Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

362. THIÊN NHIÊN TRONG "ĐÂY MÙA THU TỚI", "TRÀNG GIANG" VÀ "ĐÂY THÔN VĨ DẠ".


I. Hơn 600 năm trưóc, Nguyễn Trãi viết:
                “Trăng thanh gió mát là tương thức,
                 Nước biếc non xanh ấy cố tri
”.
      Thiên nhiên rung động hồn thơ và trở thành hình tượng nghệ thuật trong vũ trụ thơ của bao thế hệ thi nhân. Các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử đã góp mặt, làm giàu thêm bức tranh mĩ lệ và hoành tráng của thiên
nhiên trong thơ ca ấy. Họ đã tô điểm cho hình ảnh thiên nhiên một mảng màu, một dáng nét, một chất thơ rời rợi qua “Tràng giang”, “Đây mùa thu tới” và “Đây thôn Vĩ Dạ”.
II. Thiên nhiên trong ba bài thơ rất đẹp và đầy ắp tâm trạng. Thiên nhiên tràn đầy hình sắc, có cái đẹp mơ màng mà thanh tân của xứ Huế, có vẻ đẹp mềm mại thướt tha của Hà Nội và những mảng sông nước rợn ngợp, hoang sơ của Hà Tĩnh. Tất cả tạo nên một bức tranh toàn bích của phong cảnh đất nước mến yêu. Nhưng đấy là một thiên nhiên khúc xạ qua tâm hồn của các nhà thơ, là ảo ảnh hiện thực, là hiện thực tâm trạng nên thấm đẫm nỗi buồn. Đấy là nỗi buồn của cái tôi ý thức, của một cá thể khao khát được sống là mình, được sống hạnh phúc, sống đẹp trong đời nhưng bị xã hội bóp nghẹt. Đấy là lòng sầu của cả một thế hệ thanh niên trí thức Tây học và cũng là nỗi buồn của cả dân tộc trong đêm trường thuộc Pháp.
III. Thiên nhiên hữu tình vì tình người thấm trong từng màu sắc, hình nét tạo vật. Thiên nhiên được khám phá và biểu hiện bằng thi pháp hiện đại, cơ bản là thi pháp và quan niệm của chủ nghĩa tượng trưng, nhưng đã dân tộc hoá, nên có thần có hồn. Thiên nhiên như là một thực thể sống động và đáng yêu. Thiên nhiên thể hiện cái nhìn nghệ thuật riêng và cá tính sáng tạo độc đáo của các nhà thơ, nên đẹp một vẻ đẹp rất chung mà vẫn rất riêng. Tất cả điều đó khiến thiên nhiên càng thêm phong phú. Vẻ đẹp quê hương đất nước trong thơ càng thêm khởi sắc, càng tràn đầy sinh khí và vẻ đẹp thơ của Huy Cận, Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu càng được thăng hoa.
    1. “Đây thôn Vĩ Dạ” không phải là một bài thơ tả cảnh mà là thơ tâm hồn, tâm trạng. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bái thơ hướng nội, tứ thơ quay vòng nội tâm. Tuy vậy, hình tượng thơ vẫn lấp lánh vẻ đẹp của cảnh sắc một vùng quê hương yêu dấu:
        “Đường vô xứ Huế xanh xanh,
         Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Và đấy cũng là cái đẹp của đát nước Việt Nam.
      Thiên nhiên “Đây thôn Vĩ Dạ” đầy màu sắc, ánh sáng, vừa thực vừa hư ảo mơ màng. Trước hết, đó là thiên nhiên dưới ánh ngày tinh khôi. Cảnh xứ Huế quyến rũ gọi mời. Tâm tưởng thi nhân như trở về sống giữa ánh nắng sớm vừa lên trên những ngọn cau:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”.
        Hàng cau quyện hoà cùng nắng vừa tạo dáng nét vừa lung linh ánh sang ảo diệu đến là lùng. Hình ảnh “Nắng hàng cau” như đưa ta vào vẻ đệp của ảo giác, ảo mộng. Nắng không của trời cao toả chiếu mà từ hàng cau thôn Vĩ sáng rạng lên. Nhà thơ đã khoác cho hàng cau thôn Vĩ những ánh hào quang đẹp đến say lòng người. Hình ảnh thiên nhiên ấy cũng gợi bầu khí ấm áp, tươi mới và non tơ của cảnh sắc, gợi hương quê trong lành, hương cau ngan ngát và nét êm ả bình lặng thanh thóat của một góc quê hương mến yêu.
        Cái nắng hàng cau ấy như len vào từng ngọn lá nhành cây thôn Vĩ sum suê, làm sáng bừng lên những khuôn mặt lá và cả khuôn mặt người thấp thóang :    
        “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
         Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
        Sắc xanh cây lá như tràn ra mênh mông. Màu vườn màu lá như nhuốm một màu xanh rất trong, rất sáng và xanh đến mỡ màng. Và hình như trên màu xanh ấy đang long lanh những hạt sương mai nữa. Thiên nhiên thôn Vĩ là cả một không gian xanh. Hòa vào sắc xanh ấy là hình ảnh chiếc lá trúc thon mảnh đang “che ngang mặt chữ điền”, tạo vẻ duyên dáng cho phong cảnh thôn Vĩ và khiến khuôn mặt người trong bức tranh thơ thoáng nét huyền hồ sương khói, yêu kiều.
      Thiên nhiên có gió mây, có dòng nước lặng buồn ngập ngừng không muốn trôi, có hoa bắp lay khẽ khàng soi mình vào nước dòng Hương trầm mặc mà thơ mộng:
        “Gió theo lối gió mây đường mây,
         Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
.
        Và trong thơ là thiên nhiên của đêm huyền diệu. Đó là một đêm trăng trên sông nước Huế mơ màng:
        “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó 
         Có chở trăng về kịp tối nay”.
        Cảnh trí hình như không mang thanh sắc trần gian mà pha màu “Thiên Thai” thỏang gió mơ mòng, hư ảo. Cảnh hồ như chỉ có trong mơ tưởng, khát khao cái đẹp vĩnh hằng của nhà thơ. Thiên nhiên tạo vật mông lung hơn khi khóac chiếc áo sương khói:
        “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”.
        Thiên nhiên đầy thi vị, hấp dẫn nhưng bàng bạc nỗi sầu. Cảnh vật rã rời không nối kết chia lìa:
        “Gió theo lối gió mây đường mây”
         Dòng sông hình như cũng ngậm ngùi dùng dằng như không chảy:
         “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.
         Phải chăng đấy là nỗi buồn từ hồn người thấm vào cảnh vật. Đấy là cả một hồn thơ thiết tha với cái đẹp, muốn được sống được yêu, nhưng ý nguyện không thành “có chở trăng về kịp tối nay”. Từ đó, tận đáy lòng thi nhân dấy lên nỗi hoài nghi hạnh phúc “Ai biết tình ai có đậm đà”.
      2. Với hồn thơ Xuân Diệu, cảnh sắc Hà Nội chớm thu vừa trẻ trung vừa tràn đầy nỗi buồn, gợi cảm giác xa xăm thương nhớ. “Đây mùa thu tới” tái hiện trước mắt ta một mùa thu trẻ trung nhưng sớm ẩn dấu sắc tàn phai. Không gian thu vàng sáng tinh khôi:
         “Với áo mơ phai dệt lá vàng”.
      Thu khóac chiếc áo thanh sáng tươi trẻ, nhưng thấp thóang nét phai tàn, gợi sự hủy diệt mọi giá trị đời sống của thời gian. Tạo vật buồn và cũng rất nhạt nhòa mong manh.
        “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
        Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”.
       
Rặng liễu thu mang dáng điệu của một cô gái trẻ trung, yểu điệu thướt tha; nhưng riêng mang một nỗi sầu tang chế. Bầu trời thu nhạt nhòa. Trăng thu tự sâu thẳm tâm hồn như đang vướng víu một nỗi buồn ngẩn ngơ khó lí giải nguyên nhân.
        “Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
         Non xa khởi sự nhạt sương mờ”
.
       Lá trong vườn thu cũng nhuốm màu thời gian phôi pha:
         “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”.
       Đọc “Đây mùa thu tới”, ta như tê tái trước  một bức tranh thu được vẽ bằng gam màu ngôn ngữ lạnh lẽo, sướt mướt. Thu về, thi nhân như cảm được bước đi vô hình của thời gian. Con người trong thơ vì thế mà thấm lạnh, đã đem cái run rẫy của hồn mình mà hòa cảm cùng nhịp điệu run rẫy của tạo vật. Lá cảm được cái lạnh của gió nên rùng mình, run run : 
        “Những luồng run rẫy rung rinh lá”.
       Và cành cũng cảm lây cùng là mà thấm lạnh xác hồn. Cành như khô gầy èo uột hơn trước khí thu se sắt:
        “Đôi nhánh khô gầy xương mong manh”.
      Trong bức tranh thu ướt lạnh với dáng vẻ tàn phai ấy, cảnh vật hình như cũng mang tâm trạng chia lìa, có ý hướng rời bỏ nhau. Bầu trời thu lạnh lẽo mang niềm uất hận chia li. Chim chóc quay lưng với nhau và trốn khỏi bầu trời vẩn mây xám buồn để đi tránh rét phương xa:
        “Mây vẩn từng không chim bay đi
         Khí trời u uất hận chia li”
.
       Hoa cũng ngậm ngùi chia tay với cành. Màu xanh hoa phai bợt dần đi và cũng hẹp dần đi. Lá bay theo gió và người cũng bỏ mặc con đò bơ vơ:
        “Đã nghe rét mướt luồn trong gió
         Đã vắng người sang những chuyến đò”
.
     Con người trong tranh thơ như cô lẻ giữa thiên nhiên, đắm chìm trong cõi tâm tình.
        “Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
         Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”
.
     Hai câu kết vụt hiện lên bóng người, nhưng không dủ sức sưởi ấm thiên nhiên. Con người trong thơ đành thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau. Phải chăng, đấy cũng là cái tôi của thi nhân đang ngơ ngác nơi trần thế. Phải chăng cái tôi ấy đang khao khát con người hãy xích lại gần nhau mà giao cảm giao hòa.
    3. Nếu bức tranh thu trong thơ Xuân Diệu được họa nên bởi ngôn ngữ hiện đại thì tạo vật trong thơ Huy Cận lại mang sắc màu cổ họa phương đông trong Đường thi, mang cái hồn buồn Đông Á. Tứ thơ “Tràng giang” được khơi dậy từ dòng sông Hồng và những sông nước quê hương đất Việt khác. Cảm xúc thi ca  vừa tụ lắng vừa mở tràn mênh mang theo không gian của những con sông và những làng xóm mọc lên từ những vùng sông nước ấy.
      Thiên nhiên mở ra bằng hình ảnh những dòng sông mênh mông:
        “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
         Con thuyền xuôi mái nước song song
”.
     Con sông tràng trong thơ Huy Cận như có mặt tự bao đời, duềnh lên trong Đường thi và chảy vào hồn thơ ông, tạo nên thế giới nghệ thuật của thơ ông. Dòng tràng giang bát ngát chỉ có “bờ xanh tiếp bãi vàng”. Hai bờ sông hoang lạnh, quạnh quẽ và cô đơn chảy như đôi bờ tiền sử. Dòng sông chẳng hòa hợp với con thuyền để rồi thấm thía nỗi buồn, nỗi “sầu trăm ngã”. Nước sông ôm lấy  “củi một cành khô” mà xô đẩy về phương trời xa thẳm nào đó. Nưóc sông cũng chẳng ưu ái gì với “những cánh bèo”, trái lại đưa dạt chúng về nẻo xa vời vô định của heo hút không gian. Và dòng sông từ đó duềnh lên bao la bát ngát hơn bao giờ hết.
     Thiên nhiên trong bức họa thi ca “Tràng giang” đẹp mà buồn cô liêu. Trước không - thời gian vô cùng vô hạn, con người như cảm nhận kiếp đời mình càng trở nên hữu hạn hơn, vì thế mà vội vàng ghi lại bao cảnh vật buồn áo não. Thật ra, trong con mắt tha thiết với quê hương của Huy Cận, cảnh thiên nhiên cũng có những nét đáng yêu:
        “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
         Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”
.
     Buổi chiều trên sông quê hương vẫn còn những vạt nắng ấm sang hài hòa với sắc nước gợi nét lung linh cho bức tranh. Và mây núi cũng như có hồn đang nương tựa vào nhau mà hướng về bầu trời lồng lộng, mà rạng lên những ánh bạc lấp lánh đậm tô cho vẻ đẹp của tạo vật quê nhà.
         Nhưng cảnh chủ yếu vẫn là cảnh buồn. Dòng sông rợn ngợp, chỉ có lớp lớp sóng buồn miên man gối nhau để cho nước đắm mình trong nỗi “sầu trăm ngã”. Ngọn gió vì thế mà cũng buồn cô liêu, bến sông cũng từ đấy mà lẻ sầu cô quạnh:
        “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
         Sông dài trời rộng bến cô liêu”
.
      Tất cả đều trống trải, không một ràng rịt liên hệ nào, không một nhịp đập, một hơi thở của sự sống. Bao nhiêu cái không của cảnh cứ phơi ra đấy để gợi cái có của hồn người: “sầu trăm ngã”. Không một tiếng người: “Đâu tiếng...”. Không một con đò: “Mênh mông không...”. Không một chiếc cầu: “Không cầu...”. Và không có cả: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
      4. Thiên nhiên trong ba bài thơ là phong cảnh đẹp của mỗi vùng đất quê hương và cũng là của nước Việt mến yêu qua cái tôi nội cảm của ba nhà thơ. Mỗi bài thơ, mỗi nhà thơ có cảnh cảm nhận và thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên đất nước riêng.
        Xuân Diệu trĩu lòng trước mùa thu nhưng hồn lại cháy lên niềm khát khao giao cảm với đời. Lời thơ ông thể hiện sự khám phá những biến thái tinh vi mong manh của tạo vật qua những câu thơ rất Tây. Nét đẹp thiên nhiên được nhà thơ vẽ ra bằng nét đẹp, nét duyên của thiếu nữ xuân sắc,…
        Huy Cận cảm thức điệu buồn nhân thế trước cõi trời đất bao la. Ngước nhìn và lặng ngắm vũ trụ vô cùng, ông ngậm ngùi cho kiếp người hữu hạn, nên quay về quê nhà tìm hơi ấm yêu thương, hoá giải trạng huống cô đơn. Tư tưởng thơ ấy được biểu hiện thông qua một phong cách thơ hiện đại nhưng nhuốm màu cổ điển.
        Hàn Mặc Tử lắt lay trong nỗi đau bạo bệnh, ông mong cầu tình yêu, cái đẹp cứu nạn cho mình. Thơ ông vì thế có sự nhảy vọt bất ngờ của cảm xúc, của tứ thơ; cấu trúc thơ quay vòng nội tâm nhưng cơ bản đắm chìm trong cõi mù sương của ảo giác, ảo mộng.
IV. Hình ảnh thiên nhiên trong ba bài thơ đẹp mà buồn, cái buồn của hồn người thấm vào cảnh vật thiên nhiên. Mỗi bài thơ là một mảng quê hương. Thiên nhiên trong mỗi bài thơ có nét đẹp riêng. Cảnh thiên nhiên trong “Đây thôn Vĩ Dạ” hư thực mơ màng, trong “Đây mùa thu tới” mong manh mà có nét vận động tinh vi tự bên trong sắc thu cảnh thu, trong “Tràng giang” pha màu Đường thi cổ điển mà hoành tráng.
                     
    HD - 4 - 2001
    __________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét