Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

353. NHỮNG PHÁT NGÔN VĂN HÓA

     Những tuần qua, người ta bàn tán khá nhiều về những phát ngôn của những chức sắc về vấn đề dân trí, văn hóa của người Việt. Mình nghe ngược tai nhưng cứ,… nói theo Chế Lan Viên, rất  xuôi tai "như nước chảy xuôi dòng”. Hôm nay, tự dưng nhớ lại và thế là viết về những phát ngôn đó và đặt nôm na tiêu đề bài viết là “Những phát ngôn văn hóa”.
      Đó là câu nói đầy sự chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân của Thống Đốc Nguyễn Văn Bình về vấn đề “cứu” các ngân hàng. Ông Bình bảo, vì dân trí của mình thấp, không phân biệt đâu là ngân hàng tốt, đâu là ngân hàng không tốt, đâu là ngân hàng ít rủi ro, đâu là ngân hàng nhiều rủi ro, ngân hàng được hỗ trợ và ngân hàng không được quyền đó,… nên gởi tiền vàng vào các ngân hàng mà hệ quả là họ có nguy cơ… trắng đời! Vì vậy, ông không nỡ để cho các ngân hàng không tốt, nhiều rủi ro,… chết, vì thương dân, vì “lo trước cái lo của dân”. Ôi! Nghĩ mà quý ông Thống Đốc quá! Người dân sẽ ra sao nếu không có tấm lòng trời bể của ông ? Và thế là mình cảm thấy thấu suốt ý nghĩa của câu chuyện “Tái ông thất mã”, và câu nói cửa miệng của dân gian : “Trong cái rủi có cái may”. Nếu xét về rủi, các ngân hàng rủi, nền kinh tế Việt Nam rủi, nhưng nhân dân có dân trí thấp lại may. Vậy thì, ai bảo dân trí thấp lại không tốt nào ?
      Đó là lời tuyên bố có căn cứ khoa học của một nhà khoa học, bà Tiến sĩ khoa học Ngô Thị Lư ở Viện Vật lí địa cầu. Báo “Tuổi trẻ” đăng nhiều bài thể hiện sự lo lắng của nhân dân trong vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không thể khoanh tay đứng nhìn người dân ở đấy có thể gặp nguy hiểm nên yêu cầu các nhà khoa học, các bộ ngành liên quan nghiên cứu và trả lời gấp. Còn người dân thì lo lắng ngay cả trong giấc ngủ, không biết cái đập thủy điện ấy có thể chịu “động đất kích thích” lần thứ bao nhiêu nữa, với chỉ số độ rích-te nào thì còn là Sông Tranh 2 ? Trước những trạng thái tâm lí âu lo của nhiều người, nhiều cấp ấy, trong cuộc họp chiều 12 – 9 – 2012 với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, bà Tiến sĩ vật lí trấn an… bằng một câu chửi : “Người dân hoang mang vì kém hiểu biết” (Đài Tiếng nói Việt Nam online). Đã thế bà còn yêu cầu chính quyền Quảng Nam phải “giáo dục nhân dân” nữa như một người tận tâm.
      Đó là lời tuyên bố đầy văn hóa trăn trở của ca sĩ Thanh Hoa. Bà ca sĩ này đã viết xong tự truyện nhưng lo người đọc sẽ không hiểu nổi mình, hoặc hiểu lệch, hiểu sai về mình, thậm chí xuyên tạc mình nữa, vì “dân trí”, vì “văn hóa người Việt chưa có chữ chia sẻ”. Xin trích nguyên văn cuộc phỏng vấn, đăng trên “24 giờ online” :
“- Không muốn bới lại quá khứ nên chị đã quyết định không phát hành tự truyện?
- Tự truyện lại là một vấn đề hoàn toàn khác, tôi cũng muốn tặng tự truyện đó cho độc giả, không phải để thanh minh một điều gì về cá nhân mà tự truyện của tôi tư tưởng nó lớn hơn nhiều. Không phải chuyện tình đôi lứa, không phải chuyện tình của một người nghệ sỹ yêu bao nhiêu người và bao nhiêu người yêu mình và tại sao ông kia ra đi, tại sao bà này ở lại. Tự truyện của tôi, đẳng cấp của nó không phải là một nhật ký mà nó là bức tranh về một người nghệ sĩ đích thực của một đất nước. Đó là chân dung của một nghệ sỹ dám xả thân cho tiếng hát Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn bởi sự đam mê nghệ thuật đến tận cùng của người nghệ sỹ dám đến với nghệ thuật, dám vì nghệ thuật.
Nhưng sau đó thì tôi thấy rằng dân trí của mình, văn hóa của người Việt Nam chưa có chữ chia sẻ nên chưa tiện phát hành.”
                           Theo Lê Phương (Kiến thức)
     Qua ba tuyên bố rất tiêu biểu, rất đinh ấy, mình bỗng nhiên nhớ đến nhân vật Từ trong truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao. Không hiểu nỗi nguyên có cái khổ, nỗi giận dữ tàn ác của chồng, và cái khổ của mình nên hờ lên áo não :
        Ai làm Nam Bắc phân kì
        Cho đôi dòng lệ đầm đìa tấm thương?

rồi liên tưởng đến dân trí, văn hóa người Việt trong những phát ngôn  của ông văn hóa tiền, bà văn hóa vật lí và bà văn hóa hát trên.
    Và từ đó lòng mình cảm thấy vui vui nhớ lại trước đây, sau năm 1975, mỗi lần khai lí lịch có hai mục mình cứ băn khoăn. Đó là mục trình độ văn hóa và thành phần gia đình. Mình cứ lơ ngơ lớ ngớ mãi nhưng chẳng biết ghi thế nào! Đành chạy loanh quanh hỏi những người có kinh nghiệm. Và được họ chỉ bảo tường tận : “Ông học xong 12 thì ghi trình độ văn hóa lớp 12, học xong đại học thì ghi đại học, mà lớp 1 thì cứ thế mà ghi; ông ở thành phố, nhưng mẹ ông bán cau trầu ở chợ nhỏ, sống chật vật thì ghi thành phần là : dân nghèo thành thị. Cái khoản trình độ văn hóa mình đã thông, nhưng thành phần gia đình mình chưa thủng tai, nên thắc mắc : “Chớ không phải ghi : Trí thức tiểu tư sản à ! Vì mình tốt nghiệp đại học sư phạm mà.” “Trí thức tiểu tư sản cái con khỉ. Khai thế mà đúng à”, người có kinh nghiệm quật lại. Thôi thì cứ ghi như người kinh nghiệm bảo. Cũng chẳng sao. 
      Từ chuyện đã qua, nghĩ về khái niệm “dân trí”, “văn hóa” trong những phát ngôn văn hóa trên. Có lẽ, quý ông, quý bà ấy dùng hai từ “dân trí” và “văn hoa” theo nghĩa chật chội nhất của chúng hay nghĩa lép kẹp na ná như trình độ văn hóa khai trong lí lịch ấy mà! Các vị dùng theo nghĩa hẹp hẹp bởi các vị “tưởng” văn hóa là chỉ như thế, là bởi các vị là cử nhơn, tấn sĩ, là người của công chúng thì dứt khoát có văn hóa bậc cao, còn nhân dân thì “chưa vượt quá chương trình cấp I” (chữ của nhà thơ Giang Nam), hoặc cao lắm cũng chỉ lớp 12, nên họ thuộc loại trình độ dân trí bậc thấp, văn hóa ít chữ. Nhưng dù có học đến lớp 12, thậm chí có người cao hơn, nhân dân vẫn thiếu nhiều chữ như “chia sẻ”, “động đất”, “ngân hàng xấu”, vì vậy không thể xem họ là người hiểu biết, có văn hóa được. Có lẽ, quý ông quý bà ấy, cũng như mình ngày xưa khi khai thành phần bản thân, cứ tưởng mình tốt nghiệp đại học là trí thức, không phân biệt đâu là tri thức và đâu là trí thức. Mình cứ nhầm tưởng bằng cấp là trí thức, trong khi đó nó chỉ là tri thức thôi. Các vị ấy cũng chẳng khác gì mình vào cái ngày xưa “khờ khạo, ngu ngơ, chẳng biết gì” ấy.     
      Ngày xưa, được người kinh nghiệm “khai trí” cho, mình thấy mình sao mà như ý thơ Nguyễn Khuyến vậy :
            Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ
            Thế cũng bia xanh cũng bản vàng.

                    (Tự trào)
còn bây giờ các vị ấy ra sao, mình cũng không biết nữa! Mình chỉ biết, những phát ngôn của các vị là những phát ngôn văn hóa, rất ư văn hóa là đằng khác. Bạn nghĩ sao hỡi bạn mình ?
                HD, 1-10-2012
                          _________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét