Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

363. TỐNG BIỆT HÀNH - THÂM TÂM

I. “Tống biệt hành”, theo một số tư liệu, được sáng tác trong  một bữa tiệc tiễn đưa một người bạn thân trong nhóm Tam Anh lên đường vào chiến khu vào năm 1941 (1940?) (Nhóm này gồm Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm,...). Đấy là hoàn cảnh cảm hứng, hoàn cảnh nhỏ; còn hoàn cảnh chung có thể là không khí của sách vở học được, của văn chương lãng mạn phương Tây và của văn học Việt Nam giai đoạn 1932 -1945.
     1. Nhan đề bài thơ đã tái hiện không khí chia li tiễn biệt ấy. Nhan đề bài thơ chứa đựng đề tài thơ. “Tống biệt” là một cuộc tiễn đưa gần như là vĩnh biệt. Đây là một đề tài quen thuộc trong thơ ca truyền thống như các bài “Thiên Thai tống biệt” (Tào Đường), “Buổi tiễn đưa” (Chinh phụ ngâm), “Thúc sinh từ biệt Thúy Kiều” (Truyện Kiều), “Tống biệt” (Tản Đà),...  Thâm Tâm dùng chữ "tống biệt” với hai nét nghĩa: Người bạn bỏ Hà Thành lên chiến khu khác nào “Lưu Nguyễn biệt Thiên Thai”, bỏ cõi tiên về trần gian, từ bỏ nơi sung sướng đến chốn vất vả, gian lao. Cuộc chia tay này có thể là vĩnh biệt. Đây là sự tưởng tượng hóa, cường điệu hóa - một nét đặc trưng thi pháp của thơ lãng mạn. Như vậy, nhà thơ đã chọn một đề tài có tính chất muôn thuở, nhưng không lặp mòn mà biến hóa, cách tân trong một cấu trúc nghệ thuật mới mẻ, có một giọng điệu riêng.  Bài thơ viết dưới một đề tài cũ nhưng là một thi phẩm độc đáo là ở đấy.
     2. Bài thơ viết theo thể hành, một thể thơ cổ Trung Quốc cổ. Đây là thể thơ mà cách gieo vần, số tiếng trong dòng thơ không hạn định, niêm luật không gò bó. Thể thơ được viết rất tự do, phóng khoáng. Các nhà thơ trong nhóm Tam Anh sử dụng thể thơ này để diễn tả một tâm trạng bi phẫn, bi hùng. Thâm Tâm có “Vọng nhân hành”, “Tống biệt hành”, Trần Huyền Trân có “Can trường hành”, Nguyễn Bính có “Hành phương nam”. Tóm lại, thể hành  phù hợp với cảm hứng bi tráng của thời đại, tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Thâm Tâm.

II. Bài thơ mở ra là tiếng lòng của người ở lại. Nhà thơ đã thác lời người ở lại như là một chứng nhân giàu suy tư thể hiện tâm trạng xao xuyến day dở xót xa.
                "Đưa người ta không đưa qua sông ?
                 (...)
                 Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
                        

        1. Bốn câu thơ đầu với hai câu hỏi tu từ và những cặp từ phủ định thể hiện nỗi lòng rất thực ấy. Hai câu: “Đưa người (...) trong lòng ?”. Giọng điệu rất hợp với giọng điệu người tiễn. Cách xưng  hô “người và ta” tưởng lạnh lùng dửng dưng nhưng mang màu sắc biểu cảm trang trọng và thiêng liêng. Câu đầu gồm một chuỗi thanh bằng. Giọng thơ hạ xuống. Âm điệu thơ trầm tư băn khoăn. Nhà thơ như lắng nghe và lí giải phân tích lòng mình.
      Trong thơ xưa, cảnh li biệt thường có bến đò, dòng sông biệt li: “Đầu sông dương liễu xanh / Bóng dương buồn giết lòng anh sang Tề / Chia tay tiếng địch não nề / Tiêu Tương anh đến tôi về Tần xa” (Đỗ Phủ). Ở Thâm Tâm, thơ tống biệt mà  không có không gian nghệ thuật ấy, nhưng gợi hình bóng dòng sông Dịch ngày nào, nơi Cao Tiệm Li tiễn Kinh Kha sang Tần. Cái hay của thơ là ở ý ngoài lời, gợi chứ không tả. Thâm Tâm đã tạo được một dòng sông tâm tưởng của riêng mình. Dòng sông li biệt gợi ra từ hình ảnh “sóng lòng” và ba thanh trắc liên tiếp nhau, khiến câu thơ như dội ngân tiếng sóng và khí lạnh của sông Dịch ngày nào trong Đường thi: “Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn”. Nhưng “sóng lòng” lại có một lớp nghĩa mới. Nguyễn Du từng viết : “ Sóng tình dường đã xiêu xiêu” (Kiều). Nam Trân cũng tâm tình : “Biết không cô hỡi biết không/ Chèo cô còn quẫy sóng lòng còn xao” (Đẹp và thơ). Nhưng hình ảnh thơ “sóng lòng” của Thâm Tâm mới vì diễn tả tình bạn, một tình bạn mang màu sắc Chiến quốc.
       Hai câu: “Bóng chiều không thắm (...) trong mắt trong ?”. Trong thơ có chiều, nhưng chiều không thắm, không vàng vọt, chiều chưa là hòang hôn như thơ Kiều: “Nay hòang hôn đã lại mai hôn hòang”. Chiều chỉ là “bóng” rất đẹp rất mơ, nhưng ám ảnh một nỗi buồn da diết. Bởi lẽ, do thi ảnh “Hòang hôn trong mắt trong ?” gợi ra sắc màu buồn tỏa ra từ lòng người chứ không do ngoại cảnh tác động. Càng buồn hơn trong sự đối lập màu sắc giữa sáng và tối:hòang hôn với trong. Buồn nhưng lại được khỏa lấp bằng ánh mắt trong veo. Một tâm trạng cố dấu kín, nhưng cứ quẫy lên xót xa.
       Cũng như hai câu đầu, hai câu này Thâm Tâm sử dụng bút pháp tương phản giữa tạo vật với lòng người, giữa cái cụ thể bên ngoài với cái trừu tượng bên trong hồn người. Thâm tâm khác người xưa. Người xưa mượn cảnh để bộc lộ nội tâm, còn Thâm Tâm dùng nội tâm để diễn tả nội tâm như Đỗ Lai Thúy nhận đinh : “Ngoại cảnh đã được nội tâm hóa ngưng kết thành thi liệu”. Thú vị hơn câu thơ có hai từ “trong” láy lại tạo sự day dứt, tả được tâm trạng thực, xây dựng được một hóan dụ nghệ thuật đặc sắc thể hiện sự cảm thông truyệt đối giữa hai tâm hồn.
      Bốn câu thơ giữ một vai trò quan trọng và là chủ âm tạo cảm xúc cho tòan bài thơ giàu giai tần, cung bậc tình cảm này. Bốn câu thơ là cả một sự sáng tạo cách tân nghệ thuật độc đáo của Thâm Tâm đã diễn tả được cái buồn đẹp cuả một tình bạn và một tình yêu nước thầm kín của nhà thơ.
     2. Hai câu năm và sáu, nhịp thơ, tứ thơ chuyển nhanh, cảm xúc trữ tình như cố kìm nén lại nhưng cứ trào tuôn:
              “Đưa người ta chỉ đưa người ấy
               Một giã gia đình một dửng dưng
”.
       Câu năm có sự lặp lại cụm từ “đưa người “ ở câu một khổ đầu tạo được nhịp ứng đối giữa hai mảng thơ, hai trạng thái cảm xúc, tạo được sức cộng hưởng nghệ thuật, khiến người đọc như cảm nghe nhịp hành khúc của nội tâm. Câu thơ có tính chất độc thoại thể hiện sự giao thoa giữa hai nét tâm trạng, hai màu sắc cảm xúc trong tâm hồn người tiễn. Đó là một thóang nghi ngờ trong ý nghĩa khẳng định : "Chỉ đưa người ấy”. Người đi, ta tiễn thế thôi, nào ngờ cả hai đều lâm lụy buồn thương. Ta đâu ngờ sóng lòng vỗ từ cả hai phía. Câu thơ tường thuật, nhưng đậm nét tâm trạng là nhờ đó. Câu sáu đóng vai trò định ngữ cho “người ấy” ở câu năm. Giọng thơ rắn rỏi nhờ sử dụng nhiều từ loại, câu thơ tách thành hai vế và hai từ “một” lặp lại tạo độ nhấn nghệ thuật biểu hiện độc đáo hai trạng thái đối cực đang diễn ra trong tâm hồn người đi. Câu thơ cũng thể hiện vẻ đẹp của tình bạn vừa là diện mạo tâm hồn người đi. Hai câu thơ có ý nghĩa dự báo tâm trạng nỗi lòng người li khách, qua đó dựng lên hình ảnh tâm hồn của một công dân, người trai thời đại, rất giàu tình cảm nhưng tráng chí bốn phương lồng lộng.

III.  Bốn câu thơ từ câu 7 đến câu 10, tái hiện tâm trạng người đi qua nỗi lòng chủ thể trữ tình.
               "Li khách, li khách, con đường nhỏ
               (...)
               Ba năm mẹ già cũng đừng mong
".
     1. Bốn câu thơ gối nhau liên hoàn dựng được hình tượng đẹp của li khách và tạo được âm hưởng bi tráng cho bài thơ. Bốn câu thơ sắp xếp theo trật tự: một khẳng định, ba phủ định, nhưng khẳng định bằng hệ thống từ ngữ như: chưa về, không bao giờ, đừng mong,... kết hợp với từ Hán - Việt “li khách” lặp lại thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của người đi. Người đi đầy hào khí, ngang tàng, ý thức trách nhiệm công dân. Giọng thơ cao gay gắt, cảm xúc lên đến cao trào bằng những thanh sắc đặt đầu câu và liên tiếp nhau: “li khách”, “chí nhớn”.  Hình ảnh thơ “con đường nhỏ” tức là tiểu kính, có hai lớp nghĩa: Con đường gập ghềnh gian truân; con đường nhỏ chỉ cuộc đi kín đáo, ra đi bí mật, ra đi với thái độ khiêm tốn. Hình ảnh “con đường nhỏ” trong thơ có thể gồm hai lớp nghĩa này. Ở lớp nghĩa thứ nhất, thể hiện rõ ý chí quyết tâm, sự chấp nhận hi sinh nhập cuộc dấn thân của li khách. Ở lóp nghĩa thứ hai, sự ra đi thầm lặng gợi bóng hình của anh hùng vô danh lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Thơ tối đa ý nghĩa trong tối thiểu ngôn từ là đây chăng ? Hình ảnh “bàn tay không”  là một ẩn dụ nghệ thuật cụ thể hóa sự nghiệp chưa thành.
       Bốn câu thơ như cất cao một lời thề sông núi. Đáng nói là hình ảnh mẹ già xuất hiện đột ngột trong thơ. Phải chăng li khách luyến nhớ mẹ ? Hay mẹ đã trở thành biểu tượng của non sông đất nước, trở thành hành ảnh thiêng liêng: Đất mẹ ? Hay mẹ sinh con và kì vọng ở con: “Làm trai cho đáng nên trai / Xuống Đông tĩnh lên Đoài Đoài yên” nên nhà thơ hứa với mẹ hiền.
       Bốn câu thơ khiến ta nhớ đến lời thề của Trần Hưng Đạo trên dòng Hóa Giang, lời thề Kinh Kha khi qua sông Dịch: “Tráng sĩ một đi không trở về” và người chinh phu trong “Chinh phụ ngâm”: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt / Xếp bút nghiên theo việc đao cung / Thành liền mong tiến bệ rồng / Phép công là trọng niềm riêng sá nào”. Thế nhưng, khác với Kinh Kha, Thâm Tâm - li khách quyết trở về: “Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch / Ta ghét hoài câu nhất khứ hề.” (Vọng nhân hành)
     2. Phần thơ thể hiện quyết tâm đọan tuyệt nhưng vẫn bận bịu trong lòng của li khách. Tâm trạng lưu luyến thể hiện kín đáo ẩn sâu trong âm điệu thơ. Nhà thơ đã sử dụng những âm tiết đầu dòng thơ là thanh bằng và những từ đưa đẩy “thì, cũng” , khiến điệu thơ vướng víu hé lộ tâm trạng luyến lưu của li khách trong giây phút chia li tiễn biệt. Tâm trạng trì níu trong giờ khắc chia li còn được biểu hiện qua sự mâu thuẫn của thời gian: Ba năm và không bao giờ.  Như vậy, người đi dù quyết tâm nhưng vẫn chưa rứt ra khỏi nỗi niềm riêng như ý thơ của Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Đất nước).

IV. Tám câu tiếp câu thơ dựng lại cảnh chia tay giữa li khách với mẹ, hai chị và em nhỏ thơ ngây qua đó thể hiện tâm trạng của người đi, của chủ thể trữ tình.
                "Ta biết người buồn chiều hôm trước
                (...)
                Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay
"
       1. Cảnh chia tay đã ám ảnh nhà thơ. Đây là một bức tranh đồng hiện nhiều cảnh huống, nhiều tâm trạng nén trong một tâm trạng.  Thời gian chia li: “bây giờ mùa hạ” và “giời chưa mùa thu”. Không là thời gian chia li, thế mà phải chia li nên buồn thê thiết. Giọng thơ trầm hẳn xuống lắng sâu trong hồn chủ thể trữ tình. Âm điệu thơ như tự nói tự nghe, nhưng giàu chất suy tưởng, mở ra một thế giới nội tâm của người li khách. Trong tám câu thơ, hai cụm từ “ta biết người buồn” có ý nghĩa như là một điệp khúc tâm trạng, khiến nỗi buồn như lớp lớp tầng tầng.
    Hình ảnh những người đưa tiễn chỉ được nhà thơ phác thảo vài ba nét gân guốc hoặc mềm mại; nhưng đã thể hiện rõ và linh họat tính cách, cảnh đời, nỗi lòng của họ. Một chị, hai chị:
         - Đời chị như: Chiều  tàn tạ và như sen héo lụi mùa hạ.
         - Tấm lòng chị giàu yêu thương, nhưng đời chị gánh chịu nhiều éo le nên: “khuyên nốt em trai dòng lệ sót”. Nước mắt của chị đã cạn kiệt. Nói theo Đỗ Lai Thúy: “Hình ảnh người chị luống tuổi lỡ thì xơ xác như sen cuối hạ. Giọt lệ sót tiễn em đọng lại trên khuôn mặt khô vàng như lá sen”.
      Em nhỏ ngây thơ  “đôi mắt biếc” khác với đôi mắt “đầy hòang hôn” của li khách. Người thiếu nữ ấy chưa khổ lụy, vẫn sáng trong, hồn nhiên và yêu đời thế mà phải “gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”. Phải chăng em nhỏ yêu thương, bịn rịn vô cùng mới chuốc lấy nỗi buồn li biệt. Và phải chăng "cắt dây tình nào có dao đâu ?" (Ca dao).
      2. Nếu trong thơ xưa chỉ nói đến quyết tâm của người đi, thì Thâm Tâm lại tỏ rõ nỗi lòng người đi. Nội tâm của li khách được nhà thơ cho ẩn sau bộ mặt Kinh Kha thời đại. Tám câu này là tình cảm của li khách.
       Thời gian chia tay trải dài, trùng điệp. Nỗi buồn do đó mà triền miên, dai dẳng hơn. Li khách buồn từ “chiều hôm trưóc” cho đến “sáng hôm nay” và không biết đến bao giờ mới thôi. Người đi bị níu lòng từ hai phía. Đời hai chị dằn vặt nội tâm li khách. Tấm tình riêng của em nhỏ là nỗi niềm ân hận của anh. Tâm trạng li khách có những lớp sóng, có những trạng thái tình cảm trì níu làm xao xuyến đến nao lòng. Chữ “gói tròn”, chữ “lệ sót” đó là nỗi niềm của chị, của em; nhưng cũng là của li khách. Đặc biệt, tâm trạng li khách còn được thể hiện bằng những vần trắc, chuỗi âm cao như “nốt, sót, biếc, tiếc”, nghe như tiếng nấc, một chuỗi vướng mắc trong lòng.

V. Bốn câu kết thơ đúc rút tâm trạng người tiễn và người ra đi. Tình cảm người ở lại tác động mạnh đối với li khách nhưng li khách vẫn quyết “cánh hồng bay bổng tuyệt vời”:
                “Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
   
                           (...)
                 Em thàn coi như hơi rượu say
”.
     1. Câu đầu là tâm trạng của người ở lại. Nhịp thơ dồn nhanh. Câu nghi vấn và cảm thán. Một thóang nghi ngờ chưa kịp  kịp giải tỏa thì sự thật phủ phàng ập đến. “Người đi, ừ nhỉ , người đi thực”. Người tiễn không muốn tin nhưng sự thực làm hồn ngẩn ngơ.
      2. Ba câu còn lại, nhà thơ sử dụng điệp cú pháp và điệp từ “thà coi” khiến câu thơ rắn lại mà ngậm ngùi, giọng thơ tàn nhẫn mà xót xa. Lời dửng dưng, nhưng chỉ là sự trá hình của niềm đau xé ruột gan; trá hình che đậy niềm yêu thương vô hạn trong phút giây bất lực. Điệp từ “thà coi” như mũi dao vô hình đâm vào tim người đi.
      Ba câu thơ có ba cách hiểu khác nhau:
    - Người đi tự nhủ, tự dặn lòng.
    - Người đi động viên, an ủi mẹ, chị và em. Đây là cách hiểu của nhà văn Bùi Hiển: “Thôi mẹ thà coi con...”, “Thôi chị thà coi em...”  “còn em hãy coi anh như gịọt rượu bốc thành hơi”.
    - Mẹ, chị và em tự nhủ lòng.
    Sở dĩ có ba cách hiểu vì do ngôn ngữ thơ hàm ẩn và lung linh nhiều lớp nghĩa. Hơn nữa, những câu thơ là tâm trạng của Mẹ, chị, em và li khách được lọc qua tâm trạng của chủ thể trữ tình. Đồng thời, nhiều cách hiểu cũng do cách ngắt nhịp các dòng thơ về phía người tiếp nhận tác phẩm khác nhau. Chẳng hạn:
         * Mẹ / thà coi; Chị / thà coi / Em / thà coi.
         * Mẹ thà coi/ chị thà coi/ ...
       Hiểu cách nào cũng có cái lí của nó, Nhưng đúng nhất vẫn là hiẻu theo mạch xúc cảm tâm tình của bài thơ. Bài thơ là sự đồng hiện nội tâm các người ở lại nhưng chủ đạo vẫn là tâm trạng người đi. 
        Đáng nói là hình ảnh so sánh đẹp và giàu sức gợi tả gợi cảm trong thơ.
    - Mẹ - lá bay: Đời mẹ như cây cổ thụ già. Mẹ về đất như lá rụng về cội. Mẹ như chiếc lá vàng lìa cành.
    - Một chị, hai chị góa bụa, khổ đau. Đời các chị vốn nhỏ nhoi tội nghiệp như là hạt bụi. Thôi thị thân cát bụi lại trở về cát bụi.
    - Em - rượu say: tình cảm, tình yêu chưa vui sum họp đã sầu chia phôi. Tình yêu phút giây ngắn ngủi ấy như hơi rượu nồng nàn ngây ngất trong phút chốc nhưng đẹp và đáng yêu biết mấy.
     Bốn câu thơ là sự hóa thân của tác giả vào người đi để cố gắng tìm lời giải đáp thỏa đáng tâm trạng li khách. Ngươi đi quyết tâm nhưng không rủ bỏ tình cảm với người thân. Giọng thơ vừa buồn, vừa bâng khuâng, vừa xót xa, vừa mơ hồ như là một lời trăn trối rất phù hợp với ý thơ: “Chí nhớn chưa về bàn tay không”. Bài thơ tóat ra âm điệu bi hùng là ở chỗ này.   

VI. "Tống biệt hành" là một bài thơ hay. Sự thành công là do tấm lòng thơ, tình bạn mang màu sắc Chiến quốc của Thâm Tâm:
        “ Người giam chí lớn vòng cơm áo
         Ta trí thân vào nợ nước mây
         Ai biết thương nhau từ buổi ấy
         Bây giờ gặp nhau trong phút giây
”.
            (Hành phương Nam - Nguyễn Bính)

                                     HD - 4 - 2001        
                              ______________________
Phụ lục :

             Tống biệt hành
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...
-Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.[1]
1940
Thâm Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét