Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

662. NGẬM NGÙI VĂN THÁNH


NGẬM NGÙI VĂN THÁNH

Mỗi lần về quê, ngang qua Văn Thánh, tôi đều dừng chân, hướng vọng giây lát như là một tập tính văn hóa của lòng biết ơn và niềm tự hào. Đó là lòng biết ơn và tự hào về các bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng Kế Môn trở thành một làng cổ văn hiến với nghề kim hoàn nổi tiếng khắp Đàng Trong, với truyền thống hiếu học, đã sản sinh những bậc đại khoa, những danh sỹ có tinh thần duy tân đất nước. Như thế, Kế Môn là một không gian văn hóa truyền thống đặc trưng mà đền Văn Thánh là một biểu tượng.

Theo thiết chế làng xã ngày xưa, những làng nào có người đỗ đạt, có quan võ hay quan văn về hưu, có ấm sinh, có người học thức thì sẽ lập ra Hội Tư võ và Hội Tư văn. Hội Tư võ dựng đền Võ Thánh thờ Ngài Quan Công. Hội Tư văn xây đền Văn Thánh thờ Đức Khổng Tử. Đền Văn Thánh là một không gian văn hóa tâm linh vừa thể hiện lòng tôn kính Đức Khổng Tử, người thầy của muôn đời (Vạn thế sư biểu); vừa tôn vinh việc học tập mở mang trí thức; vừa đề cao truyền thống hiếu học, truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, truyền thống trọng người hiền tài theo đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam nói chung và của dân làng đó nói riêng. Đồng thời, đền Văn Thánh cũng là nơi gởi gắm ước mơ, con cháu trong làng học hành đỗ đạt thành tài giúp ích cho quê hương đất nước. Hằng năm, làng tế lễ đền Văn Thánh vào ngày Rằm tháng Hai Âm lịch, gọi là Tế Xuân kỳ.

Làng Kế Môn cũng theo thiết chế làng xã ấy nên cũng có hai ngôi đền  Võ Thánh và Văn Thánh. Đền Võ Thánh ở cuối làng (đã được trùng tu). Đền Văn Thánh ở đầu làng.

Đền Văn Thánh xây dựng vào năm nào? Hiện nay cũng khó xác định. Có thể căn cứ vào sự ra đời đền Văn Thánh của các làng ở Thừa Thiên-Huế như: Văn Thánh làng Thanh Thủy Chánh xây dựng vào thế kỉ 18 (Hương Thủy Online, 06/06/2020), Văn Thánh làng Dạ Lê Thượng đầu thế kỉ 19, Văn Thánh làng Thần Phù thế kỉ 18 (1767) (Đình Nam, Thừa Thiên Huế Online, 05/06/2014),… để đoán định khoảng thời gian hình thành Văn Thánh của Làng Kế Môn. Cũng có thể dựa vào người khai hoa tiến sĩ cho làng Kế Môn. Đó là ông Nguyễn Thanh Oai. Ông đỗ tiến sĩ năm 1843 dưới thời vua Thiệu Trị.  Qua đó, phỏng đoán thời gian kiến tạo Văn Thánh làng khoảng cuối thế kỉ 18 đến nửa đầu thế kỉ 19 (?)

Kiến trúc Văn Thánh ban đầu cũng theo nghệ thuật kiến trúc đền thờ xứ Huế, kiểu nhà rường 3 gian 2 chái mái lợp ngói, chính giữa nóc là hình tượng Hổ phù đội mặt trời, trên các bờ nóc, bờ quyết,… trang trí long hồi, long hoa lá, quy, phụng… bằng chất liệu xi măng, sành sứ và bột màu. Lối kiến trúc này mang lại cảm giác uy nghiêm, nhưng nhẹ nhàng. Thời chiến tranh chống Pháp có lẽ do bom đạn nên hư hỏng nặng. Sau năm 1955, dân làng đóng góp xây dựng lại cũng ba gian hai chái, cũng 3 bệ thờ với những bài vị của Đức Khổng tử và 72 học trò. Trước năm 1975, Văn Thánh một lần nữa bị bom đạn phá hỏng. Sau 1975, được xây dựng mới với quy mô nhỏ hơn. Nhưng việc tế tự cũng thưa thớt, không còn như trước nữa. Trãi qua bao mưa nắng, Văn Thánh xuống cấp, việc trùng tu có tính chất chắp vá nên tuổi thọ ngắn dần.

Lần này tôi về. Vẫn tìm đến Văn Thánh của làng. Trong tôi như có gì đổ vỡ và hụt hẫng. Văn Thánh trông quá hoang tàn. Bên ngoài, tường bong tróc, mái ngói đã mục và dột nát, cửa chính chỉ còn một cánh. Bên trong, các bài vị đang mục dần không còn rõ hoa văn, chữ nghĩa. Một cảm giác bất lực đè nặng tâm hồn. Vài năm trước đây, nghe một vài vị mạnh thường quân là con dân làng xa xứ đã hứa tài trợ để xây dựng lại, tôi rất vui trước tin tốt đẹp đó. Sao bây giờ vẫn thế ?

Nhìn đền Văn Thánh, một biểu tượng văn hóa truyền thống của làng, trong tôi bỗng dậy lên cảm giác ngậm ngùi.

Cũng may, cảm giác ấy không tồn tại lâu. Lòng tôi lại nguôi ngoai với niềm tin vững chắc:

Những người con Kế Môn hằng yêu quý và tự hào về quê hương, luôn hướng về cội nguồn rồi sẽ chung tay chung lòng. Kế Môn rồi sẽ có một đền Văn Thánh đẹp đẽ, uy nghiêm và nhẹ nhàng như ngày xa xưa.

 

Hoàng Dục

Kế Môn, đêm 26-03-2021  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét