Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

344. THIỀN SƯ VÔ NGÔN THÔNG


        Theo sách “Thiền uyển tập anh”, Thiền sư Vô Ngôn Thông (? - 826), còn gọi là Bất Ngữ Thông là thiền sư sáng lập Thiền học của nước ta. Tưởng cũng cần nói thêm, “Thiền uyển tập anh” là một cuốn sách cổ của Phật giáo Việt Nam ghi lại các tông phái Thiền
học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Cuốn sách không xác định cụ thể tác giả chỉ đoán định Ngài Thông Biện Thiền sư khởi thảo từ thời Lý, đến các Ngài Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi tiếp tục chấp bút; cuối cùng Thiền sư Ấn Không hoàn tất việc biên soạn.
      Thiền sư Vô Ngôn Thông vốn là người là người Quảng Châu – Trung Quốc, năm 820 vào tháng 9 mới đến  tu ở chùa Kiến Sơ. Chùa Kiến Sơ thuộc hương Phù Động, huyện Tiên Du; nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Thời gian tu ở chùa này, Thiền sư Vô Ngôn Thông ngoài hai bữa cơm cháo, suốt ngày chỉ ngồi quay mặt vào tường, không nói một lời, chuyên chú tu tập thiền định. Vào 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ (826), Thiền sư không bệnh, tắm rửa, thay quần áo, chắp tay mà qua đời. Trước đó, sư đọc cho sư trụ trì chùa Kiến Sơ là Cảm Thành đến và đọc một bài thi kệ:
    Nguyên văn:
    Nhất thiết chư pháp
    Giai tòng tâm sinh
    Tâm vô sở sinh
    Pháp vô sở trụ
    Nhược đạt tâm địa
    Sở tác vô ngại
    Phi ngộ thượng căn
    Thận vật khinh hứa
.
    Dịch thơ:
    Tất cả các pháp
    Đều từ tâm sinh
    Tâm không chỗ sinh
    Pháp không chỗ trụ
    Nếu đạt đất lòng
    Làm gì chẳng ngại
    Không gặp thượng căn
    Cẩn thận chớ nói.

        (bản dich của Minh Chí trong “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”)
      Quá trình tu tập, Thiền sư có nhiều công án, sau đây là một trong những công án thiền của Ngài:
    “Một hôm sư đang lễ Phật, một thiền khách đến hỏi:
    - Thầy đang lễ gì đó ?
    Sư đáp:
    - Lễ Phật.
    Vị thiền khách chỉ tượng Phật mà hỏi:
    - Đây là cái gì?
    Sư không trả lời được. Tối hôm ấy, sư ăn mặc chỉnh tề đến lạy vị thiền khách và thưa:
    - Hôm nay thầy hỏi, tôi chưa hiểu ý chỉ thế nào?
    Khách hỏi:
    - Thầy xuất gia đến nay đã mấy hạ?
    Sư đáp:
    - Mười hạ.
    Khách hỏi:
    - Đã từng xuất gia chưa?
    Sư tỏ ra bối rối”
    Về sau, thiền khách đưa sư đến gặp ngài Bách Trượng Hoài Hải. Lúc bấy giờ có vị tăng hỏi Bách Trượng:
    - Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?
    Bách Trượng đáp:
    - Đất lòng rỗng không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu.
    Sư nghe lời nói ấy cảm thấy có điều sở đắc.

      Kể cũng lạ cho người tu học Phật pháp. Lễ Phật mà không biết tượng Phật là cái gì! Đã đi tu mười hạ (mười năm) vậy mà khi được hỏi “Đã từng xuất gia chưa?” lại tỏ ra bối rối. Cho đến khi chỉ nghe lỏm lời của Bách Trượng Hoài Hải “Đất lòng rỗng không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu” mới ngộ được đạo.
      Từ công án của Ngài Vô Ngôn Thông, ta nghĩ đến việc hành xử ở đời, mới thấy sao mà tương ứng đến vậy.
      Trong đời lắm lúc phải “vô ngôn thông”, bởi ngôn ngữ xét đến cùng cũng chỉ là mã kí hiệu. Kí hiệu ngôn ngữ cũng vì vậy mà đảo điên ý nghĩa tùy tâm – trí của người phát ngôn, tùy năng lực lĩnh hội của người tiếp nhận trong giao tiếp. Lạm dụng ngôn ngữ trong đời sống như “nói cho kêu”, “nói cho đẹp”, “nói cho sáng”,… lắm lúc rơi vào sự ma mị, giả trá. Lời càng hay  ý càng rỗng là cái lí đó. Chủ nghĩa hình thức của cách sử dụng ngữ ngôn chính là đây. Và hiện nay biết bao kẻ “chết lâm sàng” vì vẻ đẹp ngôn ngữ là ở đây.
      Giao tiếp mà không dùng ngôn ngữ thì dùng cái gì để đạt hiệu quả cao nhất của hoạt động này. Hỏi như vậy nghe như  đã chạm vào cốt lõi của vấn đề rồi, nhưng kì thực chưa thấy được cái diệu của “vô ngôn thông”. “Vô ngôn thông” là  dùng ngôn ngữ nhưng phải nhìn thấu suốt ngôn ngữ, không chấp nê vào ngôn ngữ, không đánh đổi niềm tin của mình bằng ngôn ngữ,… ,  Để nhìn thấu suốt đục trong của ngôn ngữ, từ đó hiểu bản tính của người phát ngôn, không gì hơn lấy tâm mà làm chuẩn mực. Cái lí của “vô ngôn” là vậy chăng?
      Vậy còn lễ Phật mà không biết tượng Phật là gì, tu đã mười hạ mà không biết mình xuất gia chưa, ứng thế nào với việc ta sống ở đời. Hỏi hay nhưng trả lời khó! Đại khái có thể hiểu thế này. Làm một việc gì ở đời, đừng mong cầu tư lợi bản thân, chẳng hạn như lễ Phật để được ban ân phước mà không hiểu tinh túy của triết học Phật giáo là gì. Hay lễ Phật vì một lí do ngoài bản thân mà chấp tưởng  cái tượng Phật kia là Phật.  Chính tin như vậy nên ta khó vượt lên bức tường thành vô hình của tư tưởng, ngược lại càng ngày càng rơi vào mê tín, ngụy tín. Nên nhớ, tượng Phật là Phật khi ta có niềm xác tín. Hay làm một việc gì phải thấu suốt cái bản chất của  việc đó, việc đó là cái đẹp, là cái có ích không chỉ cho  ta mà cho tất cả mọi người. Chứ đừng máy móc “đi tu” vì “Phật bắt ăn chay”. Làm một việc gì cũng đừng vì cái tôi của mình quá. Trong “Tùy Viên thi thoại”, Viên Mai nói: “Làm người không nên có cái tôi” là vậy chăng. Hay đó cũng là lời dạy của Bạch Trượng “Đất lòng rỗng không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu” và Thiền sư Vô Ngôn Thông bảo :
    Nếu đạt đất lòng
    Làm gì chẳng ngại
.
       Thiền đem chữ mà giải, có được chăng? Sao không kính cẩn trước lời kệ của Thiền sư Vô Ngôn Thông: “Không gặp thượng căn – Cẩn thận chớ nói”.
                      HD, 5-9-2012
            _____________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét