Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

308. VĂN XUÔI XUÂN DIỆU

1. Phấn thông vàngTrường ca. Hai tác phẩm có đặc điểm chung: tính trữ tình và thể hiện hình ảnh cái tôi trữ tình Xuân Diệu đắm say sự sống mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu.
         Phấn thông vàng là một tập truyện. Truyện là cái tôi của Xuân Diệu trong thơ nhưng không trực tiếp thể hiện như Thơ thơ. Có sự khác biệt này là
do phương thức tự sự khác với trữ tình. Đây là một tập truyện mà Xuân Diệu không che đậy tính chủ quan của mình. Ngay từ lời nói đầu truyện Phấn thông vàng, nhà văn viết:
    “Người viết văn đem ghi lại sự đã xẩy ra, nhưng viết xong họ thấy rằng họ chỉ chép những âm điệu của lòng mình. Mà câu chuyện vẫn còn đó để làm vì để lấy cớ! Câu chuyện cũng như một cái giá để áo, một cái giàn hoa... Kể gì cái truyện! Miễn là có những ý tưởng chảy thành tràng giang, những tình cảm chảy ra, một bóng chiều ôm ấp một trái tim đang đập theo nhịp đời... Truyện ư? Một ít truyện ở ngoài cũng đủ gợi trăm truyện trong cõi sống bên trong. Tâm hồn người có biết bao nhiêu là truyện... Truyện chỉ là đời, mà đời phải nhường chỗ cho mơ, cái bên ngoài phải lùi lại sau nội tâm, sau nỗi lòng”.
    “Trong phần nhiều truyện của tôi, vai chính không phải là một người mà là nỗi lòng, một tình ý, hay một con vật, một đồ dùng... Nói vật, nói dồ dùng nhưng chẳng qua là lấy đó làm cái giá, cái giàn để mắc, để cài vào đó nỗi lòng mình. Phấn thông vàng nào có truyện gì đâu? Đó chỉ là một cách gửi hương cho gió... Cái Giây, Cái giây không đứt, sự thật của lòng người và sự thực của ái tình...
    Nguyên lí về tính chủ quan của sáng tác cũng là do khát vọng muốn là mình, muốn bộc lộ cái tôi tư do, độc đáo không giống ai. Văn chương lãng mạn không nhằm đạt đến ý nghĩa phổ biến như văn chương thời cổ điển, mà cốt ở tính cá thể hóa một ý nghĩ nào đó, càng khác đời càng khác người càng hay: “Nhưng chàng (nhạc sĩ) cần phải đàn một điệu nhạc mới, thần tiên, kì ảo, làm rung động được mặt trời và xê dịch được mặt trăng”.
    Tác giả Phấn thông vàng đối lập Á Đông và Tây Âu cũng chỉ nhằm đối lập lãng mạn đời thường:
    “Châu thường buột miệng than vãn:
    - Có lẽ ta là một linh hồn Âu Tây lạc giữa thế giới âm ỉ, thầm trộm, dấu che này, lọt giữa Á Đông mù mịt xứ chiêm bao, đem lửa bừng sáng để làm sôi nổi một sự thản nhiên không sôi nổi bao giờ, đem gió băn khoăn uốn cong xáo trộn những hồ đứng vững”.
    Nhân vật lãng mạn thường bất chấp lí trí, khinh ghét những gì là đúng mực, điều độ, mực thước là những cái vốn được coi trọng, đề cao trong văn học cổ điển:
    “Giá như Phan ồn ào, nghịch ngợm, ranh mãnh lên như người ta thì hơn... Cái gì cũng buồn như nhau, dãy phố lặng lẽ, gian nhà không một chút đặc biệt của ông chủ, căn phòng không sáng của bạn tôi, và nhất là ở tầng dưới nới tôi thường đi qua có hai cô gái thế nào ấy. Và cái gì cũng lỡ cỡ; chúng nó xấu hẳn đi, buồn hẳn đi có oọc không? Mọi vật đều buồn một cách lưng chừng...
    “Đọan đường chạy qua đó không đủ rộng để làm một đường phố, cũng không đủ hẹp để làm một con hẻm, đá không chịu lởm chởm mà chỉ hơi gập ghềnh. Nhà không chịu xấu, không chịu tồi mà chưng một vẻ phong lưu nghèo nghèo một ít... Anh sáng không chịu sáng... cả ngày chỉ là một buổi chiều dài”.
    “Giá họ đừng hiền lành như thế thì hơn, giá họ điếm đàng hung dữ, trơ trẽn, lẳng lơ, tôi sẽ được vui vì thấy họ có việc. Tôi sẽ được cười nếu thấy họ đi xe đạp, Tôi sẽ được ngạc nhiên nếu được thấy ho đỏm đáng chọc ghẹo bất cứ người nào... Tôi ước được gặp họ chửi mắng người ở, đánh đập con sen, tôi mong họ ngoa mồm lên, lay động hai cái cặp môi đắp son đỏ chóet. Tôi muốn mặt họ bự phấn, tôi cầu cho họ làm bộ làm tịch, lố lăng bao nhiêu cũng được; thà họ làm cho tôi ghét còn hơn làm cho tôi thương” (Tỏa nhị kiều).
    Với người xưa, học hành là một việc nghiêm túc, đáng trọng; người dạy học cũng được tôn vinh; nhưng với Xuân Diệu - một tâm thức lãng mạn thì không phải như thế: 
    “Khi tôi đi học bỗng nhiên đang lật sách, tôi ngừng tay lại nghĩ tội nghiệp mấy ông giáo dạy tôi. Ông Viên, cái trán cao như một cái lầu, xanh xao như một tấm đá; ông Bính, miệng cười như khóc, méo một cái méo hĩa hùng; ông Thinh, hai tay chốc chốc kéo lại cái quàn tây như sợ bị tuột; ông Lịnh sau vài tiếng nói lại thở “hớ”, “hớ !”, nghĩa là: Hiểu không ? Nghe chưa ? Sao họ buồn cười thế !
    Một thứ ánh sáng nhạt nhạt buồn bao trùm mấy ông giáo kia; tuy đương còn trẻ nhỏ, tôi vẫn cảm nghe cái không khí ngẩn ngơ ở trong lớp học ở giữa cuộc đời. Và nhất là tôi đã thấy họ như những cái máy” (Thương vay).
    Đấy là chuyện người dạy, còn chuyện người học:
    “Chàng trẻ đày mình trong sự học hành, trong sự chinh phục ngôi thứ, bằng cấp và chỗ làm; và khi chàng thành công là lúc thất bại hẳn”. Truyện kết thúc bằng mấy dòng: “Trời ơi, chủ nhật xuân hát ngoài kia, sao ông Hậu Tư năm nay mới 23 tuổi đầu, không chạy ra đuổi vài con bướm” (Truyện người học trò tốt).
    Về tình yêu, nhân vật lãng mạn cũng đòi hỏi tuyệt đối hơn nữa, như Xuân Diệu đã từng viết trong Thơ thơ:
                Tôi thèm muốn vô biên và tuyệt đích
    Ở truyện Cái giây không đứt, Xuân Diệu đã đưa ra một quan niệm về tình yêu:
    “Luôn luôn thắc mắc, lo toan không ngớt, xôn xao không ngừng, yêu như thế tức là đổ dầu cho đèn sáng mãi, thêm củi cho lửa không tàn, là giữ màu tươi thắm, thêm bao thú vị cho tình yêu
    Phấn thông vàng có thể coi như một tùy bút, một loại truyện ý tưởng. Bởi ở loại truyện này tác giả đã trực tiếp gởi gắm vào đấy những nghĩ suy, tình cảm của mình:
    “Chàng yêu không đủ sao ?... Chỉ sợ ta nghèo không đủ tình để phung phí, ta không thèm nghĩ thiên hạ cho lại, nhưng ta cứ cho, tự khắc thiên hạ cũng đem đến cho ta. Mà nếu thiên hạ không cho thì đã sao chứ ? Phấn thông vàng đã làm đẹp không gian, tình của ta sẽ thêu mộng cho tấm vải xòang xĩnh của cuộc đời, bầu trời sẽ vang động những tiếng dàn hát, những phấn vàng của lòng yêu; và cuộc đời, nhờ bọn đa tình sẽ kém bề hững hờ, nhạt tẻ
    Truyện Sợ chính là để đối lập tâm lí lãng mạn với tâm lí thường tình trong tình yêu:
    “Tình chàng mãnh liệt đi phăng tới trước càng lâu càng rộng lớn, để một ngày kia ra nơi biển cả, được biết cuộc sống phong ba của những làn sóng không nghỉ bao giờ”. Nhưng Phi người chàng yêu thì ngược lại: “Phi giản dị, Á Đông đến nổi nàng không tự biết nàng cơ; thế bảo nàng biết Châu sao nổi. Một lần nàng nghĩ thóang qua: “Dễ thường anh Châu của ta hơi điên” nàng thấy sợ, nàng thường tưởng đặt chân lên một hoang đảo nào, hay tình cờ đứng giữa sa mạc... Phi không dám đưa chén nước của nàng đổi lấy một bể triều lên. Nàng sợ...nàng sợ...
    Nhân vật Châu đã nghĩ sự thất bại trong đường tình của mình:
    “Tại tôi. Tôi đương nhiều lí tưởng, đầy thanh niên, tôi hăng hái sôi nổi quá, nàng như một cành lá hổ ngươi tôi không biết dỗ dành, chậm rãi, tôi chỉ giỏi mãnh liệt, mà không biết cái thuật nhẹ nhàng... Tôi động mạnh vào cây, lá hổ ngươi khép lại rồi.
    Tình cảm thiên nhiên chiếm một vị trí quan trọng trong văn chương lãng mạn. Thiên nhiên trong Phấn thông vàng thấm nhuần cảm xúc và được cảm nhận theo chủ quan độc đáo của nhà văn:
    “Nhị vàng của thông, ồ ! Tình yêu của thông đó chăng ? Gió hơi se, tiếng ngân hữu ý, khí trời thành một sự đổi trao, muôn cây chắc đương khoái lạc vì đương sống việc ái tình, đó là nhị thông thóat hoa đực bay đi tìm hoa cái. Rừng thông sung sướng, ái tình tản mạn, ôm ấp không gian: Ây là rừng thông đang yêu”.
    Ở truyện Thân thể:
    “Một cái thích miên man lan ở dưới trời, có lẽ không gian quặn lại vì sung sướng. Nước. Nước xanh và chảy ánh vàng yên lặng. Yên lặng và đầy nhớ nhung”.
    Ở Phấn thông vàng, văn phong đầy thanh sắc, cuồng phóng, rực rỡ, đập mạnh vào tưởng tượng, có sức gợi cảm lớn:
    “Đọc thư tình ! Trong mùa thu ! Để thấy ngón tay cảm động như đàn trên phím giấy, để nghe những chữ, những tiếng mở ra như những hộp đựng ngọc, hé ra như những cánh môi. Một làn gió nhỏ đến tự chân trời xa xôi, thổi mơn man vào giấy; thế là tai ta, đã chờ sẵn, vội vàng nhầm tưởng giọng nói thân yêu. Ôi một bức thư tình !
     2. Văn xuôi Xuân Diệu là sự phát triển những tứ thơ của ông.
    - Tứ “Xuân không mùa”, “xuân vĩnh viễn”: “Thu cũng là một mùa xuân (...) xuân tới thu là hai bình minh trong một năm (...) Đầu xuân là bình minh ấm của lòng tôi, đầu thu là bình minh mát của lòng tôi” (Thu)
    - Tứ sức sống tuổi trẻ và tình yêu: “Tay chân bằng mầm, mắt bằng hồ, lòng bằng lửa, miệng bằng hoa” (Giã từ tuổi nhỏ).
    - Tứ tình đơn phương: Phấn thông vàng rải rác nhị vàng vào trời đất mênh mông.
    - Tứ quan niệm về nghệ sĩ: “Thi sĩ ghé vào dân gian trọ một vài đêm, tìm đôi an ủi... Và họ lấy chưa vừa ư, thì người thi sĩ trẻ tự tay lấy vào cái lõi sống còn của mình, để mà phân phát” (Chú lái khờ).
     3. Văn xuôi Xuân Diệu tả đời cặn kẽ hơn thơ.
    - Tỏa nhị kiều: Đời ao tù. Đời là một cái ao phẳng lặng. Con người hiền như một hột cơm, sống nhạt nhòa vô nghĩa và trống rỗng giữa cuộc đời. Đây là quan niệm nghệ thuật con người bị đời đánh lưới. “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới – Chẳng biết đi đâu đứng sầu bóng tối” (Khi chiều giăng lưới).
    - Thương vay: Hình ảnh bà lão quê nghèo khổ một mình thui thủi trên bóng tối của con đường vắng. Sống là một cuộc độc hành dài ngày, lê thê giữa mê cung đời. Trên con đường độc hạnh đó, con người chưa hề nhận rõ khuôn mặt của hạnh phúc.
    Tóm lại, văn xuôi Xuân Diệu là một thứ chủ nghĩa hiện thực trữ tình, một dòng phụ lưu trong sáng tác thơ của ông. Sau năm 1945, văn xuôi Xuân Diệu hướng về nhân dân. Cái tôi trong văn ông là cái tôi công dân (Triều lên những bút kí và tùy bút).
     4. Vận dụng kĩ thuật thơ vào văn xuôi: những chi tiết, hình ảnh đẹp, ngụ nhiều ý nghĩa vừa đầy chất thơ, chất nhạc.
    “Cây bàng lại trút lá, say sưa. Cành của nó nhẹ bớt đi, chọc lên cao hơn. Bây giờ tôi mới nhìn kĩ: thì ra ở những cành trụi nhất, đã ló những chút mầm xanh rồi” (Mùa xuân thắng).
    “Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh; ấy là mùa thu đã về (...) Thu không phải là mùa sầu. Ấy chính là mùa yêu, mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau” (Thu).
                                        __________________________


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét