng đưa ra những đính chính tư liệu cần thiết thuộc «đời và thơ Hàn Mạc Tử» sau nhiều năm bỏ nhiều công sức nhiên cứu cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ.

      BVN trân trọng công bố thành một chùm dưới đây, hai bài sau đặt đưới tiểu mục Phụ lục 1 và Phụ lục 2 theo đúng tinh thần của tác giả.
 __________________________
      Hàn Mạc Tử là nhà thơ lớn, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cách tân thơ Việt Nam qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa, đồng thời đã trải qua một đời sống vật chất bi thiết. Đã nhiều người đề cập đến đời sống mà không mấy ai quan tâm vào những đóng góp lớn lao của Hàn Mạc Tử cho nền thi ca Việt Nam.
      Nhà phê bình lý luận Phan Cự Đệ trong một biên khảo 1993, đã "xét lại" giá trị của thơ Hàn Mạc Tử, và tổng lược đồng thời đánh giá : "trong khoảng trên dưới một chục năm trời hoạt động trong thi đàn, Hàn Mạc Tử đã từ cổ điển, lãng mạn tiến nhanh sang tượng trương, siêu thực, góp một phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam".
      Một nhận định như thế, đến từ một cây bút phê bình nổi tiếng, và nổi tiếng chính thống, tưởng cũng là một bước "đổi mới", tiến đến thái độ công minh đối với một tác gia văn học, có tác dụng tốt, dù muộn màng, là trả văn học về cho văn học. 
      Tuy nhiên, trong biên khảo công phu, dài 70 trang nói trên, Phan Cự Đệ chưa kịp đề cập đến những cái mới nơi Hàn Mạc Tử, vượt qua biên giới phong trào Thơ mới 1932-1945. Ngày nay, độc giả và người làm thơ thế kỷ XXI, đọc lại một số câu, hoặc bài thơ Hàn vẫn còn sửng sốt trước vẻ tân kỳ, sáng tạo. Yếu tố mới thì nhiều lắm, nhưng điều chính là Hàn Mạc Tử đã dâng hiến đời sống chân thành, thảm khốc, ngắn ngủi của mình cho thi ca, đã để "hồn trào ra đầu ngọn bút / mỗi lời thơ đều dính não cân ta". Ông đã làm thơ bằng cuộc sống thực, đau đớn, bi thương, bệnh hoạn, khốn cùng.
      "Tôi làm thơ?
     - Nghĩa là tôi yếu đuối quá ? Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi mất trí, tôi phát điên…
     Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt cuộc sống".
      Tấm lòng chân thực và thành khẩn ấy, tự nó đã tạo giá trị nhân bản cho tác phẩm. Huống chi nhà thơ còn là bậc tài năng lớn, hoàn toàn làm chủ kỹ thuật điêu luyện, ngôn ngữ phong phú, hình tượng độc sáng, đi từ lối Đường luật cổ điển chuyển sang nguồn thi hứng hoàn toàn hiện đại, gần với trường phái siêu thực phương Tây thời đó –  vẫn còn mới mẻ đến ngày nay.
      Cuộc sống nghiệt ngã của tác gỉả, rồi lịch sử dân tộc đa đoan, đã giới hạn âm vang của tài thơ. Trong một thời gian dài, tác phẩm Hàn Mạc Tử chỉ được phổ biến rộng rãi tại các thành phố, ở nửa phần đất nước. Từ cuộc Đổi mới, cụ thể là từ 1987, tác phẩm Hàn Mạc Tử đã được truy tầm, phổ biến. Đặc biệt là Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cố gắng in lại những tập thơ ấn hành trước 1945 theo đúng nguyên bản, và không tị hiềm chính trị. Tuy nhiên, nhà xuất bản không tìm ra tác phẩm Gái quê của Hàn Mạc Tử, do tác giả tự xuất bản, in tại Nhà in Tân dân, Hà Nội, xong ngày 23-10-1936 . Để cho đủ bộ sưu tập, và in ấn kịp thời toàn bộ 12 cuốn, nhà xuất bản năm 1992 đã phải đành lòng in lại tập thơ theo bản chép tay của Chế Lan Viên, mà nhà Văn học đã xuất bản 1987, gồm có 21 trên 34 bài trong nguyên tác;  trong phần chọn in lại, có bài bị cắt xén. Từ bấy đến nay, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã có lời hứa cố công tìm lại Gái quê, bản in 1936, nhưng vô hiệu.
      Chúng tôi lưu cư tại nước ngoài non nửa thế kỷ, nhưng vẫn quan tâm đến văn học nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Hàn Mạc Tử, chúng tôi thử tìm lại thi tập Gái quê, bản in Tân dân, năm 1936, dọ hỏi những gia đình thân thuộc với nhà thơ, trong và ngoài nước, thì họ cho biết đã từng sở hữu, nhưng hiện thời lạc mất. May mắn được bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, ở Maryland, Mỹ, có lưu giữ một bản sao trong tư liệu người cô là Hoàng Thị Kim Cúc (Huế, nhân vật "áo trắng" trong bài thơ Thôn Vỹ, có gìn giữ kỷ niệm về nhà thơ), do Trần Như Uyên đánh máy lại năm 1969, từ một bản đánh máy khác của nhà thơ Phan Văn Dật, cùng ở Huế.
      Sau khi đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu sẵn có, thì chúng tôi nhận thấy bản đánh máy đáng tin cậy.
      Ví dụ bản Gái quê của Chế Lan Viên 1987, sau này Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1992 và 1998 lấy lại, đều không có bài Hát giã gạo mà Vũ Ngọc Phan chê "suồng sã" và ghi trang 31; so sánh với bản mục lục mà ông Nguyễn Đình Niên  đề xuất trong luận văn cao học đệ trình tại Sài Gòn, tháng 7.1973, thì đúng số trang.
      Bài Nụ cười (trang 7), Bẽn lẽn (trang 10), cũng đúng số trang. Ngoài ra bài Tình quê, trang 35, nổi tiếng, có hai câu :
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lóng nghe
      Bản đánh máy, cũng như nhiều bản đang lưu hành, ghi «lắng nghe». Đối chiếu với văn bản của những tác gia uy tín, chắc chắn đã từng đọc Gái quê từ bản gốc in 1936, như Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, thì đúng là "lóng nghe". Để nói rằng bản đánh máy chúng tôi có dưới tay, vì chỉ là bản sao, nên chưa chắc đã chính xác từng chữ một, nhưng lỗi đánh máy thì có thể phục chế. Quý hồ là nó gồm đủ 34 đề thơ, thay vì 21 theo bản Chế Lan Viên; và gồm cả lời tựa của Phạm Văn Ký. Chưa kể bài Em lấy chồng, tr. 47, gồm 4 khổ thơ, bản Chế Lan Viên gạt bỏ 3 khổ, chỉ chừa đoạn cuối. Theo ông chủ trương, thì trong một tuyển tập, "mình có quyền cắt".
      Nói tóm lại, văn bản Gái quê chúng tôi đề xuất, không dám nói là trung thực tuyệt đối so với bản in tại Nhà in Tân dân 1936, nhưng chắc chắn là đầy đủ, không bị cố tình đục bỏ, cắt xén.
      Toàn tập 34 bài không phải bài nào cũng hay. Và "nhiều bài có thể là của ai cũng được" như lời phê phán công bình của Hoài Thanh, nhưng toàn tập không thể thiếu trong việc khôi phục sự nghiệp Hàn Mạc Tử, trong đồng bộ phong trào Thơ mới 1932-1945.
      Mai kia mốt nọ, có ai tìm ra được ấn bản 1936, thì phục chế lại bản in lần này, cũng không phải khó khăn.
      Niềm vui là cơ duyên tìm được văn bản thất tung lâu nay, đúng vào dịp kỷ niệm một trăm năm ngày sinh nhà thơ, 22 tháng Chín 1912.
Cũng là nén hương xa, từ ngoài nước, gửi về quê hương, tưởng niệm một nhà thơ lớn lao và bất hạnh của đất nước.

Orléans, Pháp, 21.9.2012
Đ.T.


Ghi chú : Trong bài này chúng tôi dùng chính tả Hàn Mạc Tử – bút danh cuối cùng của nhà thơ, theo những phát hiện mới đây – thay vì Hàn Mặc Tử.
Bút danh Hàn Mặc Tử được lưu truyền vì đã được sử dụng trong nhiều tuyển tập được phổ biến rộng rãi trước đây.
_____________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét