Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

326. MÌNH ƠI, PHẢI CHỤP GIỰT CƠ HỘI THÔI


        Mấy tháng nay cứ eo sèo đến khổ vì đồng lương hưu ít ỏi mà chi tiêu hàng tháng lại quá lớn. Bà xã tỉ tê: Hai vợ chồng mình phải tìm một việc gì đó để tăng thêm thu nhập, nếu không thì “phá lương” như chơi. Nghe bà xã đề nghị chí lí mà nẫu cả ruột.
      Đúng là khổ. Cả một đời dạy học, khi về nghỉ, cái khó vẫn không thôi đeo
bám. Ngày trước, mỗi lần giảng “Đời thừa” của Nam Cao tôi cứ ra rả theo “Sách hướng dẫn giảng dạy” (bây giờ đổi mới gọi là “Sách giáo viên”). Nam Cao đã viết bản cáo trạng lên án xã hội bấy giờ đẩy người trí thức vào vòng cơm áo tẹp nhẹp. Nợ cơm áo đã ghì nhấn trí thức xuống sát đất đến nỗi  sống không ra hồn nói gì đến viết. Rồi cảm thương cho nhân vật Hộ, cho những trí thức thời Nam Cao. Và cảm động hơn là truyền cho học trò biết “thương vay”, biết đau trước nỗi đau của người trí thức dưới xã hội cũ. Lúc ấy, tôi nhập vai đến lạ lùng, đến nỗi quên hiện trạng đời sống của bản thân. Bây giờ nghĩ lại mới thấy có tội với bản thân và với học trò nữa.
     Mà thôi, vẩn vơ chuyện cũ để làm gì. Phải hiện sinh, hiện thế thôi! Đó… trong tháng này mấy cái đám cưới, mấy cái giỗ, lại còn phải về quê sửa sang mồ mả nữa,… Chuyến này tôi chưa binh “xập xám” mà đã lủng rồi. Tệ thiệt! Chắc phải nghe lời “mình ơi!” của bà xã thôi. Nhưng nghĩ lui nghĩ tới, nghĩ ngược nghĩ xuôi cũng chẳng có kế sách chi cả. Tự dưng tôi thấy tôi như nhân vật người chồng khở trong truyện cười “Nghe lời vợ dặn”, chẳng làm được tích sự gì cả. Không thể để chạnh lòng lâu, tôi quay sang bà xã: Mình ơi! Trẻ chẳng làm được gì, già còn gì nữa mà làm. Mình bảo tìm việc là việc gì? Bà xã sáng mắt: Em cũng nghĩ nhão cả óc… tưởng bế tắc nhưng có cơ hội đây. Mình xem này. Nói xong bà đẩy tới trước mắt tôi tờ báo, tay dí vào cột báo: Đây này, mình đọc đi, có phải là cơ hội tốt không. Việc làm ở đó chứ đâu. 
    Theo chỉ dẫn của bà xã, tôi dán mắt vào cột báo "Thí sinh được đem máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi". Từng dòng chữ lũ lượt hiện ra: Hai điểm mới trong quy chế tuyển sinh. Ngày 29-6, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư “Sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy”.
    - Cụ thể, điểm d, khoản 3, điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia rượu, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi”.
    - Bộ GD-ĐT cũng bổ sung điểm d, khoản 3, điều 9 quy định về việc “Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi...”.
    Đọc xong, tôi tròn xoe mắt, hỏi bà xã: Bài báo đăng tin Bô GD & ĐT cho phép thí sinh ĐH và CD năm nay được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi để chống tiêu cực là rút ra bài học bổ ích từ vụ lùm xùm thi cử ở THPT Đồi Ngô chứ có gì đâu. Mình không thấy người ta xôn xao bàn tán trước quyết định này của Bộ đó à? Sao mình lại bảo có việc làm là thế nào? Nghe tôi nói thế, bà xã cười như hoa tươi: Ai nói gì kệ họ, hai vợ chồng mình phen này mở cửa hàng bán máy ghi âm, ghi hình là trúng chắc rồi. Mình nghĩ hơn một triệu thí sinh, chả lẽ mình không bán được năm trăm ngàn chiếc à.  Nhưng mà vốn đâu, tôi hỏi. Vay ngân hàng, lãi xuất đang hạ mà, bà xã nói đầy tự tin và quyết tâm.
    Nhìn khuôn mặt phớn phở của bà xã, tôi như được bồi dưỡng niềm tin. Tôi vội quàng vai bà xã vừa nịnh đầm vừa hớn hở:
     - Mình ơi! Phải chụp giựt cơ hội thôi! Phải kinh doanh thiết bị ghi âm, ghi hình thôi!
      HD, 30-6-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét