Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

323. TÁC GIẢ THẠCH LAM

I. Quan niệm văn chương:
     1. Quan niệm về người tạo tác văn chương:
       1.1. Tính chân thật của nghệ sĩ:
            “Một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi” (Một ý nghĩ nhỏ - Theo dòng, Văn chương Tự Lực văn đòan, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2002,  tr. 489).
            “Chúng ta cứ là chúng ta, với cái tâm hồn và bản ngã thật của chúng ta” (tr. 281).
            “Sự thành thực mới là cái then chốt của nghệ sĩ. Muốn viết một tác phẩm bất hủ, mà giá trị không theo thời ta phải để hết nỗi rung động trong tác phẩm đó” (Sđd)
            “Có nhiều nhà văn không dám nhìn thẳng vào sự thật bao giờ. Trong tác phẩm của họ, những cảnh tả đều là bịa đặt, không có thật, các nhân vật đều có những khuôn sáo tâm lí sẵn có trong các sách trước” (Một ý kiến, Theo dòng)
            Dieu La Rochelle (Pháp): "Viết văn về vấn đề gì thì viết, nhà văn cốt nhất phải đi sâu vào trong tâm hồn mình, tìm những tính tình và cảm giác thành thực: tức là tìm thấy tâm hồn mọi người qua tâm hồn mình, đi đến chỗ bất tử mà không tự biết". (Dẫn theo Thach Lam, tr. 490).
            “Bỏ hết cái sáo, những cái kêu to mà trống rỗng, những cái giả dối đẹp đẽ, tìm cái giản dị, sâu sắc và cái chân thật, bằng cách quan sát và rung động đúng, đó là công việc các nghệ sĩ phải làm” (tr. 497)
           1.2. Tâm và tài của nghệ sĩ:
                - Người nghệ sĩ phải có trực giác nhiệm mầu.
            “Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không, chứ không có thể học tập mà thành được. Muốn cố sức tìm hiểu thế nào cũng không bằng cái “trực giác “ nhiệm màu của tâm hồn nghệ sĩ” (tr. 518).
            “Các nghệ sĩ là những người không có một cái khoa học nhân tạo nào có thể gây thành được. Họ vẫn là những sản vật của bao nhiêu thế hệ, theo một cách thức chung đúc huyền bí và không có luật lệ; họ là những cái sinh sản bất ngờ, những cái đột nhiên kì dị và ghê gớm của vũ trụ. Nhân vật ra ngoài khuôn khổ thường, các nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng rất hiếm. Tìm được đích đáng và tìm được nhiều, đó là danh dự của cả một thời, cả một dân tộc”. .
                 - Nghệ sĩ là người biết diễn tả sự thực tâm hồn mình..
            “Tâm hồn người nghệ sĩ là sự chung đúc của bao nhiêu tâm hồn người trước, đúc bằng bao nhiêu nước mắt nụ cười đã rỏ và nở từ mấy nghìn năm trước về đây. Tâm hồn nghệ sĩ bởi vậy, là một tâm hồn phức tạp, rất phong phú, vì đủ hết các màu sắc và mầm non của tất cả những tình cảm loài người.” (tr. 517-518).
            “Qua tâm hồn ta, chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người. Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết được những trạng thái tâm lí của mình một cách sâu sắc, chúng ta mới hiểu biết được trạng thái tâm lí người ngoài” (tr. 490).
            “Chúng ta chỉ có thể bằng các nhà văn ngoại quốc, khi chúng ta đi sâu vào tâm hồn của chúng ta mà thôi” (tr. 494).
     2. Quan niệm về tác phẩm văn chương:
            “Có những tác phẩm được người ta lưu ý mãi mãi, càng về sau càng nổi tiếng; có những tác phẩm chỉ nổi tiếng một thời, rồi về sau chìm đắm và do sự quên, không ai nhắc đến nữa. Tác phẩm trên là tác phẩm, ngoài các phần cấu tạo vì thời thế, còn có những cái gì bất diệt đời đời, trong các nhân vật; tác phẩm dưới là tác phẩm chỉ có những cái sôi nổi một thời mà không có cái gì lâu bền sâu sắc
            “Chỉ có những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến tính tình bất diệt của loài người, chỉ có những tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi.” (tr. 490).
            “Theo ý tôi, một tác phẩm nào của nhà văn cũng có một chút ít nhà văn trong ấy. Muốn dùng danh từ gì mặc lòng, tả chân, khách quan, hay chủ quan, cái bản ngữ của tác giả, cũng lộ ra trong những câu văn tác giả viết”. (tr. 494).
            “Khi tâm hồn ta đã rèn luyện thành một sợi dây đàn sẵn sàng rung động trước mọi vẻ đẹp của vũ trụ, trước mọi cao quý của cuộc đời, chúng ta là người một cách hòan tòan hơn” (tr. 503).
            “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn” (Theo dòng).
     3. Quan niệm về nhân vật văn học:
            3.1. Quan niệm về con người:
 “Trong người ta cái tốt và cái xấu lẫn lộn”.
             “Người ta không muốn sống một mình, mà có liên lạc mật thiết với những người khác, với xã hội”.
            3.2. Quan niệm về nhân vật:
            “Các nhân vật hoàn toàn không lấy được cảm tình người đọc”.
            “Đối với một nhân vật hòan toàn chúng ta có lẽ phục nhưng mà chúng ta không yêu. Chính vì một nhân vật hòan toàn là một nhân vật không thực, một nhân vật bịa đặt bởi tác giả và vì thế không linh động chút nào”.
            I Quan niệm nghệ thuật về con người: Con người ân hận.
            “Nhà nghệ sĩ giỏi là nghệ sĩ tạo ra những nhân vật thật và họat động, ngoài những tính cách và đặc điểm của cái địa vị xã hội, tìm đến được cái bí mật không tả được ở trong mỗi một con người” (tr. 495).
            L. Tolstoi: “Nhân vật của tôi, kẻ mà tôi đã cố gắng giới thiệu với tất cả vẻ đẹp của nó, kẻ đã, đang và sẽ bao giờ cũng đẹp, kẻ ấy là sự thật”.
     4. Quan niệm về người đọc văn chương:
            Thạch Lam cho rằng có hai loại: “Chỉ cốt xem truyện” và “Thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lí giống tâm hồn mình”, “họ biết thưởng thức một câu văn  hay, một ý tưởng sâu sắc và cảm thấy một cái thú vô song khi sắp bước vào tâm hồn của một nhân vật nào”, “một cách luyện mình để cho tâm hồn phong phú hơn lên”. “Sống đầy đủ hơn”, “làm người một cách hoàn toàn hơn”, “những tính tình tốt đẹp nhất của người, tình yêu và tình thương, cũng sẽ nhờ tiểu thuyết mà nẩy nở rộng rãi thêm”.
     5. Quan niệm về tiểu thuyết:
            “Tiểu thuyết là một câu chuyện xếp đặt, một sáng tác của trí tưởng tượng”.
            “Tìm xét sự sống ở trong ta và ở quanh ta, tức là biết nhận được cái gì đang thay đổi, những mầm mống gì sắp nẩy nở, ở mặt tâm lí thì quan sát được tâm lí sau này của con người, ở mặt xã hội thì phác họa được trước cái xã hội khác sắp đến thay. Cho nên những nhà văn thực tài đều là những nhà tiên tri: họ đóan biết và vì thế giứp đỡ vào cái gì sẽ được xây dựng sau này”.
            M. Bakhtin: “Đối tượng miêu tả nghệ thuật của tiểu thuyết là hiện thực đương thời, dang dở, không hoàn thành và luôn luôn biến động”, “khu vực tiếp xúc trực tiếp với cái thời hiện tại không hòan thành ấy. Cơ sở của nó là kinh nghiệm cá nhân và hư cấu sáng tạo tự do”(Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb VHTT, Hà Nội, 1992, tr. 74-75).
            “Cái khuynh hướng của tiểu thuyết bây giờ hết sức gần sự sống, để được linh họat và thật như cuộc đời”, “tiểu thuyết dạy ta biết sống, nghĩa là dạy ta biết sung sướng”.
            “Tôi ưa câu này của Maurice Barré: Một cuốn tiểu thuyết hay là một cuốn tiểu thuyết đã làm ta rung động” (tr. 496).
            “Nghệ thuật và văn chương, muốn tiến thoái mãi mãi, lúc nào cũng tươi thắm và mạnh mẽ, không sợ khô héo hay cằn cỗi, bao giờ cũng phải đi theo, bao quát và cố vượt lên trên cái sống tiềm tàng và ngấm ngầm trong tâm hồn người cũng như trong vũ trụ” (Tr, 515).
            “Tôi tưởng quyển tiểu thuyết hay nhất - hay công dụng nhất - là quyển tiểu thuyết sẽ làm cho ta yêu, ham muốn yêu, không phải là yêu một người, nhưng yêu mọi người; không phải một vật, nhưng yêu mọi vật. Hiểu biết tình yêu, thưởng thức những thú vị phức tạp và nhìều màu sắc của tình yêu, còn gì sung sướng hơn nữa! Mỗi cử chỉ, mỗi hành vi của ta đều có một ý nghĩ riêng. Chính nhà tiểu thuyết gia có biệt tài là nhà văn đã diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lí uyển chuyển của người, nhà văn chính mình có một tâm hồn rất phức tạp và giàu có” (Theo dòng).
            Nguyễn Đình Thi: “Tác phẩm nghệ thuật là một hình ảnh thực tại, nhưng đó là hình ảnh có linh hồn. Mà chính cái linh hồn này mới làm cho tác phẩm sống, nghĩa là dù trải qua thời gian vẫn gây được xúc động trong lòng người”. (Thực tại với nghệ thuật, Nxb Văn học, Hà Nội, 1969).
 II. Quan niệm về cái đẹp:
     1. Quan niệm:
            Nguyễn Thành Thi: “Thạch Lam cũng đi tìm cái đẹp, nhưng với ông, trong đời sống, cái đẹp vốn tiềm tàng khuất lấp và trong văn chương, cái đẹp là sự sống được cảm thấy” (Thạch Lam, Về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr. 188).
            “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phải phát hiện cái đẹp ở chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.” (tr. 500).
            “Tôi thấy trong cái mầm đầy nhựa của một cây rất tầm thường, trong những túp lá non, nhiều ý nghĩa: sự sống mạnh mẽ, tràn trề của mọi vật, cái vui sướng của mầm cây từ dưới đất nhô lên đón ánh mặt trời, cái rung động của ngàn lá trong cơn gió. Tất cả những cái ấy đối với tôi thật tuyệt đẹp... Với tôi sự đẹp có muôn hình vạn trạng phong phú và đầy đủ, có những giá trị khác xưa”. (tr. 500)
            “Và tôi xin nhắc lại câu nói này của André Bellesort:Không gì bằng sự thực; sự sống là cái chuẩn đích, là mực thước của mọi vật”” (tr. 501).
            Có thể khái quát ngắn gọn các quan niệm về cái đẹp của Thạch Lam:
            1) Cái đẹp hoàn toàn không có giới hạn và không bị giới hạn bởi thời gian, khôn gian. Cái đẹp rất phong phú và rất đa dạng chất chứa trong cuộc sống quanh chúng ta. Chính cái đẹp như thế sẽ mở ra một tiềm năng, một chân trời vô tận cho nhà văn tìm kiếm, khám phá và sáng tạo.
            2) Cái đẹp khuất lấp không dẽ dàng nhận biết, cho nên nhà văn cần có sự tinh tế lịch lãm. Quan niệm này khẳng định vai trò khiêm tốn của nhà văn, nhưng là vai trò có tính quyết định của nhà văn trong việc mở cánh cửa dẫn dắt người đọc vào thế giới của cái đẹp.
            3) Cách nhìn cách cảm mỗi người. Mỗi thời sẽ cấp cho cái đẹp những giá trị riêng. Đây là quan niệm về bản sắc riêng trong quan niệm của nhà văn và của mỗi thời đại văn chương.
     2. Những biểu hiện: tìm và phát hiện cái đẹp trong văn chương Thạch Lam:
             * “Bỏ những cái sáo, những cái kêu to mà trống rỗng, những cái giả dối đẹp đẽ, đi tìm cái giản dị, cái sâu sắc và cái thật, bằng cách quan sát và rung động đúng, đó là công việc các nghệ sĩ phải làm” (Theo dòng).
            2.1. Cái đẹp của thiên nhiên nơi làng quê đồng nội Việt Nam.
               2.1.1. Vẻ đẹp của bóng tối:
                 - Truyện ngắn “Bắt đầu”:“Loan trở lại cái mộng xinh đẹp của mình. Sung sướng, nàng nhắm mắt để bóng tối đến, mát và rực rỡ bao bọc cả tâm hồn, thân thể nàng”, “Bóng tối dưới vòm cây thân mật, như giục gọi: lối đi trong vườn quen thuộc giữa hai bên, là lối đi nhỏ âm cúng vô cùng” (tr. 190). “Nàng đến bên cửa sổ, nhìn ra vườn. Bóng trăng xanh rót qua vòm mảnh lá cây, chiếu vào. Gió thổi hiu hiu mát hai bên cổ nàng, tóc phất phơ. Loan nhớ đến mái tóc xỏa của Minh khi chàng quay lại gọi nàng, ngày nào ở trong vườn” (Thạch Lam, Văn chương Tự Lực văn đòan, tập III, Nxb bản Giáo Dục, 2001, tr. 362).
                 - Truyện ngắn “Bóng người xưa”: “Vân không thấy trước mắt mình nét mặt hàng ngày của vợ nữa, chàng chỉ thấy một người vợ trẻ hơn đẹp hơn. Những vết nhăn của người đàn bà luống tuổi đã mất đi trong bóng tối; khuôn mặt trở nên đều đặn, cái miệng hơi hé trên hàm răng nhoe trắng muốt, đối mắt long lanh sáng”.
                 - Truyện ngắn “Hai đứa trẻ”: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung, và thoảng gió mát. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”.
                 - Truyện ngắn “Cô hàng xén”: “Lúc Tâm ra về trời đã tối. Nàng vội vã bước mau để về cho con bú. Sương mù xuống phủ cả cánh đồng, và gió lạnh nổi lên (...) Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện trước mặt, tối tăm và dày đặc; Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già, tòan khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối”. (tr. 382).
                2.1.2. Vẻ đẹp của  tạo vật bình dị, đời thường nơi thôn hương:
                 - “...Dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và cô nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két” (Cô hàng xén, tr. 373). “Chân cô giẫm lên lá khô và tai nghe tiếng xao xác đã quen; mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt” (Cô hàng xén, tr. 374). “Mùi phân trâu nồng ấm sặc ngay vào cổ; thoáng qua cô nghe tiếng chân trâu đập trong chuồng” (Cô hàng xén, tr. 374).
                 - “Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ấm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này” (Hai đứa trẻ, tr. 350).
                 - “Ngoài vườn vẫn nắng. Giàn thiên lí pha xanh một bên áo tráng của Nga. Những búp hoa lí non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá.” (Dưới bóng hòang la, tr. 366). “Qua vườn, Thanh tiễn Nga ra đến cổng, di qua hai bên bờ lá ướt sương. Mùi hòang lan thoang thoảng bay trong gió ngát" (Dưới bóng hòang lan, tr. 367).
                 - “Một cơn gió mát ở cánh đồng ruộng đưa tới bay tung vạt áo Trường, đem lại cho Trường cái mùi dễ chịu của đất ải mới cày lẫn với mùi hương thơm của cỏ xanh” (Ngày mới, tr. 413). “Trường thích xuống dòng sông Tiên tắm mát, rồi bước bước những bực gạch lên vườn sau nhà bà Nhì, đứng yên lặng lúc lâu, để hưởng cái mùi thơm dịu dàng của hoa mộc hòa lẫn với cái mát của buổi mai” (Ngày mới, tr. 425).
                  - Truyện ngắn "Những ngày mới": “Qua hàng rào cây, Tân thấy lấp lánh đèn ở sân các nhà, tiếng néo đạp lúa trên cối đá, tiếng hạt thóc bắn vào nia cót như mưa rào. Đâu đâu cũng thấy tiếng cười nói vui vẻ: cảnh đêm trong làng thôn quê vẫn yên lặng, âm thầm thì chiều nay họat động vô cùng. Mùi lúa thơm vương lại trong các bụi cây hòa lẫn với mùi đầm ấm của phân, cỏ, bốc lên khắp cả” (tr. 284).
           2.2. Cái đẹp của con người:
                - Những thiếu nữ dậy thì bắt đầu yêu: Hậu (Nắng trong vường), Liên (Tiếng sáo), Hảo, Trinh (Ngày mới), Tâm (Cô hàng xén), Nga (Dưới bóng hoàng lan) Loan (Bắt đầu): "Loan chỉ thấy yêu mà thôi. Tâm hồn nàng nẩy nở đón tình yêu như cái cây non đón nước mưa. Nàng yêu Minh như đứa trẻ mới bắt đầu yêu say sưa và lóa mắt vì chính cái tình yêu của chính mình” (tr. 359).
                - Những người phụ nữ tần tảo làm vợ làm mẹ: Tâm, Liên (Cô hàng xén), Liên (Một đời người), mẹ Lê (Nhà mẹ Lê), bà Nhi, bà Phán (Ngày mới).
      - Những người tưởng chừng chỉ tập trung cái ác, cái xấu theo quan niệm thông thường cũng tiềm tàng những cái đẹp cao quý bất ngờ, hay những rung cảm đáng trân trọng: bà đầm (Người đầm), bà Cả (Đứa con).
2.3. Cái đẹp trong những "mầm sống" của sự sống:
      - Cái đẹp của những cô gái trong mắt người yêu họ.              

+ Trinh (Ngày mới): “Một nụ cười rất duyên ở trên cạp môi đỏ và hai lúm đồng tiền in rõ trên má hồng hào. Nàng trông dịu dàng và tươi thắm. Lòng yêu mến, Trường thấy mạch máu chạy mạnh trong người và một niềm vui ham sống tự nhiên tràn ngập cả tâm hồn” (tr. 417).
         + Nga (Dưới bóng hoàng lan): “Chàng nhìn thấy cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc của bà chàng” (tr. 365), “Qua vườn, Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá ướt sương. Mùi hòang lan thoang thỏang bay trong gió ngát” (tr. 367).
                 - Cái đẹp của “Đứa con đầu lòng”:
                        + “Tân lại gần, cúi nhìn đứa bé. Chàng thấy trong lòng một mối cảm động êm đềm và phiền phức. Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống,...” (tr. 280).
                        + “Tân rón rén khẽ giở tấm màn tuyn nhìn thấy đứa trẻ nằm gọn gàng trong vải trắng. Chàng cúi mình xuống, yên lặng đợi trên cặp môi nhỏ bé một nụ cười.
                          Và Tân thấy lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy” (tr. 280).
                - Cái đẹp của truyện ngắn "Những ngày mới"::
                        + “Tân và bọn thợ gặt bước đều về nhà, ai nấy đều yên lặng không nói gì, như cùng kính trọng cái thời khắc của ngày tàn. Trong cái giờ khắc này, Tân như thấy cảnh vật đều có một tâm hồn, mà lớp sương mù kia là tâm hồn của đất mầu đã nuôi hạt thóc cần cho sự sống của loài người” (tr. 284).
                        + “Một cơn gió hay một cái mầm cỏ non, đối với chàng đều có ý nghĩa riêng”.
   _____________________ (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét