Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

361. THƠ LÃNG MẠN QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA XUÂN DIỆU, HUY CẬN VÀ HÀN MẠC TỬ


Chế Lan Viên từng tâm sự:
    Đừng đuổi thơ tôi vì một chiều tà ngã bóng
    Hãy yên lòng sẽ thấy nắng mai lên

Thơ lãng mạn (1932 -1945) hay còn gọi là Thơ mới quả có những bóng chiều tà, nhưng cũng lấp lánh nắng mai. Dù thế nào đi nữa, với thời gian, Thơ mới thực sự khẳng định giá trị và tiếp tục chinh phục
người đọc. Ngày nay, tiếp nhận Thơ Mới, người đọc không thể quên Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử và nhắc đến họ bằng tất cả sự trân trọng, mến yêu. Họ đã góp phần xác định cho Thơ mới vị trí trang trọng trên thi đàn văn học dân tộc.
Hoà cùng tiếng thơ yêu nước của dân tộc và của các nhà Thơ mới như Phạm Huy Thông với giấc mộng anh hùng, Thế Lữ mơ ước được sống lại quảng đời tự do đã mất, Nguyễn Nhược Pháp yêu “Ngày xưa” đẹp đẽ của nhân dân; Huy Cận, Xuân Diệu cảm xúc trước cái đẹp của thiên nhiên đất nước và tình yêu tiếng Việt thiết tha.
Thiên nhiên trong Thơ mới mĩ lệ. Cảnh sắc thiên nhiên trong Thơ mới là cảnh của những vùng quê với những vẻ đẹp riêng, nhưng vẫn là một thiên nhiên đất nước thống nhất vẹn toàn. Quê hương đất nước bình dị được miêu tả và cảm nhận bằng giọng điệu và hồn thơ rất mới. Đất nước vào thu gợi bao xúc cảm cho bao hồn thi sĩ. Xuân Diệu rung động mãnh liệt trước mùa thu Hà Nội đang toả nét dịu đàng trong dáng liễu rũ nơi hồ Gươm, hồ Tây. Hồn cảnh mùa thu được nhà thơ cảm nhận bằng những giác quan tinh nhạy. Nhà thơ đã đem cảm giác tổng hợp mà nắm bắt hồn thu nơi rặng liễu đìu hiu, nơi gió thu se lạnh, sương thu bảng lảng, không gian thu vàng sáng đẹp mà buồn:
    “ Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
    ... Với áo mơ phai dệt lá vàng”
    
                                 (Đây mùa thu tới)
Và đây là sắc xuân huy hoàng, căng phồng sự sống:
    “Trong làn nắng ửng khối mơ tan
    ... Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”
   
                                 (Mùa xuân chín)
Những câu thơ là cả một bức hoạ thôn dã ngày xuân sinh động. Sắc xuân được vẽ bằng gam màu sáng, màu hồng của vũ trụ, màu vàng của nắng mai, màu sáng ngời lung linh của sương sớm và màu biếc xanh của tà áo xuân. Thiên nhiên như có sự sống bên trong qua sự sinh sôi của những gam màu. Những cảnh sắc của những vùng quê cũng hiện ra rất tươi mới và rất riêng. Có thiên nhiên xứ Huế mộng mơ và vườn tược thôn Vĩ xanh tươi, sum suê cây trái.
    “Sao anh không về chơi thôn Vi
            (…)
     Lá trúc che ngang mặt chữ điền” 
 
Đây là cảnh đặc trưng ruộng đồng quê hương Việt Nam:
    “Mây biếc về đâu bay gấp gấp
     Con cò trên ruộng cánh phân vân”
    
                                       (Thơ duyên)
Nếu con cò trong thơ Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều thì cánh cò trong thơ Xuân Diệu trên đồng đất xứ sở không bay mà cánh cứ phân vân như luyến lưu mảnh đất quê nhà. Nếu Xuân Diệu rung cảm trước con đường quê và bóng chiều nhẹ buông: “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu - Lả lả cành hoang nắng trở chiều”, thì Huy Cận cảm thức con đường làng thân thuộc dấu yêu nồng nàn hương quê, hương mật ong của lúa:
    “ Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
     Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm
     Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
     Đất thêu nắng bóng tre rồi bóng phượng”
   
                                   (Đi giữa đường thơm)
Tình quê thấm sâu trong hồn thi nhân. Huy Cận đem tâm trạng mà hoà vào thiên nhiên cảnh vật, gởi gắm nỗi buồn sông núi, nỗi sầu đất nước:
    “Lòng quê dợn dợn vời con nước
     (…)
      Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

                                     (Tràng giang)
Và hình ảnh làng quê heo hút, một làng sơn cước bên sông Thâm, núi mồng Gà, Hà Tĩnh cũng hiện về trong thơ Huy Cận:
    “Tới ngã ba sông nước bốn bề
     Nửa chiều gà lạ gáy trên đê”
.
Thiên nhiên trong Thơ mới đẹp mà buồn, nhưng tình của các thi nhân lại rất tha thiết dù có man mác ngậm ngùi.
Yêu nước, các nhà Thơ mới dồn hết qua tình yêu tiếng nói dân tộc, tiếng mẹ yêu thương. Hoài Thanh có lí khi nhận xét về các nhà thơ ấy: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng nói mấy mươi thế kỉ... Tiếng Việt là tấm lụa hứng vong hồn những thế hệ đã qua”:
    “Nằm trong tiếng nói yêu thương
      Nằm trong tiếng Việt Vấn vương một đời
      Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi
      Hồn thiêng sông núi cũng ngồi bên con
      Tháng ngày con mẹ lớn khôn
      Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha
      Đời bao tâm sự thiết tha
      Nằm trong tiếng nói lòng ta thuở nào. 
   
                            (Huy Cận)
Yêu tiếng Việt, các nhà Thơ mới khám phá được linh hồn của tiếng Mẹ, làm cho tiếng Mẹ uyển chuyển, tinh xác. Mỗi tác phẩm thi ca của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử là một bức tranh, một toà kiến trúc ngôn từ nguy nga, khiến người đọc càng thêm yêu quê hương, yêu ngôn ngữ Việt Nam. Tiếng Việt như có hồn, diễn đạt những biến thái tinh vi mong manh của tạo vật và của hồn thơ:
    “ Hơn một lòai hoa đã rụng cành
    ...Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”
   
                          (Xuân Diệu – Đây mùa thu tới)
Tiếng Việt tái hiện được sự ngân rung của bao giai điệu tâm hồn  cô thôn nữ lúc xuân sang đang phập phồng sự sống và căng mọng hương vị ngọt ngào:
    “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
      Hổn hển như lời của nước mây
      Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
      Nghe ra ý vị và thơ ngây...”
    
                        (Hàn Mặc Tử - Mùa xuân chín)
Wordworth (nhà thơ Anh): “Tại chính trần gian này, thế giới của riêng ta, nơi mà rốt cuộc ta sẽ tìm thấy hạnh phúc hoặc chẳng bao giờ có được”. Ý thức sự sống cá nhân, nên các nhà thơ lãng mạn khát khao giao cảm với đời. Thơ họ là tiếng nói của lòng ham sống, yêu đời tha thiết:
    “Ta ôm bó cánh tay làm rắn
      Làm dây đa quấn quýt cả mình xuân
      Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần,
      Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất.”

Xuân Diệu bám chặt lấy cuộc đời đầy thanh sắc. Nhà thơ muốn ôm, muốn riết, muốn thâu cả “sự sống mới bắt đầu mơn mởn”. Nhất là khi xuân về, xuân trôi nhanh, tuổi trẻ không thắm lại nên ông khao khát rạo rực cùng xuân non tơ.
    “Anh nắng ôm trùm những ngọn cao
      Cây vàng rung nắng lá xôn xao
      Gió thơm phơ phất bay vô ý
      Đêm đụng cành mai với nắng đào”
    
                                          (Nụ cười xuân)
Hàn Mặc Tử, một đời thơ, một đời bi kịch nên rất tha thiết gọi mời tình yêu để được sống với tình người nhân hậu:
    “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
      Ai biết tình ai có đậm đà”
   
                                       (Đây thôn Vĩ Dạ)
Huy Cận gắn bó với quê cha đất tổ, ông khao khát được sống giữa quê hương cùng với con đường tuổi nhỏ: ”Có cu gáy có bướm vàng nữa chứ”. Thi sĩ đắm hồn trong hương sắc đồng nội bằng tiếng thơ say mê cuộc đời:
    “Cả không gian hồn hậu rất thơm tho
      Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ”
Yêu cuộc sống nên các nhà thơ lãng mạn khao khát được yêu. Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ. Thơ ông diễn tả tột cùng sự rung động yêu đương của một trái tim đa tình. Lòng yêu ý nhớ trong thơ ông cũng lắm âm màu huyền diệu:
    “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
      Anh nhớ em, anh nhớ lắm ! Em ơi !”
    
                                               (Tương tư chiều)
Còn Hàn Mặc Tử thì chới với trong cõi mộng tình yêu si cuồng:
    “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói
      Gió trăng có sẵn làm sao ăn
      Làm sao giết được người trong mộng
      Để trả thù duyên kiếp phụ phàng”

Yêu mình nên các nhà thơ cũng động lòng trắc ẩn trước tình cảnh của con người trong cuộc sống bấy giờ. Thơ mới, vì thế mà ấm áp tình người, tình đời:
     “Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo
      Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da
      ...Lòng kĩ nữ cũng sầu như biển lớn
      Chớ để riêng em phải gặp lòng em”.
     
                                          (Lời kĩ nữ - Xuân Diệu)
     “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
     Bao cô thôn nữ hát trên đồi
     Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
     Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.” 
    
                                               (Hàn Mặc Tử)
Trong chừng mực nào đó, thơ lãng mạn đã tiếp nối truyền thống nhân đạo của dân tộc. Nhưng “lòng tôi rộng mà lượng dời cứ chật”, nên tiếng nói vị tha trở thành nỗi đau đời của họ. Đúng như Vũ Tú Nam viết: “Thơ Mới gắn liền với mọi nỗi buồn vui của mọi người. Thơ Mới làm cho con người đẹp lên và biết sống nội tâm”.
Chế độ phong kiến không thừa nhận cái tôi, chỉ thừ nhận cái ta theo mẫu hình của xã hội. Cái tôi bị chèn ép trong “khuôn khổ bất nhân” (Xuân Diệu), nên các nhà thơ lãng mạn đã lên tiếng khẳng định cái tôi một cách mạnh mẽ, một cách khẩn thiết đến đau đớn. Tố Hữu: “Một nhu cầu lớn về tự do và phát huy bãn ngã”. Các nhà thơ tha thiết đi tìm câu trả lời “ta là ai”:
    “Ta là một là riêng là thứ nhất
     Không có chi bè bạn nổi cùng ta.”
    
                          (Xuân Diệu - Hi Mã Lạp Sơn)
Họ mong cầu được sống đời sống của chính mình. Họ muốn thơ họ nói rõ những điều kín nhiệm u ẩn và ước ao được sống thành thực của họ trong tình yêu và trong cuộc đời. Đôi khi họ nói rõ nỗi buồn vô cớ đang xâm chiếm tâm hồn họ:
    “Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
      Lòng không sao cả hiu hiu sẽ buồn”.
     
                                     (Tương tư chiều)
Khẳng định cái tôi là đánh dấu một bước tiến quan trọng có tính qui luật trong sự phát triển tư tưởng dân tộc, có ý nghĩa nhân bản sâu sắc của Thơ mới.
Thơ Mới là một trường thơ đa phong cách. “Cá tính con người bị kìm chế trong bao nhiêu lâu được giải phóng. Ở đây nõ chỉ làm giàu cho thơ ca” (Hoài Thanh). Cảm thụ thế giới mới mẻ. Trong Thơ mới, tạo vật thiên nhiên là một khách thể có linh hồn. “Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ” (Xuân Diệu) hay:
    “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
     Đợi gió đông về để lả lơi”
    
                      (Hàn Mặc Tử)
 Ngôn ngữ, vần điệu thơ rất mới và rất hiện đại:..Vần điệu:
       Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
      Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”
   
                                      (Xuân Diệu)
      “Buồn gieo theo gió veo hồ
      Đèo cao quán chật bến đò lau thưa.”
      
                                 (Huy Cận)
      “Chị ấy năm nay còn gánh thóc
       Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.
      
                           (Hàn Mặc Tử)
Ngôn từ:
    “Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
     Đàn ghê như nước lạnh trời ơi
     Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
     Trăng nhớ Tầm Dương nguyệt tỏ ngời.”
   
                               (Nguyệt cầm)
Thể thơ đa dạng. Có sự tổng hợp hài hoà giữa thơ truyền thống, thơ Đường và thơ tượng trưng của Pháp. Cảm thụ ngoại giới tinh tế hơn, nhất là diễn tả ngoại cảnh tạo vật bằng các giác quan: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”, “Này lắng nghe em khúc nhạc thơm, Say người như rượu tối tân hôn” ( Xuân Diệu - Huyền diệu). Có bài thơ cấu tứ ảnh hưởng thơ Đường như Tràng giang của Huy Cận, có bài tổng hợp chất cổ điển và hiện đại: “Hơn một loài hoa... mỏng manh”. Cách ngắt nhịp:
    “Trời cao xanh ngắt - ô kìa !
    Hai con hạc trắng bay về bồng lai”.
     
                                (Thế Lữ - Tiếng sáo thiên thai)
    “Sột soạt gió trêu tà áo biếc
    Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.   
   
                              (Hàn Mặc Tử - Mùa xuân chín)
Dù còn một số hạn chế nhất định, song Thơ mới đã có những giá trị lớn lao về tư tưởng và nghệ thuật, đã góp phần hiện đại hóa văn học nước nhà, đã đưa văn học nước nhà từ phạm vi khu vực hội nhập vào văn học thế giới. Thơ Mới dẫn hồn ta vào tiếng ru của mẹ, tắm đẫm ta trong dòng sông yêu thương của đất nước và giứp ta hiểu thêm tâm hồn ta.

                HD - 4 - 2001     
                         ___________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét