Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

473. IM LẶNG VÀ NÓI DỐI


Đội tuyển văn Olympic tại Bình Quới, 2009
       Nhấp một ngụm cà phê, anh bạn thở dài: Sáng nay đọc báo thấy tin này mà ngao ngán. Trong Hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” diễn ra tại Đà Lạt ngày 24.9 vừa qua, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng (Đại học Quốc gia TPHCM)  cho biết:  “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp TH là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80%”. Rồi anh bạn dừng lại, không biết để lấy hơi  sau khi nói như đã học thuộc lòng đoạn tin hay để tạo tình huống tâm lí tăng sức hấp dẫn cho lời kể. Sau đó anh bạn buông: Bài báo quy kết, sở dĩ có tình trạng trên là do người lớn cả. Này nhé… Này nhé…
      Người kể vừa đặt dấu chấm hết cho chuyện kể của mình, nhiều người trong bàn ồ lên tán đồng: Đúng quá!, Chí lí quá! Nhà dột từ nóc xuống mà lại!.... Nghe thế, một anh bạn khác từ nảy giờ chỉ im lặng, lên tiếng: Chà nghe mà băn khoăn. Chả là thằng con nhà mình, lớp 12 rồi, trong bữa cơm, tâm tình: Hát “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn, có những câu con chả hiểu gì cả! Gì gì là một ngàn năm, một trăm năm, hai mươi năm… Nghe con hỏi mình chẳng biết trả lời thế nào, đành im lặng!
       Nghe giãi bày, có người thông cảm có người không, trong đó người không đồng tình có phần trội hơn. Một anh bạn thuộc nhóm không đồng tình trước sự im lặng của bạn mình bảo: Phải nói chớ. Câu hỏi nào cũng phải trả lời. Thắc mắc nào cũng nên giải đáp. Không biết thì nói không biết. Biết thì giảng giải cho các cháu biết và hiểu. Giảng giải xong luôn chốt lại một câu, ba/mẹ chỉ biết như vậy, ba/mẹ có thể chưa đúng, con lớn rồi nên tự tìm hiểu thêm và chọn lựa cách hiểu của riêng con, của chính con.
       Anh bạn nói chí lí thật! Giáo dục con cái quả khó vô cùng trời đất! Cái khó là ở chỗ, luôn tôn trọng con cái, quý trọng nhu cầu hiểu biết của chúng và luôn ý thức hình thành năng lực tư duy độc lập và sự trung thực cho chúng. Muốn như vậy, cha mẹ phải làm gương bằng hành động cụ thể qua lối sống hằng ngày và khi gặp tình huống con cái cần phải giải thích điều gì thì không nên tránh né hoặc im lặng. Tất nhiên, tùy độ tuổi, tùy hoàn cảnh mà có cách trả lời, câu trả lời phù hợp, chứ không im lặng hay nói dối. Bởi im lặng trước nhu cầu hiểu biết của con cái có khi đồng nghĩa với nói dối. Trước một sự việc, nói cho con cái hiểu bản chất của sự việc là điều cần thiết, còn im lặng là không nên. Khi anh im lặng, nhất là trước vấn đề con cái hiểu chưa tới, chưa chính xác hoặc chưa hiểu, sẽ nguy hiểm như một lời nói dối, bởi con cái cứ tin điều chúng hiểu biết là đúng, trong khi đó sự thật không là như vậy.
      Trong trường hợp này, im lặng và nói dối là hai trong một mà thôi! Biết đâu đó, cái tỉ lệ nói dối của học sinh mà Giáo sư  Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm đưa ra có một phần đóng góp âm thầm của sự im lặng của người lớn.
      Hoàng Dục
      28-9-2013
      _______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét