Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

352. CHÂN DUNG MỘT ÔNG VUA


      Chuyện kể rằng :
      Xưa có một ông vua “sở hữu” một con mắt chột và một cái chân thọt, nhưng ông ta muốn vẽ chân dung của mình truyền lại cho hậu thế. Ông lệnh cho các quan tìm một họa sĩ giỏi nhất nước để làm công việc “họa hình, họa bì” đó. Họa sĩ giỏi nhất nước đến và vẽ chân dung
nhà vua, một bức chân dung thật hơn người thật. Nhưng khi xem tranh, nhà vua bỗng nổi lôi đình truyền chém đầu họa sĩ. Họa sĩ thứ hai lại đến. Ông ta vẽ nhà vua như là một con người không khiếm khuyết, thậm chí rất hoàn hảo. Giống như lần trước, nhà vua xem xong thì đầu họa sĩ rơi. Thời gian trôi qua… Bao nhiêu họa sĩ rơi đầu không ai nhớ nổi. Bỗng có một họa sĩ trẻ chưa thành danh xin được vẽ chân dung nhà vua. Vua nghi ngờ, các cận thần hoài nghi, các bằng hữu trong giới hội họa lo sợ cho anh ta. Họa sĩ được vua đồng ý. Khác với các họa sĩ trước đó, chưa đầy một ngày, anh ta đã vẽ xong bức chân dung của hoàng đế. Không những thế, đầu anh ta không rơi xuống đất, ngược lại ra về với rất nhiều vàng bạc châu báu của vua ban. Còn ông “con trời” thì rất hạnh phúc, ngắm nghía không chán bức chân dung của mình. Nhà vua nhìn “mình” trong tranh đang cưỡi ngựa bắn cung, con mắt chột nheo lại, cái chân thọt khuất sau thân ngựa mà gật gù : “Mình mới oai phong, lẫm liệt làm sao!”.
     Đây là câu chuyện do một vị lãnh đạo to của một thành phố lớn, cỡ đô thị loại 1, kể trong dịp nói chuyện với những trí thức ở một trường đại học. Cũng cần viết thêm. Kể xong, vị quan to bình : “Cũng một tình huống nhưng người thì bị chết, người lại được sống trong giàu sang nhung lụa. Cuộc sống muôn màu nhưng luôn có lời giải. Ai tìm được chìa khóa thì người đó thành công”.
     Nghe xong câu chuyện và lời bình, mình tự nhủ phải học tập Đức Phật thôi : “Như thị ngã văn”, nhưng “bất khả tư nghị”. Thế rồi, tất cả trôi qua như chuyện thường ngày ở huyện. Mình quên khuấy chuyện kể trên. Cho đến khi, một anh bạn tặng mình bài viết của anh về buổi nói chuyện của vị quan to nọ, câu chuyện lại trở về khuấy đảo tâm tư mình, bắt mình phải táy máy chữ nghĩa như một kẻ sính chữ sành chữ dở hơi.
      Phải nói rằng câu chuyện trên rất thú vị. Người kể đã biết cách làm cho buổi nói chuyện thêm ý vị, và cũng rất biết cách đánh bóng tên tuổi mình, biết cách trưng cái tôi của mình ra mà không bị chê là ngạo mạn, tự mãn; mặc dầu người nghe chẳng ai hiểu chủ đề của buổi nói chuyện là gì!  Đặc biệt, phần bình luận, vô hình trung đã chứng minh, vị quan nọ là một triết gia, một con người biểu trưng cho chân lí. Bởi ông ta đã nói một câu chắc hơn chân lí : “Cuộc sống muôn màu nhưng luôn có lời giải. Ai tìm được chìa khóa thì người đó thành công”. Cho nên, mình cũng không ngạc nhiên gì khi cả hội trường cười… rồi giòn giã tiếng vỗ tay, và sau đó trong phần trao đổi, một cô bạn trẻ đứng dậy phát biểu với lời mở đầu : “Thưa… từ hồi còn sinh viên tôi đã rất thần tượng… nay xin được hỏi… Mong… chỉ giáo…”.
      Tuy vậy, mình cũng có cảm giác băn khoăn. Điều băn khoăn thứ nhất của mình là câu chuyện này thuộc thể loại gì? Có xác định được cụ thể thể loại thì mới hiểu được ý nghĩa tác dụng của câu chuyện và ý đồ của người kể chuyện. Mình thấy đây dứt khoát không phải là truyện khôi hài, bởi nó đâu chỉ có mục đích cười để giải trí. Hay đây là truyện tiếu lâm ? Không truyện tiếu lâm thì phải có yếu tố tục. Câu chuyện có yếu tố thanh, rất thanh là đằng khác! Ờ… chắc là truyện trào phúng ? Cũng chẳng phải. Truyện trào phúng phải có cái gây cười và ngụ ý phê phán quyết liệt đối tượng của cái cười. Thôi… đúng rồi… nó đích thị là truyện phúng dụ. Chỉ có truyện phúng dụ mới nặng tính chất giáo huấn như thế. Để khẳng định câu chuyện trên là truyện phúng dụ, mình thử đặt nó vào ngữ cảnh và môi trường giao tiếp. Về ngữ cảnh người nói chuyện đang nói đến những cái “lạ lùng” của nước Việt ngày nay với mong muốn không còn lạ lùng nữa bằng con đường giáo dục đào tạo. Về môi trường giao tiếp đây là buổi nói chuyện với trí thức đang hoạt động giáo dục và đào tạo, hẳn có ý khuyên nhà trường sẽ đào tạo được nhưng trí thức trẻ có được cái chìa khóa thành công như anh họa sĩ trẻ trong câu chuyện trên. Đặc biệt về phía người nghe vừa rộ lên tiếng cười sảng khoái vừa bôm bốp vỗ tay, vậy thì câu chuyện mượn tiếng cười để giáo huấn một lối sống, một lối ứng xử và cũng là một cách thức đi đến thành công trên đường đời.
       Tưởng xác định được thể loại của câu chuyện rồi mình sẽ không còn băn khoăn nữa. Hóa ra không phải như vậy. Không biết mình là kẻ vốn đa đoan hay câu chuyện bắt mình phải đa đoan ?
Điều làm cho mình không nhàn tâm là băn khoăn của người bạn trong bài viết  của anh, không biết ý lãnh đao thế nào hay là : “… nhà trường ngoài việc đào tạo những họa sĩ vẽ chân dung nhà vua là chàng kị sĩ có cần đào tạo thêm những họa sĩ vẽ nhà vua là một người vừa chột vừa thọt hay không ?”. Mình tin chắc câu chuyện phúng dụ trên phê phán hai ông họa sĩ vẽ chân thực và giả dối, nhưng đề cao anh họa sĩ trẻ láu cá, một loại thông minh kiểu trạng Quỳnh, biết đáp ứng, biết làm thỏa mãn được mặc cảm tự ti và mặc cảm tự tôn của ông vua vừa khiếm khuyết về thân thể vừa mắc bệnh hình thức, một hình thức hoàn mĩ che đậy được cái khiếm khuyết. Một ông vua như thế làm sao chấp nhận được người tài năng chân chính, biết trân trọng những người chân thật, biết nhìn ra cái đẹp của nghệ thuật. Bởi xét đến cũng ông vua đó cũng là một con người giả dối, thích phỉnh nịnh một cách khéo léo và là con người thực dụng kiểu chủ nghĩa cá nhân. Một ông vua như vậy thì đất nước do ông ta điều hành sẽ thế nào ? Một người trí thức, một người hoạt động nghệ thuật không tài năng chân chính, không tôn trọng sự thật liệu có ích gì cho đất nước không, hay đó chỉ là những kẻ cơ hội chủ nghĩa! Có thể có người cho rằng anh họa sĩ trẻ kia thực hành một khôn ngoan châm ngôn : “Khôn chết, dại chết, biết sống”. Nhưng, mình nghĩ cái “biết” kia cũng muôn hình vạn trạng lắm và thực hành cái “biết” cũng lắm phương thức, phương tiện vô cùng.
      Than ôi, một câu chuyện mà phức tạp đến thế kia. Người kể chuyện có hàm ý gì đây ? Một bức chân dung sao mà gây hệ lụy mang tính bi kịch cho nhiều người đến thế. Câu chuyện như vậy là nỗi buồn chứ đâu phải niềm vui. Như vậy, nó không là truyện cười  mà là một truyện phúng dụ có tính đa nghĩa, chơi trò chơi trí tuệ với người đọc người nghe chăng ? Và giả dụ tất cả trí thức trên mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ, khoa học,… đều là anh họa sĩ trẻ, thì xã hội sẽ ra sao !? 

 HD, 9-2012  

1 nhận xét: