Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

531. NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN

       Mới đó… Thế mà Trịnh Công Sơn đã đi xa 13 năm (1/4/2001-1/4/2014).
      Trước ngày 1 tháng 4, như mọi năm bạn bè tôi thường nhắc nhau về Trịnh Công Sơn. Năm nay cũng vậy. Bạn bè tôi lại gửi cho nhau những bài viết hay về người người nhạc sĩ tài hoa. Hay cùng cho nhau nghe lại những tác phẩm âm nhạc của họ Trịnh để cảm nhận cái chất triết lí-thơ trong ca từ của ông.
      Thế rồi, tôi đắm chìm vào những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Lòng tôi dậy lên nỗi nồng nàn tình yêu và niềm bã buồn thân phận. Tôi tưởng lịm đi trong cõi miền cô đơn của cái tôi, tưởng rã rời cùng nỗi muộn phiền trong những bản tình ca không hạnh phúc (Nguyễn Đình Toàn) của ông. Và tôi nhận ra, trên nét mặt tư lự của nhạc Trịnh bàng bạc một nụ cười bao dung, tràn ngập tình thương, Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi… (Để gió cuốn đi). Âm nhạc Trịnh, chao ôi, một linh hồn thánh thiện!
      Từ đó, tôi nghĩ, làm gì có sự phân loại nhạc phản chiến hay không phản chiến trong thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Tư tưởng nhạc tình yêu và thân phận làm sao có thể hòa hợp với chiến tranh. Chống chiến tranh đó là ý thức về sự sống của tình yêu, bởi tình yêu là cái đẹp vĩnh cửu. Con người làm sao không cần tình yêu để làm cho người khác vui chơi trong khu vườn hạnh phúc và chính mình cũng được tắm táp trong làn nước hạnh phúc. Chống chiến tranh, đó là ý thức bảo vệ thân phận con người tránh thêm những vết thương đau. Con người sinh ra vốn đã mang niềm đau của kẻ ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời (Ở trọ).
     Nói như thế để thấy, phản chiến là một thứ tông màu đậm ở lúc này, nhạt ở lúc kia, nó là một thứ giọng điệu có khi vỡ òa, có khi lặng chìm tạo nên tính chất đa sắc, đa thanh trong nhạc Trịnh mà thôi. Với tôi dù có ngân lòng theo “Bên đời quạnh hiu”:
      Rồi một lần kia khăn gói đi xa
      Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
      Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
      Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ
.
      Hay trải lòng ra kết nối với những phận đời của con người trong chiến tranh thì có gì khác nhau.
      Ghế đá công viên dời ra đường phố
      Người già co ro chiều thiu thiu ngủ
      Người già co ro buồn nghe tiếng nổ
      Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đ
i
                    (Người già em bé)
      Tiếng khóc chỉ là một. Khác chăng một bên là tiếng khóc cho phận người trong bạo lực vô minh của vũ trụ, một bên là khóc vì bạo lực vô minh của chiến tranh.
      Làm sao không xót xa:
      Chìm dưới cơn mưa
      Và chìm dưới đêm khuya
      Trời đất bao la còn chìm đắm trong ta
      Hạt cát ngu ngơ nằm chìm dưới chân đi
      Bờ bến thiên thu nằm chìm dưới hư vô

                     (Chìm dưới cơn mưa)
      Làm sao tránh khỏi thổn thức:
      Hãy sống giùm tôi hãy nói giùm tôi hãy thở giùm tôi
      Thị da này dành cho thù hận
      Cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên

                     (Hãy nói giùm tôi)
      Tất cả đều đậm chất nhân bản, đều thấm đậm tinh thần nhân văn.
      Hôm nay, ngày giỗ lần thứ 13 của Trịnh Công Sơn, ngồi viết những dòng văn này, tôi vừa nhớ về nhạc sĩ, vừa nhớ lại mình trong thời sinh viên của những năm 70 thế kỉ XX. Có những đêm thao thức, nghĩ về phận người, nghĩ về chiến tranh. Rồi nghĩ, nếu mình trượt đại học hoặc ở lại lớp, nếu khoác áo lính thì sẽ thế nào. Có lẽ mình sẽ như Nguyễn Bắc Sơn:
      Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
      Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
      Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
      Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
      Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
      Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi.

                   (Chiến tranh Việt Nam và tôi)
      Hoàng Dục
      1.4.2014
      _________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét