Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

470. NGƯỜI KẾ MÔN LÀM THƠ

Trên phá Tam Giang
    Như bao ngôi làng Việt thuần nông hiền hòa khác, Kế Môn vẫn có đời sống riêng, nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng miền trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Một trong những yếu tố làm nên nét riêng văn hóa làng là có một nhánh thơ của người Kế Môn đang hiện hữu, đang tuôn chảy, đang hòa vào dòng sông thơ ca của cộng đồng.
    Nói đến nhánh thơ Kế Môn là nói đến thơ truyền khẩu và thơ thành văn. Làng hình thành từ thế kỉ XV, những con người khai canh lập làng có gốc gác từ Thanh Hóa, Nghệ An. Họ chính là những người đầu tiên đem điệu hò bản quán ươm gieo trên vùng quê mới, hình thành mảng thơ ca dân gian Kế Môn. Đây là mảng thơ quý nhưng chưa được sưu tầm và giới thiệu. Bên cạnh thơ ca dân gian, đất Kế Môn còn sản sinh ra những người làm thơ thành văn. Đây cũng là một vốn quý nhưng cũng chưa được sưu tầm và giới thiệu một cách hệ thống. Trước thực tiễn này, người viết xin được góp một tiếng nói quê mùa về “Người Kế Môn làm thơ” với mong cầu cung cấp những thông tin ít ỏi mà mình có về nhánh thơ của người Kế Môn.
           Người cầm bút Kế Môn không chọn thơ như là một nghề. Với họ thơ như nghiệp dĩ, như là duyên nợ, thơ như là tấm gương soi tâm hồn họ, thơ ra đời khi cảm xúc của họ thật tràn đầy. Vì vậy có người gầy dựng được một vườn hoa thơ, có người chỉ trồng một vài cây bông thơ. Dẫu có thế nào thì tất cả đều đáng trân trọng.
    Đất Kế Môn vốn là đất học, đất đã sinh thành những ông nghè Nguyễn Thanh Oai, Trần Dĩnh Sĩ thời Nguyễn. Theo truyền thống thi cử ngày xưa, lấy văn chương kén chọn người tài ra làm quan giúp nước, hẳn các ông Tiến sĩ họ Nguyễn Thanh, ông Hoàng giáp họ Trần Duy đều là những người hay chữ, làu thông tứ thư, ngũ kinh. Họ ắt cũng có những vần thơ “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”, nhưng rất tiếc người viết bài này chưa tiếp cận được. Người viết chỉ tiếp cận được với thơ của Nguyễn Lộ Trạch, và tạm xem ông là người khơi dòng cho nhánh sông thơ đất Kế Môn.
             Nguyễn Lộ Trạch (1852 – 1895) còn gọi một cách thân thường là “cậu ấm tàng tàng”. Tên gọi gợi tính cách ngất ngưởng, học vấn uyên thâm, nhưng xem khoa cử chỉ là mây khói, “ông nghè, ông cống cũng nằm co”; đồng thời cũng gợi tâm hồn lãng đãng thi ca của ông.  Thơ Kỳ Am thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha, giọng thơ ai hoài những đầy tráng chí của ông.  Ông để lại một di sản thơ không nhiều những đã bộc lộ khá đầy đủ tâm hồn và tài năng của ông. Ông đã gởi cảm xúc và tư tưởng của mình qua Thu hoài – bát thủ (Dụng Đỗ Lăng Thu hứng bát thủ chi vận), gồm 8 bài họa “Thu hứng bát thủ” của Đỗ Phủ. Tặng Quảng Nam Phạm Lệ Hương Phú Đường, 1 bài, thơ tặng ông Lệ Hương Phạm Phú Đường người Quảng Nam (con trai của Phạm Phú Thứ). Truy văn tráng liệt bá Nguyễn tướng quốc, 2 bài thơ truy điệu ông tướng quốc tráng liệt bá Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết ở Hà Nội. Ba bài thơ tặng ông Cử nhân Trung Hoa họ Trình trong “Phục Hoa hữu Trình mỗ Thư (Thư trả lời người bạn Trung Hoa họ Trình).
     Nhánh thơ Kế Môn đã thông dòng được các thế hệ sau nối dài bằng dáng hình, hương sắc riêng của tâm hồn họ. Các thế hệ kế tục và phát huy nhánh thơ này, họ xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau. Có người đã in  thơ như Hoàng Ngọc Châu, Hoàng Công Hảo, Hoàng Xuân Thảo; có người được Cao Huy Khanh, Viêm Tịnh và Nguyễn Miên Thảo chọn đưa vào tuyển tập “1000 nhà thơ xứ Huế đương thời”(tập I, NXB Hội Nà văn, Hà Nội, 2006) như Nguyễn Thanh Nhơn, Hoàng Tiến Tăng, Nguyễn Thanh Yến, Hoàng Ngọc Châu, Hoàng Xuân Thảo,… có những nhà thơ xuất hiện trong những đặc san như Nam Sơn, Hoàng Đông, Thảo Nguyên,… có người chọn mặt phẳng ảo mà gởi tâm tình ba chiều rất  thật của mình như Nguyễn Thanh Hảo, Hoàng Ngọc Thảo,…
            Hoàng Ngọc Châu (1) là tác giả có thơ in sớm nhất. Ông là người làm thơ có độ chín từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX. Thời ấy, đến với những tạp chí như Văn, Văn Uyển, Văn học, Bách khoa,… người đọc có thể gặp thơ Hoàng Ngọc Châu. Trên hành trình sáng tạo, nhà thơ đã ra mắt công chúng văn chương những tập : Những hòn sỏi vụn (thơ, 1962), Điệu ru người tình cũ (thơ, 1966), Dưới trăng (thơ, 2002); Thiên đường mới (tập truyện, 1972). Tiếng thơ Hoàng Ngọc Châu là vọng âm của tình yêu đôi lứa, của tình yêu quê hương, tất nhiên cũng có cả những suy tư về thân phận về thế sự bể dâu. Hoàng Công Hảo (2), một thầy giáo dạy văn ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cũng đã cho ra đời những tập : Mình buộc lấy mình (tự in, 2005), Đi tìm khoảng lặng (Thuận Hóa, 2005), Điềm nhiên cỏ (Đà Nẵng, 2012). Hoàng Xuân Thảo (3) góp mặt với những tập : Hương Quê (Thuận Hóa, 2000), Tình thơ (Thuận Hóa 2005), Thương về kỉ niệm (Thuận Hóa, 2010).
    Trong “1000 nhà thơ xứ Huế đương thời”, Hoàng Ngọc Châu với bài Trước miếu thờ công chúa Huyền Trân, Hoàng Xuân Thảo với Dáng Huế, Nguyễn Thanh Nhơn với Tìm lại mùa đông, Hoàng Tiến Tăng với Tặng thầy giáo Hòa, Nguyễn Thanh Yến với Anh và em. Đây là những bài thơ của họ mà các tác giả làm tuyển tập cho là tiêu biểu nhất.
    Hoàng Ngọc Châu đứng “Trước miếu thờ công chúa  Huyền Trân” ở trên đất làng Kế Môn, quê hương của mình, một mình trong “cõi mưa bay” thấu cảm “tiếng thở dài Huyền Trân” với nỗi đau thân phận phụ nữ:
    Một tôi giữa cõi mưa bay
    Hồn đau theo tiếng thở dài Huyền Trân
.
    Đúng hơn đó là số phận của một người phụ nữ gắn với lịch sử đất nước, cho nên chỉ biết hi sinh, vì người mà chưa hề sống cho mình, vì mình. Đó là sự đối lập làm nên bi kịch của một con người trong vòng quay của bánh xe lịch sử qua hình ảnh thơ tương phản:
     Hiển linh bởi đất Kế Môn
     Mộ bia lăng tẩm lầu son hạc vàng
     Riêng bà một cõi hồng nhan
     Miếu thờ lạnh bụi thời gian phủ mờ
  
  Hoàng Xuân Thảo thì cảm nhận “Dáng Huế” trong hình ảnh cô nữ sinh đất cố đô trên con đường tan trường: 
     Mưa thu thấm đẫm bờ vai
     Ôm nghiêng cặp sách cho ai nặng tình
     Theo em về mãi lặng thinh
     Nghiêng che vành nón dấu mình làm duyên

Còn Nguyễn Thanh Nhơn (4) cũng là một thầy giáo làm thơ lại rất nghịch lí khi đi tìm mùa đông “Tìm cơn bấc lạnh, kiếm phong lan rừng” đem về đón mừng chúa xuân, “Tặng người tri kỉ mỗi lần đông sang”. Theo cái lẽ tuần hoàn của mùa, đông tàn xuấn đến, vậy mà trong cái nhìn của tác giả mùa đông không có mặt. Nhưng nghĩ cho cùng, không có đông làm sao cảm nhận cái đẹp, sức sống mơn mởn, dồi dào của xuân.  Hơn nữa đông đâu còn là mùa mà là tri kỉ gắn liền với người tri kỉ của nhà thơ. Vì vậy, cảm xúc vắng mùa là sự thảng thốt, cảm xúc thiếu tri kỉ là nỗi đau tương tư: 
      Mùa đông ai chở đi đâu
      Để ta tìm kiếm bạc đầu tương tư
.
      (Tìm lại mùa đông)
       Hoàng Tiến Tăng (5) hoài niệm chiếc xích lô Tây gắn với thân phận một người thầy giáo tên Hòa trong vòng vây cơm áo của thời bao cấp!  Chiếc xích lô tàn rách - Kỉ niệm hiện về nguyên dáng cũ của ta. Chiếc xích lô Tây hay chiếc xích lô tàng lăn bánh đã vẽ ra con đường mưu sinh nhọc nhằn của người thầy giáo ngoài cánh cửa lớp, cổng trường :
       Những buổi bình minh
       những buổi chiều tàn hoàng hôn rực lửa
       những mùa mưa gió lạnh đi về
       những buổi tan trường
       Là những con đường đời
       sải lưng dài ráng đạp

        (Tặng thầy giáo Hòa)
      Nguyễn Thanh Yến (6) gởi lòng mình trong một bài thơ tình yêu gồm bốn khổ, có cấu trúc lặp, hình ảnh thơ tương phản gợi xúc cảm về sự không hòa hợp, chia li giữa anh và em. Cho dù họ có chung một bầu trời, chung một dòng sông, chung một con đường thì vẫn “Trời bên em mưa buồn da diết - Trời bên anh nắng rát bỏng vai gầy”, “ Sắc cầu vồng vắt ngang trời thương nhớ - Vẫn đôi bờ khắc khoải mỏi mòn trông”. Chung một không gian từ rộng đến hẹp mà không hòa duyên thì dễ hiểu nhưng chung một giấc mơ mà không hòa mộng thì rất lạ. Chả trách kết thúc thơ bị nhuộm màu tím buồn :
      Anh và em, cùng chung một giấc mơ
      Câu thơ chảy theo dòng đời năm tháng
      Cánh phù du lao mình tìm ánh sáng
      Ngọn gió hồng nhỏ giọt tím hồn thơ
.
      Những người con Kế Môn làm thơ, mỗi người một vẻ, mỗi người mỗi đề tài, có cách thể hiện riêng, nhưng ở họ vẫn có một tình chung, đó là tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
     Quê hương bao đời vẫn gắn liền với một con sông cụ thể. Con sông đã trở thành biểu tượng của một làng quê, đã trở thành tình yêu và nỗi nhớ trong tâm hồn của bao người xa xứ, đã hóa thân thành dòng sông thi ca. Với Kế Môn, dòng Ô Lâu cũng thế. Con sông Ô Lâu đưa nước đi khắp cánh đồng làng, đắp bồi phù sa cho những thửa ruộng sâu, tạo dáng mềm mại cho một vùng quê cát trắng huyện Phong Điền. Ô Lâu đã trở thành không gian tinh thần của những người con làng Kế Môn.  Vì vậy, đề tài quê hương trong thơ của người Kế Môn thường bắt nhịp cảm hứng từ con sông quê hương của họ. Sông Ô Lâu đã hóa thành dòng sông thơ. Trong “Kế Môn quê hương tôi”, men cảm xúc của Hoàng Đông (7) dậy lên từ Ô Lâu rồi lan tỏa khắp không gian ngôi làng yêu thương của ông :
      Ngoài Ô Lâu có mặt nước trong xanh
      Mỗi chiều nồm có buồm trắng lộn quanh
      Đêm văng vẳng có giọng hò mái đẩy
      Giữa cánh đồng đêm hè thường trỗi dậy
      Nghe xa xa kút kít trục xe kêu
      Bên bờ sông réo rắt của tiếng tiêu
      Hòa nhạc điệu dỗ con trong xóm bến

      Không phải sinh ra để làm thơ, thơ chỉ dâng trào khi nỗi nhớ quê ngút ngàn, nên lời giản dị mà giọng yêu thương, có cái mộc mạc của cách nói địa phương, nhưng đã tái hiện vẻ đẹp thơ mộng pha sắc màu thần tiên của  một vùng quê yêu dấu. Nguyễn Thanh Hảo (8) lại khác:
      Sông Ô Lâu, chiều lặng lờ sóng nhỏ
      Ca nô về từ phía cửa Thuận An
      Chạng vạng rồi, ngoài ấy – đường Quan
      Còn nguyên đó dáng ai chờ thấp thỏm…
      Từ dạo xa quê sông có còn thơ mộng?!
      Soi bóng mây chiều, ráng đỏ phía Trường Sơn
.
       (Nhớ sông quê)
      Ô Lâu trong tâm tưởng người xa quê như bến thao thức ngóng đợi con đò. Con đò ấy là tác giả vì “đời loạn li” nên “Đành trôi dạt ngút ngàn xa bến cũ…”. Ô Lâu là quê hương luôn nhắn nhủ đứa con “lạc xứ” của mình:
      Để ai đi nhớ cội, lại quay về
      Như con đò, luôn đậu Bến Sông Quê
.
      Nếu Nguyễn Thanh Hảo cảm giác lỗi hẹn với sông quê thì Hoàng Ngọc Châu luôn quay về, thả hồn mình rong chơi cùng ruộng lúa được nuôi dưỡng bởi “Ô Lâu mát ngọt biết bao tình”:
      Tháng giêng xanh, đồng lúa tháng giêng xanh
      Tôi thả hồn tôi cùng ruộng lúa
      Tôi hóa thân tôi thành ngọn gió
      Giòng Ô Lâu mát ngọt biết bao tình

       (Hương vị làng)
      Còn Hoàng Xuân Thảo thì hoài niệm về tuổi nhỏ. Cái ngày ấy bên bờ sông Ô Lâu, gởi hồn theo cánh diều no gió. Cái tuổi nhỏ ở làng đã xa, mãi vọng về khiến thêm nhớ thêm thương:
       Chiều hè theo bạn ra đồng
       Hái hoa bắt bướm xuôi dòng bờ đê
       Cánh diều no gió vọng về
       Tiếng ve gọi hạ chiều quê mát lành

       (Tình đồng hương)
       Quê hương là tiếng nói yêu thương đã được “thai giáo” khi ta còn trong bụng mẹ, được thổi hồn thêm từ tiếng mẹ ru nôi, rồi theo ngày tháng mà phong phú lên chuyển hóa thành tâm hồn con người. Vì vậy, có người Kế Môn nào không thấy mình trong những từ “cươi”, “xuốt”, “trốt”,… hay những từ trong thơ Thảo Nguyên : “O TÊ  mười sáu trăng tròn - RĂNG O chưa chịu SẶN lòng LẤY DÔN ?- Làng MỀN MÔ thiếu NỪNG ÔN - Hay là O vẫn chờ TRÔN một người”, thấy mình trong cái giọng có chút nằng nặng của người vùng cát. Cái giọng quê ấy đã đi theo người Kế Môn khắp chốn. Để người Kế Môn nhận đồng hương giữa chốn tha phương. Đó là niềm vui vỡ òa của Thanh Hảo (9) trong “Giọng nói đồng hương”: “Rõ ràng : nghe giọng nói – Mình nhận ra “đồng hương””. Trong niềm vui gặp gỡ người cùng quê có cả niềm tự hào về giọng quê của mình:
      Đời thay hình, đổi sắc,
      Âm vang, lại hóa trầm
      Lạc dòng, tôi xa xứ.
      Giữ hoài, giọng tình thâm
.
      (Giọng nói đồng hương)
     Đó cũng là tâm tình của Hoàng Xuân Thảo:
     Dẫu xa ngàn dặm như gần
     Ngọt lành giọng nói ấm vần quê hương

     (Tình đồng hương)
     Nếu sông là hồn, giọng là tình thì món ăn là hương vị quê nhà. Nói nôm na là vậy. Vùng quê nào cũng có những món ăn mang hương vị riêng. Đất Kế Môn không khác. Đã là người Kế Môn làm sao có thể quên hương vị canh hến, canh môn, cá bống kho rim,… Đọc nhưng dòng thơ Hoàng Công Hảo viết về những món ăn quê nhà mà cảm giác “thèm ăn” cứ lên tiếng :
      Cuộc sống hiền hòa ở vùng quê ấy
      Tôi nhớ suốt đời không thể nào quên
      Nồi cá bống kho thơm mùi đường cháy
      Rổ hến đậm đà ruốc sả bốc lên

      (Khung trời tuổi nhỏ)
     Và nhận ra rằng cái cảm giác ấy không xuất hiện một lần mà một đời, bởi nó là tình yêu quê hương tha thiết mãi hằng hữu trong tâm hồn con người “xa quê không xa đất Tổ”.
     Hương vị làng cũng phảng phất trong trang thơ của Thảo Dân (10). Tác giả nhớ làng nên bọc mình trong cấu trúc thơ đầu cuối tương ứng:
     Nhớ làng nhớ đọi canh môn
     Nhớ thau hến lặt đầu hôm bên thềm
 
    (Nhớ làng)
      Rồi say sưa với hương vị của canh môn, hến lặt, dưa gang chấm ruốc,…
     Canh mướp đắng, cá tràu bông
     Ai xui o nớ sang sông lúc nào ?
     Để cho giậu đổ bờ ao
     Mồng tơi héo lá bỏ sao cho đành !

     (Nhớ làng)
     Say mà tỉnh bởi giọng thơ có chút ngùi ngùi xa xôi vì tình lỡ (?). Và thế là bài thơ tròn trịa trong sự quyện hòa giữa tình lứa đôi với tình quê hương. Cũng như người Huế, trong thức ăn của người Kế Môn không thể thiếu hương vị ruốc. Dưa gang chắm ruốc, rau tập tàng chấm nước ruốc, cây ném (còn gọi là nén) luộc chấm ruốc; ruốc để nêm canh, nêm cháo lòng,… đã thành tâm thức của người dân Kế Môn. Cho nên, những ai “bỏ làng mà đi” nhớ về làng là nhớ về hương vị ruốc. Hoàng Ngọc Châu 13 tuổi xa làng để rồi khi mái đầu nhuộm màu thời gian mới tìm lại được cảm giác xưa, cái cảm giác về món ngon làng mình:
      Mười ba tuổi xa quê giờ đầu bạc
      Nay về thăm lại Kế Môn ơi
      Ăn một bữa cơm thơm mùi ruốc
      Ngon hơn mĩ vị bốn phương trời

      (Hương vị làng)
      Yêu thương nên ngợi ca quê hương đó cũng là một đặc trưng tâm lí của con người. Người Kế Môn trong thơ cũng hạnh phúc khi viết về quê hương mình. Cho nên đừng ngạc nhiên gì khi các tác giả “khoe làng” mình trong thơ.  Hay cũng đừng trách khi Hoàng Công Hảo về quê “Mừng thọ” O Dượng của ông, lại không cưỡng được trước tiếng gọi của nhạc điệu, sắc màu lãng mạn của thiên nhiên quê nhà :
      Lên độn Mả Ngài nằm hóng gió
      Nghe hàng dương hát khúc yêu thương
      Rồi đi ra biển nhìn sóng vỗ
      Bát ngát màu xanh giữa đại dương
 
      Cũng có người yêu thương nên trăn trở, thơ viết về quê hương mà thiếu vắng niềm vui, cứ bâng khuâng buồn :
      Quê chừ dần vắng bóng tre
      Con đường nay vắng tiếng ve gọi buồn
      Hạ về chỉ có nắng suông
      Còn mô bóng rợp,bên đường à ơi.
      Nhà cao tường kín chân trời
      Bê tông hóa-muốn đổi đời làng quê.
        (Hạ suông)
       Đó là tâm trạng của Nguyễn Thanh Hảo khi về thăm quê cũ, cảm nghe sự trống trải vây bủa trước cái hiện đại loại trừ dần cái truyền thống, cái hào nhoáng của phố thị đang lấn lướt cái phác thực sâu đằm của nông thôn. Mà nghĩ cho cùng “Hạ suông” đâu chỉ là tâm trạng của tác giả, đó cũng là nỗi băn khoăn của những người con đất Kế Môn.
    “Người Kế Môn làm thơ” là như thế. Người viết cũng chỉ cố gắng sưu tầm xâu chuỗi trong chừng mực ít ỏi tư liệu trên. Chắc hẳn còn rất nhiều người Kế Môn làm thơ chưa được nhắc đến trong bài viết này, không ít bài thơ hay chưa được giới thiệu đến với người đọc Kế Môn. Người viết đành mượn người xưa “lực bất tòng tâm” mà bao biện vậy. Trong bài viết này cũng còn rất nhiều sai sót, bởi không có điều kiện làm công tác hiệu chỉnh văn bản, người viết mong các tác giả lấy câu thơ của Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” mà đại xá cho. Và người viết cũng xin thưa, đây là bài viết có tính chất tổng quan bước đầu về thơ của người Kế Môn, sẽ có những bài viết riêng về từng tác giả để thấy nét riêng độc đáo của từng người Kế Môn làm thơ.  


    Hoàng Dục
    18-9-2013
    __________
(1) UV-BCH Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, Chi Hội trưởng chi Hội VHNT Nam Lâm Đồng. Hiện sống ở thành phố Bảo Lộc.
(2) Thầy giáo dạy môn Ngữ văn tại trường THPT Trần Cao Vân.
(3) Hiện ở tại 87 Mai Thúc Loan Huế.
(4) Thầy giáo đã quá vãng, địa chỉ 10/1/30 Hồ Xuân Hương, Huế.
(5) Hiện ở tại Tổ 6, thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
(6) Hiện ở tại số 51, Tăng Bạt Hổ, thành phố Đà Nẵng.
(7) Còn có bút danh Nam Sơn, sống ở Trị An, Đồng Nai, mất năm 2012. Bài thơ trích trong “Thơ xuân Canh Thìn 2003”.
(8)  Bút danh: Từ Kế Điền, Thảo Hanh;  địa chỉ : Thanh Ngân, phường 12, Thái Phiên, thành phố Đà Lạt.
(9) Một bút danh khác của Nguyễn Thanh Hảo.
(10) Tên thật Nguyễn Thanh Mạo, còn có bút danh Thảo Nguyên, hiện sống ở Sài Gòn.
(11). Khi bài này đăng, người viết được anh Thảo Nguyên cho biết có một nhà thơ nữ người Kế Môn đã quá cố họ Bùi, bà đã xuất bản 2 tập thơ. Xin chân thành cám ơn anh Thảo Nguyên. Người viết sẽ có bài giới thiệu tập thơ một ngày gần đây.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét