Sống
giữa cõi đời này, có ai muốn độc hành suốt con đường làm người đâu. Ai
cũng muốn có bạn đồng hành để ít ra cũng có được cảm giác, chỉ một
khoảnh khắc thôi, không còn lẻ bóng giữa chân trời góc bể quạnh hiu. Tư
tưởng nhuốm màu sắc nhân văn ấy đã từ cuộc đời thực đi vào văn chương,
vun đắp nên những hình tượng có tính cặp đôi độc đáo. Trong văn học Việt
Nam,
các nhà văn nhà thơ đã tạo nên những hình tượng có tính cặp đôi
qua những trang viết của họ. Hoặc có nhân vật từ những dòng văn của tác
giả này gặp gỡ với nhân vật trong dòng văn của tác giả kia. Ta đã từng
chứng kiến những cặp đôi nhân vật nghịch dị trong những truyện ngắn của
Nam Cao, từng rung động trước những hình ảnh tạo vật, con người song
hành bên nhau trong thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính,… Và nay, ta lại gặp hai
nhân vật cặp đôi ở bình diện “mê chữ đẹp”, trên bình diện văn hóa, đó là Viên quản ngục trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân với Trưởng Kính trong “Ăn Tết chữ” của Vũ Bằng.
Truyện ngắn “Chữ người tử tù” còn có tên là “Giòng chữ cuối cùng” in trong tập truyện “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940. “Ăn Tết chữ” là một truyện ngắn đăng trên báo Mới năm 1954, sau này Vũ Bằng cho in lại trên Nguyệt san Tân Văn (Sài Gòn) năm 1970 với tên “Mê chữ”, và bây giờ Vũ Văn Nhơn sưu tầm và tuyển chọn, in trong Vũ Bằng - Văn hóa … “gỡ”,
NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2012. Dù hai tác phẩm “chào đời” không cùng năm
cùng tháng, nhưng qua hai nhân vật Viên quản ngục và Trưởng Kính, người
đọc vẫn thấy ở họ vừa có những nét riêng vừa có những nét chung rất thú
vị.
Cả hai nhân vật Viên quản và Trưởng Kính hình như có sự gặp gỡ, họ đều
“say như điếu đổ” chữ đẹp. Nếu Viên quản ở nhà ngục tỉnh Sơn, ngay từ
thời còn đi học, vừa biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền đã khao khát một
ngày kia được “treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do ông Huấn Cao viết”, “là có một vật báu trên đời”; thì ông Trưởng Kính mong mỏi cháy lòng có được bức trung đường chỉ vỏn vẹn bảy chữ “Hoa quốc trấn gia vạn quyển thư”. Nhưng bảy chữ ấy “quả
thật là thần bút, sắc sảo, gân guốc mà lại lề lối một cách trác tuyệt,
thế gian này khó mà có một bức đẹp hơn. Chơi thế rồi chết cũng đáng đời”.
Trong trí nghĩ của Trưởng Kính, không có chữ của một nhà thư pháp tài
hoa nào có thể lấn át được vẻ đẹp của bức trung đường kia. Theo ông,
hình như trên thế gian này, từ khi có cái gọi là thư pháp, có thú chơi
tao nhã đậm màu sắc văn hóa - thú chơi chữ đẹp thì không có chữ ai sánh
nổi bảy chữ “Hoa Quốc” của Đường Dần. Ông cho rằng “có một
bức chữ như thế để chơi, bao nhiêu chữ của Chu Nhữ Chân, Đào Lập Kính,
Phùng Quốc Tài, Trạch Cầm, mà cả những danh bút đời Hán, Đường, Tống,
Ngụy, Minh như Triệu Mạnh Phủ trong bài Phú Xích Bích, Tô Đông Pha trong
những câu đối sơn then khảm xà cừ, Nhan Trần Khanh trong thiếp Tam Hy,
Âu Dương Tuân, Trịnh Bản Kiều,… bao nhiêu chữ có từ trước đều xếp xó cả,
không đáng kể…”. Thậm chí, với ông nếu được chiêm ngưỡng chữ đẹp của người xưa khác nào “như lên núi cao, như bơi sông rộng, như vin quả lạ, như hái hoa tươi”. Và nếu ba ngày ông không được ngắm “bức chữ siêu diệu nhập thần ấy” thì “soi gương ông tự thấy mặt mình đáng ghét”.
Thầy quản và Trưởng Kính, cả hai “mê chữ” nên luôn sống trong một trạng
thái tâm lí không yên khi chưa đạt được sở nguyện cao nhã của họ. Viên
quản có một ông Huấn trong tay, một ông Huấn có tài viết chữ đẹp, chữ
ông “đẹp lắm. vuông lắm”, đang tạm giam ở nhà ngục của mình mà chưa thể xin được chữ. Viên quản bao đêm bên “án thư cũ đã nhợt màu vàng son”, dưới ánh sáng của “cây đèn đế leo lét”, ngồi bóp thái dương băn khoăn, tư lự. Thậm chí, quản ngục “tái nhợt người đi sau khi tiếp đọc công văn của quan Hình bộ Thượng thư trong kinh” ngày mai giải Huấn Cao về kinh thụ hình mà hôm nay vẫn chưa xin được chữ. Viên quản không đủ “can đảm giáp lại mặt người cách xa y nhiều quá”. Nhưng nếu không kịp xin chữ của ông Huấn thì viên quản sẽ “ân hận suốt đời mất”. Còn Trưởng Kính thì không còn mặn mà với thú chơi hoa thủy tiên ngày Tết như bao nhiêu người dân Hà Nội khác. Ông “chả
đoái hoài gì đến cây cảnh, đã đành một lẽ; nhưng sao đã hơn một tháng
nay rồi, ông lại có vẻ như buồn bực, trầm ngâm và bí mật?”. Tâm hồn
ông bị cái bức trung đường bảy chữ ở nhà Ba Vu kia ám. Bao đêm ông thao
thức không ngủ. Bao ngày ông cứ lần giở những cuốn thiếp cổ ra xem, “rồi lấy ngón tay trỏ vẽ lên khoảng không những nét ngoằn ngoèo như thể một ông thầy phù phép”. Nhà Trưởng Kính cách nhà Ba Vu - người chủ của bức trung đường - hai tiếng đồng hồ, vậy mà cứ cách một ngày ông Trưởng “lại lóp ngóp xuống tận nhà ông Ba Vu để ngồi hút thuốc lào vặt, uống chè tàu ngắm bảy chữ “Hoa quốc trấn gia vạn quyển thư””.
Ngay cả khi sắp sở hữu bức tranh chữ ấy, tại nhà Ba Vu bề ngoài ông tỏ
ra thanh thản nhưng bên trong như đang “lặm chữ”. Ông thấp tha thấp thỏm
không giấu nổi lòng thèm muốn của mình “thỉnh thoảng, ông lại chạy
ra dòm vào bức chữ, đứng thần người ra giấy lát rồi chạy ra uống nước để
lại liếc mắt mà nhìn trộm… Khiếp, cái nét “mác” gân guốc đến thế là
cùng! Tung nét bút ra như rồng cuốn, mây bay, tranh nào đẹp cho bằng
được!”.
Thế nhưng, bên cạnh sự gặp gỡ có tính cặp đôi như là tri kỉ ấy, mỗi
nhân vật đều có những nét riêng. Những nét khác biệt trong tính cách,
thế giới tâm hồn của hai nhân vật có lẽ là do họ hít thở không khí của
hai thời đại khác nhau. Thầy quản trong “Chữ người tử tù” sinh
ra và lớn lên trong môi trường giáo dục Nho học. Thầy sống trong cái
thời mà người ta muốn sống tốt trước hết phải “tu thân”. Tâm hồn thầy
được thanh lọc trong một bầu khí đạo lí của Thánh hiền, của truyền
thống dân tộc. Còn ông Trưởng Kính lại đang sống ở thời hiện tại, cái
thời mà đồng tiền đang phát huy uy lực vô hạn của nó, cái thời mà mọi
giá trị đảo điên! Trưởng Kính khuôn mình vào trong không gian Hà Nội vừa
có cái đẹp của “ba mươi sáu phố phường” vừa có những rác rưởi của “Làm đĩ”, “Lục sì”, “Cơm thầy cơm cô”,…
Do hoàn cảnh sống khác nhau, nên hai nhân vật tìm cách sở hữu tranh chữ
khác nhau. Để có được chữ ông Huấn Cao, Viên quản dụng tâm rất kín đáo,
đem tấm lòng biệt nhỡn liên tài mà biệt đãi người tù đại nghịch án
chém này. Viên quản chưa có được tranh chữ thật trước mắt mà chỉ có niềm
tin về một bức thư pháp sẽ có. Nhưng con người “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” này không tìm cách chiếm hữu mà đem tình yêu cái đẹp, lòng trân trọng người tài, thái độ “biết giá người” mà mong cầu được chữ đẹp. Cho nên dù bị ông Huấn Cao khinh mạn: “Ta chỉ muốn một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”, thầy quản vẫn một mực cung kính mà “lĩnh ý”. Thầy quản “không lấy làm oán thù” và từ đó “không để chân vào buồng giam ông Huấn”. Viên quản ngục hiện ra trong “Chữ người tử tù”
như một tín đồ ngoan đạo trước vị giáo chủ là cái đẹp. Vì thế, dù bị
ông Huấn khinh bạc đủ điều, Viên quản vẫn không phiền lòng, ngược lại
càng đãi người tù và cả năm bạn đồng chí của ông Huấn nữa, có phần hậu
hĩnh hơn trước. Viên quản ngục chỉ mong mỏi ông Huấn một ngày nào đó sẽ
“dịu bớt tính nết”, ông sẽ “viết… cho mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã mua sẵn và can lại kia. Thế là ý mãn nguyện”. Ông Trưởng Kính trong “Ăn Tết chữ” lại khác. Chưa có được bức trung đường “Hoa Quốc”, ông “như điên như dại” tìm cách chiếm hữu. Ông sử dụng mọi phương thức chính đạo lẫn tà đạo để sở hữu cho bằng được. Bởi không có bức chữ ấy “ông
Trưởng như điên, như dại, không ngớt rủa xả vẩn vơ, làm như thể bức chữ
ấy chỉ đáng dành cho mình chơi thôi còn ngoài ra người khác không có
quyền chạm tới”. Thuyết phục không được Ba Vu, ông đi đêm với lão
Coóng, một người Tàu nghiện, dùng con khỉ có biệt tài ăn trộm của hắn để
trộm tranh chữ. Nhưng bốn lần con khỉ của lão Coóng đột nhập vào nhà Ba
Vu vẫn không lấy được tranh. Trưởng Kính quay sang lão Tài. Nắm được
thóp Ba Vu sợ vợ, Tài tìm đến “thương thuyết” với người đàn bà này. Ba
ta đồng ý thuyết phục chồng nhưng neo giá bức tranh. Ông Trưởng Kính
phải bỏ ra 16 vạn bạc mới mua được. Xem ra để có được chữ đẹp, thầy quản
dùng tâm, dùng thiện ý mong ông Huấn cảm động mà hiểu được “sở thích cao quý” của “một tấm lòng trong thiên hạ”.
Còn Trưởng Kính thì phải sử dụng đến thủ đoạn và đồng tiền. Người ta
nói rằng không có mục đích tốt nếu sử dụng phương tiện xấu để đạt được
mục đích đó. Không hiểu ý này có ứng với Trưởng Kính không?
Thực ra, nếu xét về lí tưởng và mục đích, hai nhân vật này vẫn có chỗ
không giống nhau. Nói một cách khác họ giống nhau về hiện tượng nhưng
bản chất khác nhau. Thầy quản yêu chữ đẹp và kính trọng người tù “thiên lương”
nên ước ao có được chữ đẹp của ông Huấn mà treo trong nhà. Với thầy
quản, chữ ông Huấn là hoài bão, ý chí của một đời hào kiệt, một con
người thiên lương lành vững và một nghệ sĩ tài hoa. Cho nên có được chữ
ông Huấn là có được di bút của một người anh hùng và nghệ sĩ của dân tộc
Việt. Trong con mắt thiện cảm, đầy ấn tượng đẹp của quản ngục, Huấn Cao
là người “có tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục nữa”, ông Huấn cũng là “một người có nghĩa khí”.
Chữ ông Huấn không còn riêng của ông nữa mà biểu trưng cho đạo lí của
thánh hiền. Hiểu như vậy mới thấy, thầy quản không cầu chữ mà cầu đạo,
ông đem tâm hồn và tính mạng của mình mà gìn giữ văn hóa truyền thống
của ông cha, bảo tồn đạo lí của các bậc minh triết. Nếu không như thế
thì thầy quản sẽ không bỏ một đời để mong có được chữ ông Huấn và hẳn
cũng không sẵn sàng đem tính mạng mình ra để dâng hiến cho cái đẹp. Còn
với Trưởng Kính, khao khát có bức “Hoa Quốc” cũng chỉ là thú chơi tao nhã của người Hà Nội, cái gọi là văn hóa Hà Nội mà nhà văn Nguyễn Khải đã ca ngợi trong “Một người Hà Nội”. Nhưng nếu suy ngẫm kĩ, ông Trưởng Kính dù dành cho bức “Hoa Quốc” một chỗ “trang trọng nhất, ngay trên cái án gỗ lũa bầy theo lối đồ cổ…” hay ông có ngợi ca hết mực bức chữ : “Chữ thế mới là chữ chứ. Cứ cho ăn hai bữa rồi chẳng làm gì cả, để ngồi mà ngắm mấy chữ ấy cũng đủ sướng một đời người” thì cũng chỉ để thỏa mãn cái thói háo danh, khoe mẽ. Trưởng Kính chỉ khát khao “ăn Tết chữ”
đúng như nhan đề của truyện ngắn chứ không hề muốn sống đời với chữ.
Nét đẹp của chữ, xét cho cùng chỉ sống với Trưởng Kính trong một khoảnh
khắc tâm lí tự tôn hay mặc cảm tự tôn cũng thế. Thử cảm thức tâm lí của
Trưởng Kính qua những dòng văn này của Vũ Bằng : “Ờ,
ờ, rằm tháng chạp rồi, chả còn mấy lúc nữa mà đã Tết. Hôm qua ở chợ ra,
Cả Chủy gặp ông khoe có mấy thứ dương mới ở Hồng Kông đem về chơi Tết.
Hai Văn có đôi đào, một giá, một tôn, một tước toàn bằng ngọc trắng trên
có khắc trọn bài “Khoái tuyết thời tình” của Vương Hi Chi, rồi đến bọn
Trưởng Tình, Hàn Tuyết, Lang Tâm nữa, anh nào cũng có ít ra một cái gì
mới lạ để trưng bày… ngay đến Bá Can, hắn mới nhập tịch làng chơi, mà
Tết này nghe đâu cũng bê được ở Hành Thiện về hai pho tượng của Phan
Ngọc Thư; một tượng Hàn Tín lòn khố anh hàng thịt đất Hoài Nam và một
tượng Tào Tháo cầm ngang ngọn giáo ngâm sang sảng bài thơ sảng khoái
trên sông Xích Bích”. Ông Trưởng cho rằng ăn Tết với lan, với cúc
là thường lắm, ngay cả những bức tứ bình, năm ba câu đối lòe lọet cũng
xoàng xĩnh không sang trọng. Ông phải chơi trội hơn người khác. Ông phải
chứng tỏ mình lọc lõi, cái lọc lõi của một tay chơi có tiếng trước để “làm thỏa mãn cái “máu mê”, mà sau nữa để cho anh em kiêng nể”.
Như vậy, có thể nói rằng Viên quản đang gìn giữ “Chữ Đạo”, còn Trưởng
Kính thì dùng chữ đẹp làm đòn bẫy để nâng cái tôi cá nhân ích kỉ lên mà
trưng ra trước mắt thiên hạ. Ông ta nhầm tưởng có bức “Hoa Quốc”
thì cái tôi của ông sẽ sang trọng hơn, sẽ mang màu sắc văn hóa của thủ
đô ngàn năm văn vật, nhưng kì thực chỉ là cái tôi tự tôn đang làm vẩn
đục đạo lí sống ở đời. Hiểu như vậy mới cảm động trước tâm tư và tình
cảm của Thầy quản khi nhận lời di huấn của Huấn Cao: “Ngục
quan cảm động vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước
mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹ ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh””. Và cũng hiểu tại sao Trưởng Kính có tâm lí khoái trá, tự mãn đến lạ lùng: “Phần
tôi, thế là Tết của tôi xong rồi. Mà ba ngày Tết này tôi cũng chả cần
ăn uống gì đâu, bà nhé! Ngồi cạnh bà, tôi đốt lò hương ăn Tết chứ thế
này, no chán rồi!”.
Đọc “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và “Ăn Tết chữ”
của Vũ Bằng, người đọc gặp hai nhân vật “mê chữ”, một người thấy “Đạo”
trong chữ, đem tính mang của mình mà chơi chữ; còn người kia thì bất
chấp thủ đoạn, đem đồng tiền ra để mua chữ nhằm thỏa mãn cái thú ích kỉ,
thỏa mãn mặc cảm tự tôn. Để rồi từ đó, người đọc giật mình mà đồng tình
với Nguyễn Tuân, trong đời, người thiên lương thì hiếm hoi, còn bọn
phàm phu tục tử thì nhung nhúc ra đấy.
Dẫu biết văn chương hư cấu từ hiện thực, nhưng sao vẫn xốn xang trước
những nhân vật như Trưởng Kính. Và bỗng nhiên tự hỏi vẩn vơ: đời xưa đã
vậy đời nay thế nào?
HD, 28-6-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét