Kế Môn là một làng có nghề kim hoàn nổi tiếng lâu đời. Làng Kế Môn (1), trước đây thuộc xã Phong Thạnh cũ, nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Làng nằm về hướng Đông Bắc, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40 km.
Nghề kim hoàn Kế Môn ra đời vào khoảng thế kỉ XVIII. Tổ nghề là hai ông Cao Đình Độ và con ông Cao Đình Hương. Ông Cao Đình Độ được suy tôn là Đệ nhất tổ nghề, ông Cao Đình Hương là Đệ nhị tổ nghề. Ông Cao Đình Độ sinh năm 1744 (2), tại Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Khi ở quê ông làm nghề hàn, bịt khay chén bằng đồng, về sau học thêm được nghề kim hoàn của người Trung Quốc. Sau khi học nghề xong, ông đưa gia đình vào Thuận Hóa. Theo một số tư liệu, ông định cư tại làng Kế Môn (3), xã Điền Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa cũ, nay là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông đã truyền nghề cho dân làng Kế Môn và người Đàng Trong, từ đó nghề kim hoàn xứ Đàng Trong phát triển mạnh. Nhưng theo truyền thuyết mà người Kế Môn vẫn kể từ đời này sang đời khác, thì gia đình ông Cao Đình Độ vào Huế bằng đường thủy, khi đến khút Đò Ngược ở sông Ô Lâu, quãng sông thuộc làng Kế Môn thì bị chìm đò. Lúc ấy, hai nông dân là Hoàng Công Bàn và Trần Duy Lợi đang gặt lúa gần đấy, đã kịp thời cứu cả gia đình ông. Gia đình ông được dân làng Kế Môn yêu thương, giúp đỡ và cho tạm trú. Ông Cao Đình Độ ở lại làng, vừa truyền nghề cho con là Cao Đình Hương vừa dạy nghề cho dân trong họ của hai ân nhân, rồi sau mở rộng ra dạy cho dân làng, từ đó hình thành làng nghề kim Hoàn Kế Môn.
Tiểu sử đức tổ sư tại nhà lưu niệm ở làng Kế Môn
Năm 1790, vua quang Trung cho triệu hai cha con Cao Đình Độ, cùng một số thợ giỏi của làng Kế Môn vào kinh đô Phú Xuân, lập Cơ vệ Ngân Tượng (4), nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và làm đồ trang sức cho vua, hoàng hậu, công chúa , cung phi,… Đến khi Gia Long lên ngôi, Cơ vệ Ngân Tượng vẫn tồn tại, hai ông Cao Đình Độ, Cao Đình Hương và thợ kim hoàn Kế Môn vẫn được trọng dụng như trước. Họ đã góp công lớn trong việc phát triển nghề làm trang sức mĩ nghệ bằng kim loại quý ở kinh thành và xứ Đàng Trong.
Nghề kim hoàn Kế Môn là nghề thủ công cổ truyền chuyên làm đồ trang sức bằng chất liệu vàng bạc có trang trí hoa văn gồm : ngành trơn sản xuất các sản phẩm đơn giản, không chạm trổ nhiều; ngành đậu làm các mặt hàng có hoa văn hình kỉ hà để gắn lên mặt của các sản phẩm; ngành chạm chạm trổ trực tiếp các hình và hoa văn lên các sản phẩm.
Sản phẩm kim hoàn do người thợ Kế Môn chế tác có rất nhiều loại như nhẫn, bông tai, khuyên, xuyến, vòng, kiềng, lắc, dây chuyền,… Các mặt hàng này phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, chạm trổ tinh xảo, có nạm ngọc hoặc đá sa phia óng ánh rất bắt mắt. Chất liệu là vàng 24 K (gọi là vàng y), 18 k (gọi là vàng Tây) hoặc bạc nguyên chất. Sản phẩm kim hoàn của người thợ Kế Môn làm ra có chất lượng với kĩ thuật cao, thể hiện sự tài hoa, tinh tế, óc thẩm mĩ độc đáo của họ. Trong nghề nghiệp, người thợ kim hoàn Kế Môn luôn có ý thức học hỏi, cải tiến kĩ thuật, mẫu mã nên đáp ứng được tâm lí tiêu dùng, thị hiếu thẩm mĩ của con người hiện đại.
Hiện nay, hầu hết thợ kim hoàn Kế Môn định cư, làm nghề và buôn bán sản phẩm vàng bạc ở hầu hết các tỉnh thành, đô thị trên đất nước Việt Nam, thậm chí ở cả nước ngoài. Ở đâu, sản phẩm kim hoàn do người thợ Kế Môn làm ra đều được ưa chuộng.
Dù làm ăn ở đâu, người thợ kim hoàn Kế Môn vẫn không quên ơn đức của hai vị tổ nghề. Họ xây đền thờ hai vị tổ sư tại làng Kế Môn, nơi tỉnh thành họ sinh sống. Và hàng năm, vào ngày 27 tháng 2 âm lịch, họ đều tổ chức giỗ tổ và gặp gỡ giao lưu để nâng cao tay nghề.
Hoàng Dục biên soạn
8-10-2012
_______________________
[1] Có
người cho rằng làng Kế Môn, thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Kim Trà, tỉnh Quảng Trị; đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835) sát
nhập vào huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Nhưng theo “Ô Châu cận lục” của
Dương Văn An, trong “Môn bản đồ”, làng Kế
Môn thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong . Mà, cũng theo sách này, phủ Triệu
Phong gồm có 6 huyện là : huyện Đan Điền, huyện Kim Trà, huyện Tư Vinh, huyện
Võ Xương, huyện Hải Lăng, huyện Điện Bàn (huyện Điện Bàn vào năm 1603, thời Nguyễn Hoàng, đổi thành phủ Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam). Vậy phủ Triệu Phong có nên hiểu là tỉnh
Quảng Trị không ? Vấn đề này cần được xác minh cụ thể và khoa học hơn.
[2] Có bản
ghi năm 1746.
[3] Có bản
nói ông làm con nuôi một người họ Trần Duy, làng Kế Môn (Trang thông tin điện tử
huyện Phong Điền).
[4]
Có bản ghi là “Kim tượng cuộc” tức là chợ vàng (Trang thông tin điện tử huyện
Phong Điền).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét