Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

311. MỘT CÂU CHUYỆN, NHIỀU GÓC NHÌN

Ở bài viết “Bạn nghĩ sao ?” của Cao Thông, mình “còm” : “Trẻ - đọc sách để ăn cắp tri thức, trung niên - đọc sách để gánh vác việc đời, lo việc mình, và tuổi lớn - đọc sách để tìm giấc ngủ.”. Bạn ấy “còm” lại : “Nhưng cũng có khi đọc để mất giấc ngủ và nghĩ nát óc phải không bạn ?”. Đọc xong lời "còm" của bạn ấy, mình nghiệm lại, quả có khi như vậy thật! Chẳng hạn như đọc câu
chuyện rất gọn tưởng chừng lọt thỏm trong nắm tay mà một anh bạn gửi qua mail cho mình sau đây. 
     Có người nọ nghe nói về một đạo sư nổi tiếng nên tìm đến hỏi đạo. Đến nơi, anh thấy trong nhà của vị đạo sư trống trơn, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cuốn sách.
     Anh ngạc nhiên hỏi: "Sao nhà đạo sư trống trơn, không có đồ đạc gì cả?"
     Đạo sư hỏi lại: "Thế anh có hành lý gì không?"
     Anh đáp: "Dạ có một va li".
     Đạo sư hỏi: "Sao anh có ít đồ vậy?"
     Anh đáp: "Vì đi du lịch nên đem ít đồ".
     Đạo sư nói: "Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều".
     Không biết đọc xong thì các bạn thế nào? Mình chắc có bạn trầm trồ: ý vị… ý vị lắm, nhưng có bạn sẽ “biết rồi khổ lắm, nói mãi”, hay “chuyện xưa như trái đất”, có bạn ngữa mặt lên trời than. Còn mình thì vắt tay trên trán nằm nghĩ ngợi, có lúc thở dài, nhưng rồi cố gắng phân tích. Và cố gắng lắm, mình mới vỡ vạc chút ít nội hàm trong câu nói của vị đạo sĩ, mới hiểu cái thâm trầm đang trầm tích dưới đáy câu chuyện giản dị trên.
     Thật ra ban đầu mình cũng như các bạn, thấy câu chuyện chẳng có gì mới. Mới làm sao được khi mà các nhà tư tưởng phương Đông và phương Tây đều khẳng định, đối với một đời người, trái đất này chỉ là cõi tạm, đời người chỉ là áng phù vân. Ngay từ câu nói nổi tiếng của triết gia Héraclite, “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” cũng đã thể hiện quan niệm nhân sinh : “Con người một lần bước vào đời và một lần ra đi vĩnh viễn”. Dân gian Việt Nam ngắn gọn và súc tích : “Sống gửi thác về” (Sinh kí tử quy). Nguyễn Công Trứ từng chiêm nghiêm : “Ôi nhân sinh là thế ấy – Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao – Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào – Vừa tỉnh giấc nồi kê chửa chín” (Chơi là lãi). Xuân Diệu thì “Còn trời đất những chẳng còn tôi mãi – Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”. Người hát rong Trịnh Công Sơn cũng cất tiếng ca : “Ta nay ở trọ trần gian – Mai kia về chốn xa xôi cuối nguồn”.
      Nhưng rồi lắng lòng lại, mình như thấy le lói đốm lửa cuối đường hầm  về ý nghĩa sâu xa của câu chuyện.
      Nhìn từ mối quan hệ con người với vũ trụ, câu chuyện “mở mắt” cho mình thấy một góc nhìn.  Khi con người cất tiếng khóc chào đời, chính là lúc con người bắt đầu đăng kí tạm trú trong cuộc thế. Đây là một cuộc tạm trú dài ngày, cuộc tạm trú mà con người phải trải qua nhiều cung đoạn cuộc đời, phải va chạm với nhiều thử thách từ thiên nhiên đến xã hội, từ những người thân đến những kẻ xa lạ, từ những kẻ nằm trong vòng cương tỏa đến những người nhơn nhơn tự tại ngoài vòng cương tỏa, từ nhưng người trong cõi ta bà đến những người ngoài cõi người ta,… Ôi thôi thôi, hằng hà sa số cú va đập lắm. Kẻ chịu được thì lớn lên và đường hoàng đi về phía trước, người không chịu được thì trở về nơi đã đến - nơi trước khi họ cất tiếng khóc vuốt mặt làm người. Để rồi, do thời gian và những ứng xử đầy phức tạp trong cuộc sống mà người ta quên mất mình là ai, từ đâu đến. Con người quên hẳn họ chỉ là một "khách du lịch" đi qua cuộc đời này, họ nhầm tưởng một cách tai hại rằng họ chính là chủ của ngôi nhà vũ trụ. Mà đã là chủ, họ ít khi tỏ thái độ sống thân thiện với môi trường thiên nhiên và xã hội. Họ khoét rỗng cả ruột gan trời đất, vắt đến giọt tài nguyên cuối cùng,… Họ nghĩ rằng họ là chủ cho nên có quyền khai thác đến cạn kiệt môi trường thiên nhiên đến nỗi làm thay đổi hệ sinh thái, tầng khí quyển.
      Người phương Tây nhầm tưởng đã đành, người phương Đông cũng hồ đồ nốt. Cái đáng buồn là người phương Đông do choáng ngợp trước văn minh phương Tây mà quên đi nền tảng tư tưởng triết lí  của Lão Tử, của Trang Tử, của Sĩ Đạt Đa. Cho nên, họ đến và tạm trú trong vũ trụ này như một người khách bị đánh cắp lòng tự trọng, rồi thay vào đó bằng tính tham lam. Họ quên mất, họ chỉ là "khách du lịch" đi qua vũ trụ này. Cho nên, họ ra sức chiếm hữu tài sản của chủ làm tài sản của riêng mình. Rồi họ khai thác những tài nguyên đó, nếu không khai thác được thì họ bán, bất chấp kẻ mua để khai thác đó là ai. Và như thế, những người khách trọ xấu xa kia đâu biết rằng họ đang gây ra một hậu quả tại hại khôn lường đối với sự sống của Trái Đất và sự mất còn của muôn loài.
     Nhìn từ góc độ phân tâm học lại thấy khác. Vì quá yêu cuộc sống của riêng mình, con người không biết là họ chỉ là khách trọ trong quán trọ đời, họ chỉ là người du lịch, nên hành xử theo kiểu độc chiếm. Nói theo K. Jung là họ sống bằng bản năng theo mẫu của tổ tiên, khi tổ tiên họ chưa chui ra khỏi bức màn vô minh. Bản năng mẫu đó là “mạnh thắng yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé”, đó còn gọi là bản năng chúa tể độc tôn. Nếu nhìn từ góc độ phân tâm học của S. Freud, cấu trúc nhân cách của con người gồm : cái Nó, cái Tôi và Cái siêu tôi. Trong quá trình sống, con người quên mình chỉ là khách trọ nên đã xếp xó Cái Tôi và Cái Siêu Tôi mà chỉ sống theo sự sai khiến của Cái Nó. Những khách du lịch, khách trọ ấy đã không hiểu, Cái Nó là bộ phận chứa đầy những ham muốn và dục vọng vô thức. Cái Nó là một tổ chức có tính di truyền, thừa hưởng, đặc biệt là bản năng. Cái Nó vận hành theo nguyên tắc thỏa mãn những nhu cầu ham muốn do tác động từ bên ngoài hoặc từ bên trong, đòi được thỏa mãn thỏa mãn ngay lập tức các nhu cầu, ham muốn bản năng bất chấp hậu quả, cũng như lô gíc. Điều đó cắt nghĩa, tại sao trong cuộc sống này, thực tại này, kẻ thì quên tuổi trẻ mà ôm lấy chức chủ tịch tập đoàn này tập đoàn nọ, kẻ lớn hơn thì rút ruột các dự án, khai khống các khoản đầu tư, kinh doanh,… khiến mồ hôi của nhân dân thành nước mắt.
     Nhìn từ phương diện văn hóa lại thấy thú vị hơn. Mình nhớ không lầm Dilthey chí lí thế này : “Các giá trị của một nền văn hóa phản ánh vào trong tâm lí con người”. Câu nói của Dilthley đã cho mình một cách hiểu câu nói của vị đạo sư : “Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều” là nói về văn hóa phản chiếu qua tâm lí của con người. Không biết mình nói điều này có đúng không. Con người thời nay đang quay cuồng theo quỹ đạo của những giá trị vật chất. Những người khách du lịch đang sống với tâm lí thờ phượng vật chất, xem chỉ có vật chất mới làm nên giá trị con người. Cho nên để có được tiền tài, địa vị chức tước những “khách du lịch” không ngại ngần vứt bỏ lương tâm, đạo đức, chuẩn mực hành vi. Họ ứng xử theo phương châm : “Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất, rất nhiều tiền”.
      Tâm lí đó đã phá vỡ nhân cách văn hóa của chính họ. Không những thế, tâm lí đó còn phá vỡ văn hóa truyền thống của dân tộc. Chẳng hạn như một trong những hằng số văn hóa Việt Nam là trọng tình, “thương người như thể thương thân” đã bị lãng quên. Bởi người ta học làm giàu hơn là học văn hóa, học làm người, học làm người biết sống trong sạch và tình nghĩa. Cứ nhìn vào chuyện phân ban ở bậc trung học phổ thông thì thấy rõ. Ban khoa học tự nhiên thì nhiều vô kể, ban Khoa học xã hội thì lèo teo năm bảy mống. Hay ở các kì thi tuyển sinh đại học, thí sinh nộp đơn vào khối C sao mà lác đác thảm thương đến thế. Nhìn rộng hơn một chút, ngoài đời anh giết em, em giết chị, con giết cha, cháu giết bà; một người hại một người, một người hại nhiều người, ít người giẫm đạp lên sự sống nhiều người, nhiều người vô cảm với nhiều người,... cũng chỉ vì  họ chịu sự sai khiến của đồng tiền quỹ ám. Như vậy, phải chăng tâm lí xem đồng tiền vừa là mục đích, vừa là cứu cánh, vừa là phương tiện một đời người của những “khách du lịch” trong cuộc sống, trong vũ trụ này đã hình thành nét văn hóa con buôn.
      Trên đây là một chút vỡ vạc ý nghĩa của câu chuyện. Mình không đủ tự tin để nói rằng đó là những vỡ vạc đúng, nhưng dẫu sao đó cũng là một góc nhìn của mình. Mong các bạn bỏ quá cho nếu có gì không phải. Riêng với CT, mình muốn nói thêm một câu. Về chuyện đọc sách, bạn nói cũng có lí lắm lắm.
           
 HD, 28-5-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét