Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

468. HÌNH NHƯ LÀ CHẤT ĐÔNG GIANG

     Tôi đứng lớp ở trường Trung học Hoàng Hoa Thám  trong khoảng 1985 - 1990 rồi thuyên chuyển đến trường mới. Chỉ năm năm, nhưng trong tôi ngôi trường trung học ở bên tê Hà Thân ấy hình như đã thân thuộc từ lâu. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao, nhưng dần dần tôi mới thật sự cảm nhận được, bởi Hoàng Hoa Thám vẫn ấm nồng chất Đông Giang của riêng tôi.
     Xin đừng bắt tôi cắt nghĩa chất Đông Giang là gì ? Tôi khó lí giải nỗi. Bởi nó đã lan thấm ẩn tàng đâu đó trong thẳm sâu tâm hồn tôi. Mà đã là tâm hồn làm sao tôi có thể rạch ròi thích nghĩa!  Tôi chỉ biết những ngày học đệ nhất cấp Trung học Phan Châu Trinh, cái tên Đông Giang - Trường Trung học Đông Giang -  đã hấp dẫn tôi. Người ta nói với tôi, ngôi trường có cái tên ấy vì nằm ở phía đông dòng sông Hàn. Tôi nghe rồi thả lời kia theo gió thoảng. Tôi không thích lắm kiểu cắt nghĩa địa lí ấy. Với tôi, Đông Giang là thơ, nghe rất thanh tao, ngậm chất thơ của sông nước; Đông Giang là con sông vươn mình về phía đông, tắm mình trong ánh sáng ban mai tinh khiết và ấm áp. Ngôi trường mang tên Đông Giang ấy luôn ru mình theo nhịp điệu của chiếc võng gió treo hai đầu Sơn Trà và Vọng Hải đài. Và ngôi trường ấy luôn nắm lắng sóng từ hai phía sông Hàn và biển Đà Nẵng mà tỏa niềm thơ.
      Đông Giang trong tâm hồn tôi ngày ấy là thế. Để rồi, khi bước vào lớp đầu tiên của đệ nhị cấp, tôi đã gặp những Đông Giang cụ thể. Đó là Đoàn Xuân Hiển, Võ Anh Quân, Nguyễn Tấn Lục, Trần Văn Điểu,… Đó là nhưng bạn mới của tôi từ Trung học Đông Giang sang Phan Châu Trinh. Trong giờ học, họ chẳng có gì khác biệt với chúng tôi, nhưng giờ ra chơi tôi cảm giác họ có nét riêng. Nhìn các bạn ấy, trực giác cảm tính của tôi mách bảo, nét riêng vốn nằm trong hình ảnh của câu ca dao. Đứng bên này Hàn mà trải rộng tầm mắt  sang  Hà Thân thì “thấy nước xanh như tàu lá”, còn đứng ở Hà Thân nhìn sang Hàn sẽ “thấy phố xá nghênh ngang”. Những bạn cùng tôi đi suốt bốn năm đệ nhất cấp hình như có cái chất “phố xa nghênh ngang”, còn những bạn Đông Giang chia sẻ cùng tôi không gian lớp học đệ tam B2 có nét màu như là “nước xanh như tàu lá”. Cái  màu “nước xanh” ấy mang vẻ lành, chân mộc, giản dị và tình nghĩa. Ở họ hình như có vị biển, hương sông nước và màu sáng trong của cát trắng. Tâm hồn họ cũng lao xao vi vút như những rặng dương liễu xanh rì rào bên bờ biển vàng nắng. Đấy là những gì tôi chỉ cảm mà chưa gọi được tên. Sau này, khi gặp lại những bạn học ở quận 3 ấy, tôi mới ngờ ngợ đó là chất Đông Giang, cái làm nên cảm xúc lãng mạn trong “Đường Sơn Trà” của Đoàn Xuân Hiển. Tuổi học trò của tôi đi trong lòng phố chật nêm và kín gió. Tuổi học trò của các bạn ấy đi dưới “sáng nắng dịu dàng”, cái nắng của trời đất Đông Giang hay cái nắng của tuổi học trò trong tình yêu. Vì cái nắng dịu dàng ấy, cậu học trò trong thơ mới hào hiệp muốn cùng mây trắng che cho người con gái đi học về dưới  nắng trưa chói chang:
            Buổi trưa anh muốn cùng mây trắng
            Lờ lững trôi che nhạt chói chang.

    Và tôi càng tin có chất Đông Giang khi được đi về dưới mái trường Hoàng Hoa Thám. Những đồng nghiệp gốc gác Đông Giang xưa chân thành chia sẻ với tôi những vui buồn trong và ngoài cửa lớp. Các em học sinh của tôi, 12/8, 12/9, nhất là các em chuyên Văn - Anh khóa 1986 - 1989 (hình như là lớp chuyên văn đầu tiên của trường) đã cho tôi hiểu thêm nét đẹp của tình nghĩa thầy trò. Các em của tôi rất ngoan hiền, không muốn làm phiền lòng ai, sẵn sàng sống vì người khác. Tôi không muốn nhắc tên một em nào cụ thể, bởi tất cả đều đáng để nhớ về. Nhớ những lần cắm trại, các em sống chan hòa cùng nhau, tôi đau bao tử phải ăn gạo lứt muối mè, các em đã chịu thương chịu khó để có nồi cơm cho thầy. Nhớ những buổi học bồi dưỡng môn Ngữ văn, thầy trò dù có lúc thế này thế khác nhưng vẫn đắm chìm vào cảm xúc văn chương, chăm chút rèn kĩ năng làm văn…  Nhớ Thu Giang đã đem về một giải quốc gia mà động cơ học tập chính là tình nghĩa thầy trò. Cái cách sống vì người khác, bao dung với người khác  của các em 12/5, đó là đạo lí của biển, của núi Sơn Trà hào hiệp che chắn cho Đà Nẵng bình yên. Và đó là điều tôi gọi là chất Đông Giang.


        Ngày nay, Đà Nẵng đã hiện đại hóa. Khoảng cách bên ni bên nớ đã xóa nhòa. Nhưng tôi vẫn thấy bên Hà Thân “nước xanh như tàu lá”, tôi vẫn hằng tin, chất Đông Giang mãi luân lưu trong tâm hồn người dân Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà; chất Đông Giang mãi tuần hoàn trong mạch máu Hoàng Hoa Thám, tạo nên đặc trưng của một ngôi trường.
       Hoàng Dục   
       _______________________

    PS:    Bài viết này đã đăng trên Đặc san "TRẦM TÍCH", kỉ niệm 50 năm thành lập trường Đông Giang-Hoàng Hoa Thám (1963-2013).

2 nhận xét:

  1. Mãi đến bây giờ có dịp đọc văn anh, chỉ mới qua mấy bài viết cũng nhận ra được hình như là chất Hoàng Dục: sâu lắng, lãng mạn, tinh tế pha chút dí dỏm và tài dụng từ: "...Tôi khó lí giải nỗi. Bởi nó đã lan thấm ẩn tàng đâu đó trong thẳm sâu tâm hồn tôi...". Nhưng rồi anh cũng làm cho người đọc nhận ra chất Đông Giang của anh là gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còm dễ thương lắm. Nhưng văn anh là anh, một con người bình thường như bao người bình thường khác thôi. Viết là gửi gắm tâm tình, viết là trang trải cảm xúc của mình, viết là để giải tỏa... thế thôi.

      Xóa