Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

329. NGUYỄN TUÂN QUA MỘT CÂU VĂN


Xưa nay, khi nói đến truyện ngắn “Chữ người tử tù” trích “Vang bóng một thời” (1940), nhắc tới nhân vật quản ngục, người đọc nghĩ ngay đến thú chơi chữ đẹp, một thú chơi tao nhã đậm màu sắc phương Đông của một thời vang bóng trong lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ đó, người ta  ngưỡng mộ Huấn Cao, yêu mến quan
coi ngục, mấy ai chú tâm đến cụm từ “vỡ nghĩa sách thánh hiền” mà nhà văn dùng để miêu tả cái sở thích cao quý của viên quản trong câu sau:
Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”.
Câu văn, trước hết thể hiện niềm khao khát mãnh liệt của viên quan coi ngục. Ông ta mong cầu có chữ Huấn Cao mà treo riêng trong nhà là như có một vật báu trên đời. Ở bình diện này, chữ ông Huấn là vẻ đẹp thẩm mĩ của tác phẩm văn học nghệ thuật. Như ta đã biết, cái thẩm mĩ là giá trị bao trùm của văn học nghệ thuật. Không có giá trị thẩm mĩ, văn học chỉ là sự giả hình của một thứ khoa học xã hội và tự nhiên khác mà thôi. Bởi thế, không một  nhà văn nào, khi cầm bút mà không cày cấy gieo trồng trên mảnh đất của cái đẹp. Dẫu mỗi nghệ sĩ có lí tưởng, quan niệm thẩm mĩ khác nhau, thì họ vẫn rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của cuộc đời, cái đẹp của con người mà sáng tạo nên cái đẹp của văn học nghệ thuật.
Là một nghệ sĩ, Nguyễn Tuân không đi chệch ra khỏi con đường sáng tạo văn chương đó. Ông là một nhà văn ý thức sâu sắc với nghề, khinh ghét bọn con buôn trong văn chương, nên lấy văn chương mà ngông ngạo với đời. Nhân vật Huấn Cao chính là một hóa thân đầy đủ nhất của Nguyễn Tuân. Cũng như Huấn Cao, ông luôn có thái độ “mục thị vô nhân”, nhất là đối với bọn phàm phu tục tử, nhà văn “bướm”, loại nhà văn cũng sấn sổ đến hoa nhưng một đời chặng trao người một giọt mật bướm nào. Cho nên, ta hiểu tại sao ông để cho Huấn Cao suốt đời chỉ vì tri kỉ mà viết chữ gồm mấy câu đối, bức trung đường,… Cũng như ông một đời cầm bút mà tác phẩm không nhiều. Văn chương với ông là cái thẩm mĩ, nhà văn sáng tác chính là khó nhọc cày vỡ trang viết của mình ra mà ươm trồng  cây thẩm mĩ ấy. Cho nên, một thời người ta gọi ông là nhà văn của chủ nghĩa duy mĩ và chính ông cũng vênh váo mà tự nhận như thế.
Thực ra, đấy là một nhận xét thiếu công bằng đối với những tác phẩm của Nguyễn Tuân trước năm 1945. Thiếu công bằng bởi lẽ, nếu không có những tác phẩm của một thời lãng mạn thì sẽ không có một Nguyễn Tuân nhà văn. Thiếu công bằng bởi lẽ, Nguyễn Tuân không chỉ viết những tác phẩm đẹp về hình thức mà xốp xáp về nội dung. Văn chương của Nguyễn Tuân luôn nặng chất đời, nặng tính triết lí, đạo lí, cái phần tạo nên hồn cốt cho tác phẩm. Có thể thấy rõ điều đó qua “chữ” của nhân vật Huấn Cao. Nếu chỉ dừng lại ở sự điệu luyện trong phép viết chữ, chữ ông Huấn “đẹp lắm” thì Nguyễn Tuân quả là nhà văn của chủ nghĩa duy mĩ. Nhưng không, ông để cho viên quản ngục ngợi ca thêm chữ ông Huấn “vuông lắm”. Vuông chính là chí khí hoài bão tung hoành của đời người. Vuông hình như nằm trong khái niệm “trời tròn đất vuông” gợi ý chí kẻ làm trai “vòng trời đất dọc ngang ngang dọc” (Nguyễn Công Trứ). Như vậy, trong cái nhìn mĩ học sáng tạo, Nguyễn Tuân không chạy theo vẻ đẹp hình thức mà quên vẻ đẹp của nội dung tư tưởng. Văn chương phải chở đạo lí của thánh hiền thì người “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” mới đem cả sinh mạng của mình mà nâng niu, gìn giữ như thế. Đấy là nhìn từ góc độ sự sáng tạo của nhà văn.
Sau cùng, cũng câu văn trên, nếu nhìn từ phương diện mĩ học tiếp nhận, sẽ giúp ta ngộ ra nhiều điều. Trước đây, đọc câu văn ấy, người đọc chỉ hiểu nó nhằm miêu tả cái sở nguyện cao quý của viên quan coi ngục, mà chưa chú ý đến ngữ nghĩa của cụm từ “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”. Hoặc nếu có chú ý, người ta chỉ chú ý thời gian sở nguyện hơn là nội dung tư tưởng tạo nên cái sở nguyện đó của quản ngục.
Đúng như thế. “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” không chỉ là cái mốc thời gian, độ dài thời gian của một niềm khao khát, đam mê; mà là “tâm thức” cội nguồn của tình yêu chữ đẹp và mơ ước cháy lòng có được “một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. “Đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” hiểu được nội hàm tư tưởng, triết lí trong sách của Khổng Tử và các bậc mình  triết ngày xưa. “Đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” là nắm được lẽ vận hành của vũ trụ, mối quan hệ giữa con người và trời đất, hiểu sâu sắc các giềng mối trong đạo lí của các bậc minh triết phương Đông. Đó là tam cương: quân - thần, phụ - tử, phu - thê (lưu ý: không nên hiểu các cặp nhân vật trên theo quan hệ lệ thuộc mà là quan hệ âm dương, đây là cách hiểu của Ban Cố: “một âm một dương gọi là đạo, dương được âm mà thành tựu, dương được âm mà có trật tự, cương nhu tương phối, cho nên sáu người trở thành tam cương” (Tam cương lục kí); ngũ luân (nhân luân) theo quan niệm của Mạnh Tử gồm : quan hệ gia đình là phụ - tử, phu - thê, huynh - đệ; quan hệ xã hội là quân - thần và bằng hữu (quan niệm này phù hợp với lí tưởng : tu - tề - trị - bình và “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”;  ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Hiểu như vậy, mới thấy Nguyễn Tuân không hề dễ dãi đối với người tiếp nhận văn chương. Muốn thưởng thức trọn vẹn và đầy đủ cái thẩm mĩ của văn chương nghệ thuật, người đọc phải có kiến thức sâu rộng về vũ trụ quan, nhân sinh quan, hình nhi thượng, hình nhi hạ, hay sống đúng đạo lí của thánh hiền mới chạm được chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, mới cảm nhận được hương vị của cái đẹp tỏa ra từ tác phẩm. Nhà văn yêu cầu nghiêm ngặt, người đọc phải “biết đọc”, “biết đọc vỡ nghĩa” và “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” thì mới cảm thụ được cái hay cái đẹp của văn chương. Nếu không đượcmới như thế, người đọc chỉ tiếp nhận một góc độ nào đó về nội dung, hoặc chỉ cảm thụ cái bề ngoài da thịt của tác phẩm mà thôi.
Qua câu văn: “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”, ta mới thấy một Nguyễn Tuân biết quý trọng đạo lí thánh hiền, đạo lí của người xưa. Không những thế, ta cũng bắt gặp một Nguyễn Tuân có quan niệm đúng đắn và sâu sắc trong quan niệm về mĩ học sáng tạo và mĩ học tiếp nhận. Từ đó, ta hiểu tại sao Nguyễn Tuân không dễ dãi với văn mình và với văn người. Và hiểu tại sao, văn ông rất kén người đọc, chỉ chấp nhận những ai “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”, những ai biết giữ đời lương thiện.

  HD, 10-7-2012
                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét