Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

349. CÔNG ÁN THIỀN VÀ DẠY - HỌC

      Sáng nay, ngồi nghe một quan chức cỡ to của thành phố Đà Nẵng, nói chuyện với giảng viên, cán bộ, công nhân viên trường đại học Duy Tân. Nghe nhiều nhưng đọng lại chẳng được bao nhiêu. Người nói đề cao cái tôi của mình, người nghe mải mê theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Người nói vạch ra cái “lạ lùng” của xã hội Việt Nam như một
độc quyền được nói, người nghe trông chờ một giải pháp để không còn cái “lạ lùng” đó, nhưng chẳng có một giải pháp nào!
      Mình cũng “lặng nghe lẩm nhẩm gật gù” nhưng theo kiểu riêng của mình. Mình nhớ câu chuyện trao đổi với những bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại trường về vấn đề học đại học hôm nay. Các bạn trẻ bảo mới thì có mới nhưng vẫn rất cũ, cái rất cũ đó là vẫn đọc chép, vẫn đi theo luống cày kiến thức và tư duy của người thầy. Thành ra, xưa từ chương nay vẫn từ chương, xưa giáo điều nay vẫn giáo điều.
      Câu chuyện với các bạn trẻ ám ảnh mình. Ngày xưa, những năm 1971-1975, trong giảng đường đại học, cái học từ chương đã giã biệt các sinh viên miền Nam, cái học từ chương đã cúi chào, nhường chỗ cho cái học theo hệ tín chỉ của giáo dục đại học Mỹ. Mình và các bạn Đại học sư phạm Huế thời đó đã đi thư viện và làm việc không ngừng nghỉ mong sao có những trang tiểu luận tốt nhất để trình bày trước lớp, để trả lời trôi chảy những phản biện của bạn bè và giáo sư giảng dạy. Bởi tiểu luận là một trong hai cột điểm chứng tỏ người học đã hoàn tất tín chỉ.  Đại học với triết lí giáo dục : “Dân tộc – Nhân bản – Khai phóng”, với một phương pháp giảng dạy và học tập mới, hình thành ở người học phương pháp nghiên cứu khoa học, có năng lực tư duy khoa học, có khả năng làm việc độc lập,… vậy mà sinh viên vẫn chưa thỏa mãn. Thời đó, sinh viên vẫn xem đại học như là phổ thông cấp IV, họ đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa hệ thống giáo dục đại học.
      Thế nhưng, đã bao nhiêu năm rồi,… đã bước sang những năm 10 của thế kỉ XXI rồi,… mình vẫn còn nghe lại những từ ngữ quen thuộc “đọc chép”, “từ chương” trong giảng dạy và học tập đại học thì quả là lạ. Bỗng dưng nhớ tiểu luận “Krisnamuti, nhà giáo dục học”, mình biên soạn và trình bày trước lớp khi học tín chỉ “Giáo dục học” với thầy Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên. Và cũng nhớ đến những công án thiền có ý nghĩa như là một phương pháp dạy học đầy tính khai phóng. Xin dẫn ra đây hai câu chuyện thiền:

1. Không một ai có trí tuệ
Thiền sư Trí Thường Quy Tông và đệ tử đang trồng rau. Thiền sư có việc phải đi, bèn cầm cành cây vẽ một vòng tròn, rồi bỏ rau giống vào đó và bảo học trò:
- Không ai được động vào rau này.
Thiền sư đi một lát rồi trở về. Đám đệ tử chẳng ai động đến rau giống. Thấy tất cả còn y nguyên, thiền sư tức giận, vác thiền trượng đuổi đánh đệ tử và quát:
- Các người không ai có trí tuệ!
 
2. Đại sư Lương Khoan dạy cháu
Thiền sư Lương Khoan khi về già, nghe tin đứa cháu gọi mình bằng cậu sống sa đọa, có hành vi ngược với dân làng, gia sản đang tiêu tan. Bất chấp tuổi già, đường xa, mưa nắng, thiền sư tìm về quê hương và nghỉ lại nhà đứa cháu một đêm.
Người nhà rất mừng, họ mong trong đêm đó, thiền sư sẽ dạy bảo đứa cháu hư đốn hoàn lương.
Nhưng suốt đêm đó, thiền sư chỉ tọa thiền, chẳng khuyên bảo gì người cháu cả. Đứa cháu cũng thức, cận kề cậu với ý đồ ngày mai khoe với chúng bạn về ông cậu thiền sư nổi tiếng của mình.
Sáng hôm sau, thiền sư Lương Khoan mở mắt, cúi xuống xỏ hài, đứng dậy vặn mình, nhưng lưng đau mỏi không vặn mình nổi. Bất giác, ông quay lại nói với người cháu đang nhìn ngơ ngác:
- Ta nghĩ ta đã già rồi, hai tay đã run, muốn mang giày cũng khó. Cháu có thể giúp ta buộc lại dây giày không ?
Người cháu vui mừng vì được giúp cậu vội cúi xuống làm ngay. Thiền sư lại nhẹ nhàng nói:
- Cám ơn cháu, tuổi trẻ thật là thích! Cháu xem con người đến tuổi già, mọi khả năng đều không có. Không như các cháu trẻ tuổi, thích làm gì thì làm. Cháu phải bảo vệ sức khỏe, trân trọng tuổi xuân, làm một người tốt, xây dựng sự nghiệp nhé, kẻo mai già đến muốn làm gì cũng không còn kịp nữa rồi!
Dứt lời, thiền sư quay gót ra đi. Nhưng kể từ hôm đó, người cháu của thiền sư dần thay đổi tính tình, bỏ lối sống sa đọa, nỗ lực làm việc như một con người lương thiện. 

      Hãy tạm gác lại chuyện tu tập thiền, hãy nhìn hai câu chuyện trên như là những gợi ý về phương pháp giảng dạy, mới thấy sự thâm sâu vi diệu của chúng.
      Câu chuyện thứ nhất nói với chúng ta rằng, người thầy có nhiệm vụ cao cả dẫn dắt học trò đi tìm chân lí chứ bản thân người thầy không là chân lí. Và cho dù thầy có là biểu tượng của chân lí đi nữa thì cũng không áp đặt chân lí đó vào tâm trí của người học. Còn người học không học tập với tinh thần thụ động, bị động; người học không nô lệ những kiến thức của người thầy “rao giảng”, không vì quyền uy của người thầy mà phục tùng, đánh mất năng lực tự chủ của mình. Có thể kiến thức của thầy là đúng, nhưng người thầy phải yêu cầu người học chứng minh cái đúng của nó, hoặc khuyến khích người học phải có kiến giải riêng. Khi thiền sư Trí Thường mắng đệ tử : “Các ngươi không ai có trí tuệ!” chính là muốn đả phá tính nô lệ trong học tập của học trò. Thiền sư muốn học trò của mình phải có ý thức tự lực và ý thức tự chủ trong học tập. Người học phải xác lập cho mình khả năng tư duy độc lập, có quan điểm riêng, chứ không phải chống đối lại thầy. Tất nhiên, nếu người thầy không là chân lí, không là sự thật khoa học thì người học có thể phản biện một cách đúng đạo lý, có văn hóa và có bản lĩnh khoa học. Viết đến đây bỗng nhớ đến một công án thiền thú vị khác. Một thiền sư dùng ngón tay của mình chỉ cho đệ tử thấy cái đẹp của vầng trăng. Đệ tử không nhìn vầng trăng mà chăm chú nhìn ngón tay chỉ vầng trăng của thầy. Tức giận, thiền sư cho trò một gậy nên thân. Hốt nhiên, học trò đốn ngộ.
     Câu chuyện thứ hai lại là một phương pháp giáo dục khác. Nếu phương pháp giáo dục của thiền sư Trí Thường là quát mắng, thì phương pháp giáo dục của thiền sư Lương Khoan là nhẹ nhàng khuyên bảo. Người cháu có lối sống không lành mạnh, làm tổn hại đến luân thường đạo lí, đến gia phong, đáng ra phải “giáo huấn” nghiêm khắc bằng những luận lí đạo đức, thậm chí kể cả dùng roi vọt. Vậy mà thiền sư chỉ từ hiện tượng tuổi già của mình mà tạo sự đồng cảm để rồi khuyên cháu bằng những lời lẽ ôn tồn, bằng thái độ yêu thương. Chính phương pháp giáo dục đó đã đánh thức tính người trong cháu sống dậy, đánh thức lòng yêu sống và ý thức sống lương thiện của đứa cháu tưởng chừng không còn cơ hội quay về nẻo thiện hồi sinh. Cách giáo dục của thiền sư là cách gợi mở để người học suy ngẫm, tin tưởng và tự mình “thắp đuốc lên mà đi”, tự mình tìm ra đáp án cho lối sống của mình. Cách giáo dục của thiền sư Lương Khoan là không nói hết, nói đến tận cùng mà biết dừng lại để người học “đắm chìm” vào vấn đề và tự mình tìm cách lí giải vấn đề. Đó cũng là cách kích mở năng lực tư duy, biết tạo ra một phương thức chiếm lĩnh tri thức của người học.
       Qua hai câu chuyện trên, có thể nói rằng những công án thiền, vô hình chung đã là những gợi dẫn độc đáo về phương pháp dạy học, một phương pháp dạy học đầy nhân bản và khai phóng. Vậy thì, tại sao chúng ta không đọc những công án thiền nhỉ ? Bạn có lời khuyên gì không ?
                                         HD, 19-9-2012
                        ______________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét