Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

314. THẾ GIỚI KHÔNG PHẲNG ĐƯỢC

      Trong lời chúc Tết đầu xuân trên truyền hình, người ta đã viết thư pháp từ “Hồng vận” như một niềm mong đợi, tin tưởng vào vận hội mới của đất nước. Quả thật, những cơ hội là sự mong mỏi không chỉ của một cá nhân mà còn là của một dân tộc. Bàn về vấn đề cơ hội, Joseph E Stiglitz, trong Giải thưởng Nô-ben kinh tế 2001 đã nói : “Anh cho mỗi người một cơ hội giống nhau
nhưng mỗi người nhận được cơ hội một cách khác nhau. Thế giới có bình đẳng về cơ hội thì cơ hội cũng không được nhận thức một cách bình đẳng và do đó thế giới không phẳng được”.
      Cơ hội là những thời điểm mà mọi điều kiện đều thuận lợi để ta phát huy những ưu điểm hay thực hiện mong muốn của mình. Cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để con người khẳng định mình, thực hiện những ước mơ, hoài bão. Nếu cuộc đời “cho mỗi người một cơ hội giống nhau” thì đó chính là quy luật, là sự công bằng của cuộc sống. Không ai có thể tước đi của con người mọi cơ hội. Ta luôn có những thời điểm, những vận hội để tiến lên. Nhưng không phải vì thế mà tất cả mọi người đều nhận được cơ hội một cách giống nhau. Bởi “thế giới có bình đẳng về cơ hội thì cơ hội cũng không được nhận thức một cách bình đẳng”. Không phải ai khi đứng trước cơ hội cũng có thể nhận ra và nắm bắt nó kịp thời. Chỉ những người thật sự sáng suốt, thông minh, linh hoạt mới có thể biết mình muốn gì, cần gì và những điều kiện của cuộc sống liệu đã phù hợp để thực hiện những dự định, ước mơ của họ. Không chỉ cần một cái nhìn thấu suốt, tỉnh táo, nhạy bén mà để nắm bắt cơ hội, ta còn cần cả một quá trình tích luỹ, chuẩn bị lâu dài về nhiều mặt để có thể phát huy toàn bộ tiềm lực của bản thân khi cơ hội đến. Thế nên, nhiều người do không ý thức được sự cần thiết phải có sự chuẩn bị, trau dồi nên khi cơ hội đến đã để nó vụt qua trong tiếc nuối và bất lực. Và dẫu cơ hội có chia đều cho tất cả mọi người thì chính “nhận thức” còn giản đơn của họ đã khiến “thế giới không phẳng được”. Đó phải chăng là một sự gồ ghề, vênh lệch giữa những con người trong xã hội về trí tuệ, nhận thức, năng lực tư duy; về vốn tri thức về nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hoá, bởi sự “không bằng phẳng” trong những cơ hội thành công ? Câu nói của nhà kinh tế trên đã khẳng định một quan niệm đúng đắn và sâu sắc về cơ hội và sự nắm bắt cơ hội của con người trong cuộc sống. Ý nghĩa triết lí sâu xa mà người nói gửi gắm là lời khẳng định con người phải biết nhìn nhận và chuẩn bị để có thể nắm lấy những cơ hội trong cuộc sống này.
       Trong cuộc sống, để vươn lên đạt những được những giá trị cao quý, tốt đẹp hơn, con người phải biết nắm bắt cơ hội để khẳng định mình. Quá trình học tập để thành tài để thành tài của mỗi cá nhân là một minh chứng sinh động. Trên chặng đường tích luỹ tri thức bền bỉ, biết bao cơ hội đến với chúng ta. Nhưng để nắm bắt cơ hội ấy, ta phải có một phẩm chất đặc biệt. Đó là khát khao, là quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng. Ngưỡng cửa đại học chỉ đón nhận một số trong tất thảy học sinh trung học phổ thông. Và cơ hội dành cho tất cả thí sinh là như nhau, không phân biệt hoàn cảnh gia đình và bản thân, có chăng là những ưu tiên phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Chỉ những người thực sự nhiệt tình, có quết tâm, có ý chí học tập mới có thể đậu vào trường đại học. Họ có thể là những đứa con của gia đình nghèo, nhưng ở họ có được một sự “nhận thức” hơn hẳn các cậu ấm cô chiêu về mục đích, lí tưởng học tập. Vậy là, điều quan trọng không phải là cơ hội mà là cách ta nhìn nhận và phấn đấu để đạt được cơ hội ra sao, như thế nào. Khi đã có những cơ hội, tất sẽ có những người đạt được và cả những người bỏ lỡ chúng. Đó là lúc “thế giới không phẳng được” – một quy luật tất yếu của cuộc sống.
Sự không bằng phẳng ấy chính là biểu hiện, là thước đo khả năng nhận thức và chiếm lĩnh cơ hội của mỗi con người trong cuộc sống. Nắm bắt cơ hội không chỉ là vấn đề của nhận thức như ví dụ nêu trên mà còn là vấn đề của con mắt tinh nhạy và thông minh để có khả năng phát hiện những cơ hội còn lẩn khuất trong thức tại và còn dấu mình đâu đó ở tương lai. Ở những thành phố nghèo của Philippin, hội nhân đạo Thiên Chúa giáo nước này đã tổ chức thu gom rác thải, phế liệu và dạy cho người dân địa phương cách chế tác chúng thành những sản phẩm thủ công mĩ nghệ. Nguồn thu từ hoạt động này dùng để duy trì trường học cho con em của họ. Cơ hội được mở ra từ những hoàn cảnh khó khăn nhất với những ý tưởng đầy sáng tạo như vậy để nắm bắt cơ hội, tạo nên một tương lai tốt đẹp cho những người nghèo nơi đây.
      Cơ hội không chỉ là cơ may của mỗi con người mà lớn hơn thế, đó còn là vận hội của cả đất nước. Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO – đặt ra cả những cơ hội và thách thức cho nền kinh tế nước ta. Áp lực của sự cạnh tranh hàng ngoại nhập là một vấn đề lớn. Nhưng hơn thế, kinh tế Việt Nam có cơ hội phát triển ngày càng lớn mạnh cùng với thế giới. Thế giới đang không bằng phẳng và trong thực tế ấy, Việt Nam còn là một nước đang phát triển. Lịch sử chiến tranh đã để lại nhiều gánh nặng và thử thách cho đất nước. Nhưng điều quan trọng hơn hết là một tầm nhìn, một chiến lược để tận dụng cơ hội, hầu vươn ra cùng thế giới.
      Câu nói của Joseph E Stiglitz đã đặt ra một vấn đề đầy tính thực tế của cuộc sống. Đó là cái nhìn sắc sảo về cơ hội trong cuộc đời, mang đến cho ta bài học sâu sắc để có thể nắm bắt vận hội đang đến. Ý thức sâu sắc cuộc sống này có những mảng tối sáng, những cảnh đời bất hạnh, bên cạnh con người giàu sang không phải để ta bất lực, buồn chán, mà hơn hết đó là động lực thúc đẩy con người tận dụng từng cơ hội có được để cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu ta chỉ như những con người hờ hững, không phấn đấu, không quyết tâm tìm kiếm cơ may, vận hội như nhiều kẻ ăn bám vào xã hội trong đời, ta sẽ mãi chỉ là những hố sâu tăm tối của một “thế giới không phẳng” mà thôi.
      Một cái nhìn của nhà kinh tế đặt dưới góc nhìn chân thực của cuộc sống đã mang đến một cách nhận thức thật thấm thía về cuộc đời. Nên chăng, mỗi người hãy tự tìm cho mình những cơ hội và chinh phục nó bằng tất cả tài năng và trí tuệ của mình.
                                   ________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét