Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

324. TÁC GIẢ THẠCH LAM (TT)


III. Thi pháp truyện ngắn:
    
1. Thế giới nghệ thuật của Thạch Lam:
  
 1.1. Thạch Lam đã từng nêu lên một quan niệm nghệ thuật đúng đắn như đã nêu trên. Nhưng với ông, hiện thực mà ông quan tâm hàng đầu đó là hiện thực bên trong, hiện thực tâm trạng. Ông đã “tìm thấy tâm hồn
của mọi người qua tâm hồn của chính mình”; nên ngòi bút của ông đã lách sâu vào cảm xúc cảm giác của tâm hồn mình để khám phá thế giới. Ông đã nắm bắt được cảm xúc tâm trạng của mình từ mảnh đất hiện thực và diễn tả bằng bút pháp lãng mạn. Vì vậy, tác phẩm của ông gần gũi với các nhà văn hiện thực vừa có phẩm chất lãng mạn trữ tình.
           Thạch Lam:
“Khi mùa thu bắt đầu hết, khi nắng vàng hanh dần mất vẻ rực rỡ trên các lá cây, ngọn gió heo may sẽ từng cơn nhẹ lướt trên cánh đồng ruộng, đem lại cho ta những cái rùng mình mới mẻ, như đã lẫn cái buồn ảm đạm của ngày mùa đông” (Lời nói đầu tập truyện Gió đầu mùa).
    1.2. Thế giới nghệ thuật của Thạch Lam khá phức tạp:
       1.2.1. Nhìn từ góc độ con người cảm xúc nội tâm:
     - Đó là thế giới của những con người cam chịu:
mẹ Lê (Nhà mẹ Lê), chị Sen (Đứa con); Những con người ý thức thân phận: Tâm (Cô hàng xén), Lan và Huệ (Tối ba mươi), Liên (Một đời người), Dung (Hai lần chết); những người chân quê phó huyện: vợ chồng ông bà Cả và cô Lan (Tình xưa), người bà và cô Nga (Dưới bóng hòang lan), Liên và An (Hai đứa trẻ),...
         -
Đó cũng là thế giới của những con người duy cảm: Lan và Sơn (Gió lạnh đầu mùa), Thanh (Một cơn giân); những người có mức sống trung bình: hai anh em (Tiếng chim kêu); thậm chí đó còn là một người đầm Tây (Người đầm), một người Việt đi lính Pháp và từng sang Tây: (Người lính cũ),...
        
- Tất cả họ đều có chung một tâm trạng: buồn thương và cam chịu về thân phận làm người. Họ được nhà văn yêu thương chăm chút bằng cái nhìn ấm áp tình người. Và nhà văn miêu tả họ thông qua ảnh chiếu của tâm hồn mình - một tâm hồn như “một khối thủy tinh trong suốt, mỏng manh, dễ vỡ, không quen va chạm với những xung đột, mâu thuẫn khắc nghiệt” (Phạm Phú Phong, Thi pháp truyện ngắn Thạch Lam, Thạch Lam - Văn chương và cái đẹp, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1994).
         - Thế giới nhân vật của Thạch Lam là những con người thiên về suy nghĩ, cảm xúc nội tâm; họ có chung một kích thước tâm hồn như chính tâm hòn của nhà văn. Họ thể hiện những đặc điểm phong cách của Thạch Lam: tinh tế, đa cảm, thiết tha, thuần hậu, giàu tinh thần chịu đựng.
       1.2.2. Nhìn từ góc độ xã hội:
         - Hình tượng trí thức tiểu tư sản:
        + Viết về đề tài này, Thạch Lam không rơi vào mơ mộng như một số nhà văn Tự Lực văn đòan khác. Thạch Lam không thi vị hóa mà đặt họ vào hòan cảnh đói nghèo lay lắt để đi sâu khám phá những biến động nội tâm đầy phức tạp của họ.
        + “Người bạn trẻ”: Bào sinh ra trong một gia đình nghèo đang học thì bị đuổi học. Anh sống lang thang, vật vờ, túng thiếu. Anh lâm bệnh năng và trở thành gánh nặng cho gia đình. Anh quyết định tự tử để thóat cuộc sống đói khổ, tủi nhục.
        + “Đói”: Sinh thất nghiệp bị đẩy vào cảnh cùng quẫn không lối thóat. Sinh phải đối diện với một sự thực phũ phàng: Mai- vợ anh - phải bán thân kiếm tiền mua thức ăn. “Một nỗi buồn rầu chán nản vô cùng (...) trong lòng nguội lạnh một cảm giác lạ lùng như thắt lấy ruột gan”. Anh cảm thấy bị lừa dối và phản bội. Sinh đã hất đồ ăn xuống đát và xua đuổi Mai ra khỏi nhà. Nhưng cái đói đã quy phục anh. Nhân cách của anh đã đầu hàng cái dạ dày của chính anh.
        + Minh trang truyện “Cái chân què”. “Cuộc đời có nhiều cái chế riễu đắng cay và đau đớn làm cho chúng ta đột nhiên hiểu vái ý nghĩ chua chát và sâu xa”(mở), “Anh lại trở lại với cái nghèo nàn lúc cũ, với những cái thiếu thốn của kẻ không tiền, nhưng tâm anh đã rớm máu bi thương; lòng anh bây giờ không như trước được nữa. Bây giờ trong lòng anh đầy những sự chua chát và chán nản. Cái chán nản sau những cuộc chơi bời, cái chua chát khi nhận thấy sự thay đổi của lòng người đối với kẻ có tiền và không có tiền” (Kết).
        + Thanh trong “Một cơn giân”. “Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ tới”, “Cái kỉ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi đến bây giờ, rõ rệt như cái việc mới xẩy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và môic lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi”.
        + Tâm trong truyện ngắn “Trở về”: “Đợi bà cụ đi khuất đầu phố. Tâm và vợ trở lại nhà hàng trả tiền, rồi đánh xe ra ngoài. Máy chạy đều, cái xe êm như ru bắt đầu lướt trên đất. Khi đến chỗ ngoặt qua ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một cụ già khom lưng dựa vào một cô gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. Trong một giây, Tâm thấy cặp mắt đen láy của cô gái quê mở to ngạc nhiên nhìn mình”.
        + Trường trong tiểu thuyết :Ngày mới”.
    => Quan niệm nghệ thuật về con người: con người ân hận.
         - Hình tượng người dân nghèo:
        + Thạch Lam sáng tác chủ yếu trong thời kì Mặt trận Dân chủ, những tác phẩm của ông chắc chắn có ảnh hưởng bởi phong trào này. Ông đã viết về những con người chân quê với tình thương cảm sâu sắc. Trong truyện của Thạch Lam người lao động chiếm một tỷ lệ khá lớn.
        + Những truyện ngắn tiêu biểu: Nhà mẹ Lê, Một cơn giận, Người lính cũ,...
         - Hình tượng người phụ nữ:
        + Người phụ nữ trong văn Thạch Lam luôn lấp lánh vẻ đẹp đảm đang, tần tảo, giàu đức hy sinh, đã được ông bọc trong một thứ tình cảm chân thành, man mắc.
        + Những truyện tiêu biểu: Hai lần chết, Cô hàng xén, Tối ba mươi, một đời người, Đứa con, Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa,... 
    => Màu sắc dân tộc trong văn Thạch Lam.
     2. Không gian và thời gian nghệ thuật:
    2.1. Không gian hiện thực hàng ngày:
         - Đó là một xóm chợ, một ngõ hẻm, một phố huyện, một ga xép, một con đường làng ở một thôn dân heo hút,... Không gian này là một không gian hiện thực khép kín. Trên cái nền không gian ấy, họat động sống của con người bị bó chặt, tù đọng, lẩn quẩn; nội tâm con người luôn lo âu dằn vặt và đầy ám ảnh. Không gian phố chợ nghèo khổ, “hai dãy nhà lụp xụp” đã mục nát (Nhà mẹ Lê), không gian chợ quê và con đường làng (Cô hàng xén), không gian phố huyện - ga xép (Hai đứa trẻ), không gian căn buồng - chiếc giường (Tối ba mươi),...
         - Không gian hiện thực hàng ngày thu hẹp vào không gian đời tư, không gian cá nhân bị dồn nén làm xuất hiện sự cô đơn của nhân vật và nhân vật tự đối diện với lòng mình bộc lộ sự suy tưởng. Từ không gian cá nhân này hiện ra không gian hồi tưởng.
    2.2. Không gian hòa quyện với thời gian:
         - Không gian hiện thực hẹp hàng ngày đã được nhà văn kết hợp với thời gian nghệ thuật tương ứng tạo hiệu ứng thẩm mĩ: Thời gian đã thành ngôn ngữ, thúc ép dồn nén tình huống làm nổi bật tâm trạng và số phận của nhân vật.
         - “Tối ba mươi”: Không gian hẹp của căn nhà săm bẩn thỉu tối tăm, ẩm thấp được đặt vào khỏang thời gian đặc biệt đêm ba mươi càng làm cho Liên và Huệ da diết nhớ ông bà, tổ tiên và những gì đẹp đẽ trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ đã mất; để rồi hai cô tự giày vò, đau khổ cho thực trạng sống của họ. “Cô hàng xén”: Không gian con đường làng dưới bóng hòang hôn đã trở thành không gian tâm trạng của Tâm. Tâm trở về nhà giữa lúc đêm tối “sương mù ảm đạm phủ cả cánh đồng và gió lạnh nổi lên”, khiến “lòng nàng mệt nhọc và e ngại”. Tâm miên man nghĩ bao nhiêu điều và “cúi đầu đi mau vào ngõ tối”.
         - Truyện của Thạch Lam bao giờ cũng đặt vào thời gian buổi chiều chuyển vào đêm hay ban đêm. Thời gian này có ý nghĩa tượng trưng cho không gian và chuyển hóa thành không gian bóng tối. Không gian bóng tối âm trầm càng thúc đẩy tâm trạng nhân vật lên đến cao trào hoặc đan xen nhiều cung điệu, màu sắc hơn. Có thể dễ dàng tìm thấy thời gian chiều chuyển vào đêm hoặc ban đêm hòa quyện với không gian trong các truyện ngắn: Sợi tóc, Hai đứa trẻ, Nhà mà Lê, Tiếng chim kêu, Một đời người,...
         - Kiểu không gian hòan quyện với thời gian nghệ thuật này là một sáng tạo độc đáo của Thạch Lam. Chính kiểu thời gian hoa không gian này đã thể hiện một cách sâu sắc mà nhẹ nhàng tâm trạng nhân vật một cách tự nhiên, tưởng như nhà văn chẳng hề dụng công nhiều để phân tích tâm lí nhân vật mà tâm lí hiện ra rõ mồn một.
    2.3. Không gian bi kịch sau bi kịch: 
         - Đây là kiểu không gian kéo dài, giãn ra từ một không gian trước đó. Rõ hơn là từ một bi kịch mở ra những bi kich nhân thế khác của nhân vật trong truyện ngắn Thạch Lam. Không gian này tạo nên độ dư, một kiểu kết thúc mở của truyện, bắt người đọc nhập cảm cùng nhà văn và để cùng nhân vật phiêu lưu  trên con đường số phận quanh co, hun hút và mờ xám của họ.
         - Nhà mẹ Lê: Mẹ Lê chết, mười một đứa con của mẹ cũng dở sống dở chết. Hai lần chết: Dung trốn thóat bi kịch bằng sự tự tử, nhưng được cứu thóat. Dung “ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này, về nhà chồng, mới hẳn là chết đuối, chết không bấu víu vào đâu được” và chẳng còn ai cứu vớt được nữa. Một đời người: Liên muốn ra đi tìm hạnh phúc đời mình, nhưng lại phải đón nhận một bi kịch mới. Đói: Sinh tươi tỉnh khi có thức ăn nhưng rồi “một cái chán nản mênh mông tràn ngập cả người. Sinh lấy tay ôm mặt, cúi đầu khóc nức nở”. 
         - Không gian bi kịch sau bi kich đã phát sinh nhiều không gian khác như không gian hồi tưởng, không gian khát vọng trong tác phẩm của Thạch Lam. Thực ra với nhà văn, nhớ lại, hồi tưởng và khát vọng được sử dụng như một yếu tố của thời gian.
        + Nếu ở các nhà văn khác hay theo tâm lí con người, thời gian quá khứ được hồi tưởng lại bao giờ cũng đẹp, ngọt ngào và ấm áp; thì với Thạch Lam thời gian ấy là sự khơi sâu nỗi đau khổ dằn vặt của con người trong hiện tại. (Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén, Một đười người, Người lính cũ, Người bạn cũ,...).
        + Thạch Lam sử dụng thời gian quá khứ để diễn tả tâm trạng, còn thời gian tương lai chỉ là một sự giả định, một khỏang mờ tối, không thể hình dung được. Thời gian hiện tại song hành cùng thời gian tâm trạng. Liên (Một đời người) lấy chồng và phải sống với anh chồng vũ phu, mẹ chồng ác nghiệt là thời gian nặng nề, khổ đau của một đời người. Vậy mà. “bảy tám năm qua mà Liên tưởng hình như lâu lắm, hình như đã hết nửa đời người”. Các nhân vật khác cũng có nét tâm lí lãng quên thời gian hiện thực như thế. “Không nhớ là mấy tháng sau, anh Bào đến chơi nhà tôi” (Người bạn trẻ). “Nàng không nhớ rõ gì cả. Ra đến sống lúc nào nàng cũng không biết” (Hai lần chết). 
     3. Nghệ thuật dẫn truyện, giọng điệu:
    3.1. Kể và dẫn chuyện:
         - Thạch Lam thường kể chuyện theo trình tự thời gian. Vì thế truyện của ông hình như không có dấu vết của kĩ thuật viết văn. Điều này cũng dễ hiểu, vì truyện của ông là truyện được kể lại từ những chuyện có thật của đời ông, gia đình ông, bạn bè ông. Những chuyện ấy được ông kể lại bằng một lối kể bình thường, chân chất và hầu hết là dưới điểm nhìn trần thuật của nhân vật “Tôi”.  Thạch Lam đã tìm ra trong những chuyện thường ngày tưởng như không có truyện ấy những điều cần kể và khi đã kể thì thành truyện. (Tiếng chim kêu, Người đầm, Cuốn sách bỏ quên, Người lính cũ, Sợi tóc, Người bạn trẻ,...).
         - Nghệ thuật dẫn truyện của Thạch Lam là sử dụng mạch phát triển ngầm của tâm lí dòng chảy tiềm thức, với những khỏanh khắc cô đơn trong thế giới mà đôi khi con người không có ngôn ngữ để diễn tả hết tâm trạng, phải dùng đến “ngôn ngữ” của cử chỉ, nét mặt, ánh nhìn, bước đi, dáng đứng,...
           Đây là điều mà Thạch Lam tâm đắc nhất trong suy tư về nghệ thuật của ông. Ông luôn đi sâu khám phá thế giới tâm linh khuất lấp, những họat động tâm lí uyển chuyển, sâu sắc của con người. Từ góc độ này có thể khẳng định truyện của Thạch Lam rất hiện đại như quan niệm của Sylvan Barret: “Truyện ngắn hiện đại coi nhẹ yếu tố tự sự, cốt truyện thường được xây dựng cốt để bộc lộ trạng thái tâm tưởng của nhân vật chính” (Nhập môn văn học, bản dịch của Hòang Ngọc Hiến,  Hà Nội, 1992).
         Thạch Lam rất quan tâm đến tâm trạng, trạng thái tâm lí - cảm tính, cảm giác và tìm cách diễn tả từng tình huống tinh thần của từng nhân vật một cách tinh tế sâu sắc.
        + Cô hàng xén: Tâm trạng của Tâm chủ yếu được tác giả biểu hiện qua dòng suy tưởng khép kín của chính Tâm.
        + Người đầm: Người kể chuyện thử “đọc” tâm tư của nhân vật. Nhà văn tạo một khỏang cách giữa người kể chuyện và nhân vật. Người kể quan sát hành vi, nét mặt cho đến ăn mặc của người đầm, từ đó tưởng tượng suy đóan, nắm bắt những gì diễn ra trong tâm hồn nhân vật.
        + Gió lạnh đầu mùa: Thạch Lam lại để cho tâm lí làm nẩy nở tâm lí. Sơn và Lan: tâm lí hai chị em  gợi ra tâm lí của mẹ, và từ đó bộc lộ phẩm chất tốt đẹp của bà mẹ bé Hiên.
        + Đứa con: Là sự đối lập chằng chéo giữa những cảnh ngộ và tâm trạng khác nhau. Bà cả là chủ, giàu có về tiền bạc; nhưng chẳng có mụn con nào. Chị Sen nghèo khó giúp việc cho bà Cả, nhưng trời lại phú cho một đứa con trai kháu khỉnh. Chị khổ mà sướng, bà Cả sướng mà lại khổ.
        + Dưới bóng hòang lan: Nhờ sự thụ cảm của các giác quan, đặc biết là đôi mắt, đối mắt của Thanh, của bà và của Nga.
    3.2. Giọng điệu:
         - Truyện của Thạch Lam có sự nhất quán trong giọng điệu. Chính từ tấm lòng nhân ái, cái nhìn duy cảm đối với con người mà nhà văn luôn tạo được sự ấm áp trong giọng điệu văn chương của mình. Ngay cả khi kể về sự oan trái cay nghiệt của cuộc đời ông vẫn giữ giọng điệu ấy.
         - Văn chương của Thạch Lam luôn gợi lên những hình tượng, những trạng thái cảm xúc nhờ dùng từ viết câu đúng với vị trí của chúng, khiến chúng phát sáng. “Có những ngày mà tự nhiên, không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng và không muốn làm việc gì” (Một cơn giận). Tình yêu đầu đời của đôi trai gái “có cái gì dịu ngọt chăng tơ đâu đây khiến chàng vương phải” (Tình xưa). “Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt đẫm sương, mùi hoàng lan thoang thỏang bay trong gió ngát” (Dưới bóng hòang lan). “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều” (Hai đứa trẻ).
         - Thạch Lam có khả năng diễn đạt chính xác các cảm giác của cái trực giác nhiệm màu của nghệ sĩ trước những biểu hiện tinh tế, phong phú và phức tạp của thế giới tinh thần, thế giới tâm linh của con người. Văn của Thạch Lam là lối văn tựa hẳn vào cảm giác tạo nên chất men đặc biệt, khiến không khí truyện, thế giới ngghẹ thuật của ông say mà tỉnh, ảo mừ thực, liên túc mà đứt đọan, rõ ràng mà mơ hồ. Ông thường sử dụng những từ cảm giác với một tần số cao: thoáng thấy, thoáng nghe, thoáng nhìn, thoáng nghĩ, thoáng ngửi, bỗng nhiên, mang máng, không rõ rệt, cảm nghe, tưởng như,... Dó đó, văn Thạch Lam là một lối văn có nhịp điệu - nhịp điệu tâm hồn con người trong sự hài hòa với xã hội và thiên nhiên. 
    Phong Lê: Văn Thạch Lam, “ở những truyện tiêu biểu vẫn cứ mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhạc điệu mà không mất đi vẻ giản dị, tinh gọn, không thừa thãi lời chữ” (Lời giới thiệu Tuyển tập Thạch Lam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988).
    Thế Lữ: “Bao nhiêu băn khoăn về nghệ thuật, bao nhiêu tư tưởng cũng như bao nhiêu tình cảm rung động, lúc nào cũng chứa chất dồi dào trong tâm trí: cái kho tàng cuộc sống bên trong ấy rất sẵn châu báu, mà chỉ cầm đến bút, Thạch Lam đã thấy dàn xếp theo hình thể của lời” (Báo Thanh Nghị).
IV. Kết luận:
    Nguyễn Tuân: “Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học”.

                                    HD-2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét