Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

348. MỘT THỜI VÀ MÃI MÃI

      Bài này đăng trên Đặc san 60 Phan Châu Trinh  (1952-2012) 


      1. Năm 1971, tôi và bằng hữu từ sân trường trung học của mình tỏa về mọi hướng của cuộc đời. Có đứa cầm tấm bằng tú tài kiên trì gõ cửa các công ty để kiếm sống, có đứa đứng mơ tưởng trước cổng trường đại học; đứa ở lại Đà Nẵng, đứa vượt đèo ra Huế, đứa dọc theocon đường cái quan vào Sài Gòn,… Kể từ dạo ấy, quê nhà đã hóa thành tình yêu và nỗi nhớ thiết tha. Và cũng từ đó, mái trường trung học hằng hữu trong niềm tự hào và lòng luyến nhớ khôn nguôi của chúng tôi. Những năm tháng chung cùng dưới mái trường trung học như là một sợi dây vô hình mà bền bĩ nối kết tôi và bạn học lại với nhau. Những đứa Sài Gòn tìm nhau mà đến, những đứa ở Huế cũng tới lui, qua lại với nhau. Tất cả kết dính lại bởi chất keo đồng môn của một thời Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng.
       2. Trong những học sinh Phan Châu Trinh ngày cũ kia đặt chân lên đất Thần kinh có cả tôi. Bạn bè và tôi sống dưới một tên gọi mới, những sinh viên của Viện Đại học Huế. Những năm tháng học hành ở cái đất “mưa tối trời thối đất” ấy, không biết con tàu thời gian đặt chúng tôi lên toa thứ mấy của nó, nhưng xem ra đến nay cũng đã hơn 40 năm rồi. Trong tôi, bây giờ đã xuất hiện những vết nứt, những mảnh vỡ kí ức, hoặc cũng có những gam màu trí nhớ đã mờ phai, nhưng những gì thuộc về bằng hữu Phan Châu Trinh vẫn còn tươi rói như thuở đi về với ngôi trường ở 167 Lê Lợi, Đà Nẵng.  Những khuôn mặt như Phan Thanh, Lê Quang Thông, Nguyễn Sĩ Viên (Y khoa); Nguyễn Văn Sơn (Luật khoa); Nguyễn Văn Gia, Nguyễn Đăng Hòa, Trần Thành, Nguyễn Khánh Tấn, Nguyễn Khoa Lân, Nguyễn Hữu Kiềm, Lê Phú Kỳ, Nguyễn Thanh Sơn, Phạm Hoàn, Nguyễn Anh Tú, Lê Tráng, Ngô Chung Thành, Hà Đức Kính, Nguyễn Hữu Trí, Lê Quang Vinh,…(Sư phạm); Nguyễn Đức Cẩm,…(Văn khoa); Đoàn Văn Đáng;…(Khoa học) vẫn lung linh trong tâm tưởng tôi. Và tất nhiên, những khuôn mặt của đồng môn ở Sài Gòn cũng không hề theo thời gian mà rời khỏi trí nhớ tôi. Tôi sẽ nói về các bạn ấy trong một dịp khác.
      Thuở ấy, tôi không biết các bạn ở Sài Gòn thế nào, còn chúng tôi ở Huế luôn sống trong niềm yêu thương và tự hào về mái trường của chúng ta. Tôi và những bạn thời trung học luôn tự hào được học ở ngôi trường không thua kém gì trường Quốc Học Huế, dù mái trường của chúng tôi ít tuổi đời hơn. Nhiều khi ngồi tán dóc với bạn ở các tỉnh khác trong giảng đường, nghe các bạn ấy ca ngợi trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng mà cứ “say người như rượu tối tân hôn”, lòng như hoa vừa “nở nụ hường”. Trong những khoanh khắc thăng hoa xúc cảm về mái trường như thế, tôi và bằng hữu bỗng thấy trường trung học của mình oai phong lẫm liệt lắm. Nếu Quốc Học là một biểu tượng của văn hóa Huế thì Phan Châu Trinh là biểu tượng văn hóa Đà Nẵng. Cho nên, không ai bảo ai, bạn bè và tôi đều tự hứa sẽ không bao giờ làm mờ hoen đi nét đẹp của ngôi trường bảy năm mình gắn bó. 
      Đấy là tâm trạng của những học sinh Phan Châu Trinh khóa 1964 -1971 đang học ở Huế lúc quây quần bên nhau. Nhưng phút giây ấy càng bện chặt tình đồng môn của chúng tôi hơn. Riêng tôi, tình bạn thời Phan Châu Trinh không trừu tượng, chung chung mà là một thực thể sống động; không chỉ là hoài nhớ mà trở thành nhịp sống của tôi. Bốn năm học ở Huế, chuyển từ phòng trọ  này sang phòng trọ khác, Trần Thành và tôi đều gặp nhau như duyên nợ. Một đứa A2, một đứa B2, vậy mà đi đâu cũng dưới một mái nhà, khi ở 54 Phan Châu Trinh, ngôi nhà trông ra con sông đào đem nước dòng Hương xuôi về cánh đồng An Cựu; khi lên dốc Bến Ngự ở từ đường Phan tộc, nơi có những căn phòng trọ bình yên nằm khuất lấp sau những tán cây xanh; lúc về đường Nguyễn Công Trứ có chút ồn ào chợ Cống lẫn với mùi cháo lòng lựng thơm. Tình bạn trung học nối dài bằng tình bạn “nhà trọ” nên càng thiết thân hơn. Rồi có những buồi chiều, xuống chỗ  trọ của Hoàng Quốc Tuấn xem các bạn tập tành khiêu vũ, nhìn quanh cũng chỉ là dân Phan Châu Trinh với nhau. Một vài chai nước ngọt, những đường phấn vạch dưới sàn nhà, tiếng nhạc không muốn làm phiền ai phát ra từ một cát-xét nhỏ, những tiếng đếm nhịp và những bước chân lóng ngóng vụng về… Thế mà lại vui. Bây giờ Hoàng Quốc Tuấn đã hút khuất đâu đó trong cõi hết, nhưng kỉ niệm vẫn không mảy may nhạt nhòa. Có lẽ, vui nhất với tôi là cùng Nguyễn Đức Cẩm, dân A2 nhưng tâm hồn luôn ăm ắp cảm xúc thi ca. Tôi và Cẩm đã lang thang khắp mọi nẻo đường thành Huế. Những trưa nắng giòn tan đỏ hồng cả giọt mồ hôi, những chiều mưa mềm da thịt, những đêm buồn luồn sâu vào chân tóc, hai đứa vẫn bên nhau thả bước. Chúng tôi có lúc về Bến Đá, Hải Lăng, Quảng Trị sống như kẻ mục đồng thời trước “trâu thả sườn non ngủ gốc cây”; có khi vùng vẫy giữa dòng Ô Lâu quãng Phong Bình, quê của Cẩm; cũng có lúc hai đứa về quê tôi, làng Kế Môn cùng “thưởng thức” món rau tập tàng luộc chấm nước ruốc do bác tôi “chế biến”. Cũng có lúc, tôi và Cẩm bên nhau, đem tài mọn của mình ra mà  đàm luận văn chương.  Từ thơ Kiều đến thơ Thanh Tâm Tuyền, từ những vần thơ của Vũ Hữu Định sang thơ Trần Dạ Lữ,… và quay về với thơ Ngàn :
ngày im vắng hẹn hò anh mai mốt
tình tàn phai ơi quá khứ mây chìm
đêm cũng lạ theo hoài anh da diết
máu chia dòng về mấy ngã trong tim

mai đếm tuổi thấy muôn ngàn ngõ ngách
quá ngùi sương từ nghiệp dĩ hao mòn
âm hưởng đó vỡ không còn trở lại
lạnh phong tùng và cây lá vô ngôn
 
 (Nguyễn Đức Bạtngàn - Năm nghe cây lá)
     Lại nhớ đến Nguyễn Văn Gia, những lần tìm nhau lang thang và tấp vào một quán cà phê cóc nào đó ở đường Trương Định hay cà phê chị Lợi ở Phạm Hồng Thái. Bên cốc cà phê đen, tâm tình chuyện nay và chuyện xưa. Bao giờ Trung học Phan Châu Trinh cũng chen ngang choáng hết thời gian của chầu cà phê. Những bạn văn thời trung học vẫn là đề tài rôm rả. Nào là Phạm Ngọc Cảnh vẫn có truyện đăng trên báo Văn, nào là Trần Huyền Thoại, Đỗ Văn Thông, Trương Văn Thông, những “chàng văn” của lớp C một thời vung bút. Cũng qua cốc cà phê nhỏ mà như chứa cả một khung trời luyến nhớ, tôi được đắm chìm vào những vần thơ của Gia.
Có còn đó không, bạn bè dăm đứa
Bụng vẫn đói meo, tính chuyển đổi đời
Ơi khí khái của một thời chiến quốc   
Sao trong ta lại thấy u hoài ?
    (Nguyễn Văn Gia - Hội An khi trở lại , 1973)
     Những vần thơ của Gia xui tôi bùi ngùi nhưng cũng đẩy tôi đi lên phía trước, phía của ước mơ.     
Không ai cấm chúng ta biến ước mơ
thành hiện thực
khi trái đất
mặt trời
và mặt trăng vẫn còn đó
   (Nguyễn Văn Gia – Ước mơ
  từ giảng đường trường Đại học sư phạm
, 1972)
      3. Và tôi đã vào đời như ước mơ, như những gì mình đã chọn. Thời gian cứ sống đời của nó, bạn bè và tôi cứ sống đời của chúng tôi. Cho nên, một thời gian dài những đứa học trò ngày xưa, quần tây trắng, áo sơ mi trắng, giày bata trắng vào dịp lễ hay ngày thứ hai đầu tuần xếp hàng ngay ngắn ở sân trường đã thiếu tin tức về nhau. Nhất là đối với tôi. Tôi dạy học ở Đắc Lắc. Đời sống khó khăn nên ít nhìn chung quanh mà chỉ chú ý đến mình, thành ra tôi như một kẻ vô tâm. Mãi cho đến khi về lại thành phố của sông Hàn, tôi mới gặp lại những khuôn mặt một thời Phan Châu Trinh của tôi. Không chỉ có thế, tôi còn được kết nối lại với những đồng môn ở Đà Lạt, Sài Gòn,… nữa. Khúc bằng hữu ca không còn trễ nhịp. Tôi và bạn học như chưa hề có sự chia xa. Chúng tôi vẫn hồn nhiên bên nhau như thuở nào.
       Thế là Ban liên lạc Cựu học sinh Phan Châu Trinh khóa 1964 - 1971 ra đời, ngày 21 tháng 9 năm 1997 do sự thôi thúc của tình bạn. Anh Lê Phú Kỳ là trưởng  Ban liên lạc, các anh Trần Văn Nghiêm, Phạm Hoàn, Trần Văn Điểu, Nguyễn Đức Thứ, Huỳnh Văn Thanh là các phó ban phụ trách các lớp : A1, B1, B2, B3 và C. Từ đó, những học trò Phan Châu Trinh 64 - 71 dù ở đâu cũng có bến mà về. Và nhất là khi trang BLOG CỰU HỌC SINH PHAN CHÂU TRINH 1964 -1971 do Nguyễn Ngọc Ân chủ trương ra đời, bạn bè có “hộp thư” mở, có sân chơi tình nghĩa, có đất để trang trải tâm tình. Từ đó, tình thân càng quyến luyến tình thân, tình bạn học đường vốn đã đậm đà càng đậm đà hơn. Những học sinh Phan Châu Trinh thời 64 - 71 thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau khi một bạn nào đó ốm đau hay gặp khó khăn; chia sẻ cho nhau nỗi buồn khi tứ thân phụ mẫu qua đời; tặng học bổng có thể còn khiêm tốn cho con bạn cùng khóa, cho các em đang theo học tại trường xưa…
      Vui nhất là những khi có bạn ở xa về như Huy, Thuận, Cẩm, Bình, Dưỡng, Sơn, Anh Sơn,… Hay ở Sài Gòn ra như Lư, Dũng, Chính, Thành (Mới); Đà Lạt xuống như Bách; Huế vào như Hả, Hoằng,… những cựu học sinh Phan Châu Trinh 64 - 71 lại quây quần bên nhau, ôn chuyện xưa, thăm hỏi chuyện nay,… gặp nhau là hạnh phúc đủ đầy, là niềm vui tình bạn. Hay những ngày Ngân hay Tùng về, lại tìm đến trường, vào ngồi trong phòng học cũ rồi bâng khuâng, ra chụp ảnh bên tượng chí sĩ Phan Châu Trinh mà bồi hồi nhớ thuở nhị B2. Cảm động nhất những chuyến đi dài ngày để dự đám cưới của các cháu con bạn đồng học. Lên Đà Lạt chúc phúc cho con Nguyễn Tường Bách, vào Sài Gòn hát bài ca hạnh phúc tặng con Phan Bắc, con Tạ Quang Dũng, con Lê Quang Diệm, ra Huế bắt tay mừng Nguyễn Mạnh Hoằng có rể mới, nhà thêm người đông vui hơn.
      Niềm vui tình bạn bao giờ cũng bất tận. Sống trong bầu khí của bạn học xưa, những học trò Phan Châu Trinh bây giờ cứ ngỡ mình còn thơ bé, vẫn hồn nhiên hít thở đầy lồng ngực cái không khí trong lành của tình bạn một thời trung học không tính toán, so đo. Để rồi khi giật mình nhìn lại, tôi và bạn mình đã ở “bên kia dốc cuộc đời”, đang ở lưng chừng vách xuống của “núi đời”. Chúng tôi ai cũng “thèm” một cuộc hội ngộ rộng rãi sau 40 năm rời trường, 1971 - 2011.
     Ngày ấy đã đến. Ngày 17 - 7 - 2011, tôi đã gặp lại các thầy cô giáo cũ, thầy Hoàng Bích Sơn, cô Tôn Nữ Nộn Ngân, Thầy Nguyễn Nguyên, Thầy Nguyễn Đình Trọng, Thầy Phan Thanh Kế,… những khuôn mặt bạn bè ở trong nước, đặc biệt có Trần Dưỡng ở Bỉ về. Nhân dáng thầy trò, ai cũng bị thời gian uốn theo quy luật của nó. Nhưng tất cả bên nhau đầm ấm nghĩa tình. Lời tâm tình của thầy, của trò như quyện vào nhau. Tiếng hát của thầy có âm hưởng thời gian hòa điệu cùng lời ca của trò pha chút sắc màu năm tháng. Ai cũng vui nhưng không hề quên tưởng niệm những thầy cô, bạn bè đã đi xa mãi mãi; không thể nào không nhắc đến những thầy cô và bạn bè chưa có điều kiện để về dự cuộc họp mặt thân thương này. Bạn bè nhìn nhau mà ngổn ngang tâm trạng như những vần thơ của Trương Văn Thông bùi ngùi đọc hôm đó :
Mới đó, bây giờ đã sáu mươi,
Ô hay... đời đã cuối thu rồi...
Ngồi đây, nghe tiếng nghìn xưa vọng, 
Xa khuất chân trời... mây trắng trôi...
  
    Có thể nói, buổi gặp mặt bạn xưa thầy cũ Phan Châu Trinh sau 40 năm xa như thế là khá trọn vẹn. Ra về, ai cũng trên tay một cuốn Kỉ yếu, một Kỉ niệm chương, nhưng sâu xa và thấm thía hơn cả vẫn là cảm xúc về tình bạn, tình thầy trò, tình yêu mái trường cứ dạt dào, lai láng trong tâm hồn của mỗi người.
    4. Bây giờ, 2012, trường tôi đang bước vào tuổi 60, tôi và bạn bè cũng già non tuổi ấy. Nhìn lại, tôi thấy mình thực sự may mắn, đúng hơn là có duyên với mảnh đất Đà Nẵng - mảnh đất có chút hanh hao của nắng cát, chút mặn mòi của gió biển; với khung trời Trung học Phan Châu Trinh, khung trời của những hàng cây xà cừ bình yên và lãng mạn. Tôi có duyên may gặp gỡ các thầy cô, bạn học 1964 - 1971, những con người tốt bụng của tôi. Cho nên, thời gian dẫu có chảy trôi vô tình, vật dẫu có đổi sao nếu có dời, trong tôi và kể cả bạn học của tôi vẫn “Bạn cũ trường xưa, một thời và mãi mãi”.  

Hoàng Dục, học sinh cũ                    
 4 - 2012 
_______________________      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét